Nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành trở lại văn đàn với "Giấc mơ sông Thương"

Thứ Năm, 29/11/2018, 08:47
Trong những lần về hội khóa ở Trường Viết văn Nguyễn Du, sau ồn ào thăm hỏi, những ngậm ngùi thương nuối ngày xanh là nhắc đến những bạn bè viết hay, viết tốt nhưng vì nhiều nhẽ đã “bỏ cuộc chơi văn chương”. Trong những cái tên thường được nhắc đến đó, có nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành.


Nguyễn Phúc Lộc Thành học khóa 5 Trường Viết văn Nguyễn Du, trước chúng tôi 2 khóa. Thường trong giờ giảng, các thầy hay lấy sáng tác của các nhà văn khóa trước làm dẫn chứng cho bài giảng của mình. Một lần thầy Hoàng Ngọc Hiến rưng rưng: “Để làm nên thương hiệu Trường Viết văn Nguyễn Du chính là những học trò, những nhà văn nổi tiếng của trường chứ không phải thầy cô giáo giảng dạy. Trong những cái tên nhà văn đó, có Nguyễn Phúc Lộc Thành”.

Vậy khi ấy Nguyễn Phúc Lộc Thành đã có tác phẩm gì mà được thầy Hiến đánh giá cao như vậy? Đó là cuốn tiểu thuyết đầu tay có tên “Cõi nhân gian”. Bây giờ, sau hơn 20 năm đọc lại “Cõi nhân gian” của Nguyễn Phúc Lộc Thành, tôi vẫn thấy nhiều cái mới trong cách viết và tầm tư tưởng của cuốn tiểu thuyết này. Viết về thế giới tội phạm, viết về những thân phận người vì nhiều lý do, trên những nẻo đường mưu sinh họ đã sa chân vào những vũng bùn lầy lội của cõi nhân gian.

Một cõi nhân gian hỗn tạp, tốt xấu, trắng đen, cao cả và đê hèn lẫn lộn. Sống trong vũng bùn hỗn tạp đó, đôi lúc họ đã làm điều xấu, điều ác, nhưng ẩn sâu trong mỗi con người họ là khát khao hướng thiện, khát khao được làm người lương thiện. Chính nhờ những khát khao hướng thiện đó mà mỗi nhân vật khi đi hết cuốn sách, họ đã từng bước một lột xác, từng bước một tự hoàn thiện bản thân mình, tự gột rửa bùn nhơ trên thân thể để tập tễnh đi vào đời, dù nhọc nhằn khổ ải nhưng được sống dưới ánh mặt trời, được làm Người vẫn là ân sủng lớn mà đấng tối cao ban cho.

Chính vì thế, đọc “Cõi nhân gian”, người đọc luôn tin rằng: “Nhân chi sơ, tính bản thiện” chứ không phải “tính bản ác”. Đây chính là ý nghĩa triết học của cuốn tiểu thuyết và có lẽ đây cũng là triết lý sống của nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành.

Một cuốn tiểu thuyết đầu tay của một tác giả trẻ mà được những nhà văn, nhà lý luận phê bình tên tuổi như Hoàng Ngọc Hiến, Tạ Duy Anh, Nguyễn Hữu Sơn, Ngô Thị Kim Cúc… viết bài giới thiệu thì quả cũng là một cuốn tiểu thuyết đáng đọc và đáng được nhắc tới.

Vậy mà sau cuốn tiểu thuyết “Cõi nhân gian” (1994) và tập truyện ngắn “Táo vàng tục lụy” (1996), Nguyễn Phúc Lộc Thành lặng lẽ rời khỏi văn đàn không một lời từ biệt.

Thực ra thì ý định tạm xa văn chương để đi làm kinh doanh đã được Nguyễn Phúc Lộc Thành nung nấu từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, ngày anh đang học năm thứ 3 khoá 5 Trường Viết văn Nguyễn Du. “Cái gì người ta đã viết rồi thì mình không nên viết nữa nếu biết rằng mình sẽ viết không hay hơn họ; cái gì người khác đã làm thì mình không nên làm nữa nếu biết rằng mình làm sẽ không hơn người đi trước” – có lần anh tâm sự thế.

Chính vì ý nghĩ đó nên anh không làm dịch vụ taxi chở người mà khai sinh ra mô hình taxi tải đầu tiên tại Việt Nam. Từ đó văn đàn vắng đi một nhà văn có thương hiệu và thương trường có thêm một “gã tân binh”. 

Bạn bè viết văn ngậm ngùi tiếc nuối vì thực chất cũng không mấy ai biết chủ hãng Taxi tải Thành Hưng là Nguyễn Phúc Lộc Thành, ngay cả sau này khi đã là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Hưng ăn nên làm ra, đã tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, đã có hàng ngàn chuyến xe ngược lên các vùng sâu, vùng xa của đất nước mỗi độ Tết đến xuân về để làm từ thiện thì cũng chẳng mấy ai thấy anh xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Có một điều hết sức bất ngờ nữa là Tập đoàn Thành Hưng trở thành cổ đông lớn thứ hai sau Nhà nước, sở hữu 30% cổ phần thương hiệu Vang Đà Lạt, là chủ sở hữu nhà máy sản xuất Vang Đà Lạt tại Lâm Đồng, trực tiếp quản lý phân phối Vang Đà Lạt trên toàn bộ thị trường miền Bắc. Thành Hưng đã góp công lớn trong việc Vang Đà Lạt vinh dự được Chính phủ Việt Nam dùng chiêu đãi 21 vị nguyên thủ quốc gia trong dịp Hội nghị thượng đỉnh APEC 2006 diễn ra tại Hà Nội. Làm chủ sở hữu cả một nhà máy rượu nhưng Nguyễn Phúc Lộc Thành lại là người không uống được rượu, mỗi bận ngồi với bạn bè, anh chỉ “Nước canh nhấp một chén khà”.

Nếu ngồi với người lạ, bị ép quá anh sẽ tếu táo: “Không dám uống rượu vì… vợ không cho uống. Tôi được mệnh danh là sợ vợ có thương hiệu”. Ai cũng biết anh đùa, nhưng đằng sau những thành công của anh như ngày hôm nay, không thể không kể đến vai trò của người vợ - người đàn bà đẹp luôn đồng hành cùng anh trên mọi chặng đường đời.

*

Đang yên đang lành, cũng bất ngờ như khi rời khỏi văn chương, tháng 8 năm 2018, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Hưng Nguyễn Phúc Lộc Thành viết đơn xin từ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc và tháng 9 năm 2018, các thành viên của Hội đồng Quản trị Công ty đã nhất trí và phê chuẩn đơn xin từ nhiệm để anh thôi giữ chức Tổng Giám đốc.

Từ nhiệm để trở về với văn chương, sự trở về này chắc chắn sẽ khó khăn chẳng kém gì việc ngày xưa anh dấn thân vào thương trường. Vì khi quay lại với văn chương, không phải anh quay lại với thể loại văn xuôi quen thuộc và đã làm nên thương hiệu Nguyễn Phúc Lộc Thành. Anh làm thơ mà lại là thơ lục bát.

Có lẽ người Việt mình ít nhiều trong đời ai cũng có làm một vài ba câu vần vè trên sáu dưới tám? Thơ lục bát dễ làm, khó hay, nó như một cái bẫy để trói chặt những ai dám đi vào nó. Khi đã đi vào sẽ bị nó trói về niêm, luật, thanh, vần… cực kỳ nghiêm ngặt. Làm thơ lục bát là phải tuân thủ quy tắc nhất, tam, ngũ bất luận, nhị, tứ, lục phân minh. Nghĩa là các tiếng thứ 1,3,5 trong câu có thể tự do về thanh, nhưng các tiếng thứ 2,4,6 thì phải theo luật chặt chẽ. Từ đó nếu không cao tay ấn sẽ bị nó dẫn dụ buộc đi theo vần vè.

Bìa tập thơ mới của nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành.

Để cho hiệp vần, đồng thanh lắm lúc nhà thơ phải dùng đến những chữ “độn”, khốn nỗi đối với thơ thì kỵ nhất lại là những chữ thừa, chữ độn. Bị bó buộc về niêm luật, độn chữ, độn câu và cuối cùng bài thơ trở thành bài vè ngang phè, vượt thoát ra khỏi ý tưởng chủ quan ban đầu của nhà thơ. Cũng chính vì phải tuân thủ chặt chẽ niêm luật, nên những câu thơ lục bát đã ma quái dẫn dụ tác giả đi tới đạo văn trong vô thức, từ đạo ý đến đạo câu…

Không phải Nguyễn Phúc Lộc Thành không biết rằng thơ lục bát  dễ làm nhưng khó hay. Biết thế nhưng đề tài, cảm xúc… và rất nhiều điều khó nói khác nó đã buộc anh phải chọn thể thơ lục bát để thể hiện, để thử thách và để vượt thoát lên trên cái bẫy mà thơ lục bát luôn giăng ra để “hạ nhục” nhà thơ. Và để lách qua những cái bẫy đó, điều đầu tiên nhà thơ phải tạo ra được một giọng thơ riêng biệt, và thao tác nghề đầu tiên là cách ngắt nhịp, xuống dòng làm lạ hóa các câu thơ: “Hoàng hôn/ non nõn chờ trăng/ Bờ em khem khép/ mắt vằng vặc đêm” (Giấc mơ sông Thương 2).

Hay trường liên tưởng, so sánh lạ: “Mi trời/ cong ướt mái chùa/ Nhụy em ngân ngấn/ Xuân vừa khô rơi” (Giấc mơ sông Thương 6). Đảo từ, đảo câu, chuyển nghĩa của từ để tạo ra những từ đa nghĩa, tạo ra nhiều trường liên tưởng cho người đọc: “Con về/ nhặt hôn hoàng rơi/ Xuống ngày còm cõi/ da mồi tóc sương” (Giấc mơ sông Thương 7). “Ngác ngơ/ cỏ lác hai hàng/ Mộ bia đỏ mắt/ chang chang lưng đồi” (Giấc mơ sông Thương 27)… và còn nhiều, còn nhiều thủ pháp nữa mà Nguyễn Phúc Lộc Thành phải sử dụng trong khi sáng tác để tự làm mới mình và làm mới thơ lục bát.

Và khi đọc trọn 108 bài thơ lục bát trong tập “Giấc mơ sông Thương”, người đọc dễ dàng nhận ra đây là một tập thơ lục bát cách tân, không hề lẫn vào giữa trùng trùng rừng thơ lục bát nhưng cũng không tạo ra một sự cách tân lố bịch, khó chịu như của không ít nhà thơ cũng muốn làm mới thơ nhưng do kém tài đã làm hỏng thơ, phá thơ và giết thơ.

Điều đặc biệt nữa ở Nguyễn Phúc Lộc Thành là cho dù sáng tác ở thể loại nào thì vẫn mang đậm dấu ấn của riêng tác giả không thể lẫn vào ai được, trong những dấu ấn đó, có dấu ấn “sex” thăng hoa trong sáng tác. Nếu ở trong văn xuôi, anh có những câu văn đẹp tả người đàn bà khỏa thân như: “Tôi thấy nàng trong tư thế cội nguồn, không có chiếc lá nho nào che đậy”.

“Nàng khép cặp đùi trần, nhễ nhại, kéo nó về tư thế hài nhi”. Hay: “Bên góc giường, nàng ở trần trong tư thế hài nhi” (Cõi nhân gian) thì trong “Giấc mơ sông Thương” có những câu, những cặp câu đẹp đến thánh thiện: “Em như đọt lụa trinh ngần/ một trời da thịt/ vũ vần bến Sim” (Giấc mơ sông Thương 21). “Em tôi/ trút áo thiên thần/ Dòng Thương/ sóng sánh/ trinh ngần/ thịt da…” (Giấc mơ sông Thương 6).

Bây giờ thì một mình anh đóng cả ba vai rồi, thơ, văn xuôi và doanh nhân thành đạt. Không biết một ngày nào đó anh còn cho bạn bè và độc giả ngạc nhiên trên một lĩnh vực nào đó nữa không, biết đâu đấy, vì ở con người anh luôn tỏa ra nhiệt huyết của cái mới và sự sáng tạo.

Nguyễn Thế Hùng
.
.