Nhà thơ Vũ Quần Phương: Người buông câu trước biển cả thời gian
Tiểu sử văn học của Vũ Quần Phương có một điểm lạ: Hầu như anh không gặt hái được một giải thưởng nào đáng kể ở các bài thơ lẻ, song lại có tới 5 lần được nhận những giải thưởng danh giá dành cho một số tập thơ (trong đó, ngoại trừ Giải thưởng Nhà nước, đã 2 lần anh đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, 2 lần đoạt giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam). Điều này phải chăng đã ngầm minh chứng cho nhận xét của một nhà phê bình: Thơ Vũ Quần Phương chất lượng khá đồng đều, để cả cụm thì có sức nặng, song nếu tách riêng thì lại chông chênh vì…hiếm bài "đỉnh"?
Tôi cho sự thể không phải vậy.
Để lý giải căn nguyên vấn đề, thiết nghĩ cũng cần nhắc một điều: Vũ Quần Phương thuộc lớp nhà thơ được gọi là "lớp chống Mỹ", trong khi bản thân anh lại không có bài thơ nào "chống Mỹ" một cách trực diện được ghi nhận là thành công. Đã vậy, những đề tài được ưu tiên hàng đầu thời bấy giờ cũng gần như vắng bóng trong thơ anh. Những bài tiêu biểu nhất của Vũ Quần Phương giai đoạn trước 1975 như "Trước biển", như "Dân ca" đều không mang dấu ấn rõ rệt của cuộc sống những năm tháng đạn bom (nếu tác giả có ghi năm sáng tác là 2010 hay 2012 thì cũng không khiến ai phải ngạc nhiên). Đọc những câu: "Biết nói gì trước biển em ơi/ Trước cái xa xanh thanh khiết không lời/ Cái hào hiệp ngang tàng của gió/ Cái kiên nhẫn nghìn đời sóng vỗ/ Cái nghiêm trang của đá đứng chen trời/ Cái giản đơn, sâu sắc như đời" (bài "Trước biển"), hoặc: "Người ơi!/ Trăng ơi!/ Cái lá rừng ơi!/ Chỉ thấy gọi mà không ai lên tiếng/ Mưa ngoài ngàn ngoài ruộng/ Hạt mưa nào là em?" (bài "Dân ca"), không ai là không thấy chất chứa trong đó bao ước vọng của con người, không thấy tầm vóc của vấn đề mà tác giả đặt ra. Tuy nhiên, trước khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng", hiển nhiên những vần thơ nói trên sẽ không thể lọt vào tầm ngắm của hệ thống truyền thông (nói chi tới việc dự thi và được trao giải). Vũ Quần Phương viết "Trước biển" từ cuối 1970, song tới tận năm 1977, khi tập "Hoa trong cây" của anh được in, anh cũng có đưa được nó vào sách đâu? Trần Đăng Khoa quả là có lý khi nhận xét, so với một số nhà thơ tiêu biểu thời chống Mỹ, Vũ Quần Phương đã có những lúc bị "khuất lấp".
Nhưng, như người đời thường nói "trong cái rủi có cái may". Mặc dù không được thuận về mặt tuyên truyền, song ở vào cái thời đa phần lời thơ đều như "đanh" lại để phục vụ chiến đấu, tạng thơ của Vũ Quần Phương vẫn có "cửa" đến với độc giả. Những độc giả thiên về đời sống nội tâm đã rất hứng khởi khi tìm được một tiếng thơ giàu suy tưởng, đề cập nhiều tới những khoảnh khắc riêng của mỗi phận người bằng một cách diễn đạt nhuần nhị, âm hưởng ngọt ngào. Những người vốn "thầm yêu trộm nhớ" lối thơ tiền chiến (bấy giờ hầu như không được nhắc tới) đã tìm thấy sự phảng phất thân gần trong một số bài thơ của Vũ Quần Phương. Có một thời, nhiều bài thơ tình của thi sĩ họ Vũ đã được lưu truyền trong các cuốn sổ tay sinh viên.
Bây giờ, nếu đặt câu hỏi: Đâu là bài thơ hay nhất của Vũ Quần Phương, tôi tin sẽ có rất nhiều bạn đọc xướng tên hai bài: "Áo đỏ" và "Đợi".
Đây là điều thoạt nghĩ, hẳn Vũ Quần Phương sẽ thấy buồn, song ngẫm kỹ chắc anh lại mừng. Buồn vì thơ hay của Vũ Quần Phương chẳng lẽ chỉ là vậy? Mừng vì nếu coi đấy là những bài thơ hay thì Vũ Quần Phương có nhiều bài trên cơ hai bài thơ nói trên.
Nói cho đúng thì "Áo đỏ" và "Đợi" chỉ là những bài thơ phổ biến nhất của Vũ Quần Phương mà thôi.
Trước tiên hẵng nói về bài "Đợi". Đây là một bài thơ thuộc loại khá của Vũ Quần Phương. Là bài khá, song nó lại rất nổi tiếng bởi đã được hóa thân gần như trọn vẹn (chỉ đổi cách xưng hô từ "anh" sang "em", và ngược lại) trong ca khúc cùng tên luyến láy điệu chầu văn của nhạc sĩ Huy Thục. Bài thơ có kết cấu cân đối, gọn nhẹ, ngôn từ đẹp và gợi. Cách chọn bối cảnh không gian, thời gian hợp với nền tâm trạng. Đặc biệt, với cách đảo chữ rất bất ngờ - một pha lừa bóng ngoạn mục qua hàng hậu vệ: "Đứng một ngày đất lạ thành quen/ Đứng một đời em quen thành lạ" (đã có nơi in theo quán tính mạch văn: "Đứng một đời đất quen thành lạ", làm hỏng ý tác giả), bài thơ đã được đúc lại thành một thông điệp ấn tượng.
Khác với "Đợi", "Áo đỏ" chỉ là một bài trung bình khá, và là thơ… tán gái. Cách tán cũng khá thông dụng: "Áo đỏ em đi giữa phố đông/ Cây xanh như cũng ánh theo hồng/ Em đi lửa cháy trong bao mắt/ Anh đứng thành tro em biết không?". Có thể sẽ có bạn đọc cự lại rằng, thơ tỏ tình nào của cánh đàn ông mà chẳng là thơ tán gái. Tôi không nghĩ như vậy. Theo tôi, đã gọi là thơ tán gái có nghĩa những bài đó lời lẽ hoa mỹ, ít tình thực. Như ở "Áo đỏ", hãy làm một phép thử: Nếu chiếc áo đỏ kia bị đổi thành áo xanh, liệu nhân vật xưng "anh" trong bài thơ có nói mình cháy đến "thành tro" nữa không? Tất nhiên, tôi không phủ nhận vai trò của những bài thơ tán gái, song dẫu sao trong thể loại thơ tình, những bài dạng này cũng chỉ có giá trị vừa phải. Ấy là chưa kể, với riêng tôi, "Áo đỏ" còn bị…mất điểm bởi mỗi lần đọc hai câu kết của nó, trong tôi lại văng vẳng mấy câu của Xuân Diệu: "Em tôi ăn nói vô duyên quá/ Em đốt lòng anh, em biết không?" (bài "Đơn sơ, viết trước Cách mạng). Ý tứ tuy khác nhưng cấu trúc giai điệu phải nói là giống nhau.
Quả là không khó để tìm ra trong thơ Vũ Quần Phương những bài đặc sắc hơn nhiều so với mấy bài thơ trên. Cũng ngắn gọn và gây chú ý ở cách lập tứ như trong "Áo đỏ", song cách lập tứ ở "Cột thu lôi" thì thật là một phát hiện độc đáo:
Để thu sét của trời
Người ta nối cột thu lôi vào đấtNhưng trái tim
Nơi chịu nhiều sét nhất
Nối vào đâu?
Trong vài ba chục năm trở lại đây, giới làm thơ ở ta đã có nhiều thể nghiệm với loại thơ hai câu. Không mấy trường hợp thành công. Có chỗ mới chỉ là câu chứ chưa thành bài, hoặc là ý chứ chưa thành tứ. Trong "tình hình" ấy, "Cửa bể" của Vũ Quần Phương thực sự là một đóng góp. Chỉ với vẻn vẹn hai câu lục bát: "Đến đây gần biển xa nguồn/ Con sông chảy chậm, nỗi buồn tan lâu", bài thơ đã quay trọn một vòng tuần hoàn về vần điệu, lại vừa đủ ý để nâng lên thành một tứ thơ sâu sắc. Đây có thể được xem là bài thơ hai câu hay nhất, súc tích nhất trong thơ ca đương đại Việt
Vũ Quần Phương là một nhà thơ có lối tư duy sắc nét. Lối tư duy ấy đã đem đến cho anh nhiều tứ thơ hay. Anh ngẫm về sự sống của que diêm: "Que diêm sống/ khi đang chết" (bài "Diêm"). Anh nói về cuộc "giao tranh" oái oăm của một người bị bệnh tim với chính… trái tim mình: "Nó là anh mà nó giết đời anh/ Cái chết nấp giữa nguồn nuôi anh sống/ Làm sao anh phải thắng trái tim mình" (bài "Bệnh nhân tim"). Anh "làm lời" Anh hùng Phạm Tuân khi người phi công này bay lên vũ trụ: "Anh bay trong không gian/ Không thấy làng thấy xóm/ Không thấy những căn nhà/ Nhưng anh nhìn thấy mẹ/ Cấy trên đồng mưa sa" (bài "Gửi anh phi công vũ trụ"). Anh kể chuyện ngày nhỏ mình từng được thầy cho điểm 10 vì thành tích giải bài toán đố: "Một con sên/ ngày bò lên ba mét/ tối tụt xuống hai/ Tường mười lăm mét cao/ bao ngày sên tới mái". Thế rồi, ở tuổi xế chiều, cũng vẫn cậu học trò ấy bất chợt giật mình tự hỏi: "Sên là sinh vật/ bò lâu nó mệt/ và nửa chừng nó chết thì sao?". Thì ra, bài toán trên trang sách không phải lúc nào cũng khớp với bài toán của cuộc đời.
Quả thực, sẽ phải tốn nhiều giấy mực để dẫn ra hết những ý thơ sắc cạnh, thấm thía kinh nghiệm trường đời của Vũ Quần Phương.
Là một nhà phê bình thơ có uy tín, lại có điều kiện được tiếp xúc với nhiều đối tượng bạn đọc thông qua các buổi nói chuyện thơ, Vũ Quần Phương đủ lịch lãm để biết điều hòa sao cho cân bằng các yếu tố "tình" và "lý", "nghĩ" và "cảm" trong quá trình sáng tạo của mình. Bên cạnh những bài đủ chỗ cho các nhà phê bình bấu víu, trổ tài bình luận, anh cũng lại có những bài hay một cách vu vơ, ai cũng có thể cảm nhận được song rất khó biểu đạt. "Chiều ở bên con" là một bài như vậy:
Thằng Điềm nhỏ thó nằm bên cạnh
Trăng đã lên trên những mái nhà
Gió xuống tự trời chen giữa lá
Và tiếng người đi trên phố xa.Chiều như chợt đến không ai định
Ngỡ như thấy cả mặt hành tinh
Lao xao chiều chợ, lao xao bến
Có một ai kia lại khởi hành.
Bài thơ làm thức dậy trong ta những cảm xúc hết sức linh diệu…Hình ảnh buông hờ, giai điệu ngân nga, cả bài ngập tràn một bầu không khí yên bình - sự yên bình của phút giao hòa giữa con người và vũ trụ…Với bài thơ này, bút pháp của Vũ Quần Phương đã đạt tới ngưỡng Huy Cận thời "Lửa thiêng".
Là người cả nghĩ, càng khi có tuổi Vũ Quần Phương càng hay ngẫm nghĩ về cái mong manh của kiếp người, càng hay nhớ về bạn bè, đồng nghiệp ở "thế giới bên kia". "Trái đất tròn/ Sao tôi không gặp lại/ những gì đã chia xa/ cứ mịt mù xa mãi/ Mặt đường đầy gió thổi/ hạt bụi nào quen tôi" (bài "Bụi"). Có tới 1/3 số bài trong tập "Vết thời gian" (xuất bản năm 1996) được Vũ Quần Phương dùng để nhắc nhớ tới những "hạt bụi" mà anh mong "gặp lại". Trong các nhà thơ đương đại Việt Nam, tôi chưa thấy ai làm thơ "chân dung nhà văn" sâu sắc và xúc động như Vũ Quần Phương (nó là một khía cạnh khác, một góc phản ánh khác so với Xuân Sách, và rất thành công). Thông qua những bài thơ này, Vũ Quần Phương không chỉ thể hiện được sức cảm, sức nghĩ của mình mà còn góp phần giúp người đời hiểu và cảm thông hơn với nhiều thân phận văn nghệ sĩ.
Viết về Xuân Diệu, Vũ Quần Phương đặc biệt chú ý tới khía cạnh cô đơn của ông, một người "Thơ tình tặng khắp người ta/ Hại thay…trắng một vòng hoa trên mồ"; là tác giả của tập thơ "Gửi hương cho gió" trứ danh mà rồi rốt cục: "Chân đi trăm núi nghìn hồ/ Gửi hương cho gió bao giờ mới xong".
Viết về Chế Lan Viên, Vũ Quần Phương lại chú ý tới tâm trạng dằn vặt của nhà thi sĩ trong sự xung đột về nhận thức ở buổi giao thời. Đọc những vần thơ cuối đời của Chế Lan Viên, đặc biệt là phần di cảo công bố sau khi ông mất, chúng ta càng thấy sức nặng của những câu thơ Vũ Quần Phương viết: "Tôi khóc một nhà thơ vừa mất/ Anh ấy Điêu tàn, anh ấy Phù sa/ Anh ấy đọc hồn trời hồn đất/ Câu cuối cùng hỏi đâu hồn ta?". Không sợ quá lời khi nói rằng: Ở mảng thơ này, Vũ Quần Phương có những câu đáng được khắc trên bia mộ của nhiều tác giả.
Hiện trong làng thơ vẫn lưu truyền một nhận xét của ai đó, rằng thơ Vũ Quần Phương "vừa cũ lại vừa kỹ". Đây là một nhận xét ngỡ đúng mà không đúng, và có phần ác ý. Thơ Vũ Quần Phương "cũ" - hay nói đúng hơn, dễ gây cho người đọc cảm giác cũ - vì hầu hết nó được thể hiện trên cái nền ổn định về câu chữ. Anh ít làm thơ tự do, và cái gọi là thơ tự do của Vũ Quần Phương cũng chỉ dừng lại ở chỗ: Câu nọ có thể dài hơn câu kia một chút; chữ nọ bắt vần với chữ kia xa xa một chút, chứ không có nghĩa anh dỡ bỏ hoàn toàn vần điệu. Nói một cách hình ảnh thì anh có thể chuyển từ múa sang… đi bộ, đi bộ một cách thong dong chứ quyết không lảo đảo, chân nam đá chân chiêu như một anh say rượu. Đặc biệt, chữ dùng trong thơ anh bao giờ cũng trong trẻo, sáng rõ chứ không tù mù, hũ nút, đánh đố người đọc.
Trước đây, nhân đọc tập thơ "Vầng trăng trong xe bò" của Vũ Quần Phương, trên Báo Người Hà Nội số ra ngày 31/3/1990, tôi đã có mấy dòng "đúc kết": "Dường như cảm thấy thơ mình còn ít những cách tân - những ngôi nhà dù thấp hay cao thì vẫn còn là xây theo kiểu cũ, cho nên trong "Vầng trăng trong xe bò", Vũ Quần Phương đã có ý thức thay đổi dần. Trên dãy phố phần nhiều là những ngôi nhà cổ điển của anh, ta bắt đầu thấy xuất hiện một vài ngôi nhà có kiểu cách lạ (mặc dù cái mô típ ấy có thể xuất hiện nhiều ở những nơi khác). Điều đáng nói là dù có thay đổi hình thức đến đâu chăng nữa, những ngôi nhà ấy vẫn để cho người ta ra vào, leo lên cầu thang gác không mấy khó khăn". Đây có thể được xem là một quan điểm có tính xuyên suốt đời thơ Vũ Quần Phương và chúng ta cần tôn trọng quan điểm ấy của anh. Vả chăng, chính bởi Vũ Quần Phương có những cái "kỹ" trong việc làm thơ như thế nên anh hoàn toàn tự tin vào việc sử dụng những thể thơ quen thuộc: Anh tin với cách thức làm thơ đầy linh hoạt, sáng tạo của mình, những hình thức cũ ấy vẫn đủ giúp anh chuyển tải được cảm xúc...
Đây là cách anh tả một chú bé ngủ trong xe bò: "Gương mặt sáng như trăng - Giấc ngủ/ Cũng thanh trong như trăng giữa đêm rằm/ Trăng dịu quá, làn bụi than bụi cát/ cũng ánh lên. Mồ hôi áo ướt đầm/ cũng thắm lại. Vết nhọ in trên má/ như cũng mơ theo giấc ngủ thiên thần" (bài "Vầng trăng trong xe bò").
Cách bố trí những dấu chấm ở gần giữa câu, làm cho cái đuôi của câu trên vắt xuống câu dưới, tạo ra một cái gì đó dừng lại, lướt qua, chập chờn, gây không khí, hệt như giấc mơ của em bé trong đêm trăng sáng.
Bài "Những cánh diều không bay" lại được tác giả áp dựng một kiểu ngắt câu khác, độc đáo hơn. Đáng ra một khổ thơ phải có bốn câu, ở đây chỉ có ba:
Những cánh diều vướng trên dây điện
Giấc mơ bay dừng lại nửa chừng
Mùa đang gió, trời đang rộng thế.
Cách chấm hết khổ thơ như thế tạo một cái gì hẫng hụt, nửa vời, hệt như những cánh diều bị vướng trên dây điện vậy. Mà oái oăm thay, khổ thơ bị ngắt ngay khi ý thơ đang mở ra với "Mùa đang gió, trời đang rộng thế", và thanh trắc được tung ra đang đòi phải có thanh bằng ở câu sau hứng đỡ. Cứ như có một sự kìm nén. Nhưng phải đến khổ cuối bài thơ (tức khổ thứ ba, nói về việc lũ trẻ bất lực bởi không sao lấy được cánh diều), Vũ Quần Phương mới trổ hết tài nghệ của anh:
Những chú nhỏ thở dài, vĩnh biệt
Giấc mơ bay treo ở lưng trời
Giấc mơ khóc cùng mưa tháng chín
Đến đây, tác giả để trống một khoảng giấy, sau đó gắn theo một tiếng thở dài buồn bã:
Những chú nhỏ kia đã lớn rồi
Cả bài thơ khép lại trong âm hưởng cam chịu trước một qui luật khắc nghiệt: Tuổi thơ qua đi không thể níu giữ nổi. Cái dấu huyền ở cuối câu thứ hai và câu thứ tư của khổ thơ trên làm cho âm điệu toàn bài bị chùng xuống. Sự gửi gắm ý tưởng, cùng với cách ngắt câu, dùng dấu của Vũ Quần Phương làm cho bài thơ đọc lên, ai nấy đều cảm thấy rưng rưng.
Lại không ít trường hợp Vũ Quần Phương sử dụng các chữ toàn thanh bằng trong cùng một câu thơ để diễn đạt cảm xúc bùi ngùi thương cảm trước cuộc chia ly. Xin được lưu ý câu cuối cùng của khổ thơ sau: "Em khép lại đôi vai bé nhỏ/ bàn tay thưa che gió lạnh về/ trên thành Căng một chiều lá đổ/ nghe trong lòng bao nhiêu chia ly" (bài "Mưa trên thành cổ").
Đọc Vũ Quần Phương, ta thấy anh hay có những suy ngẫm về nghề. Có lúc câu thơ không giấu được sự bùi ngùi: "Giữ lại được gì mỏng mảnh trên trang/ Trăng dưới lòng sông, gió thổi trên ngàn/ Trang giấy như gương soi mình xa lạ/ Trang giấy như nhà mà ta lang thang" (bài "Giấy mênh mông trắng"), lại có lúc anh nói như tổng kết đời thơ của mình: "Cứ như người đi câu/ giỏ to mà cá bé/ Thời gian như ao hồ sông bể/ ở trong có gì" (bài "Tản mạn ngày Tết"). Độc giả, dù cực đoan đến mấy chắc cũng không ai nghĩ những bài thơ hay của Vũ Quần Phương là những con "cá bé". Có chăng, nó chỉ "bé" so với cái "giỏ" mong ước của tác giả. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, so với những gì mà Vũ Quần Phương đã có (thông minh, uyên bác, tài hoa) thì những cái anh làm được vẫn chưa tương xứng. Lỗi là ở chỗ anh không dám mạo hiểm trong sáng tạo. "Có bao giờ sông chảy thẳng đâu em/ Sông lượn khúc lượn dòng mà tới biển" - Vũ Quần Phương từng viết như vậy, nhưng trong việc sáng tác, ít khi anh chịu để cho mạch cảm xúc cuốn mình về một nơi "xa tít xa tắp", để rồi sau đó là sự ra đời của những bài thơ vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chính tác giả (như bài "Trước biển" chẳng hạn). Nguồn cảm xúc thường được anh hãm bớt để dồn đúc vào một khuôn cấu tứ nào đó. Nó như dòng chảy được kẻ vạch sẵn nên khó có sự bung phá dữ dội. Các bài thơ của Vũ Quần Phương bởi thế ít phát triển theo hướng vạm vỡ mà phát triển theo hướng tinh xảo.
Chúng ta từng biết đến một số trường hợp đường đường là những nhà thơ lớn song lại để lọt lưới những câu, những chữ rất hớ hênh. Ấy là bởi trong lúc thả hồn theo dòng cảm xúc, họ bị chênh chao, mất thăng bằng. Vũ Quần Phương hiếm khi chịu để mình rơi vào tình thế mất thăng bằng. Với cách làm thơ luôn ở thế chủ động như đã nói, cộng với sự mẫn cảm về ngôn ngữ, sự lịch lãm trong cách suy nghĩ, cảm thụ cuộc sống, thơ Vũ Quần Phương rất hiếm những bài, những câu non lép. Nhìn ở góc độ nào đó, đây không hẳn hoàn toàn là điều hay đối với một nhà thơ.
Nói vậy là tôi thầm tiếc cho những gì mà một người như Vũ Quần Phương đáng ra có thể làm được. Dẫu sao, với những cái đã có, Vũ Quần Phương vẫn là một hình mẫu đáng ngưỡng vọng. Nếu như ở thời chống Mỹ, tên anh luôn nằm trong danh sách 10 thi sĩ tiêu biểu thì trong mấy thập niên gần đây, dù danh sách ấy có liên tục thay đổi theo hướng loại trừ và bổ sung, bạn đọc vẫn luôn thấy trong đó có tên Vũ Quần Phương.
(Viết lần đầu năm 1989, bổ sung và hoàn chỉnh ngày 25/9/2012)