Nhà văn Nguyễn Văn Học: Trăn trở với vết thương môi sinh

Thứ Bảy, 21/12/2019, 08:24
Sau khi thành công với những tác phẩm đi sâu vào khai thác số phận người phụ nữ bất hạnh, phê phán thói háo danh trong xã hội, nhà văn Nguyễn Văn Học (hiện công tác tại Báo Nhân Dân) lại đang tiếp tục nổi lên như một “thương hiệu” trong đề tài bảo vệ môi trường.


Mới đây, anh vừa cho ra mắt cuốn sách “Nhạc cây” (NXB Hà Nội) góp thêm tiếng nói mạnh mẽ để tuyên truyền giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên và môi trường, cũng như những giá trị truyền thống của xã hội.

Tôi gặp nhà văn Nguyễn Văn Học vào những ngày đầu thu của 3 năm về trước. Khi ấy, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng có giới thiệu về anh - một người đàn ông với cặp kính cận dày cộp, nụ cười hiền lành, thư sinh, tác giả của một số cuốn sách gây được ấn tượng với độc giả. Thú thật ban đầu tôi cũng có chút ngần ngại vì anh là cây bút đã có tên tuổi còn tôi chỉ mới là người vào nghề, thế nhưng sau một vài câu chuyện tôi thấy anh thật cởi mở, thân thiện và dễ gần.

Tôi nhớ trong cuộc nói chuyện cùng anh, không dưới một lần anh từng nói: “Nếu cuộc đời ta trải qua quá êm đềm thì những tác phẩm ta viết sẽ khó có thể hay được”. Đó có lẽ là những lời “gan ruột” mà anh rút ra được từ những bậc tiền nhân và cũng từ chính cuộc đời mình.

Ít ai biết rằng người đàn ông với dáng vẻ thư sinh ấy lại có một cuộc đời đầy sóng gió, nhiều chật vật và lắm lo toan. Anh là con cả trong một gia đình đông con, có bố mẹ làm nghề trồng rau ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Tuổi thơ của anh, ngoài giờ học là những ngày “phơi mặt” trên những luống rau xanh và rồi đêm về là những giấc ngủ chập chờn khi nửa đêm về sáng đã phải thức dậy để giúp mẹ chở rau ra chợ huyện bán.

Lẽ dĩ nhiên, sống trong hoàn cảnh khó khăn ấy, Nguyễn Văn Học đã nung nấu ý định đổi đời nhưng cách “đổi đời” của anh thật đặc biệt, đó là bằng văn chương. Có lẽ dấu ấn đầu tiên đưa anh đến với nghiệp viết, đó là năm lớp 12 khi anh đã giành Giải Nhất ở một cuộc thi viết truyện ngắn cấp trường.

Và cũng từ đó, cậu học sinh trường làng đã càng cháy bỏng tình yêu với thơ ca, văn học và anh hy vọng đó không chỉ là nghề “kiếm cơm” mà sẽ là nơi giúp anh giãi bày những tâm tư, tình cảm, suy nghĩ cá nhân để tri ân ông bà, bố mẹ, người thân và làng quê yêu dấu của mình.

Thế nhưng con đường đến với văn chương của anh cũng không thật dễ dàng. Khác với nhiều cây bút 8X khác, anh va vấp “trường đời” trước rồi mới vào trường học. Đó là quãng thời gian anh làm việc tại một nhà nghỉ, nơi chứa nhiều cô gái hành nghề mại dâm.

Cứ tưởng ở cái nơi “tối tăm” ấy Nguyễn Văn Học sẽ dễ đánh mất mình, nhưng không, anh vẫn giữ được nét hồn nhiên, thật thà vốn có. Và cũng từ những năm tháng ở đây, anh đã thêm hiểu, đồng cảm và thương xót cho những phận đời “bán hoa” để rồi họ là những nhân vật chính trong các tiểu thuyết “ăn khách” sau này của anh như: “Gái điếm”, “Những cô gái bất hạnh”...

Đó là những cuốn sách mà anh viết trong những giờ nghỉ trưa ít ỏi, những đêm muộn chong đèn nơi góc bếp chật chội sau khi đã vắt kiệt sức với công việc chân tay thường ngày. Có những hôm ngồi trên ban công nhà nghỉ, nhìn về phía ánh sáng thành phố, anh khát khao có một công việc ổn định và được sống bằng niềm đam mê viết lách.

Có lẽ vì thế mà khi đã tích cóp được một số tiền kha khá cùng một số “ngón nghề” viết cơ bản, anh đã ra khỏi chốn “bùn tanh” này để bước vào con đường viết chuyên nghiệp. Và Trường Viết văn Nguyễn Du chính là “bàn đạp” đưa anh đến với ước mơ đó. Dưới mái trường đại học, anh cũng đã phải căng mình học tập, lao động để không những bảo đảm việc học hành mà còn phải viết lách để nuôi bản thân cũng như gửi tiền về phụ giúp bố mẹ nuôi em.

Những tháng ngày vất vả rồi cũng đã qua, sau khi tốt nghiệp đại học, anh về công tác tại Báo Pháp Luật Việt Nam, trước khi vào ngồi ở “gốc đa Hàng Trống”. Tính từ đó đến nay cũng đã hơn chục năm, với biết bao bài báo, truyện ngắn, tản văn và cả thơ ca chứa đựng nhiều suy ngẫm của anh về những vấn đề thời sự. Ở tuổi 38, anh đã sở hữu hơn 20 đầu sách và “gặt hái” được 25 giải thưởng báo chí, văn chương các loại. Đó là những con số biết nói, cho thấy sức đi, sức viết dồi dào không biết mệt mỏi của chàng trai gốc Phú Xuyên.

Rong ruổi trên con đường làm báo với biết bao chủ đề mới mẻ, độc đáo, nhưng dường như trong tâm thức “người con trai nhà quê” ấy luôn thổn thức, đau đáu với thực tế môi trường thiên nhiên đang ngày bị ô nhiễm, phá hủy mà nguyên nhân chủ yếu là do tác động của con người.

Con người tác động xấu lên môi trường sinh thái và chính chúng ta đang phải hứng chịu sự ô nhiễm của môi trường, sự phá hủy của hệ sinh thái với hàng loạt bệnh tật. Đó là một thực tế đáng buồn ở nước ta hiện nay và đang được các cấp có thẩm quyền ra sức tuyên truyền, vận động.

Tác phẩm mới của nhà văn Nguyễn Văn Học.

Đồng hành cùng sự tuyên truyền, vận động ấy, không thể không có sự chung tay vào cuộc của các nhà văn thông qua những tác phẩm của mình. Chính vì thế, anh đã liên tục xuất bản những cuốn sách như: “Chạm cốc với dòng sông”, “Mình ơi anh cưới dòng sông nhé”…. và gần đây nhất là tập sách “Nhạc cây”.

Tập truyện ngắn “Nhạc cây” của Nguyễn Văn Học gồm 20 truyện ngắn. Khác với những truyện ngắn trước, ở tập này, nhà văn đã để cây cỏ, chim chóc, tôm cá trở thành những nhân vật chính, đóng vai trò là nhân vật điển hình kể chuyện. Qua đó thể hiện được xúc cảm và tính tư tưởng trên tinh thần bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống bền vững.

“Nhạc cây” là truyện ngắn tiêu biểu cho lối viết giàu tính nhân văn của Nguyễn Văn Học, khi cây cổ thụ là một chứng nhân kể chuyện, chứng kiến những biến chuyển sâu sắc trong tình cảm những con người kiên trung, yêu nước, bảo vệ Thủ đô yêu dấu. Rồi khi tuổi cao sức yếu, những con người đó lại vững tâm là chỗ dựa cho con cháu, động viên con cháu nêu cao ý chí khắc phục khiếm khuyết bản thân, trở nên yêu đời, yêu người, sống có ích.

Ở đây, tác giả không chỉ để cổ thụ là chứng nhân, mà cổ thụ còn là biểu tượng của sức sống bền vững, tỏa bóng mát, tỏa ra tiếng nhạc, tiếng thơm cho đời. Lồng vào cảm thức đó, hai nhân vật cao tuổi trong truyện đã gieo khao khát sống, sáng tạo, cống hiến, đánh thức dòng nhạc tinh thần trong tâm hồn giới trẻ.

Tiếp nối dòng cảm thức ấy, ở truyện ngắn “Cụ cây”, nhân vật chính là một cụ đa hàng trăm năm tuổi, có cảm nghĩ, có linh hồn, tâm hồn cao thượng. “Cụ” biểu tượng cho giá trị văn hóa lâu đời, bền chặt, nền nếp gia phong mà nhiều đời qua cha ông ta vẫn gìn giữ, phát triển. Nhưng “cụ cây” luôn bị những thứ cây cảnh yếu đuối chê cười, khinh thường, coi là già nua, chậm chạp. “Cụ” cũng bị những kẻ thực dụng, chỉ biết sống trên đồng tiền ngày hôm nay hãm hại, tưới thuốc độc, cố để bứng “cụ” ra khỏi cõi đời này. Nhưng sự bền bỉ, kiên cường ủ nhựa trong “cụ” đã chiến thắng. “Cụ” xanh lại sau khi bị uống thuốc độc, trải qua những ngày thập tử nhất sinh.

Các truyện ngắn: “Mưa hoa”, “Duyên hoa”, “Đoản hoa”… nhân vật là những loài hoa, đại diện cho cái đẹp, cho sự tinh tuyền cũng trở thành tâm điểm của cuộc sống. Hoa luôn được con người yêu quý. Hoa là hình ảnh làm đẹp cho đời. Nhưng trong các truyện ngắn, hoa còn là tinh thần cao thượng mà những người yêu thiên nhiên, yêu văn hóa truyền thống muốn gìn giữ. Chính hoa khiến con người phải hướng tới cái thiện, cái mỹ.

Ở một số truyện ngắn khác như: “Miền nước thơm”, “Cánh chim tìm bạn”, nhà văn Nguyễn Văn Học lại để cho cá, chim là nhân vật chính trong sự bủa vây của những bàn tay con người nhẫn tâm, luôn săn bắt, tận diệt, bất chấp suy thoái môi trường, hủy hoại môi sinh. Những con cá trong vùng ô nhiễm, trong khi bị kích điện bủa vây kêu cứu. Những chú chim trời vô tội, làm đẹp bầu trời, làm đẹp cuộc sống bị săn bắn, bủa vây bằng lưới để rồi phải trở thành những món nhậu đang khóc thét ở đâu đó nơi những làng quê.

Làng quê đang bị đô thị hóa. Làng quê không còn an toàn cho chim cá. Chúng bị tận diệt một cách không thương tiếc. Chúng cũng đang cảnh tỉnh con người khi sự nhẫn tâm đã chà đạp lên thiên nhiên yên bình chỉ để lấy món lợi, miếng ăn trước mắt. Thiên nhiên sẽ bắt con người trả giá.

Có lẽ khi tôi đang viết những dòng này, anh lại đang vác ba lô mải miết ở một phương trời nào đó để tìm hiểu về một dòng sông, một con suối hay một vấn đề nào đó thuộc về môi trường sinh thái. Anh thuộc tuýp phóng viên phong trần vào theo chủ nghĩa “xê dịch”, anh không phù hợp với ngồi phòng điều hòa, máy lạnh. Nguyễn Văn Học cứ mải miết đi, nghĩ và viết như một ý thức tự thân. Anh như một vận động viên ma-ra-tông trong cuộc đua với thời gian và đích đến là những tác phẩm đầy tâm huyết, ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc.

Ngô Khiêm
.
.