Nhà văn Nguyễn Hiếu và những biến tấu "Kiều" của Nguyễn Du
- Nhà văn Cao Duy Thảo - Lắng tiếng thời gian
- Nhà văn Vi Hồng - “Cây cay đắng đã ra mùa quả ngọt”
- Nhà văn Vũ Thanh Lịch: Và những trang văn chầm chậm tới mình
1. Năm 2020, kỷ niệm 255 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, tác giả của Truyện Kiều bất hủ. Các hoạt động kỷ niệm đậm chất văn hóa diễn ra trên nhiều “không gian”. Với “nghệ thuật thứ 7”, có bộ phim tài liệu nghệ thuật đồ sộ "Đại thi hào Nguyễn Du" và phim “Kiều” chuyển thể từ danh tác ''Truyện Kiều'' ra mắt.
Nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Hiếu, không đứng “ngoài cuộc” với vở kịch nói bom tấn “Kiều” và đồng tác giả với vở rối cạn “Thân phận nàng Kiều” đoạt nhiều giải thưởng lớn.
Một cảnh trong vở kịch nói "Kiều". |
Cuối năm 2020, Nguyễn Hiếu có mặt trong “bộ tam phong”, cùng NSND Nguyễn Tiến Dũng, NSƯT Lê Chức đạt giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Việt Nam với vở diễn "Thân phận nàng Kiều". Đây là lần thứ ba tác phẩm sân khấu này đoạt giải lớn.
Trong Liên hoan sân khấu thể nghiệm Quốc tế lần thứ 10 năm 2019 - Vở diễn đã đoạt nhiều giải thưởng cao như Huy chương Vàng cho vở diễn xuất sắc, giải Đạo diễn xuất sắc, giải Họa sĩ tạo hình xuất sắc; 2 Huy chương vàng cho diễn viên xuất sắc, 5 Huy chương Bạc cho các diễn viên tham gia vở, Giải A vở diễn xuất sắc nhất năm của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
Vở diễn đánh dấu mốc lần đầu nhân vật nàng Kiều từ lục bát của đại thi hào Nguyễn Du được Nhà hát Múa rối Việt Nam giải mã bằng ngôn ngữ rối cạn (rối và người).
Với những người yêu mến Truyện Kiều hẳn nhớ, ngày 25/10/2013, Kỳ họp lần thứ 37 của UNESCO tại Paris (Pháp), đã quyết định UNESCO cùng với Việt Nam kỷ niệm 250 năm Ngày sinh của Đại thi hào Nguyễn Du (1765 – 1820) vào năm 2015. Như vậy, Đại thi hào Nguyễn Du chính thức được vinh danh trên toàn thế giới. Hai năm 2015, 2016, nhiều hoạt động vinh danh Nguyễn Du và Truyện Kiều được tổ chức tại Việt Nam.
Theo nhà viết kịch Nguyễn Hiếu, đầu năm 2016, Cố NSND Anh Tú mời ông đến Nhà hát Kịch Việt Nam nói rõ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang đặt hàng đưa Kiều lên sân khấu kịch nói. Kiều đã được lên chèo, cải lương... thậm chí cả điện ảnh nhưng chưa bao giờ lên kịch nói. NSND Anh Tú hỏi: "Theo anh, chủ đề chính của Kiều là gì?". Nguyễn Hiếu đáp: "Kiều là cái đẹp bị vùi dập". Anh Tú vỗ tay: “Chuẩn rồi. Em đã không nhầm khi chọn anh, thực hiện đưa Kiều lên sân khấu kịch nói”.
“Nhưng tôi chưa chấp nhận lời mời mà hẹn NSND Anh Tú trả lời sau. Bởi lẽ Kiều là tiểu thuyết thơ mang nặng chất tự sự, rất khác biệt với kịch cần xung đột, mâu thuẫn. Sau ba ngày suy nghĩ, tôi lên nhà hát chấp nhận lời mời của NSND Anh Tú vì đã tìm ra các thủ pháp để chuyển thể Kiều sang kịch nói”, Nguyễn Hiếu tâm sự.
Nguyễn Hiếu dùng dàn đồng ca của sân khấu cổ đại Hy Lạp chuyển tải các lớp sân khấu. Trong vở kịch nói “Kiều”, dàn đồng ca này khi là đoàn người đi hội Thanh Minh, khi là đám kỹ nữ của Tú Bà, khi là binh lính của Từ Hải, Hồ Tôn Hiến... Mâu thuẫn của vở “Kiều” được Nguyễn Hiếu chọn là xung đột từ thằng bán tơ.
Nhà văn Nguyễn Hiếu. |
Trong nguyên tác Truyện Kiều, thằng bán tơ chỉ được nói thoáng qua, đúng nửa câu thơ “Phải chăng xưng xuất là thằng bán tơ”, sau đó mất hút; ngoài sự nhắc lại của Kiều khi kể lể về những trầm luân của mình cho Từ Hải nghe.
Trong kịch “Kiều” của Nguyễn Hiếu, thằng bán tơ có thân phận. Hắn là tên đánh xe ngựa trong một lần hành nghề bị tai nạn gẫy chân nên sinh ra ghen ghét, tỵ hiềm với tất cả những ai có hạnh phúc hơn hắn. Trong “Kiều” nhiều thoại là thơ Nguyễn Du; thoại văn xuôi, có chỗ là thơ của chính tác giả Nguyễn Hiếu, nhưng viết theo âm hưởng Truyện Kiều
Vở kịch được Nhà hát Kịch Việt Nam công diễn trong hai năm 2016 và 2017, được coi là vở diễn “bom tấn” của sân khấu và giành nhiều giải thưởng lớn của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam. Có thể nói, nhà văn Nguyễn Hiếu là người đầu tiên chuyển thể Truyện Kiều, đưa hình ảnh Kiều lên sân khấu kịch nói Việt Nam. “Thân phận nàng Kiều” là vở kịch thứ hai, Nguyễn Hiếu tham gia với tư cách là một tác giả cùng NSƯT Lê Chức.
2. Dựa trên kịch bản kịch nói "Kiều" của Nguyễn Hiếu, năm 2019, vở diễn "Thân phận nàng Kiều" được chuyển thể trên sân khấu múa rối. Đây là sự đột phá, sáng tạo và thử nghiệm (tiết mục tham gia Liên hoan Sân khấu thể nghiệm quốc tế lần thứ 10). Vở diễn khắc họa tính cách từng nhân vật như Thúy Kiều, Mã Giám Sinh, Tú Bà, Thúc Sinh, Từ Hải... một cách khác biệt. Đây là một đóng góp mới của “bộ tam phong” đạo diễn NSND Nguyễn Tiến Dũng, đồng tác giả kịch bản NSƯT Lê Chức và nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Hiếu.
Đạo diễn, NSND, Nguyễn Tiến Dũng đã dàn dựng theo ngôn ngữ dàn cảnh, mà không tuân theo thứ tự thời gian của Truyện Kiều. Trong đó, đạo diễn chọn vài sự kiện cao trào trong cuộc đời Thúy Kiều. Đó là sự vu oan giá họa của thằng bán tơ khiến gia đình Vương Ông lâm vào hoàn cảnh khốn cùng. Thúy Kiều hai lần sa chốn lầu xanh, hai lần làm thân đầy tớ; màn báo ân, báo oán sau đoạn trường 15 năm; cái chết của Từ Hải vì kế độc của Hồ Tôn Hiến.
Bên cạnh những nhân vật "đinh", vở diễn còn hư cấu thêm hai nhân vật quan trọng là Nguyễn Du (con rối Bút lông) và Đạm Tiên (hình hài Đàn tỳ bà). Đây có thể coi là thử nghiệm rất sáng tạo của cấu trúc kịch - rối. Những lớp chuyển thật sự mang lại nhiều cảm xúc cho người xem. Các cảnh diễn được xử lý bằng các mảng miếng, trò diễn múa rối hấp dẫn, đã khiến cho khán giả có những trải nghiệm, thật sự ấn tượng và khó quên. Trong đó, những mảng miếng day dứt, vò xé đã khắc họa thêm cho số phận "ba chìm bảy nổi" của nàng Kiều.
Tạo hình con rối do họa sĩ Lê Đình Nguyên thể hiện cũng góp phần tạo nên thành công của vở diễn. Đạo diễn NSND Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ, điểm yếu lớn nhất của nghệ thuật rối là rất khó diễn thân phận, vì thế, họa sĩ giỏi sẽ tạo nên hồn cốt cái mặt ấy bằng nét vẽ và hình thể mang đặc trưng tính cách nổi bật của nhân vật. Mọi tình tiết, cảnh trí trong vở diễn được xử lý bằng các mảng miếng, trò diễn múa rối hấp dẫn, không gian, ánh sáng trừu tượng, huyền ảo kết hợp với âm nhạc truyền thống xen lẫn với đương đại của nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến khiến cho khán giả có những trải nghiệm bất ngờ.
Nhà văn Nguyễn Hiếu cho biết, ông tin số phận thằng bán tơ sẽ bước ra ngoài đời và sớm muộn sẽ trở thành khẩu ngữ "ghen ghét, tỵ hiềm, bụng dạ hẹp hòi như thằng bán tơ". Đây chính là một trong những thông điệp mà vở diễn muốn gửi tới, báo động cho người xem về một loại người đáng sợ trong xã hội hiện nay.
3. Nhà văn Nguyễn Hiếu ngoài danh xưng nhà văn, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, còn là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội. Năm 1976, Nguyễn Hiếu đã có truyện ngắn "Hai chị em cùng nghề" đăng trên báo Lao Động. Đây là “mốc” để Nguyễn Hiếu xuất hiện với tư cách là một nhà văn.
Cho đến nay, “lão nông” Nguyễn Hiếu đã có gần 30 tiểu thuyết, 10 tập truyện ngắn. Năm 2010 nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long, với tư cách là nhà văn Hà Nội, ông đã cho xuất bản “Tuyển tập Nguyễn Hiếu” với hơn 6.000 trang, tuyển 19 tiểu thuyết, 100 truyện ngắn, 300 bài thơ và trường ca và 9 kịch bản sân khấu.
Nguyễn Hiếu viết kịch từ năm 16 tuổi khi vừa tốt nghiệp phổ thông với kịch bản “Truyền thuyết nỏ thần”. “Đại sư” trong làng sân khấu là kịch tác gia - đạo diễn Lộng Chương đã dựng vở diễn đầu tiên của Nguyễn Hiếu, khi ông 28 tuổi, đó là kịch bản hài “Chuyện như thế thì cần phải nói”.
Sau gần 40 năm ngang dọc với văn chương, báo chí, ông quay lại với niềm say mê đầu đời - viết kịch bản sân khấu. Ông đánh dấu sự trở lại này là kịch bản “Linh hồn đông lạnh” do Nhà hát kịch Việt Nam dàn dựng vào năm 2008. Với hơn một thập niên đắm say phông màn, ông đã có nhiều thành công đáng kể.
Ba lần ông được nhận giải của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Huy chương Vàng cho vở diễn “Chu Văn An - Người thầy của muôn đời”, năm 2013, “Thân phận nàng Kiều” như đã nói, Huy chương Hoa Dâm bụt (tương đương Huy chương Vàng của Việt Nam) của Liên hoan sân khấu ASEAN và Trung Quốc, năm 2019 cho vở diễn “Tấm Cám”…
Cùng với “Tấm Cám”, kịch nói “Kiều” năm 2016 và kịch rối “Thân phận nàng Kiều” năm 2019 là những đóng góp gần đây của nhà văn Nguyễn Hiếu trên lĩnh vực sân khấu.
“Truyện Kiều của Nguyễn Du là trường hợp hiếm hoi của văn học thế giới mà bản biến tấu một tác phẩm lại trở thành một danh tác trong khi bản gốc chỉ là một ấn phẩm thường. Không phải tự nhiên mà Đại thi hào Nguyễn Du được UNESCO vinh danh Nhân vật văn hóa thế giới”, nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Hiếu đánh giá. Ông là người nặng lòng với Truyện Kiều, đã góp phần tôn vinh giá trị Truyện Kiều, bằng trách nhiệm của một nhà văn, nhà viết kịch.