Nhà văn Nguyễn Trọng Tân với ”khoảng lặng…” văn chương

Thứ Năm, 10/05/2018, 08:03
Sau khi hoàn thành cuốn tiểu thuyết "Thư về quá khứ" trữ tình và dữ dội mà ông đã thai nghén hàng chục năm, ngồi ôm máy tính hơn hai năm trời, lao tâm khổ tứ mới hoàn thành, nhà văn Nguyễn Trọng Tân không đi du lịch đây đó. Ông "xả hơi" theo cách ngồi viết cuốn "Khoảng lặng giữa trang văn" khắc họa chân dung 234 nhà văn Việt Nam đương đại. 


Có lẽ vì cảm hứng chủ đạo toàn tập là "đùa chơi vui vẻ" bằng thể thơ lục bát như ông tâm sự "cười cợt chính mình và đôi khi trêu đùa các bạn văn…", Nguyễn Trọng Tân cho rằng viết như thế thì cũng là một cách "xả stress".

Nói vậy không có nghĩa "Khoảng lặng giữa trang văn" là thứ văn chương "thứ phẩm" dễ dãi; trái lại, phải có một trái tim nhạy cảm, một sự trải nghiệm dầy dặn, một kiến văn sâu rộng, một tình yêu trân quý bạn bè đồng nghiệp đến độ và cả sự cẩn trọng, tỉ mỉ thì mới viết "chơi chơi như đùa" mà vẫn có sức nặng như thế được.

Các nhà văn được Nguyễn Trọng Tân đưa vào tập sách là những Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nhiều thế hệ, từ những đấng bậc đã về với tổ tiên như Tô Hoài, Hoàng Cầm, Vũ Cao, Xuân Miễn, Xuân Thiều, Nguyễn Khải, Hữu Mai, Nguyễn Quang Sáng… đến những bậc cao niên vẫn đang hiện diện trên văn đàn như Ma Văn Kháng, Hữu Thỉnh, Hồng Nhu, Trần Công Tấn, Đỗ Chu, Bằng Việt, Vũ Quần Phương…

Và cũng không thiếu các nhà văn trẻ như Nguyễn Bình Phương, Đỗ Bích Thúy, Như Bình, Phạm Vân Anh, Trần Thanh Hà… Bên cạnh các nhà văn, nhà thơ còn có cả những nhà lý luận phê bình, nhà dịch thuật như Vương Trí Nhàn, Bùi Việt Thắng, Lê Quang Trang, Thúy Toàn, Đức Mẫn, Thái Bá Tân, Đoàn Tử Huyến, Quang Chiến…

Nhà văn Nguyễn Trọng Tân và tác phẩm mới của ông.

Nguyễn Trọng Tân cho biết: Những nhà văn góp mặt trong cuốn chân dung ở khắp mọi miền Tổ quốc. Về tư liệu, ông dựa vào cuốn kỷ yếu "Nhà văn Việt Nam hiện đại", do Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản tháng 7 năm 2010. Bất cứ nhà văn nào có số tác phẩm ghi trong kỷ yếu đủ nhiều, tên tác phẩm có vần điệu là ông dựng chân dung. Ông chỉ dùng chính tên tác phẩm của các nhà văn ghép lại thành chân dung họ. Ông quan niệm: tên tác phẩm của mỗi nhà văn ít nhiều đều phản ánh một nét tính cách, quan niệm thẩm mĩ và số phận của nhà văn đó.

Khác với một vài người từng viết "chân dung nhà văn" trước đây (đôi khi họ viết bằng những yêu ghét mang tính chủ quan cá nhân mà coi nhẹ tính khách quan nên ít nhiều còn có những tranh cãi), Nguyễn Trọng Tân viết chân dung đồng nghiệp bằng cảm hứng chủ đạo xuyên suốt tập sách là sự trân quý, cảm thông.

Ông cho rằng, lao động của nhà văn là thứ lao động đặc biệt, làm như "khổ sai", như "kéo cày" mà thu nhập chẳng đáng là bao, đã thế đồng nghiệp còn không biết thương yêu, đồng cảm với nhau, lại mang vào trang sách mà soi mói, ác ý với nhau thì ông không nỡ. Cho nên chân dung trong tập sách ông viết bằng một giọng thơ lục bát trữ tình, ưu ái, hóm hỉnh.

Ông hy vọng qua tập sách này, các nhà văn sẽ hiểu nhau hơn, nhích lại gần với nhau và cảm thông với nhau hơn. Theo thiển ý của tôi, ông viết nhẹ nhàng, trữ tình ưu ái, thế nhưng chân dung từng người hiện lên vẫn khá đúng và có nét riêng. Chẳng hạn, chân dung vợ chồng nhà thơ Bế Kiến Quốc - Đỗ Bạch Mai: "Ngày đầu tiên mãi mãi" xanh/ Chúng mình "Cuối rễ đầu cành" thương nhau/ "Dòng sông…" dù có đổi mầu/ Cài bông mai trắng nên câu vợ chồng/ "Đất hứa" đã chẳng thay lòng/ "Một lời yêu" dọc tháng năm cháy hoài/ Bế Kiến Quốc nhẹ bước rồi/ Đỗ Bạch Mai vẫn như thời còn anh/ "Năm bông hồng trắng" hữu tình/ Nhớ anh em vẫn "Một mình trong mưa…" .

Còn đây chân dung nhà thơ Bằng Việt: "Thế giới" ư "Nheo mắt nhìn…"/ Để xem "Nửa mặt trăng chìm", "Lọ Lem"/ "Khoảng cách giữa lời" gặp em/ "Hương cây bếp lửa" khát thèm ngu ngơ/ Khoan "Ném vào gió câu thơ"/ Thơ rơi xuống "Đất sau mưa" còn gì/ Đời như cuộc "Oẳn tù tì"/ Bằng Việt cười khì ta vẫn còn đây…" .

Thêm nữa, chân dung nhà văn Đỗ Chu: "Gió qua thung lũng" vơi đầy/ Mùi "Hương cỏ mật" đâu đây vẫn còn/ "Trước đèn tản mạn" văn chương/ "Bóng người thăm thẳm" nửa thương, nửa ngờ/ "Đám cháy trước mặt" quá to/ Cái "Thung lũng cò" liệu có sao không?/ Đỗ Chu chém gió, lên đồng/ Cứ mặc mẹ nó, có thằng khác lo!".

Có những nhà văn được Nguyễn Trọng Tân đưa vào "tầm ngắm" không chỉ bằng những nét chạm khắc sắc sảo, ông còn biết cách nhập vào hồn thơ - văn của người ấy và thể hiện như chính giọng thơ - văn của họ.

Chẳng hạn ông viết về nhà thơ Phạm Tiến Duật: "Tiếng bom và tiếng chuông chùa"/ Vẻ như trái khoáy trò đùa chiến tranh/ Trường sơn bom đạn tanh bành/ "Đội xe không kính…" gồng mình vượt qua/ "Vầng trăng quầng lửa" sáng lòa/ Đường "Thơ một chặng…" nở hoa chiến hào/ Hòa bình tưởng sẽ bay cao/ Nào ngờ "Vòng trắng" níu vào hố bom/ Phạm Tiến Duật bác đừng buồn/ "Kim cương bất hoại" mãi còn tháng năm".

Cũng có khi dựa vào chỗ bạn bè thân thiết, Nguyễn Trọng Tân đùa chừng như hơi bạo lời một chút, nhưng tôi tin sẽ không ai phật ý hay giận dỗi gì ông; chẳng hạn chân dung nhà thơ Vĩnh Quang Lê: "100 phút của tình yêu"/ Hỏi rằng đã chết bao nhiêu em rồi?/ Hăng như "Hòa tấu mặt trời"/ Vĩnh Quang Lê vẫn như thời trai tơ/ Anh "Thức dậy lúc không giờ"/ "Bóng tối trinh nữ …" bơ phờ liêu xiêu/ "Tốc độ lớn của tình yêu"/ Ngày nào cũng thế ai chiều được anh".

Chân dung Nguyễn Trọng Tạo xem chừng còn hóm hơn: "Cái thời "Ký ức mắt đen"/ Đã từng say đắm một "Em đàn bà"/ Véo von "Ca sĩ mùa hè"/ Nghêu ngao "Khúc hát sông quê" gợi tình/ Hăng như ngọn "Sóng thủy tinh"/ Máu như "Khoảnh khắc thời bình" về quê/ "Tình yêu sáng sớm" mới ghê/ Nguyễn Trọng Tạo cứ hề hề chết em".

Với nhà văn nữ xinh đẹp, sĩ quan Công an Như Bình thì tác giả khắc họa chị có vẻ như "phức tạp" hơn cuộc đời thực, nhưng như thế tôi lại thấy chị đáng yêu hơn: "Đem "Thiên tình sử cuộc đời"/ Bày ra như một trò chơi đắng lòng/ "Đêm vô thường" ấy nhớ không/ "Giông biển" tan nát cõi lòng tỉnh mơ/ "Bùa yêu" khiến anh thẫn thờ/ "Dòng sông một bờ" nước chảy về đâu/ Như Bình ơi nếu chán nhau/ "Chiếc mặt nạ…" ấy chúng mình tháo ra/ "Vòng kim cô số phận" mà/ Ẩn bao "Bí mật xấu xa…" cõi này".

Hay chân dung nhà thơ nữ Đặng Thị Thanh Hương như mô tả một cuộc khai hoa của người mẹ trẻ thấp thỏm, hồi hộp, hạnh phúc đón đứa con sắp chào đời: "Mẹ cầm "Cổ tích tình yêu" / Đi xuyên năm tháng "Những chiều mưa qua"/ "Vọng đêm" mẹ đợi con ra/ Thanh Hương Đặng Thị vỡ òa niềm vui/ "Trà nguội" trà nguội mất rồi/ Ngắm con "Phiên bản" một  đời mẹ đây/ "Con đã đến cuộc đời này"/ Đừng như "Con ốc đến ngày chờn ren"…

Không chỉ vẽ lên chân dung, với các nhà văn nam, từ ngữ Nguyễn Trọng Tân dùng cũng gân guốc, mạnh mẽ như: "Cái ngày em đi lấy chồng/ Huỳnh Thạch Thảo như ngựa lồng "Đồi hoang". Với Đỗ Bảo Châu: "Bão đêm" đêm ấy anh say/ Lá mơ, pín chó… tội này anh mang".

Hay Ngôn Vĩnh: "Chiến đấu bảo vệ Đồng Văn"/ Thắng rồi vác súng vào lùng "Fulrô". Nguyễn Đình Chính còn ghê  hơn: "Con phù du" nó phản ông/ "Đêm thánh nhân" phải tồng ngồng thoát thân"…

Nhưng khi viết về các nhà văn nữ, Nguyễn Trọng Tân lại chú tâm khai thác ở họ nét nữ tính, dịu dàng và ý nhị. Với Lê Khánh Mai: "Nước mắt em chảy về đâu?"/ "Đẹp, buồn trong suốt một mầu như sương". Về nhà thơ Nguyễn Thị Mai: "Từ ngày "Nón trắng sang đò"/ Tơ duyên một mảnh thân cò đơn côi/ "Thời hoa gạo cháy" qua rồi/ "Sông trăng một khúc" đò đời buông neo". Còn Nguyễn Thị Ngọc Hà lại thật hóm, nghịch: "Anh mua đồ hiệu hẳn hoi/ Mà sao "Dải yếm đứt" rồi hả em/ Hay là "Ngang chiều gió…"* phơn/ Có thằng tọc mạch nên cơn cớ này"…

Mỗi nhà văn, mỗi chân dung một tính cách dù dài hay ngắn Nguyễn Trọng Tân đều cố gắng gợi ra được nét riêng về họ.

Bên cạnh phần chủ đạo 234 chân dung, Nguyễn Trọng Tân còn thể hiện nét hóm hỉnh, tươi vui trào lộng qua một số bài thơ thể tự do viết về chính mình và xã hội mà ông gọi là vè tự trào. Bài "Về hưu" vui nghịch, tâm thế vững chãi. Đặc biệt là "Đơn xin đưa Đền Hùng về Hà Nội" vừa mang hơi hướng của đồng dao, của vè hiện đại rất cuốn hút. Bài này ông viết ngày Hà Nội mở rộng. Năm nay tròn 10 năm sự kiện này, ông cho công bố toàn bộ để bạn đọc cùng vui vẻ chúc mừng Hà Nội ngày càng to đẹp, khang trang.

Với tôi, người viết bài này cũng không tránh khỏi "tầm ngắm" của Nguyễn Trọng Tân. Chân dung tôi ông viết khá chuẩn, nhưng tự nói về mình e mất thiêng, xin bạn đọc tự tìm cách có được cuốn "Khoảng lặng giữa trang văn" sẽ thấy chân dung tôi và nhiều nhà văn khác nữa, hẳn như thế thú vị hơn chỉ đọc bài viết này.

Hà Nội, tháng 4 năm 2018.

Lê Hoài Nam
.
.