Nhà văn Ngô Phan Lưu: Chỉ cố sống chung được với văn chương

Thứ Năm, 17/01/2013, 08:01

Đường văn Ngô Phan Lưu như cuộc chạy maratong, ăn nhau cú hậu. Vừa làm ruộng, vừa rả rích ôm cả nàng Thơ và nàng Văn quá nửa thế kỷ mà "chẳng trò trống gì". Sang thế kỷ XXI, ông tới tấp tấn công truyện ngắn, thành ngay "nhà văn trẻ", vớ luôn giải nhất Báo Văn nghệ, vào Hội Nhà văn Việt Nam. Người đọc rào rào, tên tuổi nổi như cồn...  

1. Sinh năm 1946 tại xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa, Phú Yên, thời thanh niên Ngô Phan Lưu học Triết ở Đại học Văn khoa Sài Gòn. Nhưng cuộc đời đưa đẩy, ông về quê làm ruộng và âm thầm đọc sách, viết "chóc chách đủ thứ". Buồn quá, sang đầu thế kỷ XXI (lúc đã hơn 50 tuổi), Ngô Phan Lưu dốc toàn lực cho văn xuôi. Thế rồi có ngay Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ (2006 - 2007). Thế là thành "nhà văn nông dân… trẻ", tên tuổi bỗng dưng lừng lững trên văn đàn với giọng truyện ngắn và tạp văn "dễ đọc, khó quên". Bây giờ, phần nhiều thời gian ông… cày báo, lâu lâu in sách nhưng cũng chẳng thấy nhà cửa ông khá hơn bao nhiêu so với hồi cày ruộng...

Thôi cày ruộng, Ngô Phan Lưu cùng gia đình chuyển hẳn về phường 4, TP Tuy Hòa để mở quán cà phê tại gia.

- Gần hết đời, ông mới dứt hẳn tay cày chuyển sang "ruộng" văn. Sự này "lợi, hại" ra răng?

+ Tôi tin vào vận mạng. Càng lớn tuổi càng tin. Không có chuyện "lợi, hại". Lúc cày ruộng thì cày ruộng. Lúc hết cày thì nghỉ cày. Làm văn cũng thế…

- Có vẻ rất ít nhà văn tỉnh lẻ mà "sống hẳn được" bằng văn chương như ông?

+ Làm sao "sống hẳn được" bằng văn chương? Anh cứ áp đặt việc không tưởng. Tôi chỉ cố tập sống chung với văn chương. Cũng như mình tập sống chung với lũ vậy mà.

- Sách ông bây giờ thuộc loại bán chạy. Vậy thuở ban đầu thì sao?

+ Tôi là một người tầm thường, có chút đóng góp được văn học chấp nhận, cũng phải da mồi tóc bạc ấy chứ. Phải gian nan. Gian nan đã quen rồi.

- Cảm giác có tác phẩm đăng báo ngày "chưa ai biết" với giờ này của ông có gì khác nhau?

+ Có khác nhau. Ngày chưa ai biết, tôi viết dễ dàng vì nghĩ có ai đọc đâu. Nay tôi viết khó khăn vì nhiều con mắt xung quanh dòm vào.

- Theo ông, "đất" dành cho văn chương trên báo chí nước ta hiện nay "rộng" hay "hẹp"?

+ Trung bình.

Bìa tập truyện ngắn "Con lươn chép miệng" của Ngô Phan Lưu do NXB Văn học ấn hành năm 2010.

2. Ngô Phan Lưu vốn là kẻ ham vui. Thế nên tôi rất ngờ khi đang "tưng bừng", ông bỗng dưng xa rời hẳn tất cả các cuộc bù khú. Bù lại, ông viết rất khỏe. Thế rồi kỳ này, đôi khi nghe ông than thở nho nhỏ "Nhớ rượu… quá!". Tôi trộm nghĩ, chắc là ông thèm những lời nói thật của bạn bầu, bởi mấy ai trút lòng mình khi… tỉnh như sáo sậu!

- Bạn bè rất "bất mãn" khi thấy ông chơi không đẹp với… rượu?

+ Xin anh em thông cảm. Mua một gói khám sức khỏe tổng quát, mới biết rõ sức khỏe mình có vấn đề. Thế nên, giữa sự sống dài lâu và bia rượu nhất thời, tôi buộc phải chọn sự sống. Vậy là hết bệnh.

- Chắc là ông tiếc dữ những ngày "hoành tráng"?

+ Theo tôi, những ngày "bia rượu" bạt mạng lúc trước không phải là những ngày hoành tráng. Đó là những ngày "ma đưa lối quỷ đưa đường". Nay không dùng bia rượu mới là những ngày hoành tráng. Do đó, phải mừng chứ không tiếc.

- Sức khỏe đối với nghệ sĩ có gì… khác người?

+ Sức khỏe quý hơn kim cương. Khi tôi biết quý như thế là tôi đã đối diện với nguy cơ mất nó. Phải giữ gìn thôi. Không có cách nào khác.

- Nhiều văn nghệ sĩ cho rằng phải có men mới thăng hoa sáng tạo. Ông thấy chuyện này thế nào?

+ Đó là chuyện ngớ ngẩn đến mức khôi hài. Có "men" chỉ được mỗi một việc là viết dở mà vẫn cứ thấy hay. Ngoài ra chẳng được việc gì nữa.

3. Sống lầm lụi ở tỉnh nhưng Ngô Phan Lưu quả là người "vua biết mặt, chúa biết tên". Bi có, hài có, năm nào tên ông cũng dính vô một vài "vụ" để anh em văn nghệ phải bàn luận mãi…

Chỉ một lỗi mo-rát nhỏ mà cũng thành chuyện. Tháng 5/2011, Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) in truyện ngắn "Làng quê thì mênh mông" của Ngô Phan Lưu, trang trọng đưa tít to đùng ra trang nhất. Nhưng không biết do đâu báo lại in ra là "Làng quê thì mênh mônh" chình ình "mặt tiền", trang trong cũng rứa, trông… tếu không chịu được! Thế là làng văn, làng báo rùm beng… Nổi tợn là bình "loạn" của giới blogger, đại loại như: "Ôi! Tội cho những cái mônh. Trước đây mông có "gờ", "gờ" là đặc trưng của mông, mông luôn tự hào về "gờ" của mình. Bây giờ, mông đã bị lấy mất "gờ" mà lại còn bị bắt buộc phải cất lên tiếng "hát" như thế này thì còn gì là mông nữa... Mông ơi là... mônh ơi! Mông không còn "gờ" thì các cô người mẫu siêu vòng 3 cũng chẳng còn hấp dẫn nữa…".

Cuối năm 2012 lại xảy chuyện Ngô Phan Lưu bị "mất ghế, trộm văn". Sáng mở mắt, vợ chồng nhà văn tá hỏa: 25 chiếc ghế nhựa… biến mất! Vợ chồng lão nhà văn nhìn nhau: "Rào giậu kỹ thế này mà tụi trộm… hay thiệt!". Thế là ông cùng vợ con phải lùng hết ghế trong nhà và huy động ghế hàng xóm để khách ngồi; cái cao, cái thấp, cái lớn, cái bé… rất vui. Trưa đó vợ ông phải đi mua lại một loạt ghế mới! Mấy hôm sau, Ngô Phan Lưu tình cờ lướt mạng và phát hiện truyện ngắn "Buổi sáng biến mất" của mình bị "hóa thân" đăng trên Báo Văn nghệ Tp HCM với tựa "Người đòi chết" với tên "tác gia" là H.T  (số ra ngày 4/10/2012). Đây là một trong hai truyện của ông (cùng truyện "Cơm chiều") đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ 2006-2007! "Người đòi chết" đã bê nguyên xi, chỉ đổi tên vài địa danh, nhân vật. Thuấn thì thành Tạo, chú Khiêu ra chú Nam, thím Xanh thành thím Len, lão Sùng ra ông Liêu; Xóm Ao "đăng ký" là Xóm Ráng. Công lao duy nhất của H.T là sửa "dở" hơn vài dòng!

Quán cà phê tranh luận xôn xao: "Cũng là chuyện trộm. Trộm cái ghế nhựa là… ghế nhựa, còn kẻ trộm văn để tìm cái "ghế danh" thì cái vô liêm sỉ đã tận cùng! Mà "đã ngu còn tỏ ra nguy hiểm", ai lại đi "luộc" cái truyện ngắn đã từng đoạt giải nhất. Nhân đà, giới văn nghệ tha hồ "xả xú páp" rần trời trên các diễn đàn, cực lực lên án hệ thống đường dây "chôm văn, chỉa báo"…

Đại diện Báo Văn nghệ Tp HCM cho biết: "Tác giả" H.T hiện đã 77 tuổi, là hội viên Hội Sử học Việt Nam, hội viên Hội VHNT một tỉnh miền núi phía Bắc. Bị tòa soạn Báo Văn nghệ Tp HCM chất vấn, ông này phản ứng yếu ớt nhưng vẫn "cãi chày": "Người đòi chết" do ông nghe một người bạn kể lại và tự tay viết! Thế nhưng "tự tai, tự tay" làm gì mà "đúc" thế. Kẻ đạo văn sau đó đã chuyển trả nhuận bút lại tòa soạn …

Việc này, Ngô Phan Lưu… không bình luận!

4. Ngô Phan Lưu có 5 đầu sách riêng. Trong đó, đầu tay là tập thơ "Bếp lửa chiều Đông" (1997); mấy tập sau là truyện ngắn (đôi khi "ghé" tản văn) là "Người không giăng câu Kiều" (2004), "Cơm chiều" (2008), "Xoa tay và cười" (2009), "Con lươn chép miệng" (2010). Ngoại trừ tập thơ Ngô Phan Lưu phải… bán bò để in, các tập sau đều có tài trợ hoặc các công ty sách bỏ tiền in, trả nhuận bút sách… kha khá.

- Thói thường, ai đó có chút ít danh vọng thường hay bị soi xét, thậm chí bị "đánh"?

+ Thiền học đã khuyên tôi: Coi như gió thổi mây bay. Coi như bong bóng ao đìa. Và, tôi triệt để nghe lời. Dưng mà làng văn phải có chuyện này chuyện nọ, nó mới là… làng.

- Nghề văn chương luôn gắn nhiều với thị phi "tai bay vạ gió", tôi biết ông buồn nhưng rồi vẫn thản nhiên…

+ Thì phải như thế chớ biết làm sao. Chuyện chẳng đặng đừng. Với tôi, gian nan cũng là một thứ hạnh phúc.

- Làm một người nổi tiếng ở tỉnh có khó không? Ông thấy mình có bị sức ép gì?

+ Chẳng có sức ép gì. Cuộc sống cứ bình thường. Có điều hơi cô đơn.

- Có người tâm sự với tôi, vì nhiều lý do cố hữu, cái anh ở tỉnh nhỏ thường không dám nghĩ về những điều to tát, đột phá trong sáng tạo?

+ Sáng tạo văn học không lệ thuộc vào tỉnh to hay tỉnh nhỏ, mà nó lệ thuộc vào trí to hay trí nhỏ và tâm to hay tâm nhỏ. Vấn đề sáng tạo văn học này không bao giờ là ngẫu nhiên cả. Thậm chí, đột phá trong sáng tạo, đó cũng là một quá trình liên tục gian nan.

- Ông thấy mình đã đủ dũng cảm để trình bày hết ý tưởng của mình?

+ Chưa dũng cảm, còn hèn nhát. Tỷ lệ hèn nhát của tôi trội hơn.

Cuối năm lu bu, chuyện văn khó dứt. Ngô Phan Lưu xin tạm khất nhưng vẫn bật mí dọa: sẽ có sách in trong năm 2013. Chúc mừng nhà văn… trẻ lão nông thêm niềm vui Xuân!

Đào Đức Tuấn
.
.