Nhà văn Mường Mán: Thênh thang cõi mộng bao la cõi đời

Thứ Bảy, 27/07/2019, 08:10
Đắm chìm là những sắc độ của màu tím Huế, là chiếc nón bài thơ, dòng sông Hương, tiếng chuông Thiên Mụ... dưới đêm rằm. “Tuần trăng mê hoặc” của Mường Mán gợi lên bao mộng tưởng, lãng du của kiếp người bên bờ thực ảo...


Nhà văn Mường Mán vừa khai mạc triển lãm tranh mang chủ đề “Tuần trăng mê hoặc” tại quán Ruốc - nhà hàng ẩm thực xứ Huế của gia đình ông tại TP Hồ Chí Minh. Nép mình trong con hẻm bình yên ở góc đường Nguyễn Đình Chính, nhiều năm nay, quán là chốn ông lui về ở ẩn với sắc màu. Triển lãm quy tụ 50 bức tranh sơn dầu được Mường Mán vẽ trong hơn 10 năm qua.

Không chủ ý theo một trường phái nào mà chỉ vẽ tùy hứng, nhưng dần dà ông nhận thấy tác phẩm của mình nghiêng về biểu hiện pha huyền ảo. Ở một số bức phảng phất ý tứ của trường phái trừu tượng và lập thể. Ông bảo, khi trăng tròn, muôn loài dậy lên khao khát, tìm đến nhau để ái ân lên hương. Lúc ấy, thiên nhiên và con người như hòa quyện, đất trời giao hòa dưới ánh trăng bàng bạc, mê hoặc. Trăng dẫn dụ những nét cọ. Và ông say chếnh choáng.

Là văn nhân vẽ tranh, bức họa nào cũng tựa hồ bước ra từ tứ thơ, áng văn ngay ở cái tên: “Khúc chiều xanh”, “Vườn chiêm bao”, “Bèo nước long đong”, “Trên đồi thu”, “Ảo đêm”... Màu tươi sáng pha chút lãng đãng giàu mỹ cảm, nhạc điệu. Quả vậy, ông xác nhận: “Tôi muốn thể hiện những ý niệm trong thơ, trong văn mình qua đường nét và sắc màu”. Ngắm bức “Nón lá và hoa”, “Trên đồi thu”, “Nguyệt cầm trắng”, “Sang thu”... người ta ngỡ gặp lại những nàng thiếu nữ trong bài thơ “Qua mấy ngõ hoa” nổi tiếng của Mường Mán thuở học trò: “Chim vỗ cánh nắng phai rồi đó/ Về đi thôi O nớ chiều rồi/ Ngó làm chi mây trắng xa xôi/ Mắt buồn quá chao ơi là tội” hay "Tay nhớ ai mà tay bối rối/ Áo thương ai lồng lộng đôi tà/ Đường về nhà qua mấy ngõ hoa/ Chớ có liếc mắt nhìn ong bướm...”.

Nhà văn Mường Mán bên các tác phẩm hội họa của mình tại triển lãm “Tuần trăng mê hoặc”.

Những dáng kiều yểu điệu, cổ cao vai gầy với mắt mơ huyền, thướt tha đôi tà áo: “...Chỉ có mỗi mình em nghe/ Gió thu nương cánh bướm về hôm qua/ Rủ rê theo cả người ta/ Bâng khuâng trước ngõ hỏi hoa mượn lời/ Hương bận cùng trăng rong chơi/ Hoa làm thinh ngậm môi người làm thinh” - (trích Hôm qua).

Là người con xứ Huế, dẫu có tha hương trên đất phương Nam, Mường Mán vẫn gói ghém nỗi nhớ quê nhà trong từng tác phẩm. Và hội họa cũng không ngoại lệ. Đó là bức chân dung thiếu nữ trong tà áo dài tím, hay e thẹn nón lá bài thơ. Đó là bức hạnh phúc đôi lứa dưới trăng nhìn qua dòng sông Hương thơm ngát. Nỗi nhớ ấy còn gắn với bao hoài niệm quá vãng: màu hồng ám ảnh của đóa sen trong thành nội, làng quê nghèo với con trâu trên đồng...

Trải qua dâu bể đời người, Mường Mán hiểu thể nào là hạnh phúc, là muôn mặt trần ai. Ông trải suy tư của mình qua bức “Cây nhân sinh”, “Hạnh phúc trôi”, “Hạnh phúc nằm”... Nếu truyện của ông lãng mạn và trong trẻo nhưng cái kết vẫn gợi lên dư vọng khắc khoải thì tranh của ông cũng vậy. 

Ở tuổi 72, Mường Mán lấy cây cọ, màn toan làm vui. Hơn 10 năm cầm cọ là hơn 10 năm ông gác bút. Bởi như ông lý giải: dường như mình đã viết đủ rồi, cuộc cày ải trên cánh đồng văn chương đã thấm mệt. Ông bảo ở tuổi này bỗng dưng ngại di chuyển, ngại gặp gỡ đám đông, chỉ muốn yên tĩnh ngồi ở quán mà vẽ, thảng hoặc đàm đạo với bạn bè tri kỷ đến thăm. Ngay hồi đầu năm, xuất hiện giao lưu tại Đường sách Nguyễn Văn Bình nhân dịp cuốn “Cạn chén tình” được Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ tái bản (thuộc Tủ sách “Thiên đường không tuổi”), Mường Mán cũng rất kiệm lời.

Ông thú thật: “Xưa giờ tôi thích nghe hơn là nói”. Cống hiến cho văn chương từ hồi còn là cậu học trò, đến nay ông để lại cho đời gần 30 tác phẩm. Các tác phẩm của Mường Mán đa phần viết cho lứa tuổi mới lớn, văn phong bay bổng, mộng mơ.

Ngoài “Cạn chén tình”, sắp tới nhiều tác phẩm của Mường Mán như “Bèo nước long đong”, “Mùa thu tóc rối”, “Cô bé gác mây”, “Khóc nữa đi sớm mai”, “Chiều vàng hoa cúc”, “Lá tương tư”, “Một chút mưa thơm”, “Ngon hơn trái cấm”, “Bâng khuâng như bướm”...  cũng sẽ trở lại hội ngộ với bạn đọc.

Rời xa trường văn trận bút, thế giới của Mường Mán dành trọn cho sắc màu. Ở đó, ông thấy đời nhẹ bẫng. Nhiều nỗi niềm, ưu tư phác gọn trong tranh. Mường Mán được coi là người theo mực thước văn nhân cổ điển vì ông quá đa tài. Ông sở hữu khá nhiều “nhà”: từ nhà báo, nhà thơ, nhà văn, nhà biên kịch, làm nhà hàng rồi đến nhà hội họa. Mường Mán thành công sớm với thơ văn nhưng theo ông tâm sự, hội họa mới chính là đam mê đầu đời. Tuy vậy, phải đến cuối đời ông mới được hẹn hò với “mối tình đầu”.

Lý giải nguyên do, ông tếu táo: “Hồi học cấp ba trường Quốc học Huế, tôi mê vẽ lắm. Mình dành dụm tiền mua mấy cuốn sách dạy hội họa về nghiên cứu, tập tành theo. Thấy cậu em trai suốt ngày vẽ vời, ông anh tôi mới đe: Mi theo nghề ni chỉ có chết đói. Suốt ngày đàn đúm bạn bè rong chơi lang thang chứ làm được tích sự chi. Còn mơ trở thành danh họa để bán nhiều tranh thì biết tới bi chừ?”.

Lời ông anh lập tức khiến cậu học trò vỡ mộng. Bỏ vẽ, cậu quay sang làm thơ, viết văn gửi thử các báo trong Nam. Gửi riết rồi cũng được tạp chí “Văn”, “Tuổi Ngọc”, “Bách Khoa” chọn in... Cái tên Mường Mán khiến độc giả ghi nhớ với những bài thơ, áng văn mượt mà về tuổi ẩm ương sáng nắng chiều mưa.

Chẳng ai ngờ cậu thư sinh gầy còm, mặt mày non choẹt lại có thể viết ra những tác phẩm có văn phong già dặn, trải đời như vậy. Đến bây giờ bạn đọc vẫn nhắc nhớ hoài những bài thơ đậm chất Huế mà dễ thương để tụi học trò thuở ấy len lén trao nhau, những truyện ngắn về cái tình và con người xứ thần kinh trong biến động thời cuộc...

Tác phẩm “Vườn chiêm bao”.

Người ta thường bảo “cơm áo không đùa với khách thơ”. Thế mà chỉ nhờ nhuận bút viết văn, Mường Mán mua được nhà ở Sài Gòn hẳn hoi! Lại có tiền mở quán Ruốc để thỏa nỗi nhớ nhung món ăn quê nhà. Để giữ đúng vị, ông mời đầu bếp từ Huế vô nấu. Nguyên liệu, gia vị cũng chở làng Chuồn, huyện Phú Vang. Mường Mán có được căn nhà ở chốn phồn hoa đắt đỏ này là nhờ những người bạn thân vực mình dậy sau cơn say triền miên ở Cần Thơ.

Thập niên 80, ông tính ở ẩn hẳn, không chữ nghĩa văn chương chi hết. Về với điền viên, ngoài thời gian bán mặt cho đất, bán lưng cho trời thì Mường Mán đắm chìm trong rượu. Bạn bè tìm về tới nơi, lôi ông lên Sài Gòn để cầm bút lại. Lúc này, ông viết tiểu thuyết “Hồng Hạ”.

Mới in lần đầu mà đã được 35.000 bản. Rồi để lạc nghiệp, ông làm biên tập viên, trình bày sách tại Công ty Văn hóa Phương Nam. Nhiều lúc thấy bọn trẻ vẽ bìa không “đã”, máu hội họa của ông nổi lên. Vậy là bắt tay thiết kế, vẽ vời trước con mắt ngạc nhiên lẫn trầm trồ của lớp đầu xanh. Từ đó, ông có thêm việc vẽ minh họa cho sách và tập san “Áo trắng”. Khi nợ cơm áo đã dứt, năm 2008, ông xin nghỉ hưu non để trở lại với đam mê thuở thiếu thời. Lão thi sĩ vẽ say sưa, quên trời quên đất.

Với hội họa, ông thỏa thích làm theo ý mình mà đỡ nhức đầu chuyện bị kiểm duyệt, bị bỏ bản thảo như viết văn hay kịch bản phim. Hồi viết kịch bản “Gió qua miền tối sáng”, ông cùng nhiều tác giả khác khốn đốn vì bộ phim đề cập đến căn bệnh HIV/AIDS – vấn đề nhạy cảm những năm 90.

Kịch bản bị duyệt lên duyệt xuống, chỉnh đi sửa lại mới được bấm máy. Kịch bản phim nhựa “Người trong cuộc” và phim truyền hình “Chuyện ngã bảy” (còn có tên là “Tiếng đờn kìm”) cũng lắm phen khiến ông khốn đốn. Nên vui với hội họa, ông được là chính mình, bình yên và thanh thản.

 Ngày triển lãm, rất nhiều bức tranh được khách đặt mua. Với ông, tiền bạc không quan trọng, ông vui vì những bức tranh ấy tìm được người đồng cảm, nâng niu ngay trong triển lãm đầu tiên của đời cầm cọ. Tác phẩm treo trang trọng trong không gian quán nhà như chút gia vị sống động cho khách yêu Huế.

Ngắm loạt tranh, nhà văn Đoàn Thạch Biền, người bạn rất thân với Mường Mán tủm tỉm: “Tôi thắc mắc không thấy bức “Chân dung tự hoạ” của hoạ sĩ, thì gặp bài thơ “Vẽ” của anh: “Vẽ xuân trăng tròn đầy khuôn/ Vẽ thu xiêm lộng dưới nguồn sương sa/ Vẽ tục lụy vẽ phù hoa/ Thênh thang cõi mộng bao la cõi đời/ Vẽ thiên hạ chẳng vẽ tôi/ Bởi lòng em xóa ta rồi còn đâu”.

Mai Quỳnh Nga
.
.