Nhà văn Đào Thắng: Dòng sông và tiếng vọng lịch sử

Chủ Nhật, 25/08/2019, 08:04
Nhà văn Đào Thắng nhìn bên ngoài nhân hậu là vậy, nhưng trong tác phẩm, ông viết táo bạo, quyết liệt. Không ca tụng một cách hời hợt, viết thật với con người thật. “Con người sống thế nào, ứng xử ra sao trong chiến tranh thì tôi viết thế đó”, nhà văn Đào Thắng nhớ lại...


Mãi đến sau này tôi mới lý giải được vì sao nhà văn Đào Thắng có tình cảm đặc biệt với vùng đất xứ Nghệ và con người xứ Nghệ. Ông đã gắn bó với vùng đất này thời đất nước “máu và hoa”, khi còn là người lính pháo binh. Mãi sau này, khi đã trở thành nhà văn, Đào Thắng được xem là người có duyên với nhiều loại đề tài trong sáng tác, nhưng lúc nào nhà văn đau đáu với các đề tài thời chiến.

Ở ông, độc giả luôn thấy được những trang văn ngồn ngộn chất sống, sự trải nghiệm mà ở đó tác giả thực sự... am hiểu về nhân vật.

“Tôi là nhà văn mặc áo lính. Từ năm 1965 là lính thuộc Sư đoàn 330, sư đoàn miền Nam tập kết. Tôi cùng đồng đội trải qua nhiều cuộc hành quân gian khổ và trong thâm tâm tôi, lúc nào cũng hừng hực niềm đam mê sáng tác, háo hức đi để làm thơ, viết ký và cũng sẵn sàng đương đầu với cái chết. Rất nhiều đồng đội tôi đã hy sinh. Ký ức về cuộc chiến tranh vệ quốc đã ngấm vào tác phẩm. Tinh thần, cảm xúc nó chất chứa, dồn nén vào tác phẩm của tôi”, ông trải lòng như một “tự thuật”.

Thật vậy, quá khứ trong tâm khảm của nhà văn Đào Thắng luôn luôn “cựa quậy”, gần như chỉ cần chờ có điều kiện là bật dậy.

Nhà văn Đào Thắng (phải) bên mộ 10 cô gái ở ngã ba Đồng Lộc.

Trước khi biết nhà văn Đào Thắng, tôi đã biết về tiểu thuyết “Nước mắt” của ông. Tiểu thuyết “Nước mắt” của nhà văn Đào Thắng nói về cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ ngay trên mảnh đất miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Đó là cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên đất khu Bốn, nơi có những “mạch máu” và “hồng cầu đỏ chót”, tập trung sức người sức của chi viện  cho chiến trường miền Nam…

Điểm khác biệt với các tác phẩm văn học trước đó, ngòi bút của nhà văn Đào Thắng không ngại ngùng miêu tả cái sự thật trần trụi, gớm ghiếc mà chiến tranh dội lên đầu những người lính pháo. Và họ hy sinh, hy sinh hết lớp này đến lớp khác; có cả những Tiểu đoàn, Trung đoàn pháo bị xóa sổ…

Giữa những ngày mùa Thu cách mạng này, nhớ về những ngày giành độc lập, nhớ về cuộc chiến đấu bảo vệ non sông gấm vóc và thống nhất đất nước, không ai không cảm động nếu đã đọc những trang văn của ông.

Nhà văn Đào Thắng nhìn bên ngoài nhân hậu là vậy, nhưng trong tác phẩm, ông viết táo bạo, quyết liệt. Không ca tụng một cách hời hợt, viết thật với con người thật. “Con người sống thế nào, ứng xử ra sao trong chiến tranh thì tôi viết thế đó”, nhà văn Đào Thắng nhớ lại. Vâng, ở “Nước mắt” cũng có vài nhân vật chính, họ là những đồng đội tôi trong quân ngũ của ông. Bè bạn đã động viên ông để tên thật của họ. Chính họ là những nguyên mẫu sinh động nhất giúp chất lượng tác phẩm của nhà văn được nâng lên.

“Sau này tôi viết tiểu thuyết “Dòng sông Mía” cũng có nhiều nguyên mẫu thật, nhiều nhân vật là ông bà, mẹ, những người ảnh hưởng đến thời thơ ấu và thanh niên của tôi. Con sông Mía cũng là sông Châu Giang bây giờ”, ông tâm sự. Về chi tiết này, tôi nhớ nhà thơ Trần Mạnh Hảo từng có bài viết đầy “gai góc”: “Dòng sông Mía” của Đào Thắng hay tiếng nấc của sông Châu Giang” đăng trên Tạp chí Nhà văn, tháng 7/2005.

“Dòng sông Mía” được nhà văn Đào Thắng ấp ủ rất lâu, sinh thời người bạn tri kỷ của ông là nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đánh giá rất cao về tiểu thuyết này. Lúc đầu nhà văn Đào Thắng định đặt tên cho “đứa con” của mình là “Dòng sông vĩnh cửu”, sau đó bạn ông, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã đọc và nói với ông: “bối cảnh có mía, văn hóa mía, nên đặt là “Dòng sông Mía”. Tên tác phẩm ra đời từ sự gợi ý đó.

“Tôi ấp ủ đến hơn 10 năm vì phải chuyển nhiều nghề. Năm 1991 tôi viết lần một, tại Sầm Sơn - Thanh Hóa. Năm 1995 viết tiếp phần sau. Thật sự lúc sau viết không sung bằng trước. Khi viết tôi tự nhận thấy điều đó, tự đánh giá được, song tôi vẫn cố giữ được cái mạch của nó. Năm 2004 mới in được, 2005 được giải”, nhà văn cho biết.

Trong “Dòng sông Mía”, nguyên mẫu lớn nhất là nhân vật Khuê, nhà văn Đào Thắng nói rằng, đây là người thể hiện hình ảnh, ý nghĩ của ông và bè bạn. Một số nhân vật khác ông xây dựng thành công là thằng Lèng - cụt hai tay, một người sống bản năng, một đứa con sinh ra trong tăm tối, cuối cùng lại yêu chị gái mà không biết.

Nhà văn Đào Thắng đã xoáy sâu vào một nhân vật mê muội, không được học hành, sống bản năng, điều khiển bản thân bằng bản năng; đi sâu vào khai thác nội tâm những phận người hẩm hiu, sống mưu sinh trong dòng nước bẩn thỉu và trong họ luôn bị một sự khinh rẻ. Còn những cảnh được coi là nóng, trái ngược với những hình ảnh mưu sinh trầy trật kia là những dòng chữ man mát, giúp tác phẩm trở nên lung linh hơn, sinh động hơn. Những cuộc đời trôi trong rừng Mía, ở đó, bản năng con người họ được đánh thức. Rừng mía trở thành dòng sông của số phận.

“Là số phận những con người. Là tình nghĩa. Con người bên dòng sông Mía từng thương nhau, rồi tình thương đó bị phá bỏ, vốn văn hóa làng xã cũng bị phá dần. Người ta mang cái ác ở đâu về rồi gieo rắc nơi đây. Cái ác đó phá bỏ văn hóa làng xóm, tình yêu người yêu thiên nhiên. Điều này vẫn còn tồn tại dai dẳng đến bây giờ”, hớp ngụm nước chè, nhà văn Đào Thắng trăn trở.

Nói về công việc viết văn, đã có lần ông phát biểu, văn học hiện thực phải có nguyên mẫu, nếu không nguyên mẫu không thành tác phẩm hay. Vì điều đó sẽ trở thành hình tượng nghệ thuật. Rất nhiều những trải nghiệm ngoài đời là chất liệu quý cho các tác phẩm trở nên sinh động, bám sát hơi thở cuộc sống.

Nhà văn Đào Thắng kể rằng, cách đây mấy năm, khi nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười còn minh mẫn, ông và nhà thơ Hữu Thỉnh có đến thăm. Cụ Đỗ Mười nhắc Hội Nhà văn nên tổ chức viết về cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung, nếu không viết, hậu thế sẽ không nhớ tới các sự kiện lịch sử này.

Một tác phẩm của nhà văn Đào Thắng.

Nhà văn Đào Thắng bảo chính ông đang trăn trở điều này. Trong cuốn tiểu thuyết “Dòng sông mía”, ông đã đưa một số chi tiết của cuộc chiến ác liệt tại Hà Giang vào trong tác phẩm của mình. Đó là chi tiết người mẹ tắm rửa cho thi hài của đứa con là liệt sĩ được đưa từ mặt trận trở về, thi thể của anh đã có dòi… Đó là chi tiết hoàn toàn có thật mà chính mắt nhà văn chứng kiến tại mặt trận Hà Giang…

Tôi là người may mắn từng được tháp tùng nhà văn Đào Thắng lặn lội suốt từ Truông Bồn (Nghệ An), qua Bến Thủy, Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) giữa những ngày nắng khốc liệt nhất của mùa hè năm 2014. Khi đó ông còn khỏe, không như bây giờ. Đến với những “địa chỉ đỏ” này, bàn chân ông như chậm hơn. Ông tỷ mẩn với từng ngọn cỏ. Tôi biết ông đã từng gắn bó với mảnh đất này những năm chiến tranh. Trong ông có một “dòng sông” luôn chảy... Dẫu vậy tôi vẫn bất ngờ khi năm 2018, đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Chiến thắng Đồng Lộc (1968 – 2018), nhà văn Đào Thắng công bố “Vọng đất trời Đồng Lộc”, tiểu thuyết mới nhất của ông về đề tài chiến tranh.

Nhà văn Đào Thắng sinh năm 1946, vào bộ đội từ 9/1965 trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường Khu 4, Mặt trận đường 9, Quảng Trị, Trung Lào. Nhà văn Đào Thắng từng là Chánh Văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam, hiện làm việc ở Ban Chuyên đề Hội Nhà văn Việt Nam.

Tác phẩm của nhà văn Đào Thắng đã xuất bản: “Điểm cao thành phố” - tiểu thuyết năm 1982; “Nước mắt”, tiểu thuyết 1991; “Dòng sông mía”, tiểu thuyết 2004 (tái bản các năm 2004, 2005, 2006); “Đất xanh”, tiểu thuyết 2006; “Dọc miền Trung”, tiểu thuyết 2008; “Xứ sở Long”, tiểu thuyết 2010; “Tiếng vọng Đồng Lộc”, tiểu thuyết năm 2018.

Các giải thưởng nhà văn Đào Thắng đã được nhận: “Giải thưởng văn học đề tài Quốc phòng an ninh”, Hội Nhà văn Việt Nam 1991-1993; “Giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng (1989-1994)” với tiểu thuyết “Nước mắt”; “Giải thưởng Điện ảnh 5 năm Bộ Quốc phòng” với các bộ phim: “Thị xã yên tĩnh”, năm 1989), “Nhịp sống mặt trận”, năm 1989, “Chào nhé Apsara”, năm 1987; “Giải A cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 2” của Hội Nhà văn Việt Nam (2003 - 2005)” với tiểu thuyết “Dòng sông mía”. Năm 2017, nhà văn Đào Thắng đoạt Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với “bộ đôi” tiểu thuyết “Nước mắt” và “Dòng sông mía”.

Cuộc xung đột biên giới Việt - Trung những năm 1984 -1989 còn được gọi là chiến tranh biên giới Việt – Trung, đỉnh điểm của sự ác liệt là trận Vị Xuyên tại tỉnh Hà Giang. Nhà văn Đào Thắng khi đó có mặt bởi ông tham gia đoàn làm phim tài liệu của Xưởng phim Quân đội ở mặt trận này. Ông tham gia với tư cách là biên kịch, có mặt tại Hà Giang từ tháng 4/1984…

Những hình ảnh đó sau này được sử dụng trong các bộ phim như: “Đồng Văn tháng 5/1984”, phim được giải Nhất của Bộ Quốc phòng; “Thị xã yên tĩnh” – giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam; “Giữ đất” giải của Bộ Quốc phòng; “Nhịp sống mặt trận”…
Ngô Đức Hành
.
.