Nhà thơ Xuân Diệu và cuộc bình thơ độc đáo

Thứ Sáu, 03/10/2008, 10:15
Những năm tháng học trường cấp 3, tôi rất thích thơ Xuân Diệu qua lời giảng và một vài câu thơ viện dẫn trong phần minh họa "thơ ca lãng mạn thời kỳ 1930 - 1945" của thầy giáo.

Thầy Lương Duy Cán, đồng thời là nhà thơ, có bút danh là Mai Liêm, Hà Nhật ở gần nhà tôi. Thầy có cô em gái là bạn học với tôi, tên là Lương Thị Mỹ Phước. Mỗi lần đến nhà Mỹ Phước chơi, thú vị nhất là được bạn cho phép ngồi đọc những cuốn sách trong tủ sách của thầy, lúc thầy đi vắng. Ngọn gió "Thơ thơ", "Gửi hương cho gió" của Xuân Diệu trong những lần đọc tại nhà Phước ấy đã thổi bồng thêm tâm hồn lãng mạn của tôi.

Tháng 2 năm 1965, đế quốc Mỹ đánh vào Đồng Hới, Quảng Bình, mở màn cho chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc. Cái thị xã nhỏ bên sông Nhật Lệ oằn mình bởi hàng trăm ngàn quả bom dữ dội của không lực Hoa Kỳ ném xuống.

Bao anh hùng ở Quảng Bình xuất hiện. Trong đó có mẹ Suốt, 60 tuổi, phơ phơ mái tóc bạc, ngày ngày dũng cảm chèo đò chở cán bộ, bộ đội qua sông Nhật Lệ, giữa trùng vây bom đạn quân thù.

Vài tuần sau, đúng ngày chủ nhật, từ chỗ trường cấp 3 sơ tán, cách Đồng Hới hơn 20km về phía Nam, tôi về nhà để lấy thêm gạo. Vừa đến nơi thì thấy bên kia hàng rào, đường vào nhà Mẹ Suốt xôn xao tiếng người. Tôi liền chạy sang. Chú dân quân dẫn đường cho tôi biết, đây là đoàn khách văn nghệ sĩ từ Hà Nội vào, đi thực tế Đồng Hới, Quảng Bình.

Trong đoàn văn nghệ sĩ hơn mười mấy người ấy, tôi nhận được ngay nhà thơ Xuân Diệu, bởi khuôn mặt chữ điền và "mái đầu dỡn sóng Quy Nhơn" của ông. Bởi hình ảnh ông, tôi đã cắt từ một tờ báo, dán vào sổ tay của mình từ lâu. Tôi chào ông. Ông thân mật bắt tay tôi và hỏi: "Cậu là người trong nhà à?". Tôi vẫn để yên hai tay mình trong tay nhà thơ và nói: "Dạ, không phải, cháu là người hàng xóm sang chơi thôi ạ!".

Cuộc thăm hỏi nhà mẹ Suốt của đoàn văn nghệ sĩ Hà Nội sôi nổi diễn ra trong khoảng nửa tiếng. Cái bắt tay đầu tiên của nhà thơ Xuân Diệu với tôi là một kỷ niệm khó quên. Sau đó, kể lại với bạn bè cùng lớp, tôi không giấu nổi sự sung sướng và kiêu hãnh của mình.

Tháng 10 năm đó, sau những ngày làm xã viên HTX đánh cá Thống Nhất Bảo Ninh, tôi được Trường Đại học Sư phạm Vinh gọi nhập học. Trường có mật danh là "Trường Văn hoá 12/9", đóng ở Hà Trung, Thanh Hóa.

Năm sau, trường lại phải dời lên Thạch Thành, giáp với tỉnh Hòa Bình ở phía Bắc. Đầu năm 1967, chúng tôi được khoa thông báo, nhà trường đã mời được nhà thơ Xuân Diệu từ Hà Nội vào nói chuyện. Tôi nắc nỏm hồi hộp đợi chờ, sẽ được gặp nhà thơ mình từng hâm mộ và bắt tay hai năm về trước.

Ban đầu, dự định chương trình nhà thơ sẽ nói chuyện ở các lớp khoa Văn. Nhưng các khoa: Toán, Lý, Sinh, Hóa nghe tin cũng đều thiết tha đón rước nhà thơ đến với mình. Nhà thơ Xuân Diệu không nỡ chối từ.

Nhà thơ Xuân Diệu bình thơ trên chiến trường Quảng Trị - 1972.

Thuở đó, sinh viên chúng tôi mỗi tháng được Nhà nước cấp 22 đồng học phí. Trừ tiền ăn, đoàn phí, mỗi đứa chỉ còn lại 5 đồng. Lại nữa, tiền tem, bì, giấy bút, xà phòng... thế là hết nhẵn. Không có tiền mà có tiền cũng chẳng biết mua chi giữa chốn rừng núi thăm thẳm này. Thế nhưng, nhà trường gợi ý, các lớp cần có quà cho nhà thơ khi được nghe nói chuyện.

Nghĩ mãi, cuối cùng Ban chấp hành Đoàn và cán bộ lớp đã nhất trí để các cô gái vào rừng kiếm hoa tặng nhà thơ. Sau lời giới thiệu của thầy trưởng khoa, thi sĩ Xuân Diệu bước vào.

Một nữ sinh viên xinh đẹp nhất của lớp tôi được cử lên tặng hoa. Xuân Diệu hào hoa đưa bó hoa lên cao và cất giọng sang sảng, đọc câu Kiều: "Tương tri dường ấy mới là tương tri". Tất cả vỗ tay nồng nhiệt chào mừng ông.

Xuân Diệu bước lên bục. Ông đặt tay trước ngực và gập người chào chúng tôi rất điệu đàng. Tiếng vỗ tay lại vang lên như pháo. Chợt ông quay lại phía bảng đen, thấy hàng chữ kẻ bằng phấn trắng to tướng: "Hoan nghênh nhà thơ Xuân Diệu đến nói chuyện với chúng ta", ông tỏ ý không bằng lòng.

Chất giọng Hà Tĩnh pha Bình Định của ông cất lên: "Hoan nghênh Xuân Diệu mà để cái đầu Xuân Diệu chết đen trên cái bảng thì còn có tình gì!". Hiểu ý, cô lớp phó vội chạy về lán, lấy ngay cái ri đô màu trắng của mình, trùm phủ lên bảng đen. --PageBreak--

Bấy giờ, ông tươi cười: "Được lắm! Cám ơn bạn! Cái đầu Xuân Diệu bây giờ nổi bật trên phông trắng khi dưới nhìn lên, các bạn lúc đó mới hoan nghênh được chứ". Chúng tôi lại vỗ tay một lần nữa, vừa như là lời xin lỗi, vừa như lời cảm ơn của tập thể đối với ông.

Ông bước đến chỗ bàn đan bằng nứa, được phủ lên một chiếc ni lông đi mưa, vốn là bàn của thầy giáo ngồi giảng bài, ở giữa được đặt một lọ hoa mà các bạn gái lớp tôi đi hái từ chiều. Xuân Diệu phát hiện ra là bình hoa không có nước.

Ông nhấc cao, đưa lên cho mọi người thấy và đọc câu thơ: "Yêu hoa sao nỡ phũ phàng với hoa", và nói: "Các bạn ăn cơm, uống nước, thở khí trời để sống, thế những bông hoa này sao không nuôi nó, để cho nó sẽ chết héo, phũ phàng làm sao!".

Cô lớp phó lại phải vội vàng đi múc một ca nước đầy, đổ vào lọ, với một nụ cười rất cầu thị. Những chi tiết có vẻ "nhiêu khê" như thế, vừa bộc lộ tính cách nghệ sĩ của nhà thơ, vừa là lời dạy về nếp sống văn hóa đối với một sinh viên, thầy giáo tương lai của chúng tôi, không thể nào quên được.

Cuộc nói chuyện thơ bắt đầu, khi Xuân Diệu giới thiệu về xuất xứ của mình:

Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong
Ông đồ nho lấy cô làm nước mắm

Chả là cụ thân sinh của Xuân Diệu là ông đồ, quê Hà Tĩnh, đi dạy học ở Bình Định, cảm thương bà bán nước mắm. Họ lấy nhau, đẻ ra Xuân Diệu nên nhà thơ đã nói về mình như thế. Rồi ông chỉ tay ra phía Bắc, giọng sang sảng: "Nhà tôi hai bốn cột cờ/ Ai thương thì tới, ai lờ thì đi".

Hôm đó, nhà thơ Xuân Diệu bình vẻ đẹp trong thơ cổ điển Việt Nam và một phần của thơ hiện đại. Chưa bao giờ tôi được nghe những lời bình sâu sắc, ý vị đầy rung cảm, nhiệt tình như thế. Trong tôi, Xuân Diệu là nhà thơ nhưng còn là nhà văn hóa, nhà diễn thuyết hùng biện.

Xuyên suốt buổi nói chuyện, chủ đề nổi bật ông nhấn mạnh với chúng tôi là: "Thi trung hữu nhạc". Ông nói: "Không có nhạc thì không thành thơ. Thơ và nhạc quyến luyến như đôi vợ chồng làm nên một tổ ấm". Ông làm chúng tôi sáng mắt lên trước những câu: "Đùng đùng gió giục mây vần", "Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi, "Bất bình nổi trận đùng đùng sấm vang" trong "Truyện Kiều". "Đùng đùng", "ầm ầm", bản thân nó chứa âm thanh, lại được đặt đầu câu, làm âm thanh đó vang lên, bùng lên dữ dội, diễn tả nội tâm nhân vật sâu sắc biết bao. Xuân Diệu bình thơ không những bằng lời vàng sang sảng của mình mà còn bằng động tác phụ hoạ để diễn tả chiều sâu của ngôn từ.

Bình câu "Bố cu lổm ngổm bò trên bụng/ Thằng bé hu hơ khóc dưới hông" của Hồ Xuân Hương, ông úp bàn tay, đưa đẩy hình sóng lượn để minh hoạ chữ "lổm ngổm". Còn "thằng bé hu hơ" thì ông ngửa mặt lên trời, dáng vẻ ngơ ngác, rồi buột ra tiếng hu hơ như đứa trẻ khóc, làm chúng tôi vỗ tay cười vang.

Cũng có khi, vì quá say sưa, chúng tôi lặng yên như uống từng lời giảng, lời bình của Xuân Diệu, ông dừng lại, nói với giọng trách móc: "Sao không vỗ tay? Vỗ tay không phải hoan hô cho Xuân Diệu đâu, mà cho Nguyễn Du, cho Hồ Xuân Hương đấy chứ". Thế là cả hội trường lại rầm rầm tiếng vỗ tay.

Giữa buổi nói chuyện, Xuân Diệu bảo tất cả mọi người nghỉ "giải khuây" (từ dùng của ông) vài chục phút. Sau khi uống cốc nước chanh pha đường, ông đi dọc lối giữa hai dãy bàn, xuống bắt tay anh sinh viên. Đến chỗ tôi, ông vừa bắt tay, vừa hỏi: "Cậu quê ở đâu?". "Dạ thưa, em ở Bảo Ninh, Đồng Hới ạ". Xuân Diệu chợt nhớ ra: "À, quê hương của mẹ Suốt anh hùng! Tôi đã có đến thăm bà hồi buổi đầu chiến tranh".

Tôi không dám kể lại chuyện ông đã từng bắt tay tôi, cậu học trò hàng xóm sang chơi, trong lúc đoàn của ông đến thăm người mẹ anh hùng chèo đò trên sông Nhật Lệ, bởi sợ rằng các bạn đứng xung quanh nghĩ mình là người "thấy người sang bắt quàng làm họ".

Hơn 42 năm đã qua, những kỷ niệm về Xuân Diệu cứ sống mãi trong tôi, từ dáng vẻ, giọng nói, động tác khi ông bình thơ…

Hồ Ngọc Diệp
.
.