Nhà thơ Trần Đăng Khoa với mảng thơ về quần đảo Trường Sa

Thứ Năm, 16/11/2017, 08:15
Có lẽ đến nay, Trần Đăng Khoa là một trong số ít nhà thơ viết nhiều nhất và thành công nhất về Trường Sa.  Anh đã có thời gian là lính hải quân có mặt ở quần đảo này. 


Ngay trong bài thơ đầu tiên viết về Trường Sa đầu những năm 80 của thế kỷ trước - bài "Thơ tình người lính biển", có thể nói với cái nhìn tiên tri của nhà thơ, Trần Đăng Khoa đã thấy trước cuộc chiến bảo vệ Trường Sa sẽ rất khốc liệt ngay trong thời điểm:

Anh ra khơi
Mây treo ngang trời những cánh buồm trắng
Phút chia tay, anh dạo trên bến cảng
Biển một bên và em một bên

Biển ồn ào, em lại dịu êm
Em vừa nói câu chi rồi mỉm cười lặng lẽ
Anh như con tàu lắng sóng từ hai phía
Biển một bên và em một bên

Ngày mai, ngày mai khi thành phố lên đèn
Tàu anh buông neo dưới chùm sao xa lắc
Thăm thẳm nước trời, nhưng anh không cô độc
Biển một bên và em một bên

Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên
Bão thổi chưa ngừng trong những vành tang trắng
Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng
Biển một bên và em một bên

Vòm trời kia có thể sẽ không em
Không biển nữa. Chỉ mình anh với cỏ
Cho dù thế thì anh vẫn nhớ
Biển một bên và em một bên...

Trong bài thơ tình da diết nói trên bất thần xuất hiện hai câu thơ găm vào trái tim người đọc như một tỉnh thức, như một dự báo về một cảnh giới của chiến tranh làm chúng ta nhói đau và không thể nguôi yên:

Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên
Bão thổi chưa ngừng trong những vành tang trắng

Chỉ tám năm sau, trận chiến đấu tại Gạc Ma, Trường Sa năm 1988, sự hy sinh anh dũng của 64 chiến sĩ hải quân trong mưa đạn đối phương đã minh chứng cho lời thơ đau đớn  ấy. Chắc tác giả cũng không lý giải được vì sao trong bài "Thơ tình người lính biển" - một bài thơ tình yêu da diết của mình lại đột ngột hiện lên hai câu thơ đầy dự cảm xót xa ấy. Chưa dừng ở đó, trong bài thơ tiếp theo "Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn" viết năm 1981 (đoạt giải nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1982), Trần Đăng Khoa đã dựng lên hình ảnh đầy gian lao của những người lính biển:

Chúng tôi ngồi trên đảo Sinh Tồn
Bóng đen sẫm như gốc cây khô cháy
Mắt đăm đăm nhìn về nơi ấy
Nơi cơn mưa thăm thẳm xa khơi
Ánh chớp xanh lấp loáng phía chân trời...

Ôi ước gì được thấy mưa rơi
Mặt chúng tôi ngửa lên như đất
Những màu mây sẽ thôi không héo quắt
Đá san hô sẽ nảy cỏ xanh lên
Đảo xa khơi sẽ hóa đất liền

Những người lính khi ấy khó mà nghĩ được rằng chỉ 7- 8 năm sau, quần đảo Trường Sa yên bình ngày trước trở thành điểm nóng nhất trên bản đồ đất nước, nơi các thế lực ngoại xâm sẽ đổ quân vào. Nhưng với nhà thơ thì khác, Trần Đăng Khoa trong bài thơ viết về những người lính ngóng mưa rơi giữa đại dương đã khẳng định một điều, họ sẽ trụ vững trước mọi thử thách, bão tố "Như đá vững bền, như đá tốt tươi":

Chúng tôi ngồi ôm súng đợi mưa rơi
Lòng thắc thỏm niềm vui không nói hết
Mưa đi! Mưa đi! Mưa cho mãnh liệt
Mưa lèm nhèm, chúng tôi chẳng thích đâu
Nhưng không có mưa rào thì cứ mưa ngâu
Hay mưa bụi... mưa li ti... cũng được
Mặt chúng tôi ngửa lên hứng nước
Một giọt nhỏ thôi, cát cũng dịu đi nhiều
Ôi hòn đảo Sinh Tồn, hòn đảo thân yêu
Dẫu chẳng có mưa, chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt đảo
Đảo vẫn sinh tồn trên đại dương đầy gió bão
Chúng tôi như hòn đá ngàn năm trong nhịp đập tim người
Như đá vững bền, như đá tốt tươi...

Tôi chợt nghĩ, hình như trong mỗi cuộc chiến tranh giữ nước của dân tộc ta, nền văn học trận mạc của chúng ta thường gửi tới những nơi chiến trường ác liệt nhất các nhà thơ tinh hoa nhất của đất nước như: Quang Dũng với "Tây tiến", Phạm Tiến Duật với "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây", Thanh Thảo với "Dấu chân qua trảng cỏ", Hữu Thỉnh với "Đường tới Thành phố", Nguyễn Duy với "Tre Việt Nam", Nguyễn Đức Mậu với "Trường ca Sư đoàn", Hoàng Nhuận Cầm với "Anh bộ đội và tiếng nhạc la"… và đến hôm nay là Trần Đăng Khoa với những bài thơ viết về quần đảo bão tố Trường Sa. Trong bài thơ "Lính đảo hát tình ca trên đảo" dưới đây, Trần Đăng Khoa đã phát hiện một chân dung mỹ cảm mới trong thơ viết về những người lính đang sống và thường trực chiến đấu trong điều kiện muôn vàn thiếu thốn, khó khăn ở những hòn đảo cực Đông của Tổ quốc phía Trường Sa:

Đá san hô kê lên thành sân khấu
Vài tấm tôn chôn mấy cánh gà
Em đừng trách bọn chúng anh tạm bợ
Chẳng phông màn nào chịu nổi gió Trường Sa

Gió rát mặt, đảo luôn thay hình dạng
Đá củ đậu bay như lũ chim hoang
Cứ mặc nó! Nào hỡi các chiến hữu
Ta bắt đầu thôi. Mây nước đã mở màn...

Sân khấu lô nhô mấy chàng đầu trọc
Người xem ngổn ngang cũng... rặt lính trọc đầu
Nước ngọt hiếm, không lẽ dành gội tóc
Lính trẻ, lính già đều trọc tếu như nhau

Những lúc vui cứ gọi đùa sư cụ
Là bà con xa với bụt ốc đây mà
Thôi lặng yên nghe. Có gì đang sóng sánh
Hoá ra là sư cụ hát tình ca

Cái giai điệu ngang tàng như gió biển
Nhưng lời ca toàn nhớ với thương thôi
Đêm buông xuống nhìn nhau không rõ nữa
Cứ ngỡ như đảo đá cất thành lời...

Rằng có đêm trăng dắt em đi dạo
Gương mặt em dịu dàng. Hàng cây cũng tươi xinh
Mở mắt chung chiêng nghe lưng trời sóng vỗ
Và tay mình lại nắm lấy tay mình

Người yêu chúng anh ơi, các em ở phương nào?
Tóc em ngắn hay dài? Có trời mà biết được
Bóng dáng nào sẽ đến với chúng anh?
Trông bốn phía chỉ âm u mây nước

Nào hát lên cho mây nước biết
Rằng chúng ta là những con người
Yêu em thủy chung hơn muối mặn
Dù thư tình chưa biết gửi cho ai...

Nào hát lên cho đêm tối biết
Rằng tình yêu sáng trong ngực ta đây
Ta đứng vững giữa muôn trùng sóng gió
Tổ quốc Việt Nam bắt đầu ở nơi này

Điệu tình ca cứ ngân lên chót vót
Bỗng bàng hoàng nhìn lại phía sau
Ngoài mép biển, người đâu lên đông thế
Ồ, hoá ra toàn những đá trọc đầu...

(Đảo Sơn Ca, tháng 5-1982)

Những năm 80 ấy, đời sống của người lính hải quân trên các hòn đảo chìm ở Trường Sa vô vàn cực nhọc khi khan hiếm nước ngọt, khan hiếm rau xanh,  khan hiếm thức ăn, khan hiếm đủ mọi thứ chứ không được đầy đủ vật chất như bây giờ. Và, những người lính khi ấy đôi khi phải liều mạng bơi xuống biển đối mặt với loài cá mập hung dữ để kiếm cái ăn mà trong bài thơ "Đoạn văn xuôi chép ở đảo chìm", Trần Đăng Khoa đã kể về câu chuyện đó:

Có gì đâu, chiều ấy trong lều bạt
Cơn sốt thuở Trường Sơn quật tôi tái tê người
Anh bạn bên tôi hết đứng lại ngồi
Không sao yên lòng được

Đảo vẫn còn chìm dưới ba mét nước
Măng khô hết rồi. Chỉ thăm thẳm biển xanh
Lưới chẳng có mà cá vờn trước mặt
Biết tìm đâu ra một bát canh?

Lựu đạn bất ngờ nổ banh ruột nước
Cá từng đàn bỗng nổi trắng như sao
Anh bạn tôi nhào ra vớt cá
Trong lúc xung quanh lũ mập cũng lao vào

Những ánh chớp đen nhoáng nhoàng trong nước
Thôi, bạn ơi, vài con cá bõ gì
Hãy vứt lại, lên ngay lều bạt
Bạn mỏng mảnh thế này... mập dữ tợn nhường kia...

Nhưng bạn tôi vẫn quần nhau với mập
Biển sủi tăm. Tanh ngắt. Đục ngầu
Trong khoảng nước nông, bạn tôi bơi đứng
Mập chỉ chờn vờn, chẳng đớp được đâu

- Sao lúc ấy nó không húc cậu
Rồi nuốt luôn khi cậu mất thăng bằng?
Tôi hỏi bạn lúc ngồi bên xoong cá
Thấy bạn vui mừng, lòng tôi vẫn  băn khoăn

- Cái giống mập chẳng có gì đáng sợ
Tuy dữ dằn nhưng lại rất ngu
Nếu mà chúng khôn ranh như thế
Mình sống làm sao được đến bây giờ!

Bạn tôi cười. Hồn nhiên như trẻ nhỏ
Rồi giọng lại vang ầm át cả sóng biển khơi:
- Cậu hiểu không, tớ chỉ sợ người thôi
Nhất là khi người biến thành cá mập!

(Đảo Thuyền Chài, 3-1982)

Về thơ Trần Đăng Khoa có nhiều điều để nói. Có không ít người cho rằng, thành tựu văn học chính của anh là các bài thơ thuở "thần đồng" và anh là "vua" thơ thiếu nhi thời kháng chiến chống Mỹ.

Tôi lại nghĩ hơi khác, chỉ với loạt bài thơ viết về quần đảo bão tố Trường Sa, trong đó có mấy bài được trao giải nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1982, Trần Đăng Khoa đã sớm ghi dấu ấn độc đáo của thơ mình vào thi ca đương đại như một chứng nhân, một thi sĩ công dân trên quần đảo bão tố, và thơ của anh về Trường Sa sẽ còn được nhắc đến trong nhiều năm tới.

Chúng ta đã có một Trường Sơn - Thơ của Phạm Tiến Duật trong cuộc chiến tranh giải phóng đất nước trước đây và có một Trường Sa - Thơ của Trần Đăng Khoa trong hành trình bảo vệ Tổ quốc và biển đảo ngày hôm nay.

Nguyễn Việt Chiến
.
.