Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Có những nỗi buồn trong veo

Thứ Bảy, 01/10/2016, 08:04
Nguyễn Nhật Ánh được mặc định là nhà văn viết cho thiếu nhi và lứa tuổi mới lớn nên người ta thường ấn tượng nét hồn nhiên, hóm hỉnh trong thế giới truyện của ông. Nhưng đọc kỹ Nguyễn Nhật Ánh mới thấy rằng, đâu đó, vẫn có những cuốn sách mà khi khép lại, nỗi buồn như hơi sương lạnh luồn lách vào tim. Đó là “Mắt biếc”, “Đi qua hoa cúc”, “Còn chút gì để nhớ” ... và bây giờ: “Ngày xưa có một chuyện tình”.


“Đảo mộng mơ”, “Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ”, “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng”, “Chúc một ngày tốt lành”… có thể coi là những truyện dài dành rặt cho lũ con nít lóc chóc với vô vàn trò chơi vui nhộn, thế giới ngộ nghĩnh của con vật đáng yêu.

Nhưng đa phần truyện của Nguyễn Nhật Ánh viết về tuổi 14, 15, 16 ẩm ương. Cái tuổi mà lũ con trai đã bắt đầu biết ngượng ngùng, đỏ mặt khi muốn bắt chuyện với tụi con gái như “Bảy bước tới mùa hè”, “Những cô em gái”, “Ngồi khóc trên cây”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cô gái đến từ hôm qua”…

Tuổi ấy đã chán trò chơi con nít, đã biết chớm buồn vì một đôi mắt nhung của con nhỏ hàng xóm mà ngày xưa mình hay đá đít, cốc đầu. “Tình iu” ở đây đơn giản là chuyện say nắng của tụi nhỏ, còn vô tư, chưa nghĩ ngợi xa xôi.

“Mắt biếc”, “Đi qua hoa cúc”, “Còn chút gì để nhớ” cũng là câu chuyện tình yêu đầu đời nhưng nó khiến người ta buồn nhiều hơn vui vì cái dư âm tan tác của một mối tình đơn phương hoa mộng. Tình ở đây đã lớn hơn và vẫy vùng trong bi kịch. Trong “Mắt biếc”, tấm lòng của Ngạn luôn hướng về Hà Lan và làng Đo Đo nghèo thì trái tim Hà Lan lại không mở cửa cho anh.

Để rồi, đoạn cuối mối tình, Ngạn bỏ xứ ra đi vì không thể nguôi ngoai hình bóng cũ. Còn Trường trong “Đi qua hoa cúc” cũng đành nhìn chị Ngà từ xa, coi đó như nữ thần của lòng mình chứ không dám thổ lộ nụ hồng đang hé. Người phụ nữ  Trường yêu cuối cùng phải trầm mình xuống sông để thoát tiếng dị nghị của người đời về chuyện chị bị một người đàn ông lừa tình.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng sách cho bạn đọc.

Chương của “Còn chút gì để nhớ” có một chuyện tình áo trắng thơ ngây, ngọt ngào nhưng vì quan điểm gia đình, thời thế thay đổi mà người xưa ngoảnh mặt làm ngơ, tình nhỏ vỡ như bong bóng mưa. Những câu chuyện đó đều kết thúc không có hậu hoặc bỏ ngỏ khiến người đọc trĩu nặng một nỗi buồn mênh mông và tiếc nuối. Câu chuyện buồn đeo đẳng mãi khiến nhiều độc giả viết thư cho Nguyễn Nhật Ánh trách tại sao ông lại đối xử với nhân vật của mình như vậy.

Nguyễn Nhật Ánh từng tâm sự: “Theo đuổi nghề văn là chấp nhận sống dưới áp lực thường trực và từ nhiều phía. Áp lực của độc giả. Áp lực của sự đổi mới. Áp lực của sự vượt qua chính mình”.  Là nhà văn best seller, áp lực càng lớn. Vậy nên, với “Ngày xưa có một chuyện tình”, lần đầu tiên ông để nhân vật của mình lớn lên, giải quyết những vướng mắc mà tuổi hoa niên họ trót tạo ra chứ không để ngỏ như những tác phẩm trước.

Nội dung truyện xoay quanh tình bạn của Phúc và Vinh, rồi đến tình yêu tay ba của họ với cô gái tên Miền. Từ tình yêu thời học sinh cho đến khi kết truyện họ đã 45 tuổi. Vẫn biết Nguyễn Nhật Ánh thích kể chuyện ở ngôi thứ nhất bởi khi xưng “tôi”, ông hoàn toàn nhập tâm vào nhân vật để kể thật nhất bao miên man hạnh phúc, khổ đau, để được trở về trọn vẹn trên sân ga tuổi nhỏ. Nhưng cách ông hóa thân lần lượt vào bốn nhân vật: Vinh, Phúc, Miền và bé Su (con của Miền) trong một truyện thì cực hiếm.

Tự làm mới và làm khó mình như thế nên Nguyễn Nhật Ánh phải viết đi viết lại nhiều lần mới xong tác phẩm này. Điều độc đáo còn ở chỗ đây là lần đầu tiên ông đặt mình vào vị trí của một nhân vật nữ. Nguyễn Nhật Ánh phải mất nhiều thời gian tìm hiểu kỹ tâm tư con gái khi đối mặt với hai chàng trai theo đuổi mình, những chuyện khủng khiếp như chửa hoang, chuyện thay đổi cơ thể vì có thai…

Hóa thân vào bốn nhân vật mới thấy Nguyễn Nhật Ánh là nhà tâm lý học sâu sắc và tài tình như thế nào. Ông dùng ngòi bút của mình giải phẫu tâm trạng phức tạp của từng nhân vật từ nam đến nữ, từ bé đến lớn một cách rất tinh tế và logic.

Đọc “Ngày xưa có một chuyện tình”, người ta hiểu, Nguyễn Nhật Ánh đã đau lòng thế nào, trăn trở ra sao trước vấn nạn cuồng ghen rồi giết chết người tình hoặc tình địch mà báo chí phản ánh ra rả hằng ngày. Đòn thù càng tăng, lòng người càng hả hê và ngụy biện bằng ngôn từ hoa mỹ “vì tôi quá yêu”.

Nếu đọc được cuốn sách này, tôi tin chắc lửa thù trong họ sẽ nguội tắt mà đưa tình yêu thương, vị tha lên ngôi. Tác giả gửi gắm rất nhiều thông điệp mà những người sắp, đã và đang yêu có thể chiêm nghiệm: “Tình yêu không phải là một trận tuyến và trái tim người con gái cũng không phải bốt đồn. Nó cũng khác với tiền bạc và quyền lực, không phải là thứ để tranh đoạt và có thể tranh đoạt.

Dĩ nhiên tôi có thể nhắc lại những gì tôi đã làm cho Miền để khiến em mủi lòng nghĩ lại và gạt bỏ ý định ra đi. Nhưng thành công trong việc níu kéo một đôi chân bằng cách đánh vào lòng trắc ẩn chẳng khác nào thừa nhận sự thất bại trong việc chinh phục một tâm hồn. Tình yêu đâu phải hành động trả ơn, càng không phải là hành động từ thiện”.

Hồi ra mắt “Ngồi khóc trên cây”, ông bảo cái tạng mình không hợp để viết về chuyện bạo lực, máu me hay xảy ra trong môi trường học đường bây giờ. Có lần thằng cháu rủ xem phim kinh dị được quảng cáo là “hay hết sẩy”, xem xong ông bị ám ảnh cả mấy tháng liền, đêm ngủ còn la hét.

Ông biết mình không viết nổi về cái ác. Nhưng nhà văn thì không thể thờ ơ trước vấn nạn thời cuộc, nhất là khi người ta nhân danh tình yêu để nhúng tay vào tội ác. Nên “Ngày xưa có một chuyện tình” ra đời để cảnh tỉnh bằng trang văn vẫn rất… Nguyễn Nhật Ánh: nhẹ nhàng, trong sáng và tình cảm.

Có một điều gây chú ý và tranh cãi khi Nguyễn Nhật Ánh băn khoăn không biết nên gắn mác 16+ cho tác phẩm này hay không. Ông nghĩ truyện có cảnh ân ái giữa Phúc và Miền, nếu trẻ em dưới 16 tuổi đọc thì không hợp cho lắm. Nhưng nếu gắn mác16+  thì người ta lại bảo câu khách. Biết chuyện, ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ liền đọc ngay bản thảo rồi đưa cho đứa con mới 13 tuổi đọc thử. Hỏi “Con thấy cảnh đó có gì ghê gớm không?”, đứa con lắc đầu quầy quậy “Con thấy bình thường mà ba”.

Tôi cũng thấy cảnh “nóng” ấy không nguy hiểm đến mức phải gắn mác giới hạn độ tuổi bạn đọc. Trước đó, tác phẩm “Đi qua hoa cúc” cũng có cảnh ân ái của Ngà với Điền, sách không gắn mác và rõ ràng bao nhiêu năm qua đi, độc giả không la ó gì. Cái đọng lại vẫn là tình yêu chân thành, bền bỉ của Trường và nỗi buồn anh mang bởi cách viết của nhà văn không hề nhuốm màu dung tục.

Nếu giả sử “Ngày xưa có một chuyện tình” được chuyển thể thành phim điện ảnh, thì tôi tin chắc khung hình sẽ quay thế này: hai nhân vật Phúc và Miền hôn nhau trong nước mắt, tay Phúc khẽ cởi chiếc nút đầu tiên trên áo Miền. Tới đó cắt. Nối tiếp là cảnh toàn quay căn chòi nằm giữa cánh đồng lộng gió và máy quay hướng lên bầu trời đầy sao. Người ta tự khắc hiểu mà vẫn diễn tả được tâm trạng giằng xé, hạnh phúc lẫn đớn đau của hai người yêu nhau trong buổi chia ly, gần gụi đầu tiên và cũng là cuối cùng.

Nhà thơ Lê Minh Quốc nhận xét về ông bạn thân đồng hương xứ Quảng quả không sai: “Ánh là nhà văn mang tâm hồn nhà giáo. Các em thiếu nhi như trang giấy trắng, chưa tự nhận thức nên nhà văn không thể lột trần sự việc và để chúng chọn lọc được. Riêng Ánh biết cách chọn lọc những chi tiết, câu chuyện phù hợp để hướng thiện cho chúng một cách nhẹ nhàng, giáo dục mà như không giáo dục”.

“Ngày xưa có một chuyện tình” chắc chắn không thể đầu độc tụi nhỏ, không cổ súy các em “làm chuyện người lớn” khi còn khoác áo trắng học trò, mà nó giúp cho tuổi mới lớn hiểu rằng: vượt quá giới hạn ở lứa tuổi ăn chưa no, lo chưa tới sẽ dẫn tới hậu quả mà chính họ không biết xử lý ra sao như nhân vật Miền, Phúc trong truyện. Và dẫu chuyện có lỡ làng, có thế nào đi nữa thì rất cần những cách ứng xử rất nhân văn, cao thượng như Vinh.

Nhà thơ Lê Minh Quốc ví Nguyễn Nhật Ánh là hoàng tử bé trong thế giới tuổi thơ. Ở “Ngày xưa có một chuyện tình”, ông cũng xuất hiện trong hình hài ấy, đó là bé Su. Su là người mào chuyện, đưa ra những “triết lý trẻ con” cực kỳ chí lý và đáng yêu từ một trái tim nhân hậu. Hoàng tử bé ấy vẫn trú ngụ trong thân xác của một nhà văn đã hơn 60 tuổi.

Tối tối nhâm nhi ít đậu phộng rồi  tập thể dục để sức khỏe tốt, tinh thần minh mẫn mà sáng sáng cần mẫn đắm chìm trên cánh đồng chữ chở về thuở hoa niên. Ông viết về hàng giậu mồng tơi, về cây me trước ngõ của một thời tưởng như xa lắm. Từ hành tinh tuổi thơ của mình, đều đặn mỗi năm, hoàng tử bé Nguyễn Nhật Ánh mang về cho người bao câu chuyện lóng lánh màu thiện lương, đẹp và trong sáng như sương mai. Dẫu đó có là nỗi buồn, một nỗi buồn trong veo của tuổi bước vào đời…

Mai Quỳnh Nga
.
.