Nhà thơ Xuân Hoàng làm thơ cho ngày tạ thế

Thứ Tư, 27/09/2006, 09:00

Tháng 11/1988, thi sĩ Xuân Hoàng vẫn còn khỏe, ăn một bữa những ba, bốn bát cơm. Đi làm việc, vẫn đạp xe bon bon trên đường phố, nhưng vẫn viết một bài thơ gửi cho đời, nếu mình phải xa trần thế.

“Đãng trí bác học”

Thi sĩ Xuân Hoàng nổi tiếng là người vì thơ mà quên việc khác, người ta gọi ông là người “đãng trí bác học”.

Lúc ông đang giữ chức Hội trưởng Hội Văn nghệ Quảng Bình, chưa có nhà riêng, ông phải ở trong khu tập thể cơ quan vợ là Hội Phụ nữ Quảng Bình.

Sáng đó, vì có công việc, mặc dù là chủ nhật, bà Bình, vợ ông, phải đến cơ quan sớm. Sau nhiều ngày mưa, áo quần không giặt được mà phơi, bà dặn ông:

- Lát nữa nắng lên, nhớ giặt giùm em số quần áo trong chậu đang đặt trong nhà tắm tập thể ấy!

Thi sĩ Xuân Hoàng đang cặm cụi viết bài cho Tạp chí Văn nghệ Quảng Bình số tới, ngẩng lên:

- Bình cứ đi đi, để đó lát nữa anh giặt hết!

Say sưa với công việc sáng tác, mãi gần 10 giờ, ông mới nhớ công việc giặt áo quần cho kịp nắng như vợ đã dặn. Tuy vậy, tứ thơ chưa diễn tả thành lời cứ ám ảnh ông mãi. Ông vừa giặt quần áo vừa suy nghĩ để có thể hoàn thành bài thơ mình đang viết.

Đến trưa, đi làm về, bà Bình bực dọc:

- Nhắc anh rồi, sao anh không giặt quần áo giúp em?

Thi sĩ Xuân Hoàng nhấc đôi kính cận 7 điốp lên, hớn hở cười:

- Rồi! Rồi mà! Anh giặt xong tất tần tật, em nhìn ngoài giây phơi đó thì biết!

- Đâu có? – Bà Bình ngơ ngác. Đoạn, bà chạy vào nhà tắm tập thể, bê chậu quần áo ra mà nói:

- Áo quần nhà mình vẫn còn nguyên đây này anh đã giặt đâu?

Thi sĩ Xuân Hoàng nhìn số quần áo, kể cả áo lót, quần lót… phụ nữ, trẻ con mà ông đã giặt và phơi ngoài dây rồi gãi đầu:

- Thôi rồi! Anh giặt nhầm quần áo của nhà khác rồi! Để anh đi giặt của nhà mình!

Bà Bình một lần nữa đành phì cười vì cái tính “đãng trí bác học” của chồng!

Làm thơ cho ngày mình tạ thế.

Tháng 11/1988, thi sĩ Xuân Hoàng vẫn còn khỏe, ăn một bữa những ba, bốn bát cơm. Đi làm việc, vẫn đạp xe bon bon trên đường phố, nhưng vẫn viết một bài thơ gửi cho đời, nếu mình phải xa trần thế. Viết xong, ông đọc cho vợ nghe. Bài thơ như sau: Không phải đùa đâu, thật đấy rồi/ Quá nhiều co bóp ở tim tôi/ Từ trong tiềm thức tôi ghi nhận/ Chính quả tim mình đã kiệt hơi/ Tôi chết nay mai chuyện quá thường/ Một lời cáo phó, ít tuần hương/ Người ta đọc điếu văn bên huyệt/ Rồi mỗi người đi một ngả đường/ Thôi hết trời hoang cùng gió lạ/ Với hoa khoe sắc, nhạc đầm hương/ Những ban mai biếc, hoàng hôn tím/ Những mộng cùng mơ, giận với hờn/ Có nghĩa gì đâu, quán trọ đời/ Đến rồi đi đấy, thiệt mà chơi/ Không còn viễn ảnh gì lưu niệm/ Ngoài sắc thời gian tím tuyệt vời/ Thôi được, rồi đây tôi sẽ đi/ Hãy xem như đó, một chu kỳ/ Bởi tôi là đất, tôi về đất/ Tôi chẳng đòi xin một chút gì.

Đọc xong, vẫn như bao lần, ông cười rung mặt kính: “Hay không? Tuyệt hí!”. Bà Bình trừng mắt: “Sao chưa chết mà làm thơ về cái ngày mình chết, ông điên đấy à?”.

Thi sĩ Xuân Hoàng lại cười oang oang:

- Có thế mới là thơ. Vì người làm thơ đâu có sợ chết!

Thi sĩ Xuân Hoàng là vậy, con người tận tụy vì thơ nên bao giờ cũng vô tư, lạc quan, yêu đời. Mãi đến năm 2004, ông mới từ giã cõi trần, thọ 76 tuổi.

Những năm chiến tranh, Xuân Hoàng là Hội trưởng Hội Văn nghệ Quảng Bình. Phong cách đáng yêu của Xuân Hoàng cùng những nhà thơ, cán bộ trong cơ quan Hội đã làm cho nhà thơ Phạm Tiến Duật một lần dừng chân nghỉ lại, lúc ra về đã thốt lên, nhại lại hai câu trong bài thơ “Nhớ” nổi tiếng của mình:

Nằm ngửa nhớ Bông (tên của nhà thơ Lê Thị Mây), nằm nghiêng nhớ Dạ (nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ). Nôn nao ngồi dậy, nhớ Xuân Hoàng

Hồ Ngọc Diệp
.
.