Nhà văn Kim Lân và những thú chơi độc đáo
Nhà văn Kim Lân không chỉ là người kỹ tính trong văn chương, mà trong cuộc sống đời thường ông cũng rất kỹ tính khi chọn bạn. Đặc biệt, ông có những thú chơi tao nhã, kỳ công đến sốt ruột mà các con ông khi kể lại với mọi người câu chuyện của cha mình cũng đều thừa nhận, họ không thể nào học được cái sự "kỹ càng" này của cha.
Thú chơi hoa
Nhà văn Kim Lân đặc biệt thích chơi hoa. Các loại hoa ông thích nhất là hoa lan, hoa chi mai và hoa cúc, nhưng phải là hoa cúc mốc, hay còn gọi là nguyệt bạch - loại cây thân gỗ nhỏ, trổ hoa nhiều nhánh, thường là màu trắng. Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, con gái ông kể lại, lúc chị còn nhỏ, cả gia đình 9 người sống trong căn nhà ở xóm Hạ Hồi chật hẹp chỉ có 38m2, nhưng góc nhà nào cũng được cha mình trang trí rất đẹp bằng những chậu hoa. Những chậu hoa thường được ông tự làm bằng xi măng rất cầu kỳ và trang trí làm sao trông cho nó phải "cổ cổ" một chút. Mỗi loài hoa một kiểu chậu, kiểu bình khác nhau. Chẳng hạn hoa chi mai phải luôn có một "bố cục" thế này: chậu phải hình chữ nhật, phía bên trong sơn màu đỏ điều, bên ngoài màu trắng tinh, hoa được trồng bên trên và dưới gốc phải có tí đá nhỏ thanh nhã. Vào tiết ra hoa, cây chi mai nở những bông trắng ngần tinh tế trên lan can hay bậu cửa sổ, và nhà văn có thể ngồi ngắm nghía chúng cả buổi không chán mắt.
Riêng hoa lan là giống hoa đòi hỏi sự cầu kỳ chăm chút nhất. Hằng ngày, nhà văn Kim Lân lấy nước từ chiếc điếu cày của ông, pha thêm với nước lã rồi tỉ mỉ lau từng chiếc lá cho nó bóng, đẹp. Để hoa lan nở đẹp như ý, ông chăm bẵm hằng ngày bằng bã chè, nâng niu trông ngóng từng cái nụ bé xíu.
Nhà văn Kim Lân và NSND Nguyễn Đăng Bảy ngắm hoa trong vườn nhà. Ảnh: Nguyễn Đình Toán. |
Trước Tết Nguyên đán bao giờ nhà văn Kim Lân cũng dành khoảng 3 tuần chỉ để cho việc đi tìm mua hoa đào. Nhiều ngày ông đi từ sáng đến chiều rồi về không, vì không tìm được cây nào ưng ý. Một cây đào hợp ý ông phải là cây đào có cái thế tự nhiên nhất. Mua được cây đào về rồi, nhà văn cũng phải mất 2 đến 3 ngày cho việc trồng vào chậu, hay cắm vào bình sao cho tinh tế, đẹp mắt.
Xu hướng chơi hoa của nhà văn Kim Lân không giống với nhiều người chơi cây cảnh khác. Ông rất ghét những lời khuyên của những "chuyên gia" cây cảnh, là phải tạo thế, uốn éo, bắt bẻ cho cây vào những thế mình thích. Kim Lân mê những cây có dáng tự nhiên, không gò ép.
Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền kể lại: Mỗi lần giò phong lan trổ được cành hoa đẹp, cha chị, nhà văn Kim Lân lại sai con mang sang biếu "ông bạn vàng" của mình là nhà văn Nguyễn Tuân. Cụ Nguyễn Tuân đương nhiên là mê hoa lan chả kém gì Kim Lân. Cụ thường bảo: "Cái mùi hương hoa lan nó lẩn khuất, tinh tế, ẩn hiện như thể cái đẹp giục người ta phải không ngừng tìm kiếm, chứ không "thô lỗ" như cái anh hoa sữa, hương ở đâu cứ xộc thẳng vào mũi người ta, khó chịu kinh khủng".
Khi nhà văn Nguyễn Tuân ốm nặng phải nằm viện, nhà văn Kim Lân vào thăm bạn cũng không quên mang theo một cành hoa lan, cắm vào bình đặt ngay giường bệnh cụ Nguyễn Tuân nằm để cụ lúc nào cũng có thể ngắm hoa. Nghe nói, khi cụ Nguyễn Tuân mất, cành hoa lan mà Kim Lân mang tặng vẫn tươi tắn trên bàn. Mới hay, tình bạn của các văn nhân một thời đẹp và tinh tế đến mức nào.
Thú chơi chim và cá cảnh
Có lần nhà văn Kim Lân được bạn tặng cho một con chim sẻ lửa có bộ lông màu huyết dụ. Ông nâng niu chiếc lồng có con chim quý này lắm. Một hôm các con đi làm về thấy ông ngồi như pho tượng, mặt tái xanh. Thì ra trong lúc cho chim ăn, ông sơ ý đã làm con chim lọt qua cửa lồng bay mất. Tiếc quá, mấy ngày giời ông không ăn, không ngủ. Một ngày 3 lần ông mang cái lồng không ra ngoài trời, bỏ thức ăn vào trong để nhử con chim quay lại. Một ngày con sẻ lửa quay về thật. Nó bay vào phòng tắm. Lúc đó cả gia đình đang ăn cơm. Nhìn thấy con chim, Kim Lân hét rất to: "Chim về rồi", khiến vợ và các con ông buông rơi cả bát đũa. Bữa cơm bị gián đoạn, cả nhà hò nhau mang chăn màn chắn các cửa ra vào. Các con thì kê ghế cao để ông trèo lên, chui vào khe cửa phía trên nhà tắm để bắt con chim "vô kỷ luật" đã sổ lồng bay mất. Cả nhà nỗ lực đuổi bắt con chim, nhưng con sẻ lửa khôn ngoan cuối cùng vẫn tìm cách trốn thoát ra ngoài, bay mất. Kim Lân thất vọng lắm, ông bực bội đi vào trong nhà, vợ và các con ông cảm thấy như ông đang nhìn họ giống những kẻ "vô tích sự", đến con chim nhỏ xíu mà cũng không bắt được. Kể lại chuyện này, những người con của nhà văn Kim Lân vẫn cười lăn khi nghĩ lại gương mặt bực bội của cha.
Không chỉ mê hoa, mê cây, mê chim cảnh, nhà văn Kim Lân còn thích chơi cá cảnh trong nhà. Ông cũng tự làm lấy chiếc bể cá và luôn đặt nó trên chiếc tủ nhỏ giữa nhà, chăm bẵm những chú cá nhỏ tận tình như chăm đàn con của mình vậy. Một lần ông gọi điện cho chị Hiền, bảo: "Ước mơ của thầy là có một đôi cá sư tử". Chị Hiền tất tả đi tìm mua đôi cá sư tử mang ra Hà Nội cho bố. Kim Lân tỏ ý sung sướng vì đôi cá lắm, suốt ngày vào ra ngắm nghía. Một hôm các con đang ngồi chơi chợt nghe tiếng bố thất thanh trong nhà, tưởng chuyện gì, hóa ra chiếc bể cá bị rơi, do Kim Lân sơ ý thế nào đó. Ông chìa cả hai bàn tay ra để hứng những miếng kính vỡ, và cứ loay hoay vớt cá, vừa vớt vừa rên rỉ xót xa như bị ai đánh vậy.
Và những thú chơi độc đáo khác
Chuyện nhà văn Kim Lân chơi đồ cổ thì hẳn nhiều người cũng đã biết. Ông không có nhiều tiền để mua bán những món đồ cổ quý giá, nhưng những gì ông sưu tập được từ nhiều nguồn khác nhau đều là những thứ tinh túy, đặc biệt và chúng liên đới với nhau đến nỗi chỉ thiếu một thứ thôi là đã hỏng cả một "hệ thống" rồi. Một lần cụ Nguyễn Tuân đến chơi nhà Kim Lân, cứ xuýt xoa một món đồ trong bộ sưu tập của ông bạn. Ngày hôm sau, rồi ngày hôm sau nữa đến, cụ Nguyễn vẫn cứ nhìn chằm chằm vào món đồ ấy và không tiếc lời khen ngợi. Chiều lòng cụ Nguyễn, Kim Lân đành tặng bạn. Lúc cụ Nguyễn về rồi, Kim Lân mới ngồi thừ ra một lúc, mặt buồn xo, rồi bảo với các con: "Bộ sưu tập này xem như là hỏng rồi. Ôi thầy đau quá".
Có một giai đoạn Kim Lân rất mê áo bò. Nhìn thấy con trai là họa sĩ Việt Tuấn mặc áo bò, ông thích lắm, cứ ngồi ngắm cái áo. Việt Tuấn bảo, thầy không mặc được áo của con vì nó rất rộng. Hiểu ý bố, các con đi mua về cho ông ba cái bò mới, nhưng ông vẫn không mặc vì không ưa cái kiểu của nó. Kiểu mà ông thích phải là chiếc áo bò cổ tròn, có những nút ngang cài như áo của người dân tộc miền núi kia. Tìm mãi không ra cái áo ấy, các con nảy ra ý đưa bố đi mua "hàng thùng", vì ở đó dễ kiếm được cái áo đúng ý bố hơn là các cửa hàng may sẵn.
Khi bắt đầu có điện thoại di động, nhà văn Kim Lân cũng mê điện thoại như nhiều người mê công nghệ khác. Mỗi khi nhìn thấy ai có điện thoại đời mới, ông vẫn thường ngắm nghía xuýt xoa hồi lâu. Được đổi cái điện thoại cũ sang cái điện thoại mới hiện đại và nhiều chức năng hơn cũng là một niềm vui không nhỏ của Kim Lân. Chị Nguyễn Thị Hiền kể: "Trước khi mất 2 ngày, thầy tôi vẫn gọi điện thoại cho tôi và rất vui vẻ thông báo, thầy vừa có điện thoại mới rất đẹp, rất hiện đại, thầy đã chuyển sim sang máy mới, con nhớ thường xuyên gọi cho thầy nhé".
Không chỉ có văn chương mới có sức mê hoặc trái tim nhà văn Kim Lân. Ông có rất nhiều thú vui khác để bầu bạn trong cuộc đời, như chăm sóc một cái cây, nuôi một con chim, một con cá trong nhà, hay đơn giản hơn là mua cho bằng được chiếc áo có kiểu dáng mình yêu thích. Và ở mỗi thú chơi dù rất nhỏ của mình, ông cũng đều tìm ra những triết lý, những suy ngẫm về cuộc đời. Sinh thời, có lần ông đã chia sẻ, rằng mỗi con người đều có những thú chơi khác nhau, nhưng chơi gì thì cũng phải đi đến tận cùng cái "thú" của nó, không được nửa vời, không được theo đuôi, bắt chước. Những thú chơi của nhà văn Kim Lân đều là những thú chơi độc đáo và tao nhã. Ông tìm thấy cái đẹp của đời sống trong những thứ tưởng chừng như nhỏ bé nhất, và ít khi để những thú chơi của mình phiền lụy người thân trong gia đình. Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền kể lại: "Dù là một cây cần thăn hay một đôi cá cảnh, những vật chẳng đáng bao tiền, nhưng bao giờ thầy tôi cũng rất… ngập ngừng đề nghị các con mua cho. Ông rất ngại phiền con cái. Thường là con cái hiểu ý ông thì tự nguyện chiều ông thôi".
Nhưng có một lần nhà văn Kim Lân rất hùng hồn khi đòi hỏi con mua cho mình một số thứ đắt tiền. Vẫn theo họa sĩ Nguyễn Thị Hiền kể lại: "Lần đó thầy tôi bay vào Sài Gòn mà không hề báo trước với tôi. Gặp tôi, giọng thầy có phần như ra lệnh: "Con cho thầy xin ít tiền". Tôi rất lạ với cách của thầy nhưng vội lấy tiền đưa cho thầy. Cầm tiền xong thầy lại bảo: "Con đi mua cho thầy quần, áo, mũ len nhé". Tôi đi mua những thứ thầy yêu cầu về đưa cho thầy, hỏi đủ chưa, thầy bảo đủ rồi. Thế là thầy tất tả ra máy bay về Hà Nội ngay. Hóa ra những thứ đó thầy mua để mang về biếu một người bạn của thầy là bác Nguyễn Hữu Đang. Dạo đó hoàn cảnh bác Đang rất khó khăn. Đó là lần duy nhất tôi thấy thầy tự tin khi "xin" tiền các con"