Nhà thơ Tạ Vũ: Cô đơn trong sự ồn ào

Thứ Ba, 18/11/2014, 08:00
Bây giờ, mọi việc với nhà thơ Tạ Vũ đã khép lại. 4 giờ sáng ngày 8 tháng 10 năm 2014, ông trút hơi thở cuối cùng. Theo nghi lễ, khi nhập quan, người thân của ông đặt hai tay ông lên bụng, để ông buông xuôi tất cả...

Ông là nhà thơ. Tâm hồn ông là tâm hồn thi sĩ. Vì thế, trong cuộc hành trình bay vào cõi vô tận mênh mang này, bao nỗi niềm trong thơ ông, chưa buông xuôi tất cả.

Sinh thời, đã nhiều bài viết về nhà thơ Tạ Vũ. Nhất là tính cách ồn ào trong sinh hoạt của ông. Cũng có lời chê, nhưng hầu hết đều thể hiện lòng yêu quý của mọi người dành cho ông. Ông là người từng trải qua nhiều nghề, nhưng công việc chính của ông là làm thơ. Ông không có gì để lại, ngoài thơ. Thơ của ông, đa phần thấy công việc ồn ào, thấy nhịp sống sôi động. Bình tâm đọc lại, tôi còn nhận thấy có sự mong manh, nét cô đơn của kiếp người, thấp thoáng phơi ra trước cái sôi động, ồn ào của cuộc sống.

Cô đơn, là thuộc tính của sáng tạo. Nhưng quả thực, nhiều người cũng như tôi chợt nghĩ về ông, một con người bụi bậm, thích rượu, đọc thơ thì như quát vào tai người nghe, hỏi đâu còn phút cô đơn? Vậy mà thơ ông lại có khá nhiều bài phơi ra sự cô đơn ấy.

Trong bài thơ viết về mẹ, ông mở đầu bằng mấy câu thơ:

Tiếng ru hời
Tiếng ru hời mồ côi.

Cuối bài thơ, ông lại viết:

Con mồ côi
Tìm thấy mẹ
Con mồ côi
Mồ côi hơn.

          (Mẹ tôi)

Bài thơ "Câu hát cũ có đám mây bay", ông tự giãi bày gia cảnh của mình: "Hai tuổi mất cha. Sáu tuổi mồ côi mẹ". Cái gia cảnh tuổi thơ của ông vẫn được bọc ngoài cái vẻ bình yên, khá giả, nhưng thực chất bên trong đã chứa chất bao sự xộc xệch, xuống cấp rồi. Chứa chất nhiều nỗi cô đơn:

Nhà tôi ba tầng
đứng cô đơn trong dãy phố
nhà tôi
mười người
sống cô đơn cùng nhau.

Ông viết về bà cô của mình, nhưng người đọc lại nhận ra hình bóng đứa cháu ẩn khuất một góc đâu đó trong góc nhà, lặng lẽ nhìn ngắm sự cô quạnh của những người thân ruột thịt mình:

Những miếng trầu cay làm đêm mất ngủ
Cô lại ngồi
Trong bóng tối nhai trầu.

                                        (Bà cô)

Tạ Vũ làm thơ rất sớm. Ông đã có thơ in báo từ trước năm giải phóng Thủ đô. Nhưng phải sang giai đoạn đất nước bước vào công cuộc xây dựng CNXH, thơ ông mới thể hiện đúng phẩm chất nhà thơ của ông. Nếu tính đầu sách in riêng, ông chỉ có ba tập thơ. Tập thơ "Những cánh chim trời", NXB Thanh Niên, 1974. Tập trường ca "Vầng sen Hàm Rồng", NXB Lao Động, 1975. Hai tập thơ này, được hai nhà xuất bản lo in ấn cho ông, theo chỉ tiêu bao cấp. Bước sang thời cơ chế thị trường, Tạ Vũ không có tiền để in sách thơ cho mình, mặc dù ông vẫn viết khỏe, in thơ đều đặn trên các báo. Tập thơ thứ ba, tập "Lá cỏ" (NXB Hội Nhà văn, 2001) được ra đời nhờ sự giúp đỡ của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội và các bạn bè thi hữu. Hai tập thơ đầu, phản ánh khí thế hăng say lao động sản xuất của những người thợ, bất chấp nắng mưa và lửa đạn. Cái tôi trong hai tập thơ này, là tâm thế những con người biết cống hiến hết mình cho công cuộc dựng xây đất nước. Những vần thơ chắc, khỏe, phản ánh cảm xúc hào sảng của người thợ. Chính qua hai tập thơ này, đã định vị, khẳng định vị thế thơ Tạ Vũ. Nói đến văn học viết về đề tài công nhân, là không thể không nói đến nhà thơ Tạ Vũ. Tập thơ thứ ba của ông, có nhiều bài thơ, nhiều câu thơ phơi nỗi niềm riêng tư của nhà thơ. Phẩm chất thi sĩ trong tập thơ này được thể hiện rõ hơn. Ngoài mạch thơ viết về lao động sản xuất, trong tập có nhiều bài ông viết cho người thân trong gia đình, cho bạn bè, cho các nhà thơ mà ông tôn vinh là bậc thầy của mình. Ở những góc nhỏ này, con người Tạ Vũ càng được phơi rõ hơn.

Trong bài thơ "Đường vào nhà Thầy", ở đây không nói rõ, nhưng người đọc cũng nhận ra ông viết gửi một người thầy văn chương của ông, nhà thơ Chế Lan Viên. Ông cảm nhận sự chăm chút của nhà thơ bậc thầy với thân phận lận đận của ông:

Ngay như em đầu bờ cuối bãi
Thầy thương vai áo mỏng gió buốt cào.

Ông tự nhận thân mình đầu bờ cuối bãi, vậy mà tâm hồn ông lại biết vượt cái khốn khó đó, để viết câu thơ với vẻ đẹp trang trọng "Câu thơ dắt tay Thầy bay, bay tít tít xa".

Mượn sự cô đơn của người bạn, nhà thơ nói về sự cô đơn của chính mình:

Nỗi buồn vặt của anh từng ngày thả vào cốc rượu.
Quán đông hay quán vắng
Ngồi với anh em
Hay ngồi một mình
Anh như người bị đánh rơi sổ gạo.

(Trong quán rượu)

 Ở một bài thơ tình, viết cho người vợ, thoáng nỗi lòng chơi vơi của ông không giấu được: "Em đừng làm chân trời/ Lòng anh đi không tới". Sau cái vỏ xô bồ, dữ dội của con người ông, lại phơi ra một góc tâm hồn ông. Đó là sự yếu đuối mong manh, cần sự an ủi, động viên của người thân: "Em hãy làm gió thổi/ Giục thuyền anh ra khơi".

Sinh thời, Tạ Vũ là týp nhà thơ ồn ào, sôi động. Ở đâu có mặt ông, là có sự chộn rộn ở nơi đó. Một tâm hồn khỏe mạnh, yêu đời, viết về người thợ bốc vác "Chiếc khăn như bình minh vắt vai" và viết về người thợ xây dựng, với niềm tin vạm vỡ "Mùa khô rồi, nắng hanh tươi"... thì những trang viết về nỗi niềm riêng lẻ, cô đơn của ông, như bổ sung cho nhau, để người đọc hiểu hoàn chỉnh hơn về con người ông. Bình tĩnh đọc lại những bài thơ cuối của ông, người đọc thêm quý cái mong manh, cô đơn của một tâm hồn thi sĩ. Chỉ khi con người từng trải, đi qua mọi niềm vui, thì mới biết giá trị của nỗi buồn, của cô đơn. Cô đơn, là thuộc tính của sáng tạo. Tất nhiên, mọi khen chê, với nhà thơ Tạ Vũ bây giờ cũng không còn ý nghĩa. Cánh chim trời Tạ Vũ đã bay về chân trời vô tận. Nhưng nhận định, đánh giá về sức sáng tạo của một nhà thơ đã đi xa, âu cũng là điều cần thiết.

Tháng 10/2014

Vũ Từ Trang
.
.