Nhà thơ "huyền bí" và kiệt tác về cuộc chia ly

Thứ Ba, 27/05/2008, 13:00
Với gương mặt nghiêm trang, thánh thiện, với cái nhìn thẳng thắn, trọn vẹn, với trang phục luôn gợi vẻ "thâm nghiêm kín cổng cao tường", đặc biệt là khi Blốc vận áo chùng đen, người ta dễ liên tưởng ông như một nhà thơ tôn giáo, thậm chí, là một linh mục. Điều này xem ra chẳng có gì sai lạc cả.

Ngay từ giai đoạn đầu sáng tác, Alếchxanđrơ Blốc (1880-1921) đã có thiên hướng "thần bí". Ông chịu ảnh hưởng mạnh học thuyết duy tâm của Xôlôviốp, nhà triết học đồng thời là nhà phê bình, nhà thơ Nga thời ấy. Đặc biệt, tập thơ đầu tay có tên gọi "Thơ về người đàn bà kiều diễm" (xuất bản năm 1904) của Blốc đã mang âm sắc kinh nguyện  nhà thờ.

Sinh ra trong một gia đình đại trí thức, quý tộc: Ông ngoại là nhà thực vật học nổi tiếng, từng là Hiệu trưởng Trường đại học Tổng hợp Xanh Pêtécbua; bố là giáo sư Trường đại học Tổng hợp Vácsava; bà ngoại, mẹ và các dì đều là những dịch giả nổi tiếng; A. Blốc làm thơ từ rất sớm, khi mới… 5 tuổi. Tuy nhiên, chỉ đến khi 18 tuổi ông mới coi việc viết lách là một một việc "nghiêm túc". Cho đến khi xuất bản tập thơ đầu tay, Blốc đã có một gia sản đồ sộ: tới 800 bài thơ.

Được xem là thi sĩ tiêu biểu nhất của trường phái Tượng trưng, trong những tập thơ đã xuất bản vào thập kỷ đầu của thế kỷ XX, Blốc đã phản ánh những ước mơ nghe thấy được "sự thật được tiên tri" của tương lai, tìm thấy được "vị chúa trời huyền bí", người "làm sống lại tâm hồn" và là người mà "nhà thơ bất hạnh" muốn "dâng cho cả cuộc đời"...

Sau cách mạng Nga năm 1905, thơ trữ tình đầy mặc cảm, yếm thế của Blốc chuyển dần sang thơ trữ tình công dân trĩu nặng những trăn trở mang dấu ấn thời đại. Cho đến khi cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra (năm 1917), Blốc đã hân hoan chào đón "bằng toàn bộ thể xác, tâm hồn và ý thức". Ông viết trường ca "Mười hai" (ở Việt Nam, tác phẩm này đã được đưa vào chương trình giảng dạy). Tuy về mặt hình thức, tác phẩm còn vương vất chút ảnh hưởng của chủ nghĩa Tượng trưng, song về nội dung, tác phẩm là "lời chào cách mạng". Đặc biệt có ý nghĩa khi thông qua trường ca này, Blốc kêu gọi mọi nhân sĩ, trí thức "hãy lắng nghe âm nhạc của cách mạng".

Như vậy, cứ nhìn qua những bước chuyển biến trong thơ, ta dễ nghĩ cuộc đời Blốc khá đơn giản, bằng phẳng. Kỳ thực đâu phải vậy. Bởi nhung lụa nào đỡ nổi cây roi cuộc sống đang vung lên nghiệt ngã "quất tơi bời trên da thịt chúng ta" (như cách nói hình tượng của Blốc trong bài "Trước tòa").

Chịu cảnh bố mẹ ly hôn khi Blốc mới 1 tuổi, bên cạnh những ảnh hình xa xăm, quyến rũ, có sức mê hoặc huyền bí về những "người đàn bà đẹp", những "người đàn bà xa lạ", với "dải áo lụa nàng mềm mại như tỏa điềm gì xưa cũ", với "ánh mắt xanh sâu thẳm rạng rỡ bến bờ xa" (thơ Blốc) , chúng ta còn bắt gặp trong thơ Blốc những người đàn bà như đa phần những người đàn bà khác trên đời.

Đó là những người từng gắn bó số phận, cuộc đời mình với nhà thơ và ít nhiều có duyên nợ trong đời sống tinh thần và quan hệ tình cảm với ông. Bài thơ với những câu mở đầu Danh vọng, vinh quang, bao giá trị/ Ta đều quên đi trong cuộc đời là bài thơ Blốc viết về Lưubốp Đmitriépna, con gái nhà bác học Menđêlêép (người tìm ra bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học) và là vợ Blốc từ năm 1903. Đây là một mỹ nhân nổi tiếng của kinh thành Pêtécbua thời ấy.

Khi Blốc viết bài này (năm 1908, cách đây vừa đúng 100 năm) quan hệ vợ chồng của nhà thơ đang thời kỳ căng thẳng, trên bờ vực của sự đổ vỡ.

Xin giới thiệu bài thơ qua bản dịch của nhà thơ Tế Hanh:

Danh vọng, vinh quang, bao giá trị
Ta đều quên đi trong cuộc đời
Khi mặt em trong cái khung giản dị
Trên bàn ta như một tấm gương soi. 

Nhưng đến lúc em ra đi mãi mãi
Ta ném trong đêm chiếc nhẫn hứa hôn
Ta không muốn nghĩ đến hình em nữa
Một người kia xứng đáng với em hơn. 

Ngày tháng quay cuồng trong
vòng hung ác
Ta đắm mình trong cốc rượu truy hoan
Trước bàn thơ ta cầu em trở lại
Ta giơ tay kêu gọi tuổi thanh xuân. 

Nhưng vô ích em đi không ngoảnh lại
Mặc ta cầu xin em chẳng đáp lời gì
Vận chiếc áo choàng xanh lặng lẽ
Trong sương đêm em lủi thủi ra đi. 

Ở nơi nào, nơi nào lý tưởng
Em gửi vào kiêu hãnh của em?
Trong giấc chiêm bao ta thấy mãi
Chiếc áo xanh chìm trong sương đêm. 

Thế là hết yêu thương - Ta không cần
danh vọng
Tuổi trẻ đã qua, hết ý nghĩa cuộc đời
Và đến lúc để không còn hình bóng
Ta cất cái khung có tấm ảnh em cười. 

Cùng với bài "Trước tòa" (Blốc viết gửi L.A.Đelmax, nữ nghệ sĩ nhà hát kịch Pêtécbua - người đã khiến nhà thơ mê đắm và viết nhiều bài thơ tặng suốt từ năm 1914 đến 1920), đây là bài thơ tình rất phổ biến của Blốc.

Nói đến thơ tình Blốc, người ta không thể không nhận thấy: nét đặc sắc nhất vẫn là những bài thơ ông viết về những mẫu hình trong mơ tưởng, những người đàn bà có sức mê hoặc bởi những nét đẹp kín đáo, những nét đẹp có tính cổ xưa, bí ẩn, hoang dã... Đó là những vần thơ có sức ám ảnh lòng người một cách lạ lùng, những dòng thơ "như có phép mầu", những vần thơ "bất chợt” đi vào tâm trí chúng ta và ở lại đó mãi mãi - như nhận xét của Pauxtốpxki.

Bên cạnh những bài thơ "thần bí", những bài thơ mà tác giả như dồn hết tâm trí mình về cõi nào đó xa xăm, Blốc khá gần với chúng ta ở những bài thơ bộc bạch một lòng yêu thương đất nước nhiều khi đến xa xót. Ở mặt này, quan điểm của Blốc rất rõ ràng.

Trong bài thơ "Nước Nga", ông có bốn câu: Ôi nước Nga, nước Nga nghèo khổ/ Đối với tôi những căn nhà gỗ/ Những bài ca lộng gió của Người/ Như giọt lệ đầu của mối tình tôi. Và ở một bài thơ (cũng tên gọi "Nước Nga"), ông nhận định về đất nước: Nơi các loại dân với nhiều gương mặt/ Hết vùng này đến vùng khác lan man/ Nhảy điệu nhảy vòng tròn đêm mải miết/ Trên ánh hồng những thôn xóm cháy tàn, người ta thấy trái tim ông thật bao la, nhân hậu. Trái tim ấy thuộc về nhân dân.

Ngạn ngữ ta có câu: "Tìm bạn phải tìm trong hoạn nạn", hoặc "Bố mẹ nghèo mới biết con hiếu thảo", đọc thơ Blốc, chúng ta thấy ông rất gần gũi trong tình yêu Tổ quốc ngay khi Tổ quốc còn đang thời cơ khổ. Dường như ta thấy trong đó phần nào hình ảnh quê hương Việt Nam trong mấy chục năm qua.

Vị trí của Blốc trong văn học Nga cũng như văn học thế giới những năm đầu thế kỷ này thật to lớn. Maiacốpxki từng coi: "Sáng tác của Alếchxanđrơ Blốc là cả một thời đại thơ ca, thời đại của quá khứ". Ông cũng cho biết: "Một số người cho đến nay vẫn không thể thoát ra khỏi được những dòng thơ mê li của ông. Lấy một từ ngữ nào đó của Blốc, họ phát triển nó thành các trang sách, xây dựng trên đó toàn bộ tài sản thơ ca của mình".

Dường như để minh chứng cho nhận định này, Pauxtốpki cũng đã có lần thú nhận rằng: "Thơ Blốc đã xui khiến tôi thực hiện ý định thoạt tiên có vẻ lạ lùng là viết một số truyện ngắn có cùng chung tâm trạng với các bài thơ của Blốc". Đấy là trường hợp truyện ngắn "Bình minh mưa"- một truyện ngắn hoàn toàn thoát thai từ một số chi tiết trong bài thơ "Nước Nga" của Blốc ("Bình minh mưa" là một truyện ngắn nổi tiếng, rất đỗi quen thuộc với đông đảo bạn đọc Việt Nam).

Không riêng gì với độc giả Việt Nam, mà ngay cả với độc giả Nga, con người Blốc luôn hiện lên dưới ánh hào quang "nửa hư nửa thực". Cuộc đời ông tiếng vậy vẫn có những đoạn tranh tối tranh sáng chưa thật mấy ai biết. Có lẽ đại đa số người viết chúng ta đều biết đến cái chết bi đát của Xécgây Êxênhin, nhưng cái chết bi thảm của Blốc (ông mất năm 41 tuổi) thì chưa được thông tin cặn kẽ.

Trong một bài viết nhân khi Blốc tạ thế, Maiakốpxki đã kể lại rằng: Vào những  ngày cuối cùng trong đời, Blốc có tâm trạng đặc biệt u ám. Tại gian phòng vắng vẻ, lặng ngắt như ngoài nghĩa trang của ông ở Mátxcơva, Blốc đã sẽ sàng và buồn bã đọc cho bạn thơ nghe "những dòng thơ cũ về tình ca Digan, về tình yêu, về người đàn bà đẹp". Và Maia kết luận: "Tiếp theo không còn đường đi nữa. Tiếp theo là cái chết. Và nó đã đến" .

Ngay như giọng nói của ông, người đương thời cũng ghi lại như sau: "Âm sắc trong giọng của Blốc nghe nhỏ nhẹ, đều đều bình thản, như từ xa vọng lại. Trong giọng nói ấy như có một ma lực nào đó, có chút gì khẩn khoản, dai dẳng như âm thanh của chiếc dây đàn rung lên rất lâu không tắt".

Blốc từ giã cõi đời khi nước Nga vẫn đang trong thời kỳ nội chiến. Tương truyền trước khi mất, trong ông chất chứa một nỗi kinh hoàng đầy thần bí và dường như tiên lượng được hết "những thử thách mai sau của nước Nga và nhân loại". Đến nay, Liên bang Xôviết đã tan rã, phải chăng Blốc đã nhìn thấy trước một trong những mối hiểm họa, ấy là vấn đề sắc tộc

Trần Duy Anh
.
.