Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và 54 cú lắc có một không hai

Thứ Sáu, 11/12/2020, 10:31
Tháng Mười hai này là tròn 25 năm tập đầu tiên của bộ sách "Kính vạn hoa" đến với độc giả. Dẫu cơn sốt đã qua, thói quen đọc hiện nay cũng khác, nhưng cùng với hấp lực từ nội dung và chính cái tên Nguyễn Nhật Ánh, "Kính vạn hoa" vẫn được bạn đọc nhỏ tuổi qua các thế hệ âm ỉ đón nhận.


1. Tháng Mười hai này là tròn 25 năm tập đầu tiên của bộ sách "Kính vạn hoa" đến với độc giả. Dẫu cơn sốt đã qua, thói quen đọc hiện nay cũng khác, nhưng cùng với hấp lực từ nội dung và chính cái tên Nguyễn Nhật Ánh, "Kính vạn hoa" vẫn được bạn đọc nhỏ tuổi qua các thế hệ âm ỉ đón nhận.

Năm nay, sau một phần tư thế kỉ, 7 lần khoác áo mới với nhiều lần tái bản, NXB Kim Đồng quyết định trả hình xưa bóng cũ lại cho "Kính vạn hoa", với mong muốn độc giả trước đây có thể bổi hổi bồi hồi và độc giả hiện nay cùng mơ về thời xa lắc.

Còn nhớ, khoảng đầu những năm 1990, những cuốn sách không nơi nương tựa khi kinh tế thị trường sờ đến mà làng sách chưa kịp trở mình, thì chú mèo máy Doraemon từ Nhật Bản theo đường Thái Lan qua, mở lối thoát hiểm, xuống đường theo các đại lí, sạp báo đến tay người đọc. Tiếp theo là "Siêu quậy Teppi", "Tứ quái TTKG". Ba bộ sách góp phần manh nha, hình thành thị trường xuất bản theo đúng nghĩa. 

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh kí tặng sách cho độc giả.

Nhưng sống được rồi mới giật mình, hóa ra mình sống nhờ… hàng ngoại. Tự ái dân tộc với người làm sách tâm huyết là có thật. Cần lắm những sản phẩm made in Việt Nam. Thời điểm đó, giám đốc NXB Kim Đồng, là ông Nguyễn Thắng Vu, đã đặt niềm tin vào nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, một ông bố có cô con gái độ 10 tuổi đang thiếu sách thuần Việt để đọc.

Và rồi, với 4 tập bản thảo đầu tiên, NXB Kim Đồng "nhá hàng" bằng cách in 200 bản tập đầu tiên để thăm dò người đọc qua kênh các đại lí phát hành báo chí và những phụ huynh tin cậy. Kết quả ngoài sức tưởng tượng, 60 đại lí ở Sài Gòn và 50 đại lí ở Hà Nội đặt hàng 17.000 bản "Tập 1 - Nhà ảo thuật" của "Kính vạn hoa". Từ đây, Nguyễn Nhật Ánh chính thức trở thành nhà - ảo - thuật - chữ trong mắt các em.

2. Nhưng tại sao lại là "Kính vạn hoa?". Nhà văn thổ lộ: "Thuở bé, tôi mê chiếc kính vạn hoa, và bây giờ, đã lớn, tôi vẫn mê thứ đồ chơi này. Nếu được bỏ phiếu, tôi sẽ không ngần ngại bình chọn ống kính vạn hoa là đồ chơi kì thú nhất của tuổi thơ, là quà tặng tuyệt diệu nhất mà người lớn đã nghĩ ra cho trẻ em. 

Hằng hà bông hoa lần lượt xuất hiện dưới tay mình, chỉ sau mỗi cái lắc nhẹ. Những cánh hoa không ngừng thay dáng, những sắc hoa không ngừng đổi màu, có tới hàng vạn, hàng triệu những bông hoa như thế, và tuyệt vời thay, không bông hoa nào giống bông hoa nào trong hàng vạn hàng triệu cái kia. 

Tôi ao ước những tập "Kính vạn hoa" của mình cũng sẽ đem lại cho các độc giả nhỏ tuổi  điều gì na ná như thế: Cứ lắc một cái, một câu chuyện mới lại hiện ra…".

Theo đó, từ 1995 đến 2002, ròng rã 7 năm, Nguyễn Nhật Ánh lắc 45 lần để có 45 tập "Kính vạn hoa", dù ban đầu người đặt hàng chỉ mong được khoảng… 10 tập.

Có thể nói "Kính vạn hoa" là bộ sách của những kỉ lục.

Đơn vị xuất bản kì vọng in 15.000 bản một tập, sau lên 27.000, có tập đến 35.000 bản in lần đầu. Với "Kính vạn hoa", Nguyễn Nhật Ánh chính là nhà văn triệu bản đầu tiên ở nước ta. Và đến giờ vẫn là tác phẩm triệu bản duy nhất. Chắc chắn là bất khả cho ai ôm mộng xô đổ kỉ lục này. Đây cũng là bộ sách Việt đầu tiên xuống đường theo kênh phát hành của báo chí.

Nguyễn Nhật Ánh làm được cái việc là trộn kí ức của riêng mình vào đời sống đương thời của thiếu niên một cách nhuần nhụy, khéo léo. Bởi vậy bộ sách nhận được sự đồng thuận cao, từ truyền thông đến phụ huynh và các em. Ngồi lật giở từng tập album khổ lớn lưu giữ những bài báo qua thời gian ở "Đảo mộng mơ" nơi ngôi nhà bên đường Ấp Bắc ở Sài Gòn của Nguyễn Nhật Ánh, tôi thầm nghĩ, có lẽ đây là bộ sách tốn nhiều giấy mực báo chí nhất.

3.Thực ra những ai "thuộc" Nguyễn Nhật Ánh đều biết ông không chỉ có văn xuôi, và văn xuôi Nguyễn Nhật Ánh không phải chỉ có "Kính vạn hoa". Trước "Kính vạn hoa" Nguyễn Nhật Ánh đã là nhà thơ trở về từ lực lượng thanh niên xung phong với "Thành phố tháng Tư" (in chung với Lê Thị Kim), "Đầu xuân ra sông giặt áo", "Thơ tình Nguyễn Nhật Ánh", "Tứ tuyệt cho nàng", "Lễ hội của đêm đen". 

Bài thơ "Thành phố tình yêu và nỗi nhớ" của ông được nhạc Phạm Minh Tuấn chắp cánh bay ra khỏi hàng me xanh ngắt của Sài Gòn đi khắp cả nước. Trước và sau "Kính vạn hoa", Nguyễn Nhật Ánh là tác giả của bốn mươi tập truyện dài cho thiếu nhi và tuổi mới lớn, với "Tôi là Bêtô", "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ", "Mắt biếc", "Hoa hồng xứ khác", "Bàn có năm chỗ ngồi", "Cô gái đến từ hôm qua", "Bồ câu không đưa thư", v.v… 

Nguyễn Nhật Ánh còn là nhà bình luận bóng đá chuyên nghiệp, lôi cuốn trên mặt báo với bút danh Chu Đình Ngạn, và là Anh Bồ Câu tư vấn tâm lí trăm thứ bà rằn cho tuổi mới lớn. Vai nào ông "nhập đồng" cũng duyên, sắc lẻm và khó thay thế.

Nhưng, không thể phủ nhận "Kính vạn hoa" chiếm vị trí quan trọng, rất riêng. Nếu xem viết truyện feuilleton trên báo ở miền Nam trước 1975 là cuộc chạy marathon chữ thì Nguyễn Nhật Ánh viết "Kính vạn hoa" cũng tương tự, nhưng mức độ cao hơn. Trong hành trình đơn độc này, vài lần ông tính bỏ chữ chạy lấy người. Khi thì đến tập 21, khi ở tập 32, và rõ ràng nhất là ở tập 25 năm 1998.

Boxset “Kính vạn hoa” kỉ niệm 25 năm.

Dẫu nhà văn minh định: "Viết truyện liên hoàn, cũng giống như ta búng một đồng xu. Khó ở cái búng đầu tiên, còn nếu đồng xu đã có cái thế vững vàng rồi, nó sẽ tự lăn". 

Nhưng chẳng đồng xu nào có thể lăn mãi. Huống hồ marathon có vận động viên khác cùng cạnh tranh, tạo động lực chiến đấu, còn viết truyện dài tập như lạc vào chốn hun hút không người, chỉ mình đấu với mình, với màn hình và những nhân vật. Nên đến tập 45, Nguyễn Nhật Ánh phải lôi cả thủ thuật điện ảnh, hiện thực huyền ảo ra để giã từ độc giả trong vật vã khó khăn.

Ngỡ như mọi thứ dừng lại ở con số 45 tập, năm 2002. Nhưng rồi năm 2007, từ cuộc thăm dò dư luận của báo Thanh Niên, nếu viết tiếp một trong hai tác phẩm "Kính vạn hoa" và "Chuyện xứ Lang Biang" thì bạn đọc ủng hộ phương án nào? Kết quả, "Kính vạn hoa" thắng. 

Sau ba ngày ôm máy tính ngồi trên lầu ba khách sạn nhìn sóng biển Vũng Tàu, Nguyễn Nhật Ánh bắt được sóng các nhân vật, gật đầu đồng ý viết feuilleton cho tờ phụ san hằng ngày của Báo thanh niên. Các nhân vật lúc này học lên cấp 3, vẫn được độc giả đón nhận, và người ta lại nô nức trên báo và trên sách. Theo đó, từ 2007 đến 2010, Nguyễn Nhật Ánh viết thêm 9 tập "Kính vạn hoa" nữa, nâng tổng số tập lên con số 54.

4."Kính vạn hoa" là tiền đề để Hãng phim Truyền hình TP Hồ Chí Minh dựng thành phim truyền hình 28 tập, từ năm 2004 đến 2008, là phim dài tập đầu tiên dành cho thiếu nhi. Các nhân vật trong truyện bước lên màn ảnh nhỏ là cú cộng hưởng để tác phẩm lan xa, cắm rễ vào mọi vùng miền.

Cũng cần phải nói thêm, với bộ sách này, lần đầu tiên thương hiệu tác phẩm được khai thác triệt để, nhanh nhạy. Thời đó các chuỗi nhà sách chưa nở rộ, chưa có các sàn điện tử bán sách, tiệm sách "Kính vạn hoa" của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng là điểm đến quen thuộc của nhiều người yêu sách trong suốt thời gian dài. Tiệm sách còn có các sản phẩm phái sinh, như ống kính vạn hoa, túi xách, áo thun, postcard, gắn liền với bộ sách, với các nhân vật, tranh minh họa. Những nhân vật trong sách có thêm đời sống mới, tiếp tục theo chân độc giả ở những bộ sưu tập.

Hẳn độc giả Sài Gòn vẫn còn nhớ, nhà sách Kim Đồng đầu tiên ở đường Hồ Văn Huê có cả không gian thư quán Nguyễn Nhật Ánh gắn liền với "Kính vạn hoa". Ở đó, một phía là nhà văn Tô Hoài, phía còn lại là Nguyễn Nhật Ánh, ông Dế mèn tiền bối và chàng hoàng tử bé "Kính vạn hoa" đều tủm tỉm cười với trẻ em.

5. Có nhạc sĩ nói "mười năm không gặp tưởng tình đã cũ". Lần này, 1.000 bộ 45 tập "Kính vạn hoa" theo bản in đầu tiên, bìa cứng đóng hộp, với chữ kí của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ở tập 1 sẽ gặp lại độc giả. Sau 25 năm, ngỡ "Kính mờ mà lại hơn mười Kính xưa".

Một số người lo ngại về việc bộ sách có còn hợp thời, khi mà tâm sinh lí lứa tuổi giờ đã khác, cung cách sinh hoạt, chơi đùa của đám trẻ trong "Kính vạn hoa" không hoàn toàn giống như bây giờ? Tôi lại nghĩ, những gì thuộc về cảm xúc thì ở đâu và thời nào cũng giống nhau.

Cô con gái 10 tuổi, độc giả đầu tiên đọc bản thảo "Kính vạn hoa" khi vừa ráo mực ngày nào, nhiều lúc ôm cổ bá vai Nguyễn Nhật Ánh bên bàn viết, giờ đã có gia đình và chuẩn bị làm mẹ. Nguyễn Nhật Ánh đã đi hết cuộc đời viên chức. Hằng năm vẫn có những cuốn sách mới ra, những cuộc độc giả xếp hàng nhận chữ kí tặng dài dằng dặc, lần sau xếp dài hơn lần trước. 

Những bộ phim chuyển thể từ tác phẩm khác của ông vẫn lên sóng, rồi những cuốn sách khác được dịch sang tiếng Nhật, tiếng Thái, tiếng Hàn, tiếng Anh. Nhưng "Kính vạn hoa" vẫn sừng sững đó, để làm tiếp cái việc như vạn sắc màu mở ra với thế hệ độc giả mới.

Văn Thành Lê
.
.