Nhà văn Nguyễn Khắc Phục và “N.K.P gửi lại”
Ba lần mặc váy hoa lên bàn mổ
Hôm ấy, nhà báo Lê Đức Hùng từ Đà Nẵng ra Hà Nội điện mời tôi cùng ăn sáng để bàn việc in tập thơ của Phan Duy Nhân do anh và một số anh em thân hữu ở Đà Nẵng chủ trương. Tôi và Hùng quen biết nhau từ năm 1974, khi tôi là phóng viên của Thông Tấn xã Giải phóng Quảng Đà, còn Hùng đang học trung học ở trường Phan Chu Trinh, Đà Nẵng, tham gia phong trào đấu tranh chống Mỹ - Thiệu bị lộ phải ra căn cứ cùng một số bạn bè khác.
Chúng tôi gặp nhau tại xã Xuyên Trà thuộc huyện Duy Xuyên trong lần tôi và Nguyễn Khắc Phục, một nhà văn trẻ từ Hội Văn nghệ Giải phóng Khu V xuống Quảng Đà cùng về công tác tại Ban Mặt trận thành phố đang đóng tại đây. Hùng rất vui vì được gặp hai nhà văn, nhà báo mà Hùng biết tên qua bài thơ "Thành phố rôc-két, thành phố tâm hồn du kích" của Nguyễn Khắc Phục và "Gửi dòng sông thân yêu" của tôi. Hai bài thơ này Hùng chép từ Tạp chí Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ vào sổ tay của mình.
Lần gặp nhau ấy có cả Phan Duy Nhân, một "thủ lĩnh" phong trào đấu tranh chống Mỹ-Thiệu của Phật giáo và học sinh sinh viên Đà Nẵng, là Ủy viên Thường vụ của Ban lãnh đạo "Lực lượng Nhân dân Tranh thủ Cách mạng" trong cuộc đấu tranh nổi dậy làm chủ thành phố Đà Nẵng 76 ngày đêm năm 1966, một cựu tù nhân Côn Đảo mới được chính quyền Sài Gòn trao trả sau Hiệp định Paris năm 1973 về Việt Nam. Ra Hà Nội lần này Hùng muốn mời tôi và Nguyễn Khắc Phục viết bài về Phan Duy Nhân và thơ của Phan Duy Nhân để in vào tập thơ sắp xuất bản. Đó như một món quà chứa đựng tình cảm của bạn bè thân hữu tặng anh Phan Duy Nhân, tức Nguyễn Chính, nguyên Quyền Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, hiện đang nằm một chỗ sau ba lần mổ tim và một lần xuất huyết não. Lê Đức Hùng hỏi tôi:
- Lâu nay anh có hay gặp anh Phục không? Bữa trước em mời anh Phục viết bài cho tập thơ của anh Phan Duy Nhân, anh Phục nhận lời, nhưng hôm qua gọi điện anh ấy nói đang nằm trong Viện 103, mệt lắm, chắc khó viết được.
Tôi hơi bất ngờ về tin Phục nằm viện, nhưng nghĩ chắc bệnh cũng không đến nỗi nguy kịch như mấy lần Phục vào viện trước đây. Tiện có Hùng ra Hà Nội, tôi và vợ tôi, một nữ phóng viên chiến trường Khu V năm xưa mà Nguyễn Khắc Phục rất quý mến, cùng vào thăm Phục.
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục. |
Nhớ lại những lần Phục nằm viện, tôi không quên được câu nói của Phục mỗi khi có ai hỏi thăm về sức khỏe của mình: "Ba lần mặc váy hoa lên bàn mổ!". Ba lần ấy là hai lần Phục phải vào bệnh viện mổ mật và một lần mổ cắt một phần dạ dày. Lần nào gặp tôi, Phục cũng cười phớ lớ, nói: "May quá, chưa toi!". Tính Phục vẫn thế, bao giờ cũng coi mọi chuyện nhẹ như lông hồng, kể cả cái chết cận kề trong chiến tranh. Lần này cũng vậy, Phục vẫn thanh thản như không.
Chiếc xe đưa chúng tôi vào cổng Viện Quân y 103, hỏi thăm khu Phục nằm, tôi giật mình khi biết khu đó dành riêng điều trị các bệnh nhân bị ung thư! Phục nằm điều trị ở Phòng tự nguyện Khu K.71, đang được truyền hóa chất, đầu cắt cua khác hẳn những lần cắt trọc hoặc để tóc dài phủ cả hai tai, nhưng khuôn mặt còn khá hồng hào. Nhìn thấy chúng tôi vào thăm, vẫn nụ cười tươi, Phục nói ngay với Lê Đức Hùng:
- Anh định viết bài "Phan Duy Nhân, một nhà thơ tài hoa" gửi cho em nhưng bây giờ chắc không viết nổi. Cách đây mấy ngày anh thấy khó thở và tức ngực nên vào đây khám. Chiếu chụp rồi xét nghiệm các kiểu, bác sỹ kết luận anh bị ung thư phổi, dạng tế bào nhỏ, không mổ được!
Rồi Phục lại cười vui, hỏi chuyện vợ chồng tôi và hỏi thăm các cháu. Phục nhìn Trang Thanh, vợ mình, rồi quay sang nói với vợ tôi:
- Anh nói với Thanh, anh mãn nguyện với những gì anh đang có...
Phục bảo Thanh mở clip quay cảnh cháu Gạo, cậu con trai ba tuổi của Phục-Thanh vừa hát vừa nhảy theo điệu nhạc cho chúng tôi xem, mặt rạng ngời hạnh phúc.
Lời tiên đoán bốn tháng thành mười năm
Biết tin Nguyễn Khắc Phục bị bệnh hiểm nghèo, tôi gọi điện báo cho bạn bè ở Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng biết tin. Họa sĩ Lê Đại Chúc thảng thốt khi biết tin dữ này. Bởi cách đây không lâu anh lên Hà Nội gọi điện hẹn tôi cùng ăn sáng, bữa ấy có cả vợ chồng Phục và cậu con trai kháu khỉnh cùng ăn, thấy Phục vẫn khỏe khoắn và nhanh nhẹn lắm! Anh hẹn với tôi sẽ lên Hà Nội thăm Phục ngay.
Hôm Lê Đại Chúc lên, tôi lại cùng anh vào thăm Nguyễn Khắc Phục. Lần này thấy sắc diện Phục sa sút hẳn so với lần trước. Phục nằm, vẫn đang được truyền hóa chất, Thanh phải đỡ Phục mới ngồi dậy được. Phục dựa vào tường nói chuyện với Chúc và tôi, giọng đã yếu hơn lần tôi vào thăm trước nhiều. Lê Đại Chúc và Nguyễn Khắc Phục là bạn cùng học ở Trường Hàng hải Hải Phòng từ hơn 50 năm trước.
Khi ấy Phục học khoa máy tàu thủy còn Chúc học tiếng Anh và thương vụ. Ra trường Chúc trở thành thủy thủ tàu viễn dương, còn Phục trở thành thủy thủ tàu vận tải trong nước. Sau này, vốn là con nhà nòi, có cha là thi sĩ Lê Đại Thanh nổi tiếng đất Cảng, lại mê vẽ từ nhỏ, được các bậc họa sĩ lừng danh Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm quý mến, kèm cặp, Lê Đại Chúc rẽ ngang, trở thành một họa sĩ nghiệp dư, rồi một họa sĩ chuyên nghiệp khá nổi tiếng của làng hội họa trong nước, có tranh được một số nhà sưu tập tranh trong nước và nước ngoài mua với giá cao.
Còn Phục, sau truyện ngắn đầu tiên "Hoa cúc biển" in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1967 khá nổi tiếng mà tôi từng đọc và rất ấn tượng với cái tên Nguyễn Khắc Phục của tác giả, cũng đã rẽ ngang để rồi năm 1971 trở thành nhà văn trẻ vào chiến trường Khu V cùng đợt với tôi cũng vào chiến trường này.
Nói chuyện với Nguyễn Khắc Phục, Lê Đại Chúc nhắc lại một kỷ niệm cách đây hơn mười năm khi Phục và Chúc đều đang "đơn thương, độc mã" cùng ở một nhà trọ trong một con phố nhỏ thuộc phường Quan Hoa, Cầu Giấy. Lần ấy, một cô thầy bói mà hai người gọi vui là cô "Chín cộng Một", tức cô Mười, sau khi xem cho Phục đã nói như đinh đóng cột rằng Phục chỉ còn sống được bốn tháng nữa. Chắc là sau ba lần mổ, cảm thấy sức khỏe của mình quá bi đát nên có vẻ Phục tin lời tiên đoán của cô thày bói này, còn Lê Đại Chúc thì không. Chúc bảo với Phục: "Nhìn sắc diện của ông, tôi nói ông còn phải sống ít nhất thêm mười năm nữa!".
Chẳng biết có phải sau lời tiên đoán của cô "Chín cộng Một" ấy không mà Phục hối hả tập hợp các bản thảo của mình in ra một loạt tác phẩm để tặng bạn bè. Phục ôm cả một chồng sách dễ cũng đến gần chục ký, gồm mấy cuốn tiểu thuyết về Thăng Long, tuyển tập mấy chục vở kịch, mấy tập thơ và trường ca... đến tận nhà tặng vợ chồng tôi. Lần sau đến chơi thấy vợ tôi đang đọc sách của Phục tặng, Phục nửa đùa nửa thật nói: "Em có dở hơi không mà đọc sách của anh!".
Phục còn kể với tôi sau khi tuyển tập kịch của Phục được Nhà xuất bản Sân khấu xuất bản, Phục đến chính cửa hàng sách của Nhà xuất bản mua thêm một cuốn và hỏi cô bán hàng đã bán được bao nhiêu cuốn, cô ấy nói: "Mới bán được... hai cuốn, trong đó có một cuốn bán cho bác!". Kể lại với tôi chuyện này, Phục tếu táo: "Chắc thằng cha nào bị thần kinh mới mua và đọc cuốn sách dày cộp của tôi!".
Tính tếu táo ấy của Phục đã có lần tôi nhắc đến trong bài viết "Nguyễn Khắc Phục và sự "hú họa" của hắn" khi Phục "ăn theo" họa sĩ, nhà thơ Trần Nhương triển lãm tranh của mình. Phục bảo Phục vẽ được tranh chẳng qua là ăn may thôi, hú họa mà thành. Hôm cùng Phục ăn trưa ở quán vỉa hè phố Dã Tượng, Phục chỉ vào cái chân đang mang tất của mình để gọi đồ ăn, cháu phục vụ không hiểu hỏi lại, Phục cười tếu táo: "Là món bít-tết cháu ạ!". Nhớ Phục nhiều khi là nhớ ở những chi tiết tếu táo như thế.
Lần này vào thăm Phục, Lê Đại Chúc nhắc lại lời tiên đoán của mình, rồi nói với Phục:
- Ông thấy tôi đoán có đúng không? Thế là ông sống lãi thêm hơn mười năm rồi!
Phục cười, thật hiền lành:
- Nếu kể cả mấy lần chết hụt cùng ông Quảng ở Quảng Đà năm 1974 thì đã sống lãi hơn bốn mươi năm rồi còn gì!
Nguyễn Khắc Phục và "N.K.P gửi lại"
Chia tay Phục để về lại Hải Phòng, Lê Đại Chúc nói phải gấp rút vẽ cho xong bức chân dung của Nguyễn Khắc Phục để tặng Phục và để đưa vào cuốn sách in chân dung các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ, những người bạn quý mến do Lê Đại Chúc vẽ. Còn tôi cứ vẩn vơ nhìn Phục mà chạnh nhớ nhà thơ Phạm Tiến Duật, bạn chí cốt của Phục, đã "thường trú" ở cái nơi xa lắm từ 8 năm trước (tháng 12-2007). Bởi vì trong khi nói chuyện với tôi, Phục kể lại một giấc chiêm bao gần đây nhất thấy Phạm Tiến Duật về thăm và ôm lấy Phục như những ngày Phạm Tiến Duật cũng bị ung thư mà Nguyễn Khắc Phục cùng bạn bè thân thích của Duật luôn luôn có mặt bên anh ở Viện Quân y 108 trước khi Duật đi xa.
Nghĩ đến Nguyễn Khắc Phục, tôi lại nghĩ về một con người, một tính cách, một nhà văn, một nhà thơ, một nhà viết kịch và có lẽ là cả một họa sĩ nữa mà tôi và rất nhiều bạn bè quý mến. Những người bạn thân của Phục đều biết Phục có một tính cách mạnh mẽ, yêu ghét rõ ràng, không bao giờ biết nịnh nọt, luồn cúi và chạy chọt, cơ hội trong cuộc sống.
Tính cách của Phục mạnh mẽ, quyết đoán, nhiều khi tới mức cực đoan, có người thông cảm nhưng cũng có không ít người không thông cảm. Tôi biết có những người bạn Phục chơi khá thân nhưng chỉ vì một việc làm nào đó Phục thấy "chướng mắt" là Phục không còn gặp nữa. Trong một bài viết của nữ nhà thơ trẻ Bình Nguyên Trang về Nguyễn Khắc Phục gần mười năm trước, khi Bình Nguyên Trang hỏi tôi về Nguyễn Khắc Phục, tôi đã nói: Nguyễn Khắc Phục là một con người cực đoan đến mức khó hiểu!
Từ trái sang: Nhà văn Nguyễn Khắc Phục, nhà báo Dương Đức Quảng, nhà thơ Thanh Quế, nhà thơ Trần Vũ Mai (ảnh chụp tại chiến trường Quảng Nam năm 1972). |
Đối với tôi, một người mà Nguyễn Khắc Phục đã dành những tình cảm quý mến qua từng câu chữ trong bài viết "Một chút giật mình, một chút thảng thốt" khi giới thiệu tập thơ đầu tay "Một chút" của tôi in năm 2005 mà cũng đã có lần vì tôi không đồng tình với một "quan điểm yêu nước" của Phục nên Phục to tiếng, giận tôi đến mức bỏ cả cuộc vui cùng bạn bè ra về; bất chấp kế hoạch sau cuộc vui này Phục còn là khách mời để Đài Truyền hình Việt Nam phỏng vấn về một nhà văn bạn Phục cho một chương trình dành cho người Việt Nam xa Tổ quốc. Ấy thế mà khi nguôi giận, Phục lại đối xử với tôi như một ngoại lệ, coi như chẳng có chuyện gì xảy ra!
Nguyễn Khắc Phục còn là một con người vô cùng nhân hậu. Phục có thể móc tới đồng tiền lẻ cuối cùng trong túi để giúp đỡ một người bạn lâm vào hoàn cảnh khó khăn, túng quẫn hay một cụ già, một em nhỏ lang thang cơ nhỡ mà bất ngờ Phục gặp trên đường phố. Vào thăm một trung tâm nuôi dạy trẻ em lang thang đường phố ở Đà Nẵng, thấy các em chưa có tivi xem, Phục đến Đài Phát thanh Truyền hình Đà Nẵng ký ngay hợp đồng viết kịch bản phim truyện truyền hình nhiều tập "Câu chuyện cuối tuần", yêu cầu tạm ứng ngay nhuận bút để mua một chiếc tivi to vật vã mang cho bọn trẻ cơ nhỡ. Rồi quay về Hà Nội nói với nhà báo Đào Lê Bình, Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô ứng trước cho Phục tiền nhuận bút viết cho báo đủ để gửi giúp một cháu nhỏ nhà nghèo mổ tim.
Rồi Phục còn đem toàn bộ nhuận bút kịch bản "Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam lần đầu tiên" (2009) tặng các cháu dân tộc Rơ-măm ở làng Le, Kon Tum (chiến trường Phục đã có mặt năm 1972). Rồi nhân kỷ niệm 245 năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du, Phục lại dành toàn bộ nhuận bút kịch bản của chương trình này cho các em bé bị hội chứng "chim xệ cánh" ở Hà Tĩnh. Nhưng vì quá bận, không thể đến tận nơi được, Phục nhờ nhà thơ Nguyễn Thanh Kim thay mặt mình trao cho các em... Và còn nhiều, nhiều chuyện như thế về tấm lòng nhân hậu của Phục nhưng nhiều bạn bè không biết vì chẳng bao giờ Phục nói ra!
Hôm vào thăm Phục cùng Lê Đại Chúc, tôi hỏi Phục: "Ông còn những điều gì mong muốn mà chưa làm được?". Phục nói: Có ba điều Phục dự định chắc khó thực hiện kịp. Một là, in và phát hành tiểu thuyết "Hỗn độn", dày gần 1.000 trang khổ giấy A.4. Hai là hoàn tất công trình khảo cứu "Những bài học giữ nước", dự kiến cũng gần một nghìn trang nhưng mới viết được 300 trang thì lâm bệnh. Và ba là, in "Toàn tập Nguyễn Khắc Phục" với tiêu đề "NKP gửi lại", gồm 5 phần: "NKP gửi lại Tiểu thuyết"; "NKP gửi lại Kịch bản Sân khấu"; "NKP gửi lại Kịch bản Phim truyện và Phim truyện truyền hình"; "NKP gửi lại Thơ và Trường ca"; "NKP gửi lại truyện ngắn-tạp văn-suy ngẫm"... Phục bảo tất cả những gì Phục đã viết ra thì chứa hết vào "NKP GỬI LẠI", để lại cho con cháu, gia đình, bạn bè và bạn đọc. Nếu in hết chắc cũng đến 20 tập, mỗi tập khoảng 500 trang.
Nghe Phục nói vậy tôi không hề ngạc nhiên trước khối lượng các tác phẩm Phục đã viết và để lại. Nguyễn Khắc Phục là một người làm việc không biết mệt mỏi. Có ai đó dùng hình ảnh "khổ sai trên cánh đồng chữ" tôi nghĩ rất đúng đối với con người này. Tôi không nói đến hay dở trong những trang viết của Nguyễn Khắc Phục, bởi mỗi người đều có cách tiếp nhận và thưởng thức khác nhau, hơn nữa tôi không phải là một nhà phê bình văn học để bàn luận về vấn đề này, nhưng tôi cam đoan rằng chỉ tính đếm những trang viết của Nguyễn Khắc Phục thôi thì tôi và không ít bạn bè, người đọc đã phải ngả mũ kính chào về sức làm việc tận tụy và bền bỉ trong suốt 50 năm qua của một nhà văn Việt Nam hiện nay.
Cách đây hai ngày, nhà báo Lê Đức Hùng lại ra Hà Nội. Tôi và Lê Đức Hùng lại vào thăm Nguyễn Khắc Phục. Chúng tôi đến phòng bệnh Nguyễn Khắc Phục nằm thì Phục đang được các bác sĩ đưa đi chiếu chụp trên một phương tiện kiểm tra hình ảnh hiện đại nhất của Viện Quân y 103 để xem bệnh tình của Phục tiến triển thế nào, từ đó tìm phác đồ điều trị hiệu quả nhất cho Phục. Vợ Phục dẫn chúng tôi đến phòng Phục đang nằm sau khi được các bác sĩ chăm sóc và tiến hành các công đoạn chuẩn bị cho việc chiếu chụp. Từ cửa phòng, chúng tôi nhìn thấy Phục nằm bất động, mắt dường như đang nhìn thẳng lên trần nhà. Tôi và Đức Hùng khẽ gọi mong Phục quay ra nhìn chúng tôi, nhưng có lẽ Phục không nghe thấy, còn các bác sĩ yêu cầu chúng tôi để yên cho Phục nằm như vậy để một tiếng sau sẽ chiếu chụp, nếu không, kết quả sẽ thiếu chính xác. Rồi cửa phòng khép lại. Thanh tiễn chúng tôi ra cổng, nói với tôi:
- Anh Phục biết hết mọi chuyện sẽ đến với anh ấy. Anh ấy chỉ có một yêu cầu đối với em là em luôn luôn ở bên anh ấy, 24/24h mỗi ngày và tối nào cũng phải đưa anh ấy về nhà với cháu Gạo trong những ngày này!
Tôi biết vì sao Phục lại có mong ước tưởng chừng giản dị như thế... Thế mà, thật là trớ trêu...
Tôi ra về mà lòng nặng trĩu. Bất giác tôi lại nhớ tới buổi sáng đầu tiên vợ chồng tôi cùng nhà báo Lê Đức Hùng vào thăm Nguyễn Khắc Phục ở K.71 Viện Quân y 103. Sau khi vui vẻ, lạc quan nói chuyện với chúng tôi về bệnh tình của mình, như có một điều gì tiếc nuối, Phục hỏi tôi:
- Dạo này ông còn chơi tá lả không? Tôi bây giờ chỉ thèm được chơi tá lả như ngày nào còn ở ngõ Dã Tượng cùng ông và các bạn!
Nghe Phục nói mà tôi cứ nghèn nghẹn trong lòng. Ôi, một ước mơ nhỏ nhoi của một con người mà sao khó thực hiện đến thế!...
Hà Nội, đêm 22/7/2015