Đọc “Những vàm sông đêm” của Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, NXB Hội Nhà văn, 2018

Nhà thơ của miệt vườn, vàm sông

Thứ Hai, 08/10/2018, 07:49
Người đàn bà Cần Đước ấy cũng là người “miệt vườn” với bao nhiêu mến thương như cồn lên trong những dòng thơ viết về xứ sở...


Mỗi nhà thơ, nhà văn đều có một mảnh đất thân thuộc, gắn bó máu thịt của mình. Và do đó mảnh đất ấy luôn luôn ám ảnh họ, là địa chỉ đi về của những kí ức, những giấc mơ. Nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh dù có “Bắc thang lên Đà Lạt”, có “rơi ngược lên trời” ở “Cáp treo Bà Nà”, có thèm “giọng của một người Sài Gòn” khi “Qua Cồn Phụng”, có băn khoăn về tình yêu vĩnh cửu khi nhìn phế tích “Thánh địa Mỹ Sơn”, có bất ngờ gặp “Hà Nội ở Nha Trang”, có lang thang đêm “Hội An” thấy “hoàng hôn/ lặn vô ngàn chiếc đèn lồng” và “đêm Hội An/ ai cũng thành cổ tích”… thì bạn đọc vẫn nhận ra chị là nhà thơ của “Cần Đước”, của “Miệt vườn”, nhà thơ của “Những vàm sông đêm” như chị hồn nhiên mà kiêu hãnh nói về mình:

Má gốc gió ba gốc xa từ nắng
Em gốc Nam Kì
Cần Đước […]
Em người đàn bà miền Nam gốc đước

                          (Cần Đước)

Cây đước, một thứ cây đặc biệt trong con mắt của chị, là cây “mang bầu ở chân/ chồm chồm như những chiếc nơm/ úp phù sa lấn biển […] buồn vui với bão tố/ ngủ nghê cùng sóng khơi/ giành giật với biển cả từng hạt hồng cầu đất/ ăn mặn chát/ uống mặn chát […] Những cây đước  bước lên bờ thành người Cần Đước”.

                          (Cần Đước)

Người đàn bà Cần Đước ấy cũng là người “miệt vườn” với bao nhiêu mến thương như cồn lên trong những dòng thơ viết về xứ sở:

tiếng vạc sành xe thổ mộ
nhịp hồn xưa
                gõ mõ suốt canh trường
                quẫy sao trời
cá lìm kìm nức nở
không ai là người dưng
khác làng cũng lối xóm
quầng mây thành bà con
người khuất mặt khuất mày tiên tổ
ổ chim trên bàn thờ/chung nước uống tàn nhang
miệt vườn
cố hương của nỗi niềm vạn cổ

                                (Miệt vườn)

Nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh và bìa tập “Những vàm sông đêm”.


Đã có chuyện những cây đước bước lên bờ thành người Cần Đước, thì cũng có chuyện “Những người đàn bà Nam Kỳ/ chết đi rồi hóa những vàm sông đêm”. Những vàm sông ấy là những con người chịu thương chịu khó, cô đơn “không bờ đê để níu kéo/ không mái dầm để thở than/ không con cá bống để lí lắc” lặng thầm sinh nở phù sa, bồi đắp nên châu thổ:

Những vàm sông
vật vã nuôi từng con tép
đêm đêm đi biển một mình
sinh nở phù sa
thành châu thổ

                (Những vàm sông đêm)

Trong thơ của người đàn bà miệt vườn, người đọc có thể thưởng thức âm thanh của câu vọng cổ, tiếng đờn kìm, tiếng gió chướng như một đặc sản văn hóa miền sông nước:

Bác Sáu Lầu vuốt dây tơ
Làm dây câu
Câu vọng cổ
Kinh rạch hết hồn
tiếng đàn kìm
luyến nước lớn
láy nước ròng
ai canh tàn đói long
ăn gió chướng
ngồi ca

           (Vọng cổ)

Và cũng có thể khắc khoải suốt chiều, mất ngủ tàn đêm với tiếng chim bìm bịp kêu thương đầy nỗi niềm ai oán:

Bìm bịp
tiếng chim kêu
làm góa cả buổi chiều […]
tiếng chim có bùa ngải
bìm bịp bìm bịp
tiếng kêu vò xé bầu trời

                (Bìm bịp kêu thương)

Phải gắn bó máu thịt với miền quê kiểng Nam Bộ mới hình dung được sức quyến rũ ma mị của sáu câu vọng cổ:

nhậu đi sông ơi
tối nay gánh hát về ấp
cánh cò bay lạc tiếng thổ tiếng kim
gió sên phách kéo màn sông Hậu
vút câu thứ năm đã nghẹn dòng kinh
búng khẽ ghi - ta câu sáu lên
dàn dụa sông Tiền

                       (Vọng cổ)

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo tinh tế khi nhận xét về thơ của tác giả nữ miền châu thổ, vàm sông: “Thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh không tả nhiều về không gian miệt vườn sông nước Nam Bộ mà găm vào những thân phận tình yêu của con người nơi đây. Những bài thơ ứa ra nỗi niềm chua cay mặn ngọt đời người, nó tha thiết như tiếng đờn cò, nó ngất ngư như những câu ca vọng cổ gọi đêm, nó lặn vào hồn đước muôn đời. Và trên hết, đó là thân phận của những người phụ nữ đầy khao khát tình yêu muốn khai phóng khỏi niềm cô độc…” (Nguyễn Trọng Tạo - Giới thiệu thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh trên Hội ngộ văn chương).

Nguyễn Thị Ánh Huỳnh là cây bút nữ có bứt phá mạnh mẽ trong tập “Đừng múc cạn nỗi buồn”. Bạn đọc đã biết đến chị như một người phụ nữ bền bỉ đấu tranh cho hạnh phúc của giới mình, của “những người đàn bà bị dìm bị dập xoáy suốt đời/ Bởi sóng của khổ đau, đói nghèo, nô lệ” (Cơn sóng khác, trong tập “Không dám tắt đèn”).

Chị đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái  giả dối, cái ác, sự bội tình. Nhưng xét về bản chất, người đàn bà nổi loạn, mạnh mẽ, ngỡ như nghiệt ngã ấy vẫn là một người đàn bà sáng suốt hiền lành trong sâu thẳm cõi lòng. Viết về tình yêu, hạnh phúc, trong tập thơ này, ngòi bút của chị đằm hơn, sâu lắng hơn và cũng dịu dàng hơn. Về sự xa cách không gặp nhau của hai người cùng yêu, chị viết:

Em đã bắc một trăm cái thang
vẫn không trèo lên được đời anh
tâm hồn anh xa hơn trời
anh đã bắc một ngàn cái thang
mà không trèo lên được tình yêu em
tình yêu em không ở trên trời

                        (Bắc thang lên Đà Lạt)

Không gay gắt như trước đây trong bài “Ai đã tặng cái nhìn thuốc độc?”, tập “Đừng múc cạn nỗi buồn”), chỉ là câu hỏi bình thường thôi, nhưng nhức nhối:

Có phải anh đã giết linh hồn em
bằng tình yêu
hay hồn em sợ anh
trốn mất tiêu?

                (Gọi hồn khi sống)

Trả lời đòi hỏi của người yêu thương về sự cần phải “là chính mình”, chị viết sâu sắc mà hóm hỉnh: “Anh ơi/ Em còn mình đâu?/ Bốn mươi năm/ em toàn làm người khác/ giờ tìm mình/ở đâu?”.

Và câu trả lời này thật bất ngờ:

Chính mình của hoa
là nụ
chính mình của nụ
là cây
chính mình của em
là anh đó

                    (Chính mình)

Nói về tình yêu có sự mù quáng và khát khao đau khổ, chị chỉ yêu cầu nhẹ nhàng “khai thật đi anh”: “Anh có phải/ là con quạ / mổ em mù mắt /để em không còn nhìn thấy/ một người đàn ông nào khác/ ngoài anh/ Khai thật đi anh/ anh có phải/ là sa mạc/ đầy đọa em trong cơn khát vĩnh hằng” (Khai thật đi anh).

Trước sau, người phụ nữ trong thơ vẫn dành trọn tình cảm cho người thương, cho gia đình và đặc biệt là cho những đứa con:

con là biển
chồng là sóng
ta vẫn có Nha Trang trong nhà

                    (Gió Nha Trang)

Dù đã từng trải nghiệm “Có một cuộc sống khác/ Trong tôi nào phải tôi” (Khác), từng “đi lạc/ vô cuộc đời nhiều người khác”, thì mong ước lớn nhất, khi người phụ nữ đó không còn sức lực đi, vẫn đau đáu một nỗi niềm: “dù những bước đi đã hết/ chị vẫn muốn vạn lần/đi lạc/ trong cuộc đời/ của các con” (Lạc)

Đó là cái giọng riêng  không giống ai mà Nguyễn Thị Ánh Huỳnh đã tìm thấy cho mình khi viết về tình yêu, hạnh phúc.

Có thể nhận thấy nhà thơ rất khát khao được gặp gỡ thông cảm và sẻ chia với mọi người. Trong tập này người đọc gặp rất nhiều lần nhà thơ cất tiếng gọi  (trong dấu ngoặc đơn là dẫn chứng số trang): Mưa ơi (7) ; Anh ơi (10); Đò ơi (14); Đước ơi (16); Anh ơi (18, 41); Chị ơi (28); Má ơi, má ơi (29); Ơi lúa, ơi sen, ơi súng (39); Sông ơi (45); Vọng cổ ơi (45); Chim ơi (72); Người dưng ới (87); Thơ phú hỡi (87); Cỏ ơi (90). Gọi rất nhiều đối tượng chỉ là để muốn có  người nghe sự giãi bầy. Đúng như chị viết: “Ngày tháng chìm sâu, và sẽ mất đi. Tất cả rồi cũng cuốn đi trong vòng xoáy của phôi phai. Vì thế nên tôi chưa bao giờ hy vọng để lại chút gì ngấn tích. Chỉ mong mỏi có ai đó dừng lại giây lát - nơi trang sách này - để cùng tôi gặp gỡ, thông cảm và sẻ chia. […] Có ai đó không…” (Lời ngỏ).

Có! Có rất nhiều những Anh, những Chị, những Em, những bạn đọc yêu quý nhà thơ của miệt vườn, vàm sông gặp gỡ, thông cảm và sẻ chia với chị. Đó chẳng phải là hạnh phúc của người cầm bút hay sao? Và đó cũng là câu trả lời cho băn khoăn của nhà thơ ở cuối tập:

Gánh nhiều ước vọng ra đi
Cuối mùa gặp vạt dã quỳ dừng chân
Cỏ ơi cho hỏi một lần
Đường về hạnh phúc là gần hay xa?

Hà Nội, 6 tháng 9 năm 2018
Vũ Nho
.
.