Nhà văn Kim Lân "trở về" làng

Thứ Sáu, 28/07/2017, 08:01
Cuối cùng thì "Lão Hạc", tác giả của "Vợ nhặt", "Làng", "Con chó xấu xí"... sau bao thăng trầm giờ đã trở về mảnh đất chôn nhau cắt rốn để thong dong an tọa một giấc ngàn thu trong không gian trầm mặc cổ kính của đất Phù Lưu, Đông Ngàn.  


Làng Phù Lưu nơi những phiến đá xanh nhẵn thín mang chứa cả một trầm tích kho chuyện về phong tục tập quán ở làng. Nơi đây mảnh đất địa linh nhân kiệt của vùng Kinh Bắc, đã sản sinh ra những người con thành đạt nổi danh cả đường văn lẫn đường võ như Tổng Đốc Bắc Giang Hoàng Thụy Chi, nhạc sĩ Hồ Bắc, đạo diễn Nguyễn Đăng Bẩy, tướng Chu Duy Kính, Bộ trưởng Chu Tam Thức... và đặc biệt nhất là thi sĩ Hoàng Cầm với một gia tài thơ lộng lẫy, một nhà văn Kim Lân (1920 - 2007) viết ít nhưng chữ nào của ông cũng hàm chứa sức nặng hiện thực và tình đời, với cái nhìn thấu suốt xót xa về nhân tình thế thái.

"Trở về" với làng Phù Lưu nghĩa là nhà văn Kim Lân trở về nơi mình sinh ra, được về với tiên tổ, ông bà, với thầy u để viên thành trong cõi làng linh thiêng, để hòa mình vào mảnh đất quê nhà, với những gì thân thuộc nhất.

Chúng tôi có mặt tại lễ khánh thành nhà lưu niệm của cụ Kim Lân trong một ngày cuối tháng 7, làng Phù Lưu xứ Đông Ngàn, Từ Sơn, Bắc Ninh thắp nắng sau hai tuần mưa sùi sụt như tiết trời ngâu. Trong cái nắng thanh bình rực rỡ, chính quyền địa phương đã phối hợp với gia đình tổ chức buổi lễ giản dị, đơn sơ mà ấm áp. Buổi lễ khánh thành diễn ra rất chi là "Kinh Bắc" khi có các liền chị liền anh nối nhau với những câu hát Quan họ da diết níu chân người.

Nhà lưu niệm của nhà văn Kim Lân tại khu Văn Chỉ, Hương Hiền Từ, làng Phù Lưu, phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Đứng trước ngôi nhà chỉ vỏn vẹn 40m, được bàn tay khéo léo của những người con tài hoa của cụ Kim Lân thiết kế theo lớp lang chồng diêm, khiến cho ngồi nhà vừa hiện đại vừa cổ kính, vừa trầm mặc giản dị nhưng lại vừa  cao sang, gợi nhớ một câu chuyện gì đó thật xưa cũ, sâu lắng trong mênh mông bụi phủ thời gian.

Ở đó, ngay gian giữa, treo bức hoành phi khắc lên hai chữ "Như Đạm" (có ý nghĩa là "bình hòa", "dung dị"). Đó cũng chính là thông điệp giản dị về con người, cốt cách, tinh thần của cụ Kim Lân cho tất cả mỗi ai khi bước chân đến đây, hòa mình trong không gian này để  thăm cụ, trò chuyện trong thinh lặng với cụ, và cùng với cụ ngồi xuống bên chén trà sen thơm ngát để đàm đạo chuyện văn chương, chuyện đời, chuyện người.

Một nhà văn mà cả đời văn chỉ để lại ngót nghét độ mươi cái truyện ngắn, về những thân phận ở làng quê nghèo khó, bé mọn, thấp hèn... và để lại vai diễn nhớ đời "Lão Hạc" trong bộ phim "Làng Vũ Đại ngày ấy" (được chuyển thể từ một số tác phẩm của nhà văn Nam Cao), đã đủ để Kim Lân khắc họa chân dung của mình cho hậu thế nhớ về ông.

Nhà văn Kim Lân có biệt tài viết thành công về những câu chuyện xảy ra quanh mình, viết về những người liên quan, những thân phận mà cụ bắt gặp, chứng kiến, những mảnh đời một thời khốn khổ. Nhà thơ Phan Hoàng đã có nhận xét: "Có thể nói việc khắc hoạ thành công hình tượng người phụ nữ với những tính cách, số phận điển hình trong những hoàn cảnh điển hình chính là yếu tố quan trọng giúp nhà văn Kim Lân dựng nên những truyện ngắn đặc sắc.

Điều thú vị là trong số những hình tượng phụ nữ được ông xây dựng thành công với nguyên mẫu chủ yếu là người thân của mình. Trong truyện ngắn tiêu biểu nhất của Kim Lân là "Vợ nhặt" thì nhân vật bà cụ Tứ chính là hình ảnh của mẹ ông. Còn người vợ trong truyện cũng có nguyên mẫu chủ yếu là vợ ông, nhưng giống hoàn cảnh thôi, còn vợ ông ngoài đời được cưới xin đàng hoàng chứ không phải... vợ nhặt!".

Bước vào không gian này, chúng tôi có cảm giác như bước vào một nơi chốn nào đó vừa thiền tịnh, vừa nhung nhớ, vừa đủ cho nhiều cung bậc cảm xúc  rung lên với "Lão Hạc" khi nhìn thấy tận mắt những đồ vật gần gụi của cụ được bày biện một cách tinh tế, đẹp mắt, trang nhã. Đầu tiên là một góc thư phòng với chiếc bàn viết giản dị, trên đó bày những cuốn sách - tác phẩm của Kim Lân.

Trên chiếc bàn viết, những trang sách đang mở ra như thể đợi cụ Kim Lân, đang bước ra đâu đó sau hiên nhà. Những trang bản thảo viết tay đã ố vàng, đã mủn góc được các con giữ gìn cẩn thận nâng niu, để ai vào cũng có thể tận mắt ngắm bút tích của cụ. Chiếc tủ đựng những cuốn sách cụ Kim Lân yêu thích. Chính giữa gian nhà là bộ bàn ghế gỗ đặt lên đó bình trà để những khi cụ mỏi viết thì ngồi xuống chiêu một ngụm trà sen tĩnh tại, hay thi thoảng đón khách đàm đạo văn chương. Khu nhà cũng bày dăm bảy món đồ cổ cụ hay dùng khi xưa, và những vật dụng như bộ kính sáng đến hơn chục cái, bút viết, tủ đựng vài ba bộ quần áo, vài ba chiếc mũ...

Những đồ vật bé nhỏ đời thường kia đã khắc họa lên rõ nét một chân dung cụ Kim Lân giản dị khi cụ còn sống, và như gợi nhắc cho ta bóng dáng gần gụi của cụ còn lẩn khuất đâu đây trong chính không gian này...

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, trưởng nữ của cụ Kim Lân chia sẻ: "Cha tôi từng nói, thầy là nhà văn của làng quê, nên khi thầy ra đi, các con hãy đưa thầy về với làng, về cạnh u của các con, về với tổ tiên làng xóm và trở về với cội nguồn.

Một góc trong ngôi nhà lưu niệm của nhà văn Kim Lân. 

Sau bao nhiêu năm tháng vật vã tìm mua đất, chọn địa điểm,  để dựng cho cha mình một ngôi nhà lưu niệm, không phải để tôn vinh cha mà đơn giản khi còn sống cha mẹ đã vất vả cực nhọc nhiều, nay các con thành đạt, dựng cho cha một nếp nhà nhỏ lưu giữ lại những kỷ vật của cha, để khi các con cháu muốn tìm về nguồn cội, tìm hiểu về các bậc tiên tổ của mình còn có một nơi chốn để nhớ. Và cuối cùng, giải pháp đưa cha mình trở về làng có lẽ là đúng nhất với tâm nguyện của cụ".

Điều tuyệt vời đáng trân trọng hơn nữa là gia đình vô cùng vinh dự và hạnh phúc khi được chính những người con của làng Phù Lưu, hiện đang giữ trọng trách việc làng, bàn bạc và cấp cho cụ Kim Lân một mảnh đất nhỏ nơi chốn linh thiêng của làng. Đó là mảnh đất thuộc khu Văn Chỉ, Hương Hiền Từ, của làng Phù Lưu, Đông Ngàn để đón một người con xuất sắc của làng được trở về.

Ngắm nhà của cụ Kim Lân trong không gian 40 mét vuông ở Phù Lưu lại gợi cho chúng ta nhớ tới ngôi nhà 40m ở Hạ Hồi, nơi cụ Kim Lân sống cho đến những năm tháng cuối đời... Ngôi nhà nhỏ ở Hạ Hồi giờ đã xóa hết dấu tích, xóa hết một đoạn đời dài mà nhà văn Kim Lân đã từng sống và viết, khi bán sang tên cho chủ mới.

Giờ đây, bóng dáng của không gian Hạ Hồi chỉ còn đọng lại trên bốn bức tường của căn nhà lưu niệm. Đó là vô số những bức ảnh đen trắng của cụ ghi lại một thời mà các bậc tao nhân mặc khách thường lui tới thăm nhau. Một thời những danh nhân văn hóa bốn phương trời tụ về đất Kinh Kỳ, mến mộ tài nhau mà tìm đến với nhau.

Lại cảm thán những năm tháng sau khi cụ Kim Lân mất, tìm một nơi chốn cho cụ cũng đã làm đau xao xác một mảnh đời vốn dĩ rất nhạy cảm với thân phận con người.

Nhà văn Kim Lân tên thật là Nguyễn Văn Tài, người làng Phù Lưu, Từ Sơn, Bắc Ninh. Ông xuất thân là một người thợ sơn của đất Phù Lưu, Đông Ngàn. Cái tên Kim Lân là bút danh của ông, bắt nguồn từ tích vở tuồng cổ "Sơn Hậu". Vở tuồng nói về một tình bạn đẹp đẽ cao quý của Đổng Kim Lân và Khương Lính Tá.

Yêu mến vở tuồng cổ, và các nhân vật trong đó, cộng với vốn văn chương có sẵn, ông đã lấy tên Kim Lân để bước vào ngôi đền văn chương. Kim Lân viết ít, ông trở thành nhà văn nổi tiếng với những tác phẩm như "Vợ nhặt", "Làng", "Con chó xấu xí",… cùng vai diễn "Lão Hạc" trong phim "Làng Vũ Đại ngày ấy". Ông đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 1-2001. Năm 2014, UBND TP Bắc Ninh quyết định lấy tên nhà văn Kim Lân đặt tên cho một con phố ở phường Kinh Bắc.

Như Bình
.
.