Nhà thơ Võ Văn Trực: Trang đời đã khép

Thứ Sáu, 12/04/2019, 08:33
Hồi 2h42’ ngày 5-4-2019, nhà thơ Võ Văn Trực đã trút hơi thở cuối cùng sau những ngày tháng dằng dặc chống chọi với bệnh tật.


Quê ông, làng Hậu Luật, xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu (Nghệ An) - một làng nhỏ, đất hiếu học. Trải qua nhiều biến cố của thời cuộc, sau này, những con người, những số phận, những sự kiện của làng đã đi vào nhiều trang viết của ông.

Tốt nghiệp Khoa Văn khóa 3, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông được phân công về công tác tại Bộ Ngoại giao. Nếu để tiến thân theo đường công chức, thì đó là môi trường quá thuận tiện. Nhưng vốn mê sáng tác văn chương, năm 1962, ông chuyển về công tác tại Nhà xuất bản Thanh niên, biên tập mảng sách văn học. Năm 1977, ông chuyển công tác sang Báo Văn nghệ. Ông từng giữ chức Phó Tổng biên tập cho đến lúc về hưu.

Nhà thơ Võ Văn Trực mang đậm tính cách của người xứ Nghệ. Ít lời, thẳng thắn, chân thành, không hoa hòe hoa sói. Yêu ai, ông sẵn lòng vì người đó. Ghét ai, ông ngoảnh mặt.

Con đường lao động sáng tạo văn học của ông tịnh tiến từng bước chắc chắn. Không có bước tiến đột phá, nhưng ông cần cù, siêng năng như một con ong làm mật. Ông là nhà thơ, tác giả của trên chục tập thơ. Thơ ông không nhiều nét hào hoa, nhưng lại thấm đẫm tấm lòng chân thành, ấm áp. Ông còn viết văn xuôi, in nhiều cuốn tùy bút, bút ký. Đặc biệt những cuốn tiểu thuyết như “Cọng rơm ở đáy ao”, “Vết sẹo và cái đầu hói” được dư luận đánh giá cao. Có cả những nhận xét trái chiều.

Cố nhà thơ Võ Văn Trực.

Tập “Chuyện làng ngày ấy” được coi như cuốn biên niên sử, ghi chép về một làng quê trong quá trình chuyển mình. Bao cái được cái mất, không chỉ đơn thuần về cơ sở vật chất. Xót xa hơn, bao tài sản văn hóa phi vật thể kiến tạo bao đời, bị băng hoại. Bởi tư tưởng quá tả, bởi những việc làm thô bạo, ấu trĩ. Rồi mai ngày, người đọc lại “Chuyện làng ngày ấy” sẽ đánh giá, nhìn nhận lại một thời xã hội đầy buồn vui đã trải qua.

Riêng mảng sáng tác thơ và văn xuôi, nhà thơ Võ Văn Trực đã được nhận giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội trao tặng. Ngoài ra, ông còn là nhà sưu tầm, khảo cứu văn hóa. Ông đã xuất bản hàng chục cuốn sưu tầm đồng dao, ca dao, vè, truyền thuyết và khảo cứu các nghề thủ công truyền thống. Nhiều cuốn được giới nghiên cứu văn hóa dân gian đánh giá cao. Ông có hai cuốn khảo cứu được giải thưởng của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam.

Ông là người điển hình của tính ham học. Một thuở, ông dành cho việc học tiếng Pháp. Trên cánh cửa gỗ nhà ông, mỗi ngày ông chép ra mấy câu thơ tiếng Pháp nổi tiếng để ông học thuộc. Một dạo, ông dồn sức học tiếng Trung, trên cánh cửa gỗ, mỗi ngày lại có mười chữ để ông tập viết, tập đọc. Ông là người có thói quen ghi chép siêng năng, đều đặn.

Hễ đi thực tế, ban đêm trước khi ngủ ông lại giở sổ ra hý hoáy ghi chép. Trên tủ sách của ông có đến mấy chục cuốn sổ ghi chép. Đó là những thực tế sống, tươi ròng cho các trang viết của ông. Ông cũng là người có ý thức giữ gìn sức khỏe. Việc tập Cốc đại phong để dưỡng sinh, thấy ông duy trì vài chục năm liên tục. Ông nói rằng, nhờ tập đều Cốc đại phong nên khi tuổi cao, đêm đêm ngồi làm việc, ông không thấy mệt.

Con người, nom ngoài như khô cứng, nhưng tâm hồn lại dễ xúc động trước bạn bè. Tôi nhớ ngày sang cát cho nhà thơ Đào Cảng (1941-1987) dưới Hải Phòng. Ông cùng tôi vác xe đạp lên chuyến tàu hỏa đêm cho kịp giờ. Ấy là buổi sớm mờ sương, nghĩa trang thành phố Cảng ngập ngụa trong sương mù. Bên nhúm xương của người bạn chúng tôi, khuôn mặt ông lặng trầm bối rối. Kiếp người rồi cũng hư vô cả. Vì thế, hãy tốt với nhau hơn. Hãy cố làm những gì hữu ích muốn làm, khi mình còn đang sống. Ông và chúng tôi như cùng muốn nói lời như thế.

Ông là người rất nặng lòng với quê. Tôi còn nhớ chuyến về Hậu Luật cùng ông, dầu đã hơn bốn chục năm rồi. Cũng lại mang xe đạp lên tàu hỏa, để xuống ga Diễn Châu, mỗi anh em có xe để đạp về quê cho tiện. Năm ấy, mẹ ông vẫn còn. Hình ảnh người mẹ già ngồi bậu cửa chờ con về, in đậm trong tâm trí ông. Để rồi, ngày mẹ ông mất, sau khi đưa mẹ ra đồng về, ông lại ngồi bên cái bậu cửa ấy, viết một mạch bài thơ “Vĩnh viễn từ nay”. Bài thơ là tiếng nấc của người con thương nhớ mẹ.

Vĩnh viễn từ nay con không thấy mẹ nữa rồi
Chỉ còn lại chiếc giường tre mộc mạc
Và thơm thoảng vị trầu cau ấm áp
Mẹ từng nằm kể chuyện những đêm đông
Dẫn con đi qua trăm núi nghìn sông
Đến thế giới lung linh đầy khát vọng.
Lời mẹ hát phả vào con ấm nóngLẫn với mùi rơm rạ của đồng quê
Câu ca dao hoà lẫn với câu vè
Như ngọn suối chảy tràn trong tâm tưởng
Ôi tiếng hát diệu kỳ thành âm hưởng
Của thơ con suốt mấy chục năm trời...

Xa quê đã lâu, nhưng ông vẫn giữ nhiều kỷ niệm với lứa bạn thuở chăn trâu ở làng. Trong những người bạn thuở thiếu thời ấy, có ông Bá, tuy chỉ sống ở làng, nhưng lại có tài đặt vè rất hay. Bữa về thăm quê, ông có đưa tôi đến nhà thăm ông Bá. Đấy là ngôi nhà đơn sơ, mảnh sân đất. Ngồi trải chiếu thềm nhà, ông mời chúng tôi ăn khoai lang luộc và uống nước chè xanh.

Cái vị chè xanh đặc xít, rất quyện với vị khoai bùi. Một hương vị rất Nghệ, không dễ gì quên được. Tôi được nghe hai ông ríu rít ôn lại chuyện làng năm xưa. Tôi hình dung ra những cổng làng, những ngôi đình, đền bị phá để xây sân kho hợp tác. Những cây cổ thụ đầu làng bị chặt hạ vô lối. Nghe hai ông xuýt xoa tiếc nuối mà tôi cũng xót xa theo. Đấy là thời phong trào nông thôn đua nhau "tiến lên" một cách ào ạt, quá tả. Một thời sai lầm của việc cải cách nông thôn mà hầu như nhiều nơi mắc phải.

Chính như để muốn góp phần nho nhỏ, gây dựng lại làng quê tươi đẹp của mình, sau này, nhà thơ Võ Văn Trực đã gây trồng rất nhiều cây đa trên sân thượng của mình. Mỗi bận về quê, ông lại chằng buộc, khi năm cây, khi mười cây, đem lên tàu hỏa về quê, trồng rải rác các cổng làng, dọc con đường ra đồng. Nhiều cây đa do ông trồng nay đã xanh rờn bóng mát cho trẻ chăn trâu, cho người đi làm đồng về nghỉ chân.

Con người cứ lặng lẽ và thâm trầm làm theo ý nghĩ của mình. Thời làm biên tập Nhà xuất bản Thanh niên, ông là người luôn có ý thức đỡ đầu các cây bút trẻ. Tôi còn nhớ, năm 1977, ông tập hợp bốn anh em viết trẻ, in tập thơ “Nắng lên cao”.

Tập thơ gần trăm trang, bốn tác giả (Đào Cảng, Sỹ Hồng, Khánh Nguyên và tôi), mỗi người hơn mười bài thơ, nhưng đó là niềm vui khôn tả. Ngày nay, việc in ấn quá dễ, có tác giả một năm in vài tập thơ mà cũng chả ai biết. Chứ ngày ấy, với hơn chục bài thơ thôi, chúng tôi đã được khẳng định vị thế tác giả. Bạn bè làm thơ bàn tán. Báo chí có bài giới thiệu rất trang trọng. Anh em chúng tôi biết, để ra được tập thơ như thế, công lao rất nhiều của nhà thơ Võ Văn Trực.

Lại nhớ năm 1978, tôi có bản thảo cuốn truyện dài “Miền đất đợi chờ”, mạnh dạn mang đến Nhà xuất bản Thanh niên, nhờ nhà thơ Phan Xuân Hạt và nhà thơ Võ Văn Trực đọc giúp. Tôi không ngờ hai nhà thơ đọc biên tập rất nhanh và Nhà xuất bản quyết định in cũng rất nhanh. Nhà thơ Võ Văn Trực đọc bản thảo xong, gặp tôi, bảo: “Không ngờ Trang viết văn xuôi rất được. Đọc hấp dẫn!”.

Tôi biết, ông động viên tôi. Nhưng quả thực, khi sách in ra, tôi có niềm vui vô bờ bến. Cuốn sách 220 trang, in với số lượng 15.850 cuốn, gửi lưu chiểu tháng 6-1978. Ngoài giá trị tinh thần, thì giá trị vật chất từ cuốn sách đã làm thay đổi đời tôi. Nhuận bút cuốn sách, dư tiền mua căn phòng 5 mét vuông, tầng hai, của tòa biệt thự số 6 phố Nguyễn Cao, Hà Nội. Người bán căn phòng đó cho tôi là nhà thơ Nguyễn Phan Hách.

Nguyễn Phan Hách chê hẹp, nhưng đối với tôi, đó là sự đổi đời. Vì kết thúc chuỗi ngày dằng dặc “ngủ bàn cơ quan, ăn cơm tập thể” của tôi. Cũng xin nói rõ, nhuận bút tập “Miền đất đợi chờ” tôi được lĩnh 1.650 đồng. Mua nhà 1.550 đồng. Còn thừa 100 đồng, anh em ăn thịt chó nhòe. Cũng ghi chú thêm, tuy căn buồng có 5 mét vuông trên gác, nhưng lại hưởng chung mấy chục mét sân cho ba chủ nhà.

Thế mới biết, nhuận bút sách hơn bốn chục năm về trước rất có giá trị. Nếu nhuận bút hiện nay, dù sách có best seller đến thế nào chăng nữa, cũng khó mua nổi căn phòng hơn 5 mét vuông và khoảng sân trong tòa biệt thự mặt phố Hà Nội. Nói thế, càng trân trọng sự tận tình giúp đỡ người viết trẻ của nhà thơ Võ Văn Trực. Những sự giúp đỡ này, nhà thơ Võ Văn Trực chưa bao giờ kể ra, dù chỉ một lời.

Con người tốt, chân tình vậy, ấy nhưng tạo hóa luôn bắt ông đối diện với nhiều khắc nghiệt. Chị Oanh, vợ ông, cháu Thắm, con gái ông, một tác giả trẻ, dịch giả trẻ cũng phải ra đi vì bệnh K hiểm nghèo.

Thơ ông, như con người ông. Yêu, ghét rạch ròi.
Trong cơn tai biến rụng rời
Nhân tình càng rõ mặt người trắng đen

 (Trong cơn tai biến)

Một xã hội trong thời kỳ chuyển đổi, còn nhiều hỗn độn:

Cuộc đời dở chuột dở dơi
Nửa bóng tối, nửa mặt trời nhá nhem
Hai tờ sách mở hai bên
Tôi nằm ở giữa khâu bền sợi đau.

 (Nhà tôi )

Nỗi niềm day dứt, trăn trở thế sự của ông đã được buông lơi. Cái chết ập đến, như khép lại tất cả. Mọi sự bàn tán, khen chê, với ông lúc này như không còn ý nghĩa nữa.

Hà Nội, 5-4-2019
Vũ Từ Trang
.
.