Nhà văn Đoàn Giỏi với khẩu hiệu "Hoặc hoàn thành, hoặc tự sát"

Thứ Hai, 26/06/2017, 13:20
Nhà văn Đoàn Giỏi sinh năm 1925 tại xã Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, mất năm 1989 tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp và cũng bắt đầu viết văn từ đấy. Thuở nhỏ ông học họa ở Trường Mỹ thuật Gia Định - Sài Gòn nhưng văn chương mới là cái đích của ông.


Năm 1954, tập kết ra Bắc, ông làm việc ở Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ năm 1956 trở đi, ông viết nhiều, viết hay, nhiều truyện ngắn ra đời gây được tiếng vang trong giới văn nghệ và bạn đọc như các truyện: "Cây đước Cà Mau", "Tầm vông", "Đèn tôi bay về Lục Hồ Chí Minh" và các tập tiểu thuyết: "Cá bống mú", "Trần Văn Ơn", "Rừng đêm xào xạc...".

Cuốn "Đất rừng phương Nam" đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng trên thế giới. Đây là cuốn sách ông viết chỉ trong vòng một tháng, trong lúc ốm đau, theo đơn đặt hàng của Nhà xuất bản Kim Đồng.

Sau khi thống nhất đất nước, tháng 4/1975, ông vào công tác ở Hội VHNT Thành phố Hồ Chí Minh. Khi đang viết dở cuốn tiểu thuyết "Núi cả cây ngàn" trên 500 trang về đất nước, con người Nam bộ thì ngày 23/3/1989 ông bị một cơn đau nặng, được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Thống nhất, do căn bệnh hiểm nghèo, chỉ sau một tuần ông đã qua đời.

Với trên 20 tác phẩm bao gồm cả thơ, kịch, truyện ngắn, bút ký, biên khảo, nhà văn Đoàn Giỏi đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt I (năm 2001). Ít ai biết, nhà văn Đoàn Giỏi có một quyết tâm rất lớn khi hoàn thành tác phẩm đã có kế hoạch của mình. Điều này, được tiết lộ trong một bài điếu văn do nhà văn Nguyễn Quang Sáng đọc trong lễ an táng nhà văn Đoàn Giỏi: "Tôi nhớ khoảng năm 1960, trong lúc anh viết tác phẩm "Hoa hướng dương", trước mắt trên bàn viết, anh treo một khẩu hiệu "Hoặc hoàn thành, hoặc tự sát", nhìn khẩu hiệu ấy tôi nổi gai. Anh còn có thói quen lau bàn sạch sẽ và thắp nhang xong mới đặt bút viết. Con đường văn học là con đường sống chết của anh, vô cùng quyết liệt. Treo khẩu hiệu ấy là để đấu tranh với mình, để xua đuổi nỗi buồn bực, kể cả những cám dỗ và quyến rũ của đời sống ra khỏi trang giấy của anh" (Báo Văn nghệ số 4/1989).

Khi nhà văn Đoàn Giỏi đặt trang giấy trên bàn viết, tác phẩm đối với ông là một mục tiêu phải chinh phục. Chúng ta từng nghe câu nói bất hủ của một nhà cách mạng: "Tự do hay là chết" trước mũi súng quân thù. Còn trong văn chương, ở nước ta có lẽ chỉ có nhà văn Đoàn Giỏi là quyết tâm hoàn thành tác phẩm "Hoặc hoàn thành, hoặc tự sát". Tiểu thuyết "Hoa hướng dương" Đoàn Giỏi đã hoàn thành chính là nhờ khẩu hiệu ấy.
Lê Hồng Thiện
.
.