Nhà thơ Văn Cao: Tôi không được làm trái tim đầu mùa...

Thứ Sáu, 08/07/2011, 08:10
Sinh năm 1923, 18 tuổi có thơ đăng báo, song đúng như Văn Cao tự nhận, thơ ông không phải là "trái đầu mùa". Khi Văn Cao nắn nót những dòng thơ đầu thì trào lưu Thơ Mới đang thập thững đi đến… hồi kết!...

Trong bài thơ "Sự sống thật", Văn Cao từng viết:

Tôi không được làm trái đầu mùa
Những trái cây cao giá

Sinh năm 1923, 18 tuổi có thơ đăng báo, song đúng như Văn Cao tự nhận, thơ ông không phải là "trái đầu mùa". Khi Văn Cao nắn nót những dòng thơ đầu thì trào lưu Thơ Mới đang thập thững đi đến… hồi kết! Tình hình đất nước vốn đã ảm đạm lại có những diễn biến hết sức phức tạp. Phát xít Nhật đã vào Đông Dương, bóng mây của cuộc đại chiến đang lan rộng ra khắp địa cầu. Lòng người rối ren, bấn loạn, không mấy ai còn tâm trí để ý tới những vần thơ buồn vơ buồn vẩn "chẳng đâu vào đâu".

Nhà văn Tô Hoài kể lại trong một cuốn hồi ký: Ông thường bắt gặp tên Văn Cao - không phải trên đầu những bài thơ đăng báo mà là ở mục… hộp thư. Thiên hạ không cần thơ, nói đúng hơn là không cần những loại thơ "hớt váng" Thơ Mới kiểu như của Văn Cao, Quang Dũng, Huyền Kiêu… thời ấy. Những câu: "Sông chầm chậm chảy trong mưa/ Nghe chừng cô gái đã thưa nhát chèo/ Mưa trong trăng tiếng nhỏ đều" (bài "Đêm mưa") hoặc: "Mấy lá bàng rơi nhắc nhở thu/ Chiều ốm cũng đang chầm chậm xuống/ Sương mù chìm lẫn lá vàng thưa" (bài "Ai về Kinh Bắc") của Văn Cao dẫu là những câu thuộc loại tinh tế, khơi gợi, song cũng chỉ đến với độc giả như một làn gió thoảng, không lưu lại trong họ một ấn tượng sâu đậm nào bởi trước đó, họ đã gặp những cảm giác ấy (mà lại đậm đà hơn) trong thơ Huy Cận, Hồ Dzếnh. Nói chung, nó chỉ lưu lại trong tác giả như một thứ kỷ niệm. Bài "Một đêm đàn lạnh trên sông Huế" cũng sẽ rơi vào tình cảnh tương tự nếu như ở hai khổ thơ đầu, tác giả không có cách gieo vần rất tạo thanh âm, nghe như có tiếng ghi ta bật bưng:

Nẩy nẩy tơ đồng nhịp nhịp đôi
Lòng nâng ngòn ngọt lại đầu môi
Này em hát khúc tương tư nhé
Ngâm khẽ em ơi nhẹ nhẹ lời 

Sao đàn u hoài gì mùa thu?
Sao đàn u hoài gì mùa thu?
Tri âm nghe thử dây đồng vọng
Lạc lõng đêm vàng khi nhạc ru.

Một cách sử dụng thanh điệu thật tài tình. Hãy thử tưởng tượng, nếu khổ thơ đầu thiếu đi mấy từ láy như "nẩy nẩy", "nhịp nhịp", "ngòn ngọt", "tương tư", "nhẹ nhẹ"; khổ hai không lặp lại câu "Sao đàn u hoài gì mùa thu?", và không kết thúc các chữ cuối của khổ thơ bằng thanh bằng, liệu hiệu quả của bài thơ có được như vậy? Rõ ràng, về hình ảnh, ngữ nghĩa, bài thơ không có gì nổi trội so với nhiều bài của các tác giả Thơ Mới khác, song về sử dụng thanh điệu, nó có nhiều điểm đáng nói và ghi dấu một nét duyên riêng trong những bài thơ thời kỳ đầu của Văn Cao. Sau này, ở bài "Huế xưa" (viết năm 1987), Văn Cao cũng có cách sử dụng thanh điệu khá kỳ công, khiến bài thơ ngân lên như một khúc nhạc buồn về một vệt mưa dài xứ Huế:

Về Huế xưa
Đường phố mưa dài
Về phố xưa
Nhìn phố mưa buồn 

Từng mặt gương đau
Từng mảnh gương tan 

Lòng phố lòng người
Giọt người chia ly
Giọt người yêu thương
Giọt nào không vương
Giọt người bơ vơ
Giọt người theo mưa về phố…

Rất nhiều thanh bằng trong một bài thơ, để nói cái triền miên của gió mưa, cái vấn vương của lòng người… Văn Cao là một nghệ sĩ đa tài, đủ cả cầm, kỳ, thi, họa. Có người nói, ca từ của ông rất giàu chất thơ. Lại có người nói, thơ ông giàu chất nhạc. Điều này đúng, nhưng theo tôi chỉ đúng với mấy bài thơ trích dẫn trên chứ không đúng với hầu hết các bài thơ còn lại của Văn Cao. Đọc thơ Văn Cao, ta ít gặp cái bay bổng du dương của một thứ "thơ hát" vốn dĩ tràn ngập thi đàn từ trước tới nay, mà chủ yếu thấy ở đó một giọng nói chậm rãi, thâm trầm của một người nhiều trải nghiệm và giàu suy tưởng. Nó như giọt sương đêm tí tách thẩm thấu vào mạch tư duy của người đọc, làm bừng lên trong họ một triết luận nào đó về lẽ sống, về kiếp nhân sinh…Thơ Văn Cao vì thế rất khác với phần lời (vốn dĩ được xem là "giàu chất thơ") trong các ca khúc của ông. Và đó cũng chính là đóng góp độc đáo của ông vào sự phát triển của thi ca Việt Nam hiện đại.

Văn Cao từng viết trong bài "Mấy suy nghĩ về thơ" (in trên tập san Văn nghệ tháng 7 năm 1957): "Có người phải tìm con đường lớn mới thấy dấu xe mà có người tìm thấy dấu xe trong một hạt bụi. Đấy là điểm khác nhau giữa những nhà thơ. Sao Nghệ thuật không biết tìm ở đấy sự phong phú? Sao người làm thơ không biết tìm riêng lấy một cách thể hiện?". Ý kiến này, đành rằng các nhà thơ cổ kim đông tây đã nói nhiều, song việc Văn Cao nêu lại ở thời điểm bấy giờ vẫn cứ là cần thiết, nhất là khi xu thế văn học phản ánh hiện thực một cách máy móc, thô thiển đang có cơ ngự trị văn đàn. Có những hiện thực không phải cứ là "đi thực tế" mới thấy. Cái quan trọng là cách khai thác hiện thực của mỗi tác giả. Ấy là chưa nói tới những dự cảm mang tính tiên báo, một điều rất "nhạy" ở Văn Cao (từng thể hiện cả trong nhạc và trong thơ của ông).

"Con thuyền đi qua/ để lại sóng/ đoàn tàu đi qua/ để lại tiếng/ đoàn người đi qua/ để lại bóng/ tôi không đi qua tôi/ để lại gì?" - Văn Cao từng đau đớn đặt câu hỏi với chính mình. Và rồi - một cách không dễ dàng - ông đã "đi qua" ông và để lại cho đời những cảm nhận tinh tế, những triết luận sâu sắc, mang đậm dấu ấn Văn Cao.

Những bó hoa mang tới 
                                     chúc tụng
Thành công một con người
Hàng ngày hàng ngày
Xây thành cái mồ chôn
Con người thành công ấy
Người ta đôi khi bị giết
                               bằng những bó hoa
(bài "Những bó hoa").

Đúng là ở đời, có những người đã bị vinh quang ru ngủ và đã "chết" ngay sau thành công đầu tiên, "chết" bởi chính những bó hoa chúc tụng kia. Nhà văn Phan Thị Vàng Anh từng kể rằng, sinh thời, cha chị - nhà thơ Chế Lan Viên - rất sợ bị mất thời gian bởi những cuộc thù tạc. Và ông luôn nhìn những quán cà phê "như nhìn những nấm mồ chôn thì giờ!". Tất nhiên, không phải ai cũng như Văn Cao, như Chế Lan Viên để mà ý thức được điều này.

Có lúc
Một mình một dao giữa rừng đêm không sợ hổ 

Có lúc
ban ngày nghe lá rụng sao hoảng hốt
(bài "Có lúc").

Hồ Chí Minh từng viết trong "Thế lộ nan" (Đường đời hiểm trở): "Núi cao gặp hổ mà vô sự/ Đường phẳng gặp người, bị tống lao". Ấy là cách đối sánh hình ảnh, sự việc mà một nhà chính trị, một nhà hoạt động xã hội gặp phải để cho thấy cái bất công của chính quyền Tưởng Giới Thạch trong cách xử sự với đồng loại. Văn Cao trước nhất là một nghệ sĩ. Qua bài thơ trên, ông muốn cảnh tỉnh chính mình: Con người một khi đã để nhụt ý chí, để mất phương hướng thì rất dễ rơi vào trạng thái cô đơn, hoảng hốt, sợ cả những cái hết sức thường tình. Tất nhiên, không chỉ cảnh tỉnh chính mình, bài thơ còn là một lời nhắn gửi tới những ai đó, rằng trong việc xử sự với các văn nghệ sĩ, đừng bao giờ đẩy họ "có lúc" phải rơi vào trạng huống như vậy… Làm sao để giấc ngủ của họ mãi mãi trọn vẹn một giấc mơ đẹp: "Dưới mái nhà/ Một người đang ngủ/ Với giấc mơ của những vì sao/ Những vì sao đang kể chuyện/ Giấc mơ của mái nhà/ Giấc mơ của một người đang ngủ" (bài "Giấc mơ").

Nhà thơ Thanh Thảo quả là có lý khi nhận xét rằng: "Trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, thơ ông không chỉ là chỗ dựa cho ông, mà còn là chỗ dựa cho rất nhiều người", khiến những người này "chợt bình tâm trước những thử thách" (bài "Văn Cao vẫn đồng hành với chúng ta", sách "Mãi mãi là bí mật", NXB Lao động, 2004).

Như trên đã nói, Văn Cao là một người có tài cầm, kỳ, thi, họa. Trong thơ ông, nếu như phần "nhạc" không thật được ông chú trọng (ông chú ý tới "nhịp thơ" hơn là "nhạc thơ") thì phần "họa" lại có những tác động đáng kể. Có thể thấy, thơ Văn Cao rất nhiều nét đẹp tượng hình:

Từ trời xanh
                    rơi
                          vài giọt tháp Chàm

(bài "Quy Nhơn 3")

biển đưa về vài chùm chim yến
nắng làm khô những trái dừa non

(bài "Quy Nhơn 2").

Đó là những câu tả cảnh. Còn đây, tả người, trước nhất là tả vẻ đẹp gương mặt phụ nữ:

Những ngày đau khổ ấy
Khuôn mặt em
Như mảnh trăng những đêm rừng cháy

Thứ đến là vẻ đẹp của vóc dáng họ:

Trên đường đi
Anh đặt em bên dốc núi
Để tìm lại những đường mềm của núi

(bài "Khuôn mặt em").

Lột tả cái xấu của ngoại hình để nói cái xấu của nhân tâm, Văn Cao cũng có những câu sắc lẹm: "Tôi đã gặp lại anh/ Im lìm như một bức ảnh/ Người anh dẹt như một con dao/ Gây nhiều vết thương cho bạn hữu". Mặc dù "Anh mang trong tôi nhiều bộ mặt" tưởng không dễ phán đoán "Đâu là cái cuối cùng", nhưng với tác giả, ông nhận ra bộ mặt thật của con người này qua một chi tiết: "Chỉ còn hai con mắt/ Trắng dã không thể dối lừa" (bài "Về một người"). Những câu thơ của Văn Cao bất giác làm tôi nhớ tới một ý thơ của Bertolt Brecht: "Làm kẻ ác thật là vất vả". Đúng vậy, làm kẻ ác thật là vất vả, nhất là trong xã hội của chúng ta, bởi muốn tác oai tác quái hại người, họ phải… đeo mặt nạ.

Cách đây ngót hai chục năm, trong lời bình bài thơ "Sự sống thật" của Văn Cao (in trên Báo Người Hà Nội số ra ngày 20/9/1992), tôi đã có đoạn kết như sau: "Thơ ông có bài mang cái hay của "thơ họa", có bài là "thơ nhạc". Còn bài này thì đúng thực là "thơ thơ". Bởi cái lối tư duy hình tượng kiểu ấy, vốn là khả năng rõ rệt nhất  thường thấy - ở các thi sĩ". Đến nay, với thơ Văn Cao, tôi vẫn giữ nguyên cách nhìn nhận như vậy. Và tôi cho rằng, không chỉ thể hiện ở "Sự sống thật", lối tư duy hình tượng độc đáo của Văn Cao còn được bộc lộ ở nhiều bài thơ khác, qua những liên tưởng rất tạo sự ám ảnh:

Thời gian qua kẽ tay
Làm khô những chiếc lá
Kỷ niệm trong tôi
Rơi
       như tiếng sỏi
                     trong lòng giếng cạn

(bài "Thời gian")

Mắt anh và mắt tôi
Một lớp tro đang dòng dòng kéo sợi
Như tơ nhện trong không gian đầy nước
Phủ các đồ vật cũ
Phủ lên cả chúng ta

(bài "Đôi bạn", viết tặng Nguyễn Tuân).

Chính khả năng liên tưởng mạnh đã giúp thơ Văn Cao trở nên kiệm lời hơn (bởi có những liên tưởng tự thân nó đã thay lời dẫn chuyện, tự thân đã tạo nên cấu tứ cho bài thơ). Thơ Văn Cao vì thế cũng hàm súc hơn, cô đọng hơn.

Không có cái cuốn hút đến độ “nhập đồng” của giai điệu. Cũng không có cái mỡ màng của chữ nghĩa non tươi, thơ Văn Cao thoạt cho ta cảm giác như một thứ hạt giống khô được cất giữ kỳ công nhưng lại có khả năng làm nảy nở trong tâm trí người đọc những hạt tư duy lung linh màu sắc…

27/6/2011

P.K.
.
.