Nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư: Trầm mặc trong biển cả văn chương

Thứ Sáu, 25/10/2019, 20:00
Nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư - người xuất bản thầm lặng, "bà đỡ" phía sau những tác phẩm văn học của không ít tác giả văn chương vừa cho ra mắt một ấn phẩm mới của riêng mình. Thêm một tập truyện ngắn xinh xinh với 12 tác phẩm đầy cá tính, "đậm đặc" chất Nguyễn Thị Anh Thư, góp phần nối dài thêm danh sách khá dày dặn gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, ký, kịch bản phim của chị đã xuất bản. 


Đặc biệt phần lớn trong số 12 truyện ngắn của tập truyện có tên "Quê ngoại hai" của chị đã in rải rác trên chuyên mục "Sáng tác mới" của Văn nghệ Công an và đã để lại những dư âm đáng mừng trong lòng độc giả. Văn nghệ Công an xin được trò chuyện cùng nhà văn về tác phẩm mới.

- Thưa nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư, trong một Status trên trang cá nhân của chị, chị đã viết một dòng khá tâm trạng trong ngày đón nhận đứa con tinh thần của mình ra đời: "Vừa đón tập sách mới ra lò, lẽ ra tên của tập truyện ngắn này phải là "Những vết thương trong tâm hồn" mới đúng". Xin chị lí giải một chút về điều này?

+ Thực ra từ những năm trước tôi đã có ý định ra một tập truyện ngắn chỉ riêng về tình yêu, về "Những vết thương trong tâm hồn", nói cách khác là "sự tổn thương của trái tim". Nhưng sau đó tôi có viết thêm 3 truyện ngắn lịch sử liên quan đến dòng họ nhà mình nên tên cũ đã trở nên không ổn.

- Tại sao tên tập sách lại không thể là: "Vết thương trước ngực"; "Cầm vàng qua sông"; "Thiên đường đã mất"; "Nhóm lửa thiêu thân"; "Vực thẳm trên cao"; "Lạc giữa cõi trần"; "Phản bội"... Những cái tên đều xứng đáng để đặt cho cả tập sách. Việc chị chọn một cái tên sách "an toàn" để an toàn luôn cho đầu ra tác phẩm của mình chị có nghĩ là chị đã gọt tròn ngay chính con đẻ của mình? Nhà văn tạo một vỏ bọc an toàn cho tác phẩm của mình đôi khi chưa chắc đã tốt mà có khi còn làm bớt đi cái hay của tác phẩm?

+ Tôi là người có chút "khác thường chăng" (cười). Thật ra tôi cần phải chia sẻ thêm chút nữa để độc giả và bạn hiểu thêm lí do vì sao tôi lấy tên "Quê ngoại hai" cho tập sách. Như trên tôi đã giãi bày, tôi có đưa vào thêm 3 truyện ngắn có liên quan đến "Cuộc khởi nghĩa Hai Hiên" cách đây đúng 111 năm. Có những tác phẩm này là để tri ân các cụ của dòng họ nhà tôi đã hy sinh đời mình vì mảnh đất thiêng Hoàng thành Thăng Long, và tri ân người mẹ thứ hai tuyệt vời đã hi sinh cả đời mình cho gia đình tôi có được một tổ ấm thực sự.

Vì vậy, tôi không hề ân hận khi lấy một cái tên đầy ân nghĩa "Quê ngoại hai" cho tập sách của mình. Tôi sẽ không vì một cái tên mang dáng dấp "gây lửa" chỉ của vỏ bọc mà làm trở ngại đến sự xuất hiện của tất cả 12  tác phẩm. Và nếu chính bản thân mỗi 1 tác phẩm đều chứa lửa thì lo gì 12 ngọn lửa gộp lại chả lẽ sẽ không làm nổi một ngọn khói mong manh!

- Giá mà nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư chịu PR tác phẩm của mình nữa thì chắc chắn tác phẩm của chị không "êm đềm tĩnh lặng" trong làng văn như hiện nay? Cách in lặng lẽ, phát hành cũng lặng lẽ theo kiểu đặt hàng của các thư viện... Liệu bản tính "trầm lặng" của chị có đánh mất nhiều cơ hội cho đứa con của mình được nổi tiếng hơn có nhiều người biết đến hơn không?

+ Tôi cho rằng được Báo Văn nghệ Công an, hay bất kỳ tờ báo văn chương nào khác đăng tải truyện của mình, và vinh dự được xuất hiện ngay trang nhất với số ti-ra không nhỏ nhiều khi còn danh giá hơn rất nhiều lần khi bản thân tôi phải tự PR cho chính mình.

Vả lại sự ồn ào và hoành tráng ngay khi mới ra đời của nhiều tác giả là rất thành công, nhưng trong thực tế xảy ra đã có không ít tác giả làm giới thiệu sách là rước lấy cái họa tự gây tổn thương cho chính mình. Nên vấn đề chính phải là nên tự biết cái tạng của mình là ai mà "Đáo giang" cho  tốt lành.

Thời mới cầm bút, tôi có may mắn được cố nhà văn Nguyễn Minh Châu ân cần chỉ dạy rằng: "Văn chương thời sự thường nóng hổi, tưng bừng nhưng cũng như suối chảy trên đồi sỏi, ồn ào đấy mà rồi khô biến ngay. Văn chương thế sự lặng lẽ, âm thầm nhưng thấm sâu, mới là dòng chảy lâu dài...". Nên tôi đã chấp nhận đi theo lối "êm đềm tĩnh lặng" như nhà văn Nguyễn Minh Châu đã chỉ dạy.

Còn sự "nổi tiếng" nhiều khi cũng giống giới Showbiz, được biết tức thì, chưa chắc đã là người giỏi thật sự. Tôi cho rằng mỗi một tác phẩm nó có một số phận riêng như mỗi một con người. Có cái có duyên, và có cái vô duyên, ra đời không đúng thời điểm. Và càng hồng nhan thì càng truân chuyên. Số tôi tử vi lại có sao Đào hoa an cung Tí, là hoa nở giữa đêm khuya. Nên "êm đềm tĩnh lặng" là phải rồi. Chẳng nên "cố quá" mà "quá cố".

- Công bằng mà nói, cá nhân tôi là người từng đọc và biên tập những truyện ngắn của chị ở mục "Sáng tác mới" tờ Văn nghệ Công an, tôi có một nhận xét thế này: Truyện ngắn của chị càng viết càng hay, không như một số tác giả khi đã nổi tiếng rồi, tác phẩm về cuối ngày càng nhạt... Rõ ràng "Quê ngoại hai" của chị là một tập truyện ngắn sắc sảo. Các truyện ngắn riêng lẻ đứng trong đó đọc khá hấp dẫn. Sự hấp dẫn mang thương hiệu "trầm mặc" Nguyễn Thị Anh Thư. Nó không nằm ở sự ồn ào hào nhoáng bên ngoài mà nó nằm sâu trong chữ nghĩa, trong ý tứ, trong cách xây dựng nhân vật và tình tiết của mỗi câu chuyện chị kể.

+ Cảm ơn những lời nhận định của bạn về các truyện ngắn của tôi. Quả là chẳng còn có lời động viên, khích lệ nào tuyệt vời hơn thế.

- Tại sao chị không thử "gạt bỏ cá tính" một lần thử làm ra mắt sách và mời báo chí, các nhà phê bình chuyên nghiệp viết về tác phẩm của chị như những nhà văn hiện tại? Nhà văn tồn tại trong xã hội "đầy ắp thông tin" như hôm nay mà thu mình quá, khép kín quá cũng là một thiệt thòi cho những đứa con tinh thần của mình. Nếu tôi nhớ không nhầm thì chị là tác giả của khá nhiều tập sách nhưng chị chưa một lần nào làm ra mắt giới thiệu tác phẩm của mình.

+ Câu hỏi này đã khơi trúng khối mâu thuẫn lớn của tôi: Cho ra đời 13 tập sách, trong đó cũng để được nhiều dư ba trong lòng bạn đọc, nhưng không hề một lần nào làm ra mắt sách. Trong khi thời còn làm việc tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn, tôi chính là một biên tập viên năng nổ làm các cuộc ra mắt sách cho nhiều tác giả, và tận hiến sức mình để các cuộc ra mắt sách ấy thành công mỹ mãn nhất. Thậm chí có cuộc ra mắt sách, tôi còn đi kiếm tiền tài trợ để giúp tác giả không mất phí dịch vụ. Những cuộc giới thiệu tác phẩm mới ấy đều được đánh giá là có tính học thuật chuyên nghiệp mà vẫn đạt hiệu quả PR tốt.

Vì vậy, không tổ chức ra mắt sách cho chính mình, có lẽ do tôi quá thấm câu thành ngữ “Văn mình vợ người” trong 36 năm hành nghề biên tập mà bỗng trở nên hèn nhát, chỉ còn muốn để văn chương của tôi bỗng nhiên một ngày nào đó, có duyên rơi vào tay độc giả khi tâm hồn họ đang thảnh thơi, vô tư rộng mở, hoặc quá đau với vết thương nào đó trong tim cần có một tri kỉ để chia sẻ an ủi, hàn gắn.

Và nó - chỉ một mình - được độc giả cho phép cất lên những âm thanh, mong sao đồng điệu được với những tâm tư thầm kín vốn khó giãi bày đang ẩn sâu trong trái tim họ mà trở nên có ý nghĩa.

- Nếu cho một thang điểm thì chị chấm cho tác phẩm của mình ở thang điểm nào?

+ Trên quan điểm "Văn mình vợ người", tôi cũng liều nhận một chữ A - (trừ) để còn dũng khí viết tiếp. Còn trên quan điểm nhà biên tập mắc bệnh nghề nghiệp - chuyên soi mói người viết - tôi sẽ nghiêm khắc cho mình chữ B + (cộng).

-  Xin trân trọng cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.

Nữ văn sĩ Nguyễn Thị Anh Thư sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, là người Hà Nội gốc trong một gia đình dòng dõi có tên tuổi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của Hoàng thành Thăng Long. Gặp Anh Thư ở ngoài đời, dễ thấy chị thuộc mẫu người phụ nữ hiền hậu dịu dàng, chịu thương chịu khó.

Thế nhưng ẩn sâu trong tâm hồn chị là những con sóng ngầm luôn đào sâu giằng xé: Đó là trách nhiệm của nhà văn trước cuộc đời, là quan điểm nhân sinh của chị trước nhân tình thế thái. Những tư tưởng ấy đã được chị thể hiện ra thật sắc sảo trong những trang viết, tác phẩm của chị.

Càng đọc Nguyễn Thị Anh Thư càng thấm về chị, càng hiểu chị và yêu chị hơn - một cá tính sắc sảo, đầy nội lực nhưng đã chọn một lối đi thật giản dị, trầm mặc khiêm nhường trong biển cả văn chương.

Khánh Thy (thực hiện)
.
.