Nhà văn George Orwell: 21 năm rơi vào tầm ngắm của cơ quan phản Anh

Thứ Năm, 04/10/2007, 11:50
Ngày 4/9/2007, tại Cục Lưu trữ Quốc gia Anh người ta vừa phát hiện ra một tập hồ sơ về nhà văn Anh nổi tiếng George Orwell, theo đó trong suốt thời gian 21 năm (1929-1950), Cơ quan Phản gián Anh (MI- 5) đã tiến hành theo dõi ông.

Điều nghịch lý là tác giả tiểu thuyết không tưởng nổi tiếng “1984” - một người liên tục phê phán các chế độ cực quyền lại được coi là gián điệp của Cộng sản.

Trong ghi chép của một nhân viên theo dõi đề ngày 20/1/1942 có đoạn: “Con người này (chỉ Orwell) tuyên truyền các quan điểm cộng sản. Ông ta ăn mặc rất phóng túng ở nơi làm việc lẫn trong những lúc nghỉ ngơi”.

Lần đầu tiên George Orwell bị các cơ quan mật vụ Anh để ý tới là năm 1929. Lúc bấy giờ nhà văn sống ở Paris, đang thu thập tư liệu để viết cuốn sách tương lai của mình “Những cay đắng ở Paris và London”. Đồng thời cũng trong thời gian đó ông làm phóng viên cho tờ báo Anh “Đời sống thợ thuyền”.

Trong một tài liệu có đóng dấu “Tuyệt mật” được tìm thấy tại hồ sơ của nhà văn có ghi: “Ông ta (Orwell) dành thời gian đọc các báo chí Pháp, ví dụ như báo “L’Humanite” (Nhân đạo), nhưng không thấy có liên hệ gì với những người cộng sản Pháp”.

Bảy năm sau đó Orwell sống ở Wigan, thuộc vùng Tây - Bắc nước Anh. Những ấn tượng thu được trong quãng thời gian này đã trở thành cơ sở cho việc sáng tác cuốn sách “Đường tới Wigan”, kể về sự nghèo khổ. Tại đây nhà văn cũng bị theo dõi.

Bằng chứng là một tài liệu do một quan chức cảnh sát địa phương gửi cho MI-5, trong đó thông báo về các cuộc gặp gỡ của nhà văn với các đảng viên Cộng sản. Theo tài liệu mật, lần này Orwell thực sự tham gia vào các cuộc gặp gỡ đó.

Trong văn bản Orwell mang bí danh là “E.A.Blair”, vì tên thật của ông cũng là Eric Arthur Blair. Trong các tài liệu mật giai đoạn đầu, nhà văn được gọi là “Blair”, còn về sau được gọi là “Orwell”.

Hồ sơ cũng lưu giữ các số liệu hộ chiếu, ảnh và mô tả về đặc điểm nhân dạng của Orwell. Các cơ quan mật vụ lưu giữ cẩn thận những thông tin về bố mẹ của nhà văn và các tình tiết tiểu sử. Từ năm 1936, trong hồ sơ nhà văn được đánh giá là “có cảm tình với Cộng sản”.

Một đôi lần trong “hồ sơ Orwell” ta bắt gặp những nhận xét nghi vấn về việc năm 1927 nhà văn đột ngột xin ra khỏi Cơ quan Cảnh sát ấn Độ ở Mianma: “Ông ta giải thích cho các bạn thân của mình rằng sở dĩ làm như vậy là vì không muốn tham gia vào các vụ bắt bớ những người vô tội”.

Những năm 30 của thế kỷ XX, Orwell làm việc tại hai trường phổ thông và tham gia vào cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha (năm 1937), và ông cũng không thoát khỏi con mắt nhòm ngó của cảnh sát Anh. Thời gian này các tài liệu trong hồ sơ nhận xét nhà văn “là một phần tử hơi vô chính phủ”, có quan hệ với những kẻ cực đoan.

Đầu cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Orwell là phóng viên ngoài biên chế và sau đó được vào làm việc ở Đài Phát thanh của Anh. Hoàn cảnh kinh tế của ông thời kỳ này được đánh giá là “thực sự nghèo khổ”.

Trong chiến tranh Orwell trở thành phóng viên quân đội. Điều thú vị là Bộ Chỉ huy quân sự Anh lại hỏi ý kiến của các cơ quan tình báo về điều đó, và MI-5 đã bí mật đồng ý cho Orwell làm phóng viên. Tuy nhiên, cũng trong thời gian này, ngay cả khi làm việc tại chi nhánh ấn độ của đài BBC, nhà văn vẫn không  thoát khỏi tầm ngắm của các cơ quan mật vụ.

Chỉ vào những năm cuối đời của nhà văn, tại MI-5 người ta mới cho rằng Orwell không hề gây một hiểm họa nào đối với nền an ninh quốc gia và đã chấm dứt việc theo dõi đối với nhà văn tài năng này.

Trong những trang cuối của hồ sơ, một nhân viên MI-5 kết luận: “Quả thật, Blair có những tư tưởng tả khuynh rất rõ rệt, nhưng các quan điểm của ông xa lạ với chủ nghĩa Cộng sản chính thống”.

Theo ông ta, những kết luận như vậy được rút ra từ các tác phẩm văn học của George Orwell như “Sư tử và tê giác”. Vào thời gian đó nhà văn đã trở nên nổi tiếng thế giới nhờ tác phẩm trào phúng “Trại chăn nuôi”, xuất bản năm 1945.

Dù sao, hồ sơ Orwell vẫn được thực hiện rất cẩn thận cho tới tận lúc nhà văn qua đời. Ghi chép nặc danh cuối cùng trong các tài liệu mật là thông tin về cái chết của nhà văn vì bệnh lao ngày 21/1/1950, một năm sau khi tiểu thuyết không tưởng nổi tiếng của ông “1984” được xuất bản

Trần Kim Thanh
.
.