Nhà văn Nguyên Hồng: Những trang sách thấm mồ hôi và hương đất

Thứ Năm, 01/08/2013, 08:00

Cuộc đời và sự nghiệp Nguyên Hồng hấp dẫn nên khi còn học ở năm cuối, tôi đã viết một luận văn khoảng 100 trang về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyên Hồng rồi mạnh dạn nhờ thầy Đặng Thai Mai đọc hộ. Khoảng một tuần sau thầy Mai bảo tôi: "Tôi đã nhờ một người có thẩm quyền nhất đọc cho anh". Tôi không dám hỏi lại và chỉ biết cám ơn thầy. Vài tuần sau tôi nhận được bản luận văn do thầy Mai chuyển lại. Thầy Mai bảo: "Anh Nguyên Hồng đã đọc cho anh, chắc là anh rất vui lòng và yên tâm"...

Đầu năm 1957, khi khóa học Đại học Sư phạm Văn vào giai đoạn kết thúc, tôi đã viết một luận văn nhỏ về Nguyên Hồng. Đây không phải là công việc bó buộc của nhà trường vì lúc đó sinh viên chưa phải làm luận văn. Tôi viết theo lòng yêu thích. Các nhà văn hiện thực như Nam Cao, Nguyên Hồng đều được tôi trân trọng tìm hiểu. Khi được học "Những ngày thơ ấu" với những trang viết xúc động và gần gũi, tôi đã quyết định viết về Nguyên Hồng. Sách vở ở thư viện Trung ương dạo này thật đầy đủ. Lớp học của chúng tôi có một số anh vẫn đến thư viện đọc đều. Thư viện vẫn cho phép chúng tôi được lên gác hai có căn phòng đủ cho ba bốn chục người đọc. Và một điều thú vị là người đọc có thể đi ra ngoài sân, ngồi trên bệ tường và đọc sách dưới bóng của những cây phượng xanh tươi vào mùa hè.

Cuộc đời và sự nghiệp Nguyên Hồng hấp dẫn nên khi còn học ở năm cuối, tôi đã viết một luận văn khoảng 100 trang về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyên Hồng rồi mạnh dạn nhờ thầy Đặng Thai Mai đọc hộ. Khoảng một tuần sau thầy Mai bảo tôi: "Tôi đã nhờ một người có thẩm quyền nhất đọc cho anh". Tôi không dám hỏi lại và chỉ biết cám ơn thầy. Vài tuần sau tôi nhận được bản luận văn do thầy Mai chuyển lại. Thầy Mai bảo: "Anh Nguyên Hồng đã đọc cho anh, chắc là anh rất vui lòng và yên tâm".

Nhà văn Nguyên Hồng ghi lại nhận xét trên trang giấy trắng cuối cùng. Tôi còn nhớ rất rõ hàng chữ viết thẳng, đều và nhỏ. Ông cho biết là tuy chưa gặp gỡ nhưng qua luận văn ông có cảm tình đặc biệt với người viết. Ông khen tôi có triển vọng, ham học hỏi, có thái độ trân trọng với tác phẩm và tỏ ra mạnh dạn khi phân tích, bình luận. Ông chê tôi có nhiều chỗ còn non nớt, chưa am hiểu nhiều về thực tế xã hội nên sự phân tích còn mang tính sách vở. Cuối cùng, ông khích lệ tôi: "Người bạn trẻ hãy mạnh dạn đi vào con đường văn chương". Từ đấy thỉnh thoảng tôi gặp ông ở Hội Nhà văn hoặc ở các buổi nói chuyện của ông cho sinh viên.

Những năm chống Mỹ, một lần ông lên khu sơ tán nói chuyện với Khoa Văn Đại học Tổng hợp. Các thầy giáo đón tiếp ông, vị khách quý từ nơi xa về với trường. Ông giới thiệu với sinh viên về bộ "Cửa biển", trong đó có tập "Cơn bão đã đến". Nhà văn Nguyên Hồng đem theo sơ đồ rộng như một cái chiếu treo trên bảng và đã chỉ rõ hướng điều quân, chỉ huy các nhân vật của ông. Ông ăn mặc giản dị, chùm râu lốm đốm bạc phơ phất, dáng vẻ quắc thước. Ông để lại ấn tượng sâu sắc cho sinh viên. Lúc này, trong câu chuyện, ông không gọi tôi là "anh" như mọi khi mà gọi là "thầy". Ông dặn dò: "Đạo học là quý lắm. Ngày nay, mọi người phải biết giữ lấy đạo học của cha ông. Mọi việc có thể thay đổi nhưng đạo học là không thể thay đổi". Trong đôi mắt ông lấp lánh niềm tin. Tôi chợt nhớ ra ông chính là ông thầy, thầy Hồng dạy cho các nhà văn trẻ. "Một thầy giáo được các nhà văn yêu quý, chân tình tận tụy với công việc, giàu tình cảm, một người rất hay khóc, rất hay dễ xúc động" (Nguyễn Minh Châu). Chuyện kể lại, khi ông đọc lại bản thảo tập "Sóng gầm", đến đoạn Gái Đen chết, ông nghẹn ngào và chấm chấm nước mắt.

Trong những ngày sơ tán, thỉnh thoảng tôi lại có dịp về Hà Nội. Một lần đang đi trên phố Tràng Thi, tôi bất chợt gặp ông. Ông vồn vã hỏi chuyện và rủ tôi vào một quán bia. Lúc này ở giữa phố Tràng Thi có một quán bia hơi khá rộng và thoáng mát. Bia vừa về nên người mua cũng khá đông. Mấy em nhỏ bán lạc chạy quây quanh nhà văn Nguyên Hồng, nói: "Ông mua lạc cho cháu và cháu xếp hàng mua bia cho ông". Ông nheo mắt mỉm cười bảo tôi ngồi xuống ghế rồi nói với lũ trẻ: "Mua cho ông bốn vại". Tôi vội xin "rút lui" một vại. Ông đưa tiền ra và bảo: "Thế các cháu mua cho ông ba vại". Các cháu nhỏ chạy ra xếp hàng, thỉnh thoảng lại nhìn ông nhoẻn miệng cười. Ông lại nháy mắt và buột miệng nói: "Các cháu nhỏ này là các chú Gavrốtsơ". Câu nói của ông làm cho một ông khách ngồi đối diện bực mình. Ông này phản ứng lại và nói ngay:

- Tại sao ông lại bảo lũ trẻ là Gavrốtsơ? Chúng nó mất nết, lang thang hết hàng quán này đến hàng quán nọ.

Tôi cũng bị bất ngờ vì câu nói và nhìn lại ông khách. Có thể là cán bộ một ngành văn hóa hoặc tư tưởng nào lại đã đọc "Những người khốn khổ" của Víchto Huygô. Nhận xét của ông ta có phần đúng ở góc độ so sánh chất gan dạ anh hùng của Gavrốtsơ với những em nhỏ không nghề nghiệp này. Nhưng tôi cứ cảm thấy sao nặng nề vậy. Tôi lại nhìn Nguyên Hồng, nét mặt ông chững lại, ông bị xúc động thực sự qua câu nói của người khách. Ông hiểu Gavrốtsơ, và ông cũng hiểu các cháu nhỏ này.

Ông trả lời từ tốn, thiết tha:

- Tôi thương các cháu sống không gia đình, còn bé nhỏ như thế đã phải kiếm sống, phải đương đầu với mọi chuyện đau khổ.

Nguyên Hồng như rưng rưng, câu nói của ông đã giải tỏa được tình thế. Người khách ngồi im và hình như ông ta đã cảm thấy lời nói của mình hơi vội vàng, nhất là khi ông chưa hiểu người ngồi trước mặt ông là ai.

Riêng tôi càng thấy quý mến thêm tấm lòng đôn hậu, giàu yêu thương của nhà văn Nguyên Hồng. Chính tấm lòng giàu yêu thương và tâm huyết trước cuộc đời là nguồn sáng tạo để có một Nguyên Hồng trong thơ. Nguyên Hồng có tập thơ "Trời xanh", những dòng thơ giàu cảm xúc giữa hàng ngàn trang văn xuôi phong phú và bề bộn sự sống. Trong một lần trao đổi về tác phẩm "Sóng gầm", một tác giả văn xuôi nói: "Đọc ông càng đọc càng thấy "ngổn ngang gò đống kéo lên" nhưng khi gấp trang sách là lòng cảm phục sự sống quy tụ về đây và gây ấn tượng". Cũng trong cuộc họp ấy nhà văn Nguyễn Đình Thi nói: "Đọc Nguyên Hồng có những đoạn phải đọc đi đọc lại nhiều lần như cảnh gia đình mẹ La. Sự nghèo khổ đến cùng cực, đội than đến trụi tóc, da dẻ cóc cáy khiến người đàn bà này bị dồn đến chân tường phải xô xát với chồng và luôn cầu khẩn cho số mệnh". Khác với tiểu thuyết, thơ ông là một dòng tình cảm trong sáng, có lúc sôi nổi. Trong các nhà văn hiện thực dường như không có nhà văn nào ngoài Nguyên Hồng có thơ hay. Tô Hoài cho biết ông cũng có làm thơ lúc khởi nghiệp nhưng tự cảm thấy không phải sở trường nên lại thôi. Nam Cao - theo Tô Hoài cho biết - cũng có một tập thơ ký tên là Nguyệt, nhưng không gây ấn tượng.

Nguyên Hồng thì khác, có thể xem ông có tư cách nhà thơ của một tập. Ông có một bài vào loại xuất sắc trong thơ Việt Nam hiện đại: "Cửu Long giang ta ơi".

Cửu Long quặn đẻ
Chín nhánh sông vàng

Dòng sông từ thượng nguồn chảy qua nhiều nước, Lào và Campuchia. Những hình ảnh đẹp của đất nước Lào:

Ngẫm nghĩ voi đi
Thác Khôn cười trắng xóa
Rừng Lào Miên đẹp quá
Dân Lào Miên mến yêu

Bài thơ đi vào kết thúc với những hình ảnh đẹp:

Đêm nay Cửu Long Giang
Sao khuya lấp lánh
Lửa chài thức
Sáng nhịp hát hò
Đồng Tháp xa đưa những tiếng mẹ ru
Hồ Chí Minh thành ca dao bát ngát.

Thơ là một tuyến nhỏ trong đại bộ của tiểu thuyết của Nguyên Hồng. Bốn tập "Sóng gầm", "Cơn bão đã đến", "Những ngày đen tối" và "Khi đứa con ra đời" với trên ba nghìn trang sách là một kỷ lục về tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Truyện kể rằng khi ông viết xong tập cuối, ông báo cáo với bà: "Tôi không thua gì ông Tônxtôi". Quả thực sức lao động ông bỏ ra thật đáng khâm phục, vốn sống tình cảm lớn và sâu nặng với đất nước và cuộc đời những người nghèo khổ.

Trong đời thường, Nguyên Hồng có lối sống xuềnh xoàng. Có lần ông đến nhà ông Phan Cự Đệ, bà giúp việc ngần ngại không biết ông thuộc khách loại gì và nhìn ông chăm chú. Nhà văn hiểu ngay và nói: "Tôi đến thăm ông Đệ". Ông mặc giản dị, ăn nói không cầu kỳ. Ông thích rượu, một vài chén cho hưng phấn. Rượu quê hợp khẩu vị, có lúc vội vàng ông tu một vài hớp là xong. Ông thích thiên nhiên phóng khoáng, sống ở quê Bắc Giang là chính. Hà Nội đô thị chật chội, thi thoảng ông về vài ngày cho công việc, gặp bạn bè xong lại về Bắc Giang. Ở Hà Nội, thỉnh thoảng bạn bè thấy ông ngồi trên ghế đá hoặc tựa cột đèn bên hồ Thuyền Quang. Ông để ý đến chiếc cặp to đựng bộ bản thảo tập "Cửa biển". Kẻ cắp chẳng rình mò, ông ngồi như ngắm trời xanh và hồ nước, ông nghĩ gì ngoài chuyện văn chương và khởi sự là cuộc đời mà ông trải nghiệm. Nhà thơ Ý Nhi đã vẽ chân dung ông trong những vần thơ chân thực:

Không chống can và ngậm tẩu
Khủng khỉnh bàn đến các món ăn, rượu ngon
Không chạy nhông trên các diễn đàn
Rao giảng văn chương
Không làm bộ trầm tư cao ngạo
Nhà văn Nguyên Hồng đi trên các chuyến tàu
Trán đẫm mồ hôi
Tay khư khư ôm chiếc túi cũ sờn
Như một viên chức bậc trung giữa đường công vụ
Một lão nông về quê sau chuyến đi xa
Một kẻ lang thang tìm đất mới
Một vài giọt lệ lớn nằm dưới đáy đôi mắt đang nheo cười.

Nhà văn ấy, người nông dân ấy đã sống cuộc đời giản dị ở làng quê trong căn nhà bậc trung, quây xung quanh ông là sách vở và xa hơn là vườn tược, ruộng đồng. Trong một lần đi thăm Cộng hòa Dân chủ Đức, ông được các nhà văn ở xứ sở này gọi là "nhà văn của đất đai, của đồng ruộng". Dường như ở dân tộc nào cũng có những nhà văn nhà thơ của đồng quê. Nguyên Hồng đã tiếp nhận được sức mạnh của đồng ruộng, không khí trong lành, những tấm gương lao động bền bỉ của nhà nông và chính ông cũng lao động với tinh thần ấy

Hà Minh Đức
.
.