Nhà văn Nguyễn Tuân như tôi được biết

Thứ Tư, 13/02/2013, 08:00
Trong quan hệ với một số nhà văn nước ngoài, Nguyễn Tuân được nể trọng. Nguyễn Tuân đã từng giao thiệp với Erenburg (Nga), Simonov (Nga). Nhà văn Tkachev dịch nhiều của Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân cũng có nhiều bức thư trao đổi với Tkachev. Ông hiểu văn hóa phương Tây nên thường tế nhị trong giao tiếp...

Nguyễn Tuân là nhà văn tôi kính trọng nhưng không có nhiều điều kiện để tiếp cận, phần thì do công việc, xa cách về tuổi tác, phần vì do cảm giác ngại ngùng. Tôi thường nghe nhà văn Tô Hoài kể nhiều chuyện về ông. Những câu chuyện thú vị góp phần nói lên nhân cách của Nguyễn Tuân. Có một chuyện kể rằng, ở trong Nam, có một phụ nữ rất mê Nguyễn Tuân, và lòng mê say này bộc lộ qua nhiều câu nói nên có một Nguyễn Tuân giả đã đến với cô. Người phụ nữ mừng rỡ và gắn bó với Nguyễn Tuân giả một thời gian, sau biết là bị lừa, chị đau đớn, bực bội và từ bỏ. Khi miền Nam được giải phóng, Nguyễn Tuân có dịp vào Sài Gòn, có người xui ông: "Ông nên đến để an ủi bà ấy để bà ấy hiểu Nguyễn Tuân thật là như thế nào". Nguyễn Tuân cười: "Ông đừng xui dại tôi, người ta đang căm giận Nguyễn Tuân giả, mình lại lù lù tìm đến để làm gì, đạt mục đích gì. Biết đâu họ lại nghĩ mình là một Nguyễn Tuân giả khác, rồi xem xét, căn vặn chuyện thật giả". Nguyễn Tuân thường kết bạn với một số ít những người ông ưa thích. Có người muốn được lui tới gắn bó với ông để có thêm tiếng tăm. Nguyễn Tuân có viết truyện "Đôi tri kỷ gượng". Tình người không gắn bó tự đáy lòng, không bền vững, không thể kéo dài quan hệ của một "đôi tri kỷ gượng". Khi tôi ở Hàng Ngang, thỉnh thoảng được nhà văn Tô Hoài tạt qua thăm khi ông lên Hội văn nghệ Hà Nội ở phố Hàng Buồm. Tình cờ một lần, cùng đi có nhà văn Nguyễn Tuân. Số nhà 31 Hàng Ngang vốn tăm tối đi từ ngoài vào trong từ tầng một lên tầng ba gập gềnh, khúc khuỷu, phải qua nhiều nhà ngổn ngang bên lối đi. Trông thấy ông, tôi cúi chào, ông giơ tay và nói: "Tôi lạc vào Hồng Kông rồi". Đúng là cái Hồng Kông cũ kỹ mà Nguyễn Tuân đã có dịp biết đến trong chuyến đi quay phim tại Hồng Kông. Nhân gần ngày Tết, Tô Hoài rủ tôi xuống phố, đi về phía Hàng Đào và tạt vào một hiệu rượu. Tôi mua một chai rượu mơ - một chai rượu bình dân - và cầm ở tay. Nguyễn Tuân chỉ vào tôi, bảo: "Ông Đức, ông phải bảo họ bọc lại, trông ông cầm chai rượu không nó thế nào ấy". Đúng thế, cầm chai rượu không bọc đi giữa phố như thiếu một cái gì, thiếu vỏ bọc, hơn thế nữa, đúng là thiếu văn hóa. Nhà văn Tô Hoài và Nguyễn Tuân đi về phía Bờ Hồ và đến nhà Thủy Tạ. Chúng tôi cùng uống nước và ngắm cảnh hồ quen thuộc. Trong câu chuyện Nguyễn Tuân bảo tôi: "Ông Đức, ông hãy kể về căn nhà của ông ở và cái khu phố cổ này xem như thế nào". Tô Hoài thường thân tình gọi tôi là Đức, còn Nguyễn Tuân gọi bằng ông, tuy tôi bấy giờ mới ở tuổi ba mươi. Tô Hoài bảo: "Đức có chuyện gì thì kể đi". Tôi kể vài chuyện trong sinh hoạt của căn nhà như chuyện đổ thùng đêm, chuyện tắc cống, chuyện người Hoa người Việt xô xát vì hiểu nhầm ngôn ngữ, chuyện công an khu phố. Nguyễn Tuân bảo: "Nghe cách ông kể chuyện, ông có thể viết văn được". Tôi xúc động và cảm ơn: "Thưa bác, tôi cứ thấy sao nói vậy thôi".

- Ờ, văn chương là thế đấy, là cái chưa ai nói, là cái có thật trong đời.

Lần thứ hai tôi được gặp ông ngẫu nhiên tại Hội nhà văn. Hôm đó tôi và giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đến Hội để họp về phê bình. Bàn việc xong, đang ngồi trò chuyện ở phòng hành chính thì Nguyễn Tuân bước vào, dáng vẻ hơi tất bật. Ông giơ tay ra hiệu chào mọi người. Ông vừa đi khám bệnh về, tuổi già nên cơ thể cũng không được như trước. Bác sĩ phát hiện ông có dấu hiệu yếu về tim mạch và dặn dò phải kiêng nhiều thứ, không được uống rượu, hút thuốc, ăn nhiều chất béo, chất đường và đặc biệt phải tránh xúc động... Tường thuật lại lời dặn của bác sĩ, Nguyễn Tuân than thở: "Phải kiêng kỵ những cái mình sở trường, những cái mà cơ thể thích thú, đặc biệt lại không được xúc động thì còn sống để làm gì". Ông nói rồi vung tay và cười với mọi người. Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh chuyên nghiên cứu về cụ nên có bàn bạc thêm đôi lời. Còn tôi chỉ biết ngồi lắng nghe. Nguyễn Tuân lại nói tiếp: "Làm sao sống để về già không nuối tiếc, mình không lấn sang phần người khác nhưng cũng phải hưởng phần cuộc sống cho mình". Nhà văn Nguyễn Lương Ngọc vốn là một người nghiêm túc trong cách sống, trên trang viết đã phải nhận xét phong cách sống tự do, thấu hiểu những giá trị của cuộc đời, con người không gò bó, hạn chế mình: "Trên đời này còn biết bao cái tiềm ẩn, phải có người tung lên thì nhiều người mới mở được mắt ra, mới biết kho của trời là vô tận. Cần có nhiều Nguyễn Tuân hơn nữa. Cần có những người kênh kiệu như Nguyễn Tuân hơn nữa. Tưởng nhớ tới anh tôi đốt lên vài nén nhang ở bài viết. Nghèo, không có đỉnh, không có trần nên không thể nào hành động như ngày trước anh vẫn làm, một khi suy nghĩ hoặc xử sự có tính chất trang nghiêm, lễ nghi một chút. Chỉ biết người đời cho anh là kênh kiệu. Không!" (Hồi ký nhớ bạn).

Trong quan hệ với một số nhà văn nước ngoài, Nguyễn Tuân được nể trọng. Nguyễn Tuân đã từng giao thiệp với Erenburg (Nga), Simonov (Nga). Nhà văn Tkachev dịch nhiều của Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân cũng có nhiều bức thư trao đổi với Tkachev. Ông hiểu văn hóa phương Tây nên thường tế nhị trong giao tiếp. Khi ở Nga, ông hay mua tặng một hai bông hồng cho cô phiên dịch mặc dù hoa rất đắt. Có một lần, ông đến thăm nghĩa trang các nhà văn Nga, mang theo một bó hoa hồng và cắm từng bông trên ngôi mộ của một số nhà văn Nga mà ông kính trọng. Ông thường thích ngồi một mình ngắm cảnh, hoặc trầm ngâm suy nghĩ.

Tôi nhớ năm 1976, sau khi giải phóng miền Nam, tôi được mời vào dạy Đại học Văn Khoa, cùng lưu trú ở một tòa nhà lớn ở phố Điện Biên Phủ của Ban Tuyên giáo Trung ương. Tôi biết cụ Nguyễn Tuân cũng ở trong căn nhà. Hàng ngày thấy người đưa đón cụ đi thăm bè bạn hoặc thưởng thức những thức ngon của Sài Gòn. Tòa nhà có tổ chức nấu tập thể cho các vị khách. Tôi và anh Phan Cự Đệ hằng ngày vẫn xuống ăn ở nhà ăn, cơm ngon, canh cá chua hấp dẫn, thịt bò xào hoặc thịt kho nước dừa. Nói chung là ngon lành, nhưng cụ Tuân lại ăn theo cách riêng của mình: một chai rượu nhỏ, mấy lát xúc xích, miếng phomat, mấy quả dưa chuột muối và một mẩu bánh mỳ. Có thể đây là một nếp sống thích sự lặng lẽ, không thích chan hòa với đám đông cho dù là quen biết.

Nhận xét về cuộc đời của Nguyễn Tuân, nhà văn Nguyễn Đình Thi cho rằng ông là một nhà văn cả đời đi tìm kiếm cái thực và cái đẹp. Thực ra, sự thực và cái đẹp của cuộc sống là hai cái đích mà dường như bất kỳ ngòi bút chân chính nào cũng hướng tới nhưng không dễ chiếm lĩnh và chạm vào được. Nguyễn Tuân cũng trên hành trình tìm kiếm nhưng tác phẩm của ông đã chạm được đến cái đẹp, nhất là cái đẹp truyền thống và cái thực phồn hoa chốn thành thị. Nguyễn Tuân là người thưởng thức cái đẹp với tư cách người có văn hóa, có vốn tri thức, biết giá trị của đối tượng mình chiêm ngưỡng. Tập sách "Vang bóng một thời" là chứng tích rõ rệt sâu sắc, gợi cảm của cái đẹp. Nhiều khi người đọc không tìm thấy những sự việc, con người trong lao động vất vả của cuộc sống ngày xưa ở nơi thôn dã nhưng tác phẩm lại chứa chan hương vị của văn hóa một thời mà xét cho cùng, những giá trị ấy cũng là thành quả của cuộc sống do con người sáng tạo nên.

Nguyễn Tuân là người biết chắt lọc và biết kiềm chế. Có những năm tháng ông nhập vào cuộc sống ăn chơi, ca hát nơi thành thị. Đó là thú vui mà các nhà văn thời trước thường kể lại, xem như chuyện hưởng lạc, được bạn đọc giàu sang chiêu đãi, ăn ở cao lâu rồi hát ả đào, thậm chí còn thưởng thức thú a phiến. Nguyễn Tuân tuy có mặt ở những nơi vui chơi ấy những ông không phải là một đệ tử trung thành mà chỉ như một khách lãng du đến và đi theo sở thích của mình. Trong chốn đó, ông vẫn phát hiện, tán thưởng và ca ngợi một tiếng hát trong trẻo, thanh lịch của một ả đào, tiếng đàn quấn quýt tài hoa của một đệ tử. Ông chọn lọc, kiềm chế và say mê phần tinh hoa của nghề nghiệp cho dù nghề đàn hát vốn bị xem thường trong cuộc đời cũ. Nhà văn Tô Hoài cho biết Nguyễn Tuân có thích một ca nương. Hai người tâm đắc, khi người khách nặng lòng say mê tiếng hát, tiếng hát đã vào sâu trong kỷ niệm không thể lãng quên được. Nhưng rồi cuộc vui cũng kết thúc nửa chừng. Cách mạng Tháng Tám đến rồi kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Tuân lên Việt Bắc, cô gái ở lại thành. Hòa bình lập lại, về lại Hà Nội, nhà văn được tin cô gái tài hoa đã mất. Ông tìm mua được một số đĩa hát của người tình xưa, những kỷ niệm còn lại.

Nhà văn Tô Hoài cho biết vào chiều ba mươi Tết ông thường được Nguyễn Tuân mời đến nghe những bản nhạc và tiếng hát một thời. Nguyễn đốt một nén hương trầm và trầm ngâm lắng nghe điệu ca xưa. Hình bóng người đã khuất hoặc ở phương trời xa nào nhưng tiếng hát vẫn còn đây, tất cả rồi sẽ qua đi nhưng cái đẹp vẫn còn lại. Tô Hoài qua những chuyện đó nhận xét: "Nguyễn Tuân ham vui chơi nhưng biết chọn lọc và kiềm chế, không thể bắt chước Nguyễn vì khi đã vào cuộc, tung vó ngựa thì không dễ kìm hãm được mình". Nhắc đến chuyện này, Hoàng Cầm nhớ đến những lần hát ả đào đêm xuân. Hai nhà văn say mê trước tiếng đàn, tiếng hát và Nguyễn Tuân nhắc Hoàng Cầm: "Tì bà hành đi". Trong cuộc vui không thể thiếu những câu hát nổi tiếng một thời và mãi mãi:

Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách
Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu...

Nguyễn Tuân là nhà văn có vốn tri thức phong phú, uyên bác và cũng rất tinh tế trong câu chữ. Văn của Nguyễn Tuân có lúc mang khẩu khí và hơi văn cổ nhưng không phải là bản chất; có lúc theo xu hướng hiện đại, có màu sắc của phương Tây nhưng cũng không phải là bản chất. Ông không phải là đồ đệ của Nho học, cũng không chạy theo lối viết Tây phương. Trong lý lịch gửi Hội Nhà văn, ông khai trình độ văn hóa: "Tự học và thuộc chuyên ngành: Chuyên gia Tiếng Việt". Nguyễn Tuân là một nhà văn tài hoa đối với thế hệ các nhà văn như Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi; là người cao niên, người anh trong làng văn. Đối với thế hệ các nhà văn lớn lên với cách mạng và kháng chiến như Nguyễn Khải, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, ông là người dắt dẫn, trân trọng chỉ vẽ những bước đi trong văn chương. Những lá thư của Nguyễn Tuân gửi cho Nguyễn Khải rồi Anh Đức đã nói lên sâu sắc điều đó. Các nhà văn trẻ thích trò chuyện với ông. Nhà văn có dáng vẻ cao ngạo này lại khiêm nhường, gần gũi. Ông độc đáo nhưng không bao giờ cố tạo sự cầu kỳ mà vẻ riêng độc đáo như vốn tự có, tự sinh ra…

Hà Minh Đức
.
.