Nhà thơ, nhạc sĩ Đinh Trầm Ca: Đời lạ như giai thoại
Đinh Trầm Ca tên thật Mạc Phụ, sinh tại La Qua (Vĩnh Điện), Quảng Nam. Với 70 năm tuổi đời (ông sinh năm 1941, cầm tinh con rắn) và 50 năm tuổi nghề, Đinh Trầm Ca đã sáng tác một số tập thơ, hơn 100 bài ca khúc phổ biến rộng rãi những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước.
Vì cuộc sống, ông từng phải làm đủ thứ nghề, từ làm phu, làm ruộng, đi đốt than... đến cả viết ca khúc để mưu sinh. Ông không muốn nhắc và cũng không hề nhớ những gì mình viết ra lúc này, bởi đó là quá khứ buồn. Cũng vì cuộc sống, ông đã dứt ruột "bán" một số ca khúc của mình.
1.Ông tên thật là Mạc Phụ, nhưng lại lấy bút danh là Đinh Trầm Ca. Xung quanh cái họ lạ này có nhiều giai thoại thú vị: Nhiều người không rõ Đinh Trầm Ca hay Đynh Trầm Ca? Thật ra ông lấy họ mẹ (Đinh), nhưng "phản ứng" với một nhà làm tự điển đương thời gốc Quảng Ngãi cứ đổi tất tật chữ i (ngắn) sang y (dài) nên ông bèn... viết ngược lại.
Ông kể vui: "Thời bao cấp, có người muốn được nhận vào vị trí biên tập viên tại một hãng băng đĩa lớn của Sài Gòn, đã tự nhận mình là Đinh Trầm Ca. Tôi đã bao phen bị làm phiền, phải đi xác minh tên tuổi bởi mấy vụ này. Và cả chuyện có một học trò của tôi lại "mượn" tên tôi chỉ để... tán gái".
Bạn bè, đồng nghiệp thấy cái họ "Đynh" là lạ, hay hay nên viết quen. Ông khẳng định với chúng tôi chữ "Đinh" (i) mới chính xác.
2. "Ru con tình cũ" là bước ngoặt lớn trong hành trình chữ nghĩa của Đinh Trầm Ca. Với điệu boston buồn, những ca từ như những vần thơ đẹp: "Ba năm qua em trở thành thiếu phụ/ Ngồi ru con như ru tình buồn.../ Ôi, ba năm qua rồi, lòng chưa nguôi gió bão.../ Người xa xôi phương nào, người oán trách gì không?". Và chính ca khúc này đã ghi tên tuổi Đinh Trầm Ca vào âm nhạc.
Xung quanh ca khúc này cũng có một giai thoại lý thú mà giới văn nghệ Quảng Nam và Sài Gòn vẫn kể cho nhau nghe: Ngày xưa (quãng thập niên 60), ở một thị trấn nhỏ của tỉnh Quảng Nam có một cô nữ sinh trung học, ngày hai buổi ôm cặp đi về trên con đường bụi mù phố lẻ. Nàng họ Hồ, tên Thu, có mái tóc dài, mặt trái xoan, da trắng hồng và cặp mắt long lanh như sóng nước hồ thu. Sóng mắt của nàng đã làm trái tim hai chàng nhạc sĩ tài hoa lỗi nhịp. Nhờ đó mà giới yêu nhạc có được hai ca khúc "để đời" mà hát: bài "Thu, hát cho người" của Vũ Đức Sao Biển và bài "Ru con tình cũ" của Đinh Trầm Ca.
Nhà thơ, nhạc sĩ Đinh Trầm Ca và nhà báo Nguyễn Tý. |
Tôi hỏi thực hư câu chuyện trên thì Đinh Trầm Ca cười khà khà: "Chuyện cũ rích, mà nếu tau kể thì có hay ho chi mô. Tau cho mi số điện thoại của ông anh rể của cô đó và cả của cô đó nữa. Mi hỏi đi!". Tôi mừng rơn, gọi cho anh Hồ Luân đang ở Quảng Nam. Anh ấy tuôn một tràng: "Thằng Mạc Phụ (tên thật của Đinh Trầm Ca) quen con Thu là qua tui. Dạo đó tui để ý cô chị (tên Liên), Liên bị bệnh, tui muốn đến thăm nhưng đi một mình thì hơi run, bèn rủ thằng Phụ đi theo. Ai dè, tới nhà Liên, hắn gặp cô em, đâm ra như... mất hồn! Còn con Thu có "tình cảm" chi với Võ Hợi (tên thật của Vũ Đức Sao Biển) không thì tui không rõ. Nhưng mà tui thấy nhiều khi người ta hư cấu mà... hay quá trời, đến nỗi mình là người trong cuộc mà còn ngẩn tò te nữa đó.
Năm rồi, cô em tôi kể trong cuộc nhậu có một ông lãnh đạo địa phương. Ổng hỏi: "Ở Quảng Nam có hai nhạc sĩ nổi tiếng, quý vị biết là ai không?". Mọi người đáp: "Vũ Đức Sao Biển với Đinh Trầm Ca chứ ai!". "Đúng. Vậy hai ông này có đặc điểm gì?". Đáp: "Cùng yêu cô Thu và cùng viết bài hát cho cô này!". "Đúng luôn, nhưng mà xuất xứ của từng bài hát ra sao?". Không ai trả lời được, lúc đó vị này mới kể: "Hai ông này là nhạc sĩ nên chơi thân với nhau. Thân quá, cho nên khi yêu thì cũng yêu một người. Nhưng do ông Đinh Trầm Ca nghèo, mà lại xấu trai còn ông Vũ Đức Sao Biển chẳng những đẹp trai mà còn làm được bản nhạc "Thu, hát cho người" rất nổi tiếng nên cô Thu... lấy ông này. Khi cặp vợ chồng này có một đứa con thì một hôm ông Đinh Trầm Ca đến thăm bạn cũ, thấy ông Vũ Đức Sao Biển đang ngồi... ru con. Chuyện vãn được một lúc thì ông Vũ Đức Sao Biển bận việc gì đó, mới nhờ bạn ru con hộ mình. Ông Đinh Trầm Ca ngồi ru con (của) người tình cũ, thấy buồn thấm thía, nên mới cảm tác ra bài "Ru con tình cũ". He he... Hay quá phải không chú mày?".
Người con gái tên Thu đã hiển hiện trong thơ ông rất đẹp. Bài "Cây đàn thương nhớ" có câu: "buổi ta vác cây đàn ngang trường cũ/ ai như em/ đứng ngó cuối hành lang/ ai như ta ngồi mơ sau cửa lớp/ có lẽ nào mình còn đó sao,Thu?...".
3.Đinh Trầm Ca làm thơ khi nào chính bản thân ông cũng không nhớ nữa, chỉ biết rằng khi cái buồn thương man mác chất chứa, khi nỗi đau đời dồn nén, thế là thơ bật ra. Năm 1969, ông cho ra mắt tập thơ "Mắt đêm" (viết từ năm 1960), được một nhà nghiên cứu giới thiệu là "một trong 5 tập thơ tiêu biểu của năm -1969" của miền Nam. Tiếp là "Khúc ca trôi dạt", "Đi như là trôi".
Tác giả Hà Khánh Quân nhận định: "Miền Nam giàu sông nước, kinh lạch, nên cùng với đời, thơ Đinh Trầm Ca thật phong phú những tình khúc cận kề với những bến sông, những dòng chảy. Cũng từ nơi đây, anh lượm được những hình ảnh, những hơi thở, những tiếng hát của đời sống kém may mắn. Những hình ảnh thật xác xơ, tội nghiệp, nhớp nhúa, bẩn thỉu, nhưng qua ngôn từ thơ, bỗng nhiên được lột xác để trở thành những vật có linh hồn, sống động một cách chân thành…".
Còn với Đinh Trầm Ca: "Thơ là người tình đầu tiên và người tình ấy dõi theo tôi suốt cả cuộc đời chìm nổi. Nhạc là người tình đem đến sự thăng hoa tột cùng. Không ngạc nhiên khi nhiều nhà thơ gọi tôi là nhạc sĩ, ngược lại nhạc sĩ thì lại gọi tôi là nhà thơ. Cả hai thứ trên cuộc đời này tôi đều... chơi được. Tôi vốn không có duyên được sống và sinh hoạt trong môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp, nhưng ý thức sáng tạo trỗi dậy mạnh mẽ ngay khi còn ngồi ghế nhà trường. Thời ấy, những bài thơ tôi làm được phổ biến trong bạn bè, rồi viết nhạc cũng chỉ để hát chơi".
4. Khoảng năm 2004, Đinh Trầm Ca đưa cả gia đình về quê Quảng Nam sinh sống. Tại đây ông mở một quán cafe sân vườn tại khuôn viên nhà, khách ủng hộ khá đông và đây cũng chính là nguồn thu nhập chính để nuôi sống cả gia đình ông.
Có một kỷ niệm vui mà chúng tôi nhớ mãi: Một hôm tôi cùng ông, chú Nguyễn Hùng đi dự tiệc tại một nhà hàng ở quận Tân Bình, có sân khấu ca nhạc. Chúng tôi ngồi phía trên, cách sân khấu 5m. Đang lúc nhập tiệc, bất ngờ MC giới thiệu có một ca sĩ "Phi Nhung 2" đã thể hiện bài hát "Sông quê" không khác gì Phi Nhung chính hiệu. Tháng trước được chính tác giả bài hát là Đinh Trầm Ca tặng hoa và đưa vào CLB những giọng ca vàng do tác giả và Hội Nhạc sĩ thành phố bình chọn. Sau đó là một cô ca sĩ non choẹt, õng ẹo bước ra sân khấu. Đinh Trầm Ca và chúng tôi cùng ngạc nhiên trố mắt nhìn MC và ca sĩ rồi ông cười ha hả, vì ông chưa bao giờ tặng hoa và cũng chưa từng lập CLB giọng ca vàng như MC giới thiệu. Câu chuyện được MC tưởng tượng và bịa đặt hoàn toàn. Ông nói nhỏ vào tai tôi: "Lát nữa, khi ca sĩ này hát xong, cháu gọi nó xuống gặp chú nhé!". Tôi cầm một cành hoa kẹp tờ giấy bạc 50.000 đồng lên sân khấu tặng ca sĩ và thực hiện theo lời dặn của ông. Hát xong, cô ca sĩ xuất hiện trước mặt chúng tôi. Đưa tay về phía ông, tôi hỏi: "Em có biết đây là ai không", cô ca sĩ lắc đầu. Tôi tiếp: "Nhạc sĩ Đinh Trầm Ca đấy! Tác giả của bài "Sông quê" em vừa hát đó". Cô ta trố mắt không tin. Đinh Trầm Ca từ tốn: "Chú là nhạc sĩ Đinh Trầm Ca đây, thế chú tặng hoa và đưa cháu vào CLB giọng ca vàng khi nào vậy? Và cũng có CLB này đâu sao MC lại giới thiệu như thế?". Lúc này cô ca sĩ mới đỏ mặt hoảng hốt: "Xin lỗi chú, không phải tại cháu, chắc là MC muốn lăng xê cháu nên mới giới thiệu vậy thôi, mong chú tha lỗi". Ông mỉm cười bảo: "Nói thế thôi, cháu không có gì phải lo sợ, thật tình chất giọng cháu rất hay, phù hợp với bài hát này lắm! Thôi cháu cứ tiếp tục công việc đi, hy vọng cháu sẽ tiến triển tốt hơn". Cô ca sĩ cảm ơn rối rít như vừa thoát nạn.
Từ khi ông và gia đình về Quảng Nam, chúng tôi ít khi gặp nhau, chỉ khi đi công tác ở Đà Nẵng thì tôi ghé thăm ông hoặc thỉnh thoảng 1 - 2 năm ông vào Sài Gòn 1 lần thăm bè bạn. Gặp tôi ông bảo: "Mình giờ già rồi, về quê ẩn dật lo mồ mả tổ tiên gia tộc, làm con phải có bổn phận hương khói cho ông bà. Vả lại sức khỏe bây giờ cũng yếu rồi, uống vài ly rượu đã say. Nếu có dịp đi công tác ở miền Trung thì ghé chú chơi. Cháu còn trẻ phải cố gắng lo công việc, đừng lạm vào thơ phú nhiều quá, để "nàng thơ" bắt chẹt thì khổ". Nắm bàn tay ông, tôi thật xúc động khi nhìn thấy những nếp nhăn và mái tóc bạc trắng nơi mái đầu nhạc sĩ.
Tp HCM, ngày 18/8/2011