Nhà thơ Võ Văn Trực: Một "Vườn thu" tồn tại bên đời

Thứ Bảy, 19/05/2012, 08:00

Đời thơ Võ Văn Trực có ba bài thường được người đời nhắc tới nhiều hơn cả. Đó là bài "Vĩnh viễn từ nay", bài "Chị" và bài "Vườn thu". Không hẹn mà gặp, tất cả các bài nói trên đều thể hiện tình cảm thắm thiết, nồng hậu của tác giả với những người thân yêu nhất trong gia đình mình, và trong những tình huống đáng chia sẻ nhất của cuộc đời.

Võ Văn Trực không chỉ làm thơ, ông còn là người viết truyện - một người viết truyện giàu nội lực. Vậy chúng ta hãy cùng xem nhà văn Võ Văn Trực đã hỗ trợ nhà thơ Võ Văn Trực ra sao trong mấy bài thơ trên.

Trước nhất, là một nhà văn, Võ Văn Trực đã biết lọc lựa chi tiết ngoại cảnh, đặng từ đó xây dựng nên những cảnh huống ấn tượng, hỗ trợ cho phần thể hiện tình cảm của nhân vật (mà đa phần là chính tác giả). Bài "Vĩnh viễn từ nay" nói về nỗi đau mất mát, tâm trạng bơ vơ, trống vắng của một cậu con khi người mẹ của mình giã biệt dương thế. Đó là một bức tranh buồn, loang lổ bóng hoàng hôn với những lời trần tình thật da diết, ám ảnh:

Vĩnh viễn từ nay con không thấy mẹ nữa rồi
Con nghĩ thế, nước mắt trào nóng bỏng
Đất quá rộng và bầu trời quá rộng
Con lặng ngồi bé nhỏ giữa hoàng hôn
Nhìn nuối theo bóng mẹ cuối đường thôn
Rồi xa hút lẫn trong chiều nắng nhạt
Phía đồng ấy màn chiều dăng man mác
Nấm cỏ rầu côi cút giọt sương rơi…

Tương tự bài "Vĩnh viễn từ nay", bài "Chị" cũng mang cấu trúc của một chuyện kể, có nhân vật, lời thoại và các kỷ niệm lần lượt được đưa dẫn theo trình tự thời gian. Có những chỗ, cảnh trí đã được tác giả chăm chút tỉa tót tới từng họa tiết nhỏ, khiến không gian thơ trở nên đặc biệt có hồn, rất gợi không khí, đủ làm nổi bật hình ảnh vất vả, lam lũ của người phụ nữ thôn quê hai sương một nắng:

Mấy mươi năm đất thay đổi theo mùa
Cây thay đổi qua bao ngày nóng lạnh
Trời vào hạ mưa rào rồi lại tạnh
Tiết đông về gió bấc lại hanh heo
Khóm tre già bìm bịp trở mình kêu
Vừa tắt tiếng, chim chìa vôi đỏng đảnh
Chị vẫn thế, với dáng hình mỏng mảnh
Chân lội bùn, áo bạc mốc phèn chua
Nuôi đàn em ăn học lúc còn thơ…

Làm thơ theo kiểu kể chuyện người thật việc thật có ưu thế là giúp tác giả không bỏ rơi các tình tiết có thực trong đời sống riêng của mình, vì mạch chuyện có sức ôm chứa. Trong bài "Chị", Võ Văn Trực đã khiến người đọc cảm động khi ông kể lại rất thật tình tiết:

Ngày mẹ mất, em về chịu tang
Chị ôm mặt, nghẹn lời, nức nở:
"Cậu đã về đấy ư? Mẹ không còn nữa
Còn chị đây thu xếp cửa nhà…"
Em rùng mình, một thoáng lạnh bơ vơ
Bỗng ấm lại trong tình thương của chị

Bìa tập thơ tuyển của Võ Văn Trực.

Tất nhiên, qua những câu trích dẫn trên, ta đã có thể thấy lối thơ kể chuyện không phải không bộc lộ những hạn chế nhất định. Như thể con dao hai lưỡi, lối thơ này có thể giúp tác giả nói được nhiều điều sát thực với cuộc sống của họ, khiến cho nhân vật được đề cập - cụ thể như ở hai bài thơ trên - hiện lên với những dáng nét, tâm tình đích thực là của mẹ, của chị tác giả (chứ không phải là người mẹ, người chị chung chung, hoặc của ai đó), song lối thơ này lại thường hay để "hở sườn" ở những đoạn dẫn chuyện.

Một tác giả dù chữ nghĩa tinh tế đến mấy cũng không dễ xử lý những "pha" như thế. Cái cách nói nhằm "đưa đẩy" mạch câu, kiểu như: "Con nghĩ thế…", kiểu như "Em rùng mình…" khiến câu thơ trở nên nôm na, thiếu đi phần tinh tế, ý nhị vốn dĩ là đặc trưng của ngôn ngữ thơ. Chưa kể, trong cả hai bài "Vĩnh viễn từ nay", "Chị", tác giả đều có những đoạn "thừa mà hóa ra thiếu". Thừa vì lặp đi lặp lại những cảnh huống cảm xúc giống nhau, thiếu vì bài thơ tuy nhiều chi tiết thực nhưng lại thiếu sức khái quát. Như bức tranh vẽ nhiều, vẽ kỹ nhưng tác giả không chú ý tới khoảng trống bên lề, khiến bức tranh mất đi  sức gợi.

Đọc bài thơ viết về mẹ của Võ Văn Trực, tôi không khỏi liên hệ tới bài thơ "Bên mồ mẹ" - cũng về đề tài trên của nhà thơ Tế Hanh. Bài thơ ngôn ngữ thật giản dị. Tác giả chỉ một đôi nét phác họa mà sao sức gợi của nó thật lớn. Bài thơ này ra đời sau bài thơ của Võ Văn Trực 3 năm. Cũng tâm trạng bơ vơ, côi cút của một người con mất mẹ, nhưng cách kết bài của Tế Hanh thì lại thật giàu sức khái quát: "Cúi đầu từ biệt mẹ/ Từ biệt cả làng quê/ Quê mẹ không còn mẹ/ Bao giờ con lại về?". Chỉ mấy lời giản dị vậy thôi mà như khía vào trái tim người đọc, có sức lay động mạnh. Không chỉ vậy, nó còn nâng bài thơ lên một tầm cao khái quát. Bài thơ vì thế đã vượt ra khuôn khổ bài thơ của một người con viết riêng cho mẹ của mình...

Không nặng về "ôn nghèo kể khổ" như trong các bài "Chị", "Vĩnh viễn từ nay", ở bài "Vườn thu", Võ Văn Trực đã không quá nệ vào hiện thực ("không quá" chứ không phải là "không có") để từ đó tương đối thung thăng thể hiện những xúc cảm hồn hậu của mình về cuộc đời, về con người và thiên nhiên Hà Nội trong tiết thu sang. Thật ra, với Võ Văn Trực, mùa thu luôn là chủ đề trở đi trở lại trong thơ ông. Nó là mùa khơi dậy trong ông nhiều hưng phấn. Nó làm lắng lại những vui buồn, trải nghiệm, khiến cách nhìn đời của tác giả cũng trở nên ấp áp, "rộng lượng" hơn. Nếu như ở bài "Mùa thu không yên tĩnh", Võ Văn Trực từng phải thốt lên: "Mùa thu này có yên tĩnh đâu em/ Đừng hỏi vần thơ anh óng chuốt" thì đến các bài "Thu về một nửa" và "Một mình tôi tìm lại", mùa thu lại trở về trong tâm tưởng tác giả với một sự thư thả chờ đón. Đã có sự trùng lặp cảm xúc, "lấn sân" nhau giữa hai bài "Thu về một nửa" và "Vườn thu". Cả hai bài đều được mở đầu bằng một hình ảnh khá khơi gợi:

Anh mở cửa ra
Thơm thảo quá… ai vừa tới gọi?
Thoáng gió mơ hồ như bàn tay mát rượi
Dắt tâm tư đi suốt chân trời

(bài "Thu về một nửa")

Một ban mai bỗng thơm gió hanh về
Tiếng lá rụng ngoài vườn cây xào xạc
Em mở cửa, hương lùa vào man mác
Anh bàng hoàng tỉnh dậy: đã mùa thu.

(bài "Vườn thu")

Mùa thu là mùa luôn khơi gợi những cảm xúc tế vi, khó diễn đạt. Những câu thơ hay về mùa thu thường chỉ là vài nét chấm phá, thiên về sự khơi gợi hơn là tả thực. Mà thơ của Võ Văn Trực thì dù ít dù nhiều luôn có yếu tố tả thực. Thậm chí, trong bài "Thu về một nửa", tác giả còn điệu đàng phân tích cả ý nghĩa màu sắc, dáng nét của cảnh trí (vốn dĩ khá mơ hồ):

Đám mây huyền ảo xa vời
Nửa trắng xốp nửa viền màu tím ngát
Như kỷ niệm rất gần như nỗi chờ xa lắc
Mùa thu về rồi đó ư em?

Nhà thơ Bungari Đôbri Rôtép, trong bài "Khúc ca đơn giản" (do Vũ Tú Nam dịch) từng viết: "Nếu anh bảo gió rằng/ khi nào/ ở đâu/ và ra sao/ gió phải thổi/ Thì gió sẽ không còn/ là gió nữa". Cách phân tích cảm xúc kỹ đến độ như Võ Văn Trực thực hiện ở trên đã vô tình làm cho sự huyền ảo của thiên nhiên, chất thơ của thiên nhiên bị phai lạt đi ít nhiều. Về điểm này, ở bài "Vườn thu", tác giả đã có cách xử lý tinh tế hơn, và vì thế mà bài thơ cũng trở nên duyên dáng, tự nhiên hơn. Cũng vẫn là sự kể chuyện theo lớp lang trình tự, hình ảnh nọ mở ra hình ảnh kia, từ thiên nhiên gợi nhắc tới tình đời, tình người, tất cả đều diễn ra nhuần nhị, giàu xúc cảm:

Thời gian đi êm nhẹ tựa lời ru
Em lặng lẽ tháng ngày như thế đó
Anh thương lắm đôi bàn tay nho nhỏ
Đã làm nên bao chuyện lạ trên đời.

Trong thơ Việt Nam từ trước tới nay, các nhân vật được xuất hiện nhiều trong những bức tranh thơ về mùa thu thường vẫn là những đôi bạn trẻ đang trong mùa… yêu đương. Rất hiếm bài thơ nhân những xúc cảm khi mùa thu tới mà nói về ân nghĩa vợ chồng, mà ca ngợi công lao vất vả khuya sớm của người vợ như bài "Vườn thu" của Võ Văn Trực. Nếu ví bài thơ như một tấm thảm quý, nơi đan nối tình cảm keo sơn gắn bó vợ chồng thì tấm thảm thơ "Vườn thu" tuy màu sắc không rực rỡ đến độ ngay lập tức thu hút con mắt người đời, nhưng nếu sử dụng lâu, tìm hiểu kỹ, ta sẽ thấy những sợi đan của nó khá bền chặt. Đặc biệt, so với nhiều bài thơ khác của cùng tác giả, ở những chỗ chuyển đoạn, chuyển ý, nó rất ít để lộ mấu nối…

4/5/2012

P.K.
.
.