Nhà văn Anh Đức: Sự trùng hợp của hai nguyên mẫu

Thứ Hai, 02/12/2013, 08:00

"Một chuyện chép ở bệnh viện" và "Hòn đất" là hai tác phẩm đã góp phần quan trọng đưa nhà văn Anh Đức đến với Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Một được viết ở giai đoạn đầu của nghiệp cầm bút, một ở thời kỳ mà sức sáng tạo của tác giả sung mãn nhất, cả hai tác phẩm nói trên đều có điểm giống nhau là sau đó đều được dựng thành phim. Một điểm giống nhau nữa: Cả hai nhân vật chính của hai cuốn tiểu thuyết đều là nữ và đều được tác giả xây dựng trên nền những nguyên mẫu có thật ở ngoài đời...

Năm ấy (1957), Anh Đức còn rất trẻ, mới 22 tuổi. Là một cán bộ miền Nam tập kết, công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, với Hội Nhà văn, Anh Đức còn là một trong những hội viên sáng lập (ông có mặt ngay từ Đại hội thành lập Hội). Chính vì ý thức được thiên chức của mình nên ngoài việc biên tập, viết bài cho đài, nhà văn trẻ còn tranh thủ viết truyện ngắn cho một số tờ báo.

Một trong những truyện ngắn Anh Đức viết thời kỳ này có tên gọi "Người chị", dài tầm 20 trang, đã được phát trên buổi "Đọc truyện đêm khuya" của Đài Tiếng nói Việt Nam. Truyện dựa trên lời kể về cuộc sống chiến đấu đầy anh dũng nhưng cũng lắm mất mát, bi thương của một nữ cán bộ miền Nam tập kết. Sau buổi "Đọc truyện…", tác giả trẻ đã nhận được nhiều phản hồi tốt từ phía thính giả. Đa phần đều cho biết, họ rất xúc động. Tuy nhiên, về phía những người cầm bút, cũng có ý kiến cho rằng, cốt truyện hay nhưng với một nội dung như vậy, nếu chỉ gói gọn trong một truyện ngắn thì… hơi phí.

Thấy lời khuyên chí lý, Anh Đức không gửi "Người chị" để đăng báo nữa. Ông xin cơ quan cho nghỉ chế độ ba tháng để tập trung vào việc "nâng cấp" truyện ngắn nói trên thành… tiểu thuyết. Kết quả, tới mùa đông năm ấy, "Một chuyện chép ở bệnh viện" ra đời.

Nếu như ở ngoài đời, nữ nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết - người trên giường bệnh đã kể cho tác giả trẻ nghe đoạn đời đã qua của mình - có tên thật là Huỳnh thì trong tiểu thuyết, chị được lấy tên là Tư Hậu. Bộ phim "Chị Tư Hậu" với việc nghệ sĩ Trà Giang thủ vai nữ chính được sản xuất sau đó mấy năm đã tiếp thêm sức đưa tên tuổi chị Tư Hậu đến với đông đảo đồng bào trong nước.

Câu chuyện về cuộc đời chị Huỳnh vì thế cũng được nhiều người quan tâm hơn. Mặc dù rất xúc động với một số tình tiết được nêu trong "Một chuyện chép ở bệnh viện", song thoạt đầu, do chưa hiểu lắm về nguyên lý sáng tạo nên có lúc chị Huỳnh đã có ý trách tác giả cuốn sách sao lại "vẽ vời" ra những điều "không có thật" về chị như thế (chẳng hạn như chuyện chị góa chồng, phải đi bước nữa - là những điều không đúng với thực tế), song rồi chị cũng hiểu và thông cảm với nhà văn. Bản thân chồng chị, ông Mai Dương, người có thời kỳ làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Khánh Hòa cũng từng "an ủi" vợ: "Viết chuyện phải vậy chớ… Mà cậu ấy đã đổi tên mình rồi chớ có để tên thật đâu. Lúc đó, tôi ở trong này, nghe đài đọc truyện, tôi có thắc mắc gì đâu!" (xin xem cuốn "Truyện ngắn và bút ký" của Anh Đức, NXB Hội Nhà văn, 2002).

Tương tự trường hợp chị Tư Hậu, chị Sứ - nhân vật nữ chính trong tiểu thuyết "Hòn Đất" cũng được tác giả xây dựng từ một nguyên mẫu có thực trong đời. Đó là Anh hùng - liệt sĩ Lê Thị Ràng. Chị Ràng sinh năm 1937 tại xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang nhưng nhiều năm tháng sống, gắn bó và hy sinh tại Hòn Đất (Kiên Giang) nên được người dân nơi đây coi như người con ruột thịt của quê hương mình.

Theo ông Phan Văn Mỳ, em ruột Anh hùng - liệt sĩ Phan Thị Ràng thì không giống như điều nhà văn Anh Đức viết trong "Hòn Đất" (chị Sứ đã có chồng có con; chồng đi tập kết, chị ở lại nuôi con nhỏ), ở ngoài đời, chị gái ông chưa hề lập gia đình (hai người mới chỉ hứa hôn) và vì thế cũng không có chuyện có con nhỏ. Tất nhiên, nhà văn không thể chỉ làm mỗi động tác là bê nguyên mọi thứ trong đời thực.

Đã gọi là sáng tạo là phải hư cấu. Bản thân nhà văn Anh Đức, mặc dù thừa nhận nguyên mẫu của chị Sứ chính là Anh hùng - liệt sĩ Phan Thị Ràng, song trong "Lời nói đầu" viết cho một lần tái bản "Hòn Đất" cũng không quên khẳng định: "Tôi đã rút ra từ nhiều mẫu người con gái miền Nam anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang để đúc lại thành một người. Đó là chị Sứ". Và ông mừng rằng, từ khi ra đời tới nay, nhân vật chị Sứ do ông xây dựng nên từ một nguyên mẫu "đã trở thành nhân vật văn học đến cùng bạn đọc gần xa".

Được biết, ở Hòn Đất hiện có ngôi mộ của "chị Sứ" - Phan Thị Ràng và đây là một địa chỉ thường xuyên được các em học sinh, các nữ thanh niên đến đặt hoa, thắp hương tưởng nhớ. Không dừng ở đó, năm 2012, lãnh đạo huyện Hòn Đất đã trang trọng làm lễ giỗ lần thứ 50 cho liệt sĩ Phan Thị Ràng. Điều này cho thấy sự yêu mến của mọi người đối với chị Ràng và cũng cho thấy sức mạnh của văn học khi những tấm gương chiến đấu, hy sinh của những con người cụ thể trong đời thực đã được điển hình hóa thành công. Lại nhớ tới một nhận xét của nhà phê bình văn học Hoài Thanh: "Chúng ta đều yêu mến vô cùng người con gái này của đất Hòn, nhưng không biết vì sao chúng ta cũng như người trong truyện đều cảm thấy tình yêu mến của mình vẫn còn chưa đủ". Cái tài của tác giả "Hòn Đất" là ở chỗ ấy.

"Hòn Đất" - như chính Anh Đức cho biết - đề cập tới những sự kiện có thật xảy ra tại huyện Hòn Đất thời kỳ Mỹ - ngụy tiến hành càn quét đánh phá các vùng giải phóng được hình thành sau Đồng Khởi. Xoay quanh trục chính là cuộc chiến giữa một bên gồm gần hai nghìn lính Mỹ, ngụy với các loại vũ khí tối tân, một bên chỉ có mười mấy người với vũ khí thô sơ bị vây hãm trong một hang đá, vậy mà sau 8 ngày đọ sức, địch đã phải tháo lui, tác giả muốn từ đó khái quát lên thành cuộc chiến đấu chung của cả miền Nam. Với sự ra đời của "Hòn Đất", đây cũng là lần đầu tiên các nhà văn ta có một cuốn tiểu thuyết trực tiếp viết về cuộc chiến đấu chống Mỹ của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam.

Nhà văn Anh Đức bắt đầu viết "Hòn Đất" từ cuối năm 1964, tại căn cứ của Hội Văn nghệ Giải phóng Miền Nam đóng tại một cánh rừng già thuộc Đông Nam Bộ. Tới đầu năm 1965 thì cuốn tiểu thuyết được hoàn tất và NXB Văn học ở Hà Nội đã cho ấn hành cuốn sách trong năm 1966. Nhà thơ Lê Anh Xuân chính là người đầu tiên tham gia soát lỗi bản thảo.

Trong bài viết "Nhớ Lê Anh Xuân" (in trong tập "Truyện ngắn và bút ký"), Anh Đức kể: Khi ông đang ngồi đánh máy bản thảo tiểu thuyết "Hòn Đất" để gửi ra Bắc thì cũng vừa lúc Lê Anh Xuân (tên thật là Ca Lê Hiến) đến thăm. Tiện tay, Lê Anh Xuân đã ngồi chỉnh bản thảo giùm Anh Đức. "Vốn tính tỉ mỉ và thận trọng, Hiến sửa bản đánh máy rất kỹ" - Anh Đức cho biết.

Năm 1966, ở tuổi 31, liền lúc nhà văn Anh Đức có hai tác phẩm được trao tặng Giải thưởng văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu - Giải thưởng của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam. Đó là cuốn tiểu thuyết "Hòn Đất" và tập truyện ngắn, bút ký "Bức thư Cà Mau". Sau sự kiện này, nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã có bài viết riêng dành cho Anh Đức và tiểu thuyết "Hòn Đất".

Chúng ta đều biết, Hoài Thanh là một chuyên gia trong việc bình thơ. Tiếng là nhà phê bình nhưng ông không mấy khi động bút viết về một tập văn xuôi, chưa nói đó lại là một cuốn tiểu thuyết. Vậy mà, với Anh Đức, ông đã viết và ngòi bút nổi tiếng điềm đạm của ông đã không ngần ngại xướng lên ngay từ cái tên bài: "Hòn Đất, một quyển truyện hay". Hiếm, nếu không nói là rất hiếm có cuốn sách nào mà tác giả của "Thi nhân Việt Nam" lại thể hiện ngay thái độ của mình bằng một cái tên như thế.

Vì nhận thức được tác động to lớn của cuốn tiểu thuyết đối với cuộc chiến đấu chống Mỹ của nhân dân ta nên khi đọc "Hòn Đất", bên cạnh rất nhiều lời ngợi khen, Hoài Thanh cũng không quên chỉ ra một chi tiết mà ông gọi là "sơ suất". Đó là việc tác giả cho các nhân vật của mình rút vào hang đá và tỏ ra hào hứng khi miêu tả cuộc chiến địch - ta diễn ra tại đây.

"Sơ suất chính về phía ta là chuyện rút vào hang, tự mình dồn mình vào thế nguy hiểm. Không rõ Anh Đức có nhìn ra điều ấy không" - Vấn đề Hoài Thanh đặt ra, vào thời điểm bấy giờ là hoàn toàn cần thiết. Thực tế, đọc chương cuối của "Hòn Đất" chúng ta đều thấy, nếu không có tình huống quân địch ở Hòn Đất bất ngờ nhận được lệnh rút về Tri Tôn thì hẳn việc nương náu trong hang đá của quân ta sẽ vào tình thế rất nguy nan (hậu quả sẽ vô cùng tai hại nếu địch dùng hơi độc hoặc cho lấp cửa hang).

Mặc dù trong hành văn vẫn còn những chỗ sơ sài, thô mộc, song không thể phủ nhận "Hòn Đất" là một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn. Tác giả đã thể hiện là một người có tài dựng truyện; biết khai thác những tình huống giàu kịch tính; các đoạn đối thoại cũng rất sinh động…

Có lẽ đó là lý do khiến "Hòn Đất" ngay từ khi ra đời đã chinh phục được đông đảo bạn đọc ở cả hai miền Nam - Bắc. Tính đến nay, cuốn sách đã được tái bản trên chục lần, đã được dịch ra nhiều thứ tiếng: Nga, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản… vv…. Điều lạ là, dịch giả của những cuốn sách này - theo như chính Anh Đức từng có lần tổng kết - đa phần lại là… phụ nữ, như trường hợp dịch giả Maria Kasen ở Ukraine, dịch giả Harsanyi Eva ở Hungary…

Lê Thanh Phước
.
.