Nhà văn Cao Nguyệt Nguyên: Trong thế giới của sáng tạo, biến đổi và khác thường

Thứ Hai, 30/11/2020, 13:33
Ở lời đầu sách “Truyện Kiều tự kể”, Cao Nguyệt Nguyên nói: “Tôi luôn nghĩ, nghệ thuật luôn rộng mở. Thế giới ấy sẵn sàng dung nạp tất cả những khám phá, tìm tòi và thử nghiệm cái mới. Thế giới ấy nói với thế hệ viết chúng tôi rằng “Nào, hãy sáng tạo đi! Hãy biến đổi! Hãy khác lạ!”.


1.Chuyện bắt đầu vào năm thứ ba đại học, một ngày nọ, cô nàng sinh viên chuyên ngành Văn học của Trường Khoa học Xã hội & Nhân văn ngồi vẩn vơ, quyết định viết ra những câu chuyện của riêng mình. 

Kí ức nơi quê nhà Quảng Ninh bồi đắp nên tuổi thơ, với trập trùng đồi núi và thung xanh theo chữ chạy tràn ra màn hình máy tính. Một thứ nửa nạc nửa mỡ, không hẳn là tản văn mà truyện ngắn thì chưa thành. 

Xong, cô nàng hồi hộp run rẩy gửi bản thảo vào email của nhà văn Đỗ Bích Thúy, đính kèm mong manh hi vọng. Đây là cách nhiều người viết trẻ vẫn làm. Các nhà văn hay trưng email ở bìa gấp cuốn sách để mở đường tương tác với độc giả, truyền thông.

Nhà văn Cao Nguyệt Nguyên

Tùy vào nhà văn và nội dung email cùng bản thảo gửi đến mà có những email mãi mãi không nhận được hồi âm. Có những email nhận hồi âm… tự động. Có email nhận được hồi âm hết sức xã giao. Có email nhận được nhận xét, góp ý thẳng thắn, khích lệ cổ vũ. Với email của cô nàng sinh viên trên, nhà văn Đỗ Bích Thúy hồi đáp chân tình như chị từng nhận được sự chân tình cặn kẽ của các nhà văn cha chú khi chị chập chững bước vào đường văn.

Hồi âm có đoạn, đại ý những gì cô nàng đã viết chỉ là chút kinh nghiệm bản thân, những điều này sau 4 năm đại học nhìn lại, sẽ thấy không khác gì một gạch đầu dòng. Điều quan trọng nhất của người viết là trải nghiệm sống, kĩ năng quan sát và tình cảm mình đặt vào đó. 

Bản thảo rớt, nhưng những góp ý sinh động từ nhà văn Đỗ Bích Thúy như tiếp thêm động lực cho cô nàng sinh viên Bùi Thị Thu Hà. Để không lâu sau đó, Hà có truyện ngắn đĩnh đạc đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân đội, với bút danh Cao Nguyệt Nguyên.

2.Truyện ngắn của Cao Nguyệt Nguyên mà tôi đọc được đầu tiên là từ “Truyện ngắn của các tác giả trẻ Quảng Ninh”, do nhà văn Dương Hướng gửi tặng. Ông chủ “Bến không chồng” tổ chức bản thảo và giới thiệu tập truyện với rất nhiều trân trọng và tin tưởng dành cho thế hệ trẻ sinh trưởng từ vùng mỏ. Hai truyện của Nguyên mở đầu cuốn sách. Tôi đọc. Và choáng. Không tin được tác giả sinh năm 1990, mới 22 tuổi, lại có những câu chữ “nặng đô” đến thế.

“Bầu ngực đứa con gái nở ra trong làn khói, bồng bềnh như ảo như thực. Đôi bàn tay thon nhẹ vục nước, đôi bờ vai láng nước. Hắn nằm xuống tảng đá, luống cuống khi thấy mình ướt át. Đứa con gái cười thành tiếng. Kệ. Hắn vẫn nhìn. Đây rồi. Hắn lại thổi sáo. Cái bài mà đứa con gái vẫn thích. Một điệu nhạc không có đầu cũng không có cuối vừa trầm uất lại vừa thanh mảnh…” (Mùa quỷ hành).

“Em cười, sao mà nhát thế. Chiếc quần lót màu hoa cà tím ngăn ngắt lơ thơ bay trong giấc mơ Kiên, màu đàn ông nhưng nhức. Thích màu tím nhưng chẳng thích sự thủy chung. Bụng Liên phập phồng. Ừ, anh cũng chẳng cần sự thủy chung. Em đùa thôi, đàn ông ác lắm. Liên giận hờn ngồi dậy, quay tấm lưng trần về phía sau. Đưa tay vuốt một đường dài, rồi đưa ngón tay vẽ những hình vô định. Thôi mà. Liên nằm xuống, gọn gàng và ngoan ngoãn. Có lẽ anh sắp đi xa. Liên gật đầu, khẽ chớp. Mà đi đâu? Chẳng biết, thấy không trụ lại được nữa. Vậy là mình chia tay? Kiên không nói gì. Thôi cứ ghì sát nhau đêm nay. Bao giờ trở lại thì gọi em” (San hô đỏ trên đá).

Văn sắc và sâu. Mạch truyện riết róng, dồn dập. Cao Nguyệt Nguyên không ngại dụng chữ, dụng chi tiết nhuốm màu sắc tính dục để đẩy tâm lí nhân vật đến tận cùng. Nhưng là thứ tính dục đẹp, bảng lảng sang. Tôi đọc và hình dung, phải là người đẫm đời, từng trải lắm mới nhả được tơ chữ như thế. Đằng này, Nguyên mới tốt nghiệp đại học, đang loay hoay nhập cuộc với đời sống, chứng tỏ bản năng chữ của người viết phải lớn.

3.Gặp Cao Nguyệt Nguyên, chắc hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên. Thoát li trang văn, Nguyên lí lắc, rổn rảng. Khi nào cũng sẵn sàng cười, tràn ngập năng lượng tích cực. Vậy nên nhìn mặt đoán văn hay ngược lại, sẽ đúng với ai đó, chứ với Nguyên thì không.

“Truyện Kiều tự kể” - Tác phẩm mới nhất của Cao Nguyệt Nguyên.

Trong khoảng từ năm 2013 – 2016, những người trẻ chúng tôi quần tụ bên nhau qua các trại viết của tạp chí Văn nghệ Quân đội, từ Bắc vào Nam. Ăn dầm nằm dề với sương mù Sa Pa - Lào Cai. Giang nắng ở xứ Trấn Biên - Đồng Nai, nghe tiếng sóng vỗ ở biển Mỹ Khê - Đà Nẵng. Cùng nhau đến với các đơn vị bộ đội, lúc biên giới “heo hút cồn mây súng ngửi trời”, khi ra biển “bằng tiếng sóng vỗ dưới những thân tàu”. Đến đâu, Cao Nguyệt Nguyên cũng gần như là người trẻ nhất. Nhưng chạm ngày tổng kết, soi tác phẩm, thoắt cái, Nguyên già dặn như chưa bao giờ trẻ.

Chúng tôi dần trưởng thành từ những cuộc đi nhiều áp lực chữ ấy. Và Cao Nguyệt Nguyên là tác giả trẻ nhất nhận giải thưởng cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội 2013 – 2014 với “Trăng màu hổ phách”. Tên truyện được lấy làm tên tập truyện đầu tay của Nguyên xuất bản ngay sau đó. Cảm giác Nguyên không qua giai đoạn chạy đà, một mạch là chững chạc.

Người ta vẫn nói tác phẩm đầu tay thường là người viết… “ăn” mình nhiều nhất. Nhưng “Trăng màu hổ phách” không có dấu hiệu Cao Nguyệt Nguyên “ăn” mình. Hầu hết các truyện đều ám ảnh, về thế giới phụ nữ ở xa Nguyên rất nhiều, nếu có gần là trong tâm tưởng và ước vọng, từ “Trăng màu hổ phách”, “Lạc khúc”, “Nàng Rumina” đến “Trên đỉnh Chumpua”, “Đảo mây và bồ câu xám”, “Hương trời”,…

Tiếp mạch văn ấy, Cao Nguyệt Nguyên đẩy lên cao hơn, với tiểu thuyết “Nguyện của đêm”, là minh chứng tròn trịa hơn cho điều Nguyên đau đáu: “Mỗi người đều có câu chuyện để kể, tôi đến với văn chương là để kể câu chuyện của riêng mình bằng cái nhìn của một người phụ nữ. Có lẽ vì thế mà tôi ưu ái hơn khi dành nhiều trang viết cho họ - những người đàn bà của tôi. Tôi muốn nhân vật của mình dù trong sự nghiệt ngã tận cùng của số phận vẫn khát khao hướng tới tình yêu, hạnh phúc bằng chính bản năng phái yếu của mình”.

4. Trong khi bạn bè đinh ninh chữ Nguyên thuộc về, đắm trong/theo những tâm trạng u uẩn đàn bà, sẽ không thoát được mớ lùng nhùng mạng nhện ấy, thoắt cái Nguyên viết cho thiếu nhi. Trong veo và sinh động với bộ truyện tranh giáo dục “Chuột Chi Hô lên thành phố” và truyện dài “A lê hấp – Ké Xanh”.

Rồi từ văn chương Nguyên thử phím sang kịch bản phim. Cả kịch bản phim hoạt hình đến kịch bản phim truyền hình. Vật vã ra trò. Nguyên lăn xả, hết mình. Cộng với nghề biên tập tại một đơn vị làm sách tên tuổi, thì đúng là những gì liên quan đến chữ, hầu như Nguyên đều ít nhiều đã nhúng vào. Một con dao pha theo đúng nghĩa. Và chưa khi nào phải bỏ chữ... chạy lấy người.

Với chữ, dẫu xuất phát và tạo được dấu ấn sớm so với bạn bè trang lứa, nhưng Cao Nguyệt Nguyên đủ điềm tĩnh và chín chắn. Chủ động giữ khoảng cách vừa đủ trước những ồn ào, xô bồ, những thứ ngoài rìa văn chương. Nguyên không bị ảo giác từ chữ mang lại.

5. Cái sự dao pha của Cao Nguyệt Nguyên mới đây được khẳng định thêm qua artbook “Truyện Kiều tự kể”. Đây là cuộc phân thân đầy thách thức. Câu chữ của Nguyên như kính lúp để độc giả thấy rõ hơn, chi tiết hơn, với nỗi đau và trở trăn của những Thúy Kiều, Thúy Vân, Tú Bà, Đạm Tiên, Hoạn Thư, Kim Trọng, Từ Hải, Thúc Sinh, Hồ Tôn Hiến, Mã Giám Sinh,… Các nhân vật hiện lên với những ngổn ngang thật đời thường, thật con người, và cũng thật tương thích với cuộc sống hôm nay. Cái nhìn của Nguyên về nhân vật đầy cá tính, góc cạnh, không khỏi khiến cho những ai vốn đã quen với quán tính khuôn mẫu trước kia giật mình, bất ngờ.

Sự kết hợp giữa nội dung cùng hình thức - các bộ tranh minh họa của 12 họa sĩ trẻ - đã tạo nên “Truyện Kiều tự kể” sống động và giá trị. Cuốn sách đẹp mà người cầm bút mơ được là tác giả. Hơn thế, nó mang đến ngạc nhiên cho người đọc nhiều độ tuổi, mở ra nhiều chiều kích tưởng tượng cũng như những nguồn cảm hứng.

Ở lời đầu sách, Cao Nguyệt Nguyên nói: “Tôi luôn nghĩ, nghệ thuật luôn rộng mở. Thế giới ấy sẵn sàng dung nạp tất cả những khám phá, tìm tòi và thử nghiệm cái mới. Thế giới ấy nói với thế hệ viết chúng tôi rằng “Nào, hãy sáng tạo đi! Hãy biến đổi! Hãy khác lạ!”. 

Có lẽ, đó luôn là lời cổ vũ tuyệt vời nhất đối với những người viết đang tràn đầy nhiệt huyết trên dặm đường chữ nghĩa”. Tôi thì nghĩ, những lời trên không chỉ là trăn trở của Nguyên khi bắt tay vào dự án “Truyện Kiều tự kể”, mà chính là phương châm chữ của Nguyên. Bởi Nguyên đã và đang đi theo phương châm đó, để làm nên thế giới chữ sáng tạo, biến đổi và khác lạ của riêng mình.

Văn Thành Lê
.
.