Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần: Ngọt ngào và huyễn hoặc... cùng "quả tim sắt"

Thứ Hai, 22/08/2016, 08:04
Nguyễn Ngọc Thuần bước vào làng văn bằng thành tích “ăn ba” ấn tượng. Trước anh chưa thấy và sau anh sẽ là bài toán khó cho ai muốn lặp lại. “Đánh” đâu trúng đấy. Ba cuốn sách với ba giải thưởng lớn. Cú đề - pa đầu tiên là giải Ba Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần II năm 2000 với tập truyện “Giăng giăng tơ nhện”...


1. Không hẹn mà gặp, thế hệ nhà văn 7X ở Sài Gòn xuất thân từ dân mỹ thuật khá nhiều. Cứ như học mỹ thuật để… viết văn, làm thơ. Hay màu sắc, bố cục, đường nét kích thích tư duy ngôn ngữ hơn bất kể thứ nào khác? Tôi có thể kể tên các nhà văn, nhà thơ trước đó được đào tạo để làm họa sĩ, như Nguyễn Thị Châu Giang, Ly Hoàng Ly, Vũ Đình Giang, Nguyễn Danh Lam, rồi Nguyễn Ngọc Thuần. Ít nhiều những cái tên này đã định được danh trên văn đàn, đủ để gây nhớ với những ai quan tâm đến sự nóng lạnh của văn chương, đến nhịp đập của con chữ.

Nhớ, bởi: Nguyễn Thị Châu Giang từng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ở tuổi 27; Ly Hoàng Ly từng từ chối nhận giải tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam cho tập thơ “Lô Lô” năm 2006; Vũ Đình Giang với bộ đôi tiểu thuyết “Song song và Bờ xám”, Nguyễn Danh Lam đi từ “Bến vô thường” đến “Những vòng vây trần gian” rồi trôi “Giữa dòng chảy lạc” trước khi chạm “Cuộc đời ngoài cửa”, đều là những trang viết dung chứa sự giằng xé trong diễn trình vật lộn đi tìm chính mình giữa thế giới hỗn mang thường trực bất an.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần.

“Song song” và “Giữa dòng chảy lạc” là hai trong số chưa nhiều tác phẩm của tác giả trẻ Việt được dịch sang tiếng Pháp. Còn với Nguyễn Ngọc Thuần? Là chất ngọt ngào trong trẻo trẻ thơ và hài hước điên khùng huyễn hoặc người lớn. 

2. Nguyễn Ngọc Thuần bước vào làng văn bằng thành tích “ăn ba” ấn tượng. Trước anh chưa thấy và sau anh sẽ là bài toán khó cho ai muốn lặp lại. “Đánh” đâu trúng đấy. Ba cuốn sách với ba giải thưởng lớn. Cú đề - pa đầu tiên là giải Ba Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần II năm 2000 với tập truyện “Giăng giăng tơ nhện”.

Tiếp đến là giải A cuộc thi văn học thiếu nhi Vì tương lai đất nước lần II năm 2002 với tác phẩm “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ”. Khép lại hattrick bằng Giải A cuộc vận động sáng tác văn học thiếu nhi của NXB Kim Đồng năm 2003 cho tác phẩm “Một thiên nằm mộng”. Chẳng nghi ngờ và ngần ngại, nhiều người nhớ đến tác phẩm kinh điển của Saint Exupéry, liền gọi anh là “Hoàng tử bé” của văn học thiếu nhi Việt Nam.

Nếu được phép chọn tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi từ sau năm 1975 trở lại đây, tôi sẽ “bỏ phiếu” cho “Vừa nhắm mắt vừa mở của sổ” đầu tiên. Cuốn sách ra đời lúc tôi còn đang mắt nhắm mắt mở ở một huyện miền núi xa xôi quê nhà. Phải 5 năm sau tôi mới được đọc.

Đọc và bị mê hoặc. Khác hẳn một số sách thiếu nhi ít ỏi trước đó tôi từng biết. Đấy là kiểu sách thiếu nhi dành cho… người lớn. Đa phần mang dáng dấp… giáo khoa. Cảm giác tác giả chăm chăm giáo dục trẻ con. Người lớn giả giọng thiếu nhi, thành ra gượng gạo, nếu không phải bắt thiếu nhi mặc áo người lớn thì cũng là nhét suy nghĩ của người lớn vào miệng thiếu nhi. Khô. Và cứng.

“Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” không thế. Ngọt ngào và trong trẻo. Nguyễn Ngọc Thuần bày ra thế giới trẻ thơ đẹp đến tinh khiết, vô trùng. Bảng lảng hiện thực bồng bềnh cổ tích. Quan trọng là đẹp. Những câu văn đẹp, đầy hình ảnh. Những ý nghĩ đẹp, đầy nhân văn. Nhưng thật tự nhiên. Cứ như ở đấy là những đứa trẻ đang chơi với nhau chứ không phải chàng trai Nguyễn Ngọc Thuần cao hơn Tây gầy hơn ta kể chuyện.

Tôi đinh ninh rồi đây “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” sẽ thành cuốn sách đi cùng nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam. Việc nó được NXB Kim Đồng chọn in vào Tủ sách vàng, cùng với tác phẩm của các tác giả có tuổi đời gấp đôi, gấp ba tuổi Nguyễn Ngọc Thuần phần nào giúp tôi có niềm tin ấy.

Việc sách được dịch ra các thứ tiếng Anh, Thụy Điển, Thái Lan, Hàn Quốc và giành được giải thưởng Petet Pan – Giải thưởng của Ủy ban Quốc tế về sách dành cho thiếu nhi tại Thụy Điển, năm 2008, thêm lần nữa giúp tôi củng cố niềm tin. Có lẽ, đã rất lâu rồi, sau “Dế mèn phiêu liêu ký” của nhà văn Tô Hoài, mới có một tác phẩm văn học thiếu nhi Việt Nam được dịch ra nhiều thứ tiếng đến vậy.

3. Nhưng Nguyễn Ngọc Thuần không chỉ có mỗi văn học thiếu nhi. Sau các trang viết hồn nhiên, trong trẻo cho thiếu nhi, anh cựa mình bật lên, thoát xác. “Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ”, giải B (không có giải A) cuộc thi sáng tác văn học cho tuổi trẻ do NXB Thanh Niên kết hợp với báo Văn nghệ tổ chức, là cú cựa mình như vậy. Rồi người đọc nhớ một Nguyễn Ngọc Thuần “đã lớn”, không lẩn vào đâu được, từ tập truyện “Cha và con và… tàu bay”.

Tôi nhớ như in cảm giác bật cười với hình ảnh cậu bé con lần đầu đi máy bay liên tục đòi bố dẫn đi toilet. Vừa vui vừa quái. Đúng là chi tiết kiểu Nguyễn Ngọc Thuần. Văn của anh như chơi trò thách đố lối nghĩ thông thường ở người đọc. Dường như không thể biết được bên trong chàng trai đất Hàm Tân, Bình Thuận này có những ý nghĩ gì. Mạch ấy được tiếp nối và đẩy lên cao hơn ở các truyện dài về sau của anh.

“Chuyện tào lao”, “Sinh ra là thế”, “Về cô gái này” là những truyện dài dung chứa liên hoàn các chi tiết phi lý. Chính sự phi lý làm rõ hơn cái bất ngờ, bất an, bất hợp tác của con người trong đời sống đương đại.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần và con gái.

Mỗi cá thể sống đều như đang bơi trong mơ hồ, mơ màng, mơ tưởng, bấp bênh trong việc định vị mình. Tác giả kéo người đọc đi theo trường phi logic ấy, và rồi thở phào với lối ra bất ngờ, nhẹ nhàng đến khó tưởng. Họa sĩ, biên tập viên Trần Ngọc Sinh gọi đấy là sự hài hước điên khùng huyễn hoặc và sâu lắng. Chất ấy chính là dấu hiệu nhận biết văn chương Nguyễn Ngọc Thuần.

Dường như Nguyễn Ngọc Thuần viết rất dễ, chẳng phải bày binh bố trận hay toan tính gì. Anh từng chia sẻ: “Với tôi, văn chương đơn giản là viết những gì mình thích, chỉ vậy thôi. Tôi thích viết bằng sự trải nghiệm của hiện tại, hay và dở của hiện tại vẫn quyến rũ hơn. Tôi chẳng nghĩ điều gì sâu sắc cả. Thường thì tôi viết linh tinh cho đến lúc nảy ra một vài gạch đầu dòng tự thấy là thú vị, là viết thành sách. Vì thế, tôi thường không bao giờ biết mình sẽ viết câu chuyện gì, chủ đề nào. Một cuốn sách hay vẫn có thể xuất hiện lúc bạn… đau lưng”.

Có lẽ vậy, nên nếu người đọc muốn tìm cái gì đó vâm váp, lớn lao, có tính luận đề theo lối văn chương thông thường thì tốt nhất nên tránh xa… Nguyễn Ngọc Thuần. Văn chương Nguyễn Ngọc Thuần là thứ văn gây cảm giác, chạm vào cảm - giác - người. Theo đó, anh viết về những điều khác biệt hơn, cá nhân hơn, không giống với những gì văn học đã có trước đó. Bởi anh nghĩ có rồi thì chẳng ai đọc lại nữa, dù anh có viết hay hơn thì cũng là món “ựa lên nhai lại”. Người đọc giờ thông minh lắm, họ không phải sinh vật có dạ dày 4 ngăn để sẵn lòng nhai lại.

4. Sự hài hước điên khùng và huyễn hoặc sâu lắng của Nguyễn Ngọc Thuần còn tràn từ trang viết lên các dòng trạng thái trên facebook. Anh giễu nhại chính mình ở chốn lao xao mặt người ấy. Đến như lần phải bước vào cuộc đại phẫu thuật, đặt “quả tim sắt” trong lồng ngực, anh vẫn tỉnh bơ khôi hài. Có lẽ tử thần cũng phải bật cười và chào thua cái sự hài hước của anh.

Thi thoảng, Nguyễn Ngọc Thuần lại có nhận định, chính kiến về các vấn đề hay sự vụ nóng hổi diễn ra hằng ngày. Mọi vấn đề cao siêu rườm rà được nhìn qua con mắt của anh bỗng trở nên rõ ràng, mạch lạc với cách diễn đạt không lẫn vào đâu được, hài hước như chính con người anh. Nhiều dòng trạng thái của Nguyễn Ngọc Thuần lôi cuốn đến mức các báo sẵn sàng in lại.

Có người đùa, rằng Nguyễn Ngọc Thuần làm được cái việc ngược với quy trình của báo chí lâu nay. Thường báo giấy hay báo mạng ra rồi các cá nhân mới trích dẫn về trang riêng. Đằng này, Nguyễn Ngọc Thuần viết trên trang cá nhân của mình lại thành báo. Nói như kiểu miền Nam là: làm chơi mà ăn thật. Thậm chí có dòng trạng thái lôi cuốn đến mức, đôi lần diễn giả tầm cỡ hàng đầu thượng thặng “lôi” về nhà làm của riêng, cố tình lược tên Nguyễn Ngọc Thuần ở cuối, mở ngoặc đơn thêm hai chữ “sưu tầm”, mặc kệ lượng fan nghĩ đấy là sản phẩm của vị diễn giả. Anh cười như chưa gặp chuyện nào hài hơn, đúng là diễn giả mà như… diễn thật.

5. Là họa sĩ trình bày báo Tuổi Trẻ từ khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật đến nay. Ở tuổi 44, Nguyễn Ngọc Thuần đang trong giai đoạn sáng tạo sung sức nhất, dù sức khỏe anh phải duy trì bằng “quả tim sắt”. Nhưng chẳng hề gì. Với người như Nguyễn Ngọc Thuần, mọi thứ nhẹ tựa đám mây hồng. Sẽ chẳng lấy làm bất ngờ, khi bất thình lình anh lại trưng ra bìa sách mới.

Tôi tâm đắc với quan niệm của anh về văn chương, nhẹ nhàng, hài hước nhưng trúng: “Văn chương là tâm tính, tâm hồn, tâm trạng… Chẳng thể nào chuyên nghiệp được mấy cái đó. Nếu bạn thích xuống dòng thì bạn nên xuống dòng, thích viết hoa thì cứ viết hoa. Bởi bạn là người ra luật chơi mà. Bạn đừng vì một cái luật nào đó không cho xuống dòng, không cho viết hoa thế là bạn phải đu theo mặc dù trong tâm hồn bạn không hề muốn thế. Nhưng tôi nghĩ, nếu chấm câu mà truyện vẫn hay thì không có lý do gì hành hạ người đọc chi cho khổ. Tốn nhiều công sức cho một ít ý nghĩa là không chính đáng”.

Văn Thành Lê
.
.