Nhà thơ Phan Vũ: Lãng du giữa hai miền Thi –Họa

Thứ Năm, 02/08/2018, 11:18
Một màu xanh, một màu đỏ quyện chặt, đan vào, tách ra trong hỗn mang. Ngắm tranh Phan Vũ, chợt hiện lên những câu thơ ngút ngàn xanh - dấu xanh ký ức: "Ta còn em một màu xanh thật đêm/ Chấm lửa/ Điếu thuốc cuối cùng/ Xập xòe/ Kỷ niệm... / (...) Cuộc tình đầu ngọt lịm/ Nụ hôn còn xanh mãi trên môi.../ Đêm kinh kỳ/ Thuở ấy/ Xanh lơ...".


Ngày khai mạc triển lãm tranh "Em ơi, Hà Nội phố" ở Gallery Bình Minh (quận 3, TP Hồ Chí Minh), Phan Vũ vui như đứa trẻ. Tấm thân khó nhọc nhưng lão nghệ sĩ già vẫn run rẩy bước, hồ hởi tay bắt mặt mừng những gương mặt quen đến tề tựu, chia vui. 24 bức tranh làm sáng bừng gian phòng trưng bày.

Với ông, ngày mưa tháng 7 ấy vui như Tết. Ông hát, ông ngâm thơ ngân nga hào sảng dù giọng khàn đục. Suốt buổi ông cứ lẩm bẩm: "Chẳng mấy chốc trời bắt tôi về tiền kiếp nhưng trời cho tôi sống đến từng này tuổi và còn đam mê đủ thứ là tôi mãn nguyện lắm rồi".

Có lẽ hiếm nghệ sĩ nào đã 93 tuổi mà vẫn sáng tác sung sức, cho ra đời tranh lẫn thơ sòn sòn như Phan Vũ. Sự sung sức của Phan Vũ khiến nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân phải thảng thốt: "Nếu được thấy và biết ông, ai cũng sẽ phải công nhận trong ngạc nhiên rằng trẻ khỏe mãi như thế cả về thân thể lẫn tâm hồn thực là xưa nay rất hiếm. Phan Vũ hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực mà nhẹ nhàng như không với ham mê là nguồn năng lượng duy nhất cần cho sáng tạo".

Nhà thơ, họa sĩ Phan Vũ.

Ngoài thơ, sắc màu là nơi ông trút nỗi buồn trong những tháng ngày tuổi già cô quạnh. Phan Vũ gọi loạt tranh cuối đời của mình là "Nỗi buồn rực rỡ". "Một chút bi tráng tự sự với những màu sắc rực rỡ, đối lập nhưng lại có độ trầm tạo thành một nỗi buồn dịu êm". Quả đúng như ông tự sự. Những bức tranh đậm đặc sắc độ, dữ dội và đầy cuồng si.

Nói như nhà phê bình Nguyễn Quân: "Màu gần như nguyên không pha trộn, nét uốn lượn hay gãy khúc, lặp lại và vặn xoắn, buông chùng hay giăng nối…, đều như chỉ "đi" một lần, một hơi. Không có bản nháp hay phác thảo cho nỗi nhớ như là cái leitmotiv (chủ đề đặc trưng) trong các bức tranh sặc sỡ và mạnh bạo của "đại lão" họa -thi sĩ Phan Vũ". 

Ngoài những bức tranh xoay quanh chủ đề "Em ơi, Hà Nội phố" như một nỗi nhớ đau đáu, trăn đi trở lại, Phan Vũ còn dùng sắc xanh, đỏ, tím, xám để làm nên những bức tự họa, những giấc mơ, người tình... Nhà phê bình Nguyễn Trọng Chức đánh giá: "Loạt tranh Phan Vũ vẽ những tháng gần đây trừu tượng có, nửa trừu tượng có, biểu hiện có, cả những chân dung và phong cảnh nửa hiện thực nửa ước lệ.

Có gì đó thật trẻ trung trong cách ông bày tỏ bằng màu sắc những ngẫm ngợi và cảm xúc của mình. Có những chuyện thế sự và triết lý về cuộc đời, về cả những năm tháng chất chồng lên đôi vai ông như Phan Vũ từng tâm tình: "Cái gốc si già này là tôi vẽ tôi đấy - năm tháng qua đi, gốc si già vẫn còn đó nhưng những chùm rễ nó buông xuống là những nỗi buồn và cả sự cô đơn của kiếp người…". Nhưng dù đó là nỗi buồn bã, cô đơn chăng nữa thì nó vẫn được thể hiện bằng một bảng màu nguyên, mạnh mẽ và đầy mê đắm".

Phan Vũ bảo cứ hễ ai hỏi ông học vẽ ở đâu, ông tự nhận mình chẳng học hành gì, nói cho nhanh là vô học: "Từ làm đạo diễn, viết kịch, vẽ tranh đều cứ thích thế nào thì tôi nghịch ngay thế đấy. Chỉ duy nhất làm thơ là... tôi làm từ hồi nhỏ". Hơn 70 tuổi, ông bắt đầu cầm cọ. Lý do đơn giản: thấy những người bạn thân như Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên... vẽ đẹp quá mà thèm. Có lẽ nhờ "vô học" mà thơ và tranh Phan Vũ không đi theo nguyên tắc kỹ thuật khuôn thước, không cầu kỳ hình thức mà giàu tính tự sự, ngồn ngộn xúc cảm, ghi lại những rung động tinh tế, quan sát mẫn cảm của người nghệ sĩ.

Lần đầu tiên thấy Phan Vũ say sưa trước toan, họa sĩ Lưu Công Nhân không khỏi ngạc nhiên: "Và một hôm tôi thấy hắn vẽ tranh. Phan Vũ bảo tôi: "Nhân thấy thế nào, được lắm chứ?". Quả thật thì Phan Vũ vẽ cũng rất đáng yêu, cũng như Phan Vũ làm thơ, nhưng cả hai sự ấy cũng chưa đáng yêu bằng chính con người Phan Vũ, một lão già ngoài 70 tuổi mới cầm bút vẽ và "tuyên bố" với một họa sĩ - là tôi: "Tao vẽ mỗi ngày một giống người mẫu hơn và người mẫu của tao càng ngày càng… khen tao nhiều hơn". Nhìn mái tóc bạc, cặp kính lão, cái cằm lởm chởm râu của Vũ, tôi đành phải thốt lên: "Đúng là một nghệ sĩ vừa uyên bác, vừa ngây thơ… tươi roi rói!!!".

Phan Vũ từng tuyên bố: "Tôi muốn kéo những bức tranh của tôi đến gần các bài thơ của tôi". Và ông vẽ như thế thật. Nhà phê bình Nguyễn Quân cho rằng có lẽ ở Phan Vũ là con người của lý tưởng văn nhân cổ điển với mực thước toàn diện "cầm kỳ thi họa" và quan niệm thẩm mỹ "thi trung hữu họa, họa trung hữu thi" đã ám ảnh các nghệ thuật mà ông thực hành suốt mấy thập kỷ qua.

Một tác phẩm của nhà thơ Phan Vũ tại triển lãm tranh "Em ơi, Hà Nội phố".

Những câu thơ của bản trường ca "Em ơi, Hà Nội phố" ông viết tháng chạp năm 1972 nhòa hiện vào 15 bức mang chủ đề cùng tên. Đó là dáng hình thiếu nữ, là con đường xanh đỏ, vàng úa, là cây bàng mồ côi mùa đông, là tiếng dương cầm khắc khoải giữa điêu tàn chiến chinh với câu thơ nao lòng: "Em ơi Hà Nội phố/ Ta còn em... những bóng mây hồng tụ rồi tan thật bất ngờ"; "Em ơi Hà Nội phố/ Ta còn em ... tiếng dương cầm trong khung nhà đổ/ Nhưng nốt nhạc thiên tài lẫn trong mảnh vỡ..."; "Em ơi Hà Nội phố/ Ta còn em lô xô hàng ngói cũ/ Hiu quạnh/ Một ngôi nhà/ Oa oa tiếng khóc/ Con ra đời cơn bão rớt/ Bẻ gãy cành đa.../ Con lớn lên/ Chinh chiến gần kề trước cửa"...

Phan Vũ không phải là người Hà Nội. Quê ông ở Hải Phòng và chỉ chuyển ra sống ở Hà Nội vài năm. Nhưng trường ca "Em ơi, Hà Nội phố" đã gắn chặt tên tuổi họ Phan với xứ kinh kỳ. Bởi chỉ ai yêu Hà Nội say đắm đến thế thì mới viết được những câu thơ nồng nàn, bi tráng và ngất ngư như thế. Việc Phú Quang phổ nhạc trường ca "Em ơi, Hà Nội phố" thành bài hát cùng tên khiến cho tên tuổi Phan Vũ nổi như cồn.

Khách quan mà nói, người ta biết nhiều về bài hát hơn là về bản trường ca dài hơn 400 câu. Mỗi lần chép tặng bạn bè, Phan Vũ ghi lại theo trí nhớ nên có rất nhiều dị bản. Tháng 4- 2018, bản in đầy đủ mới được ra mắt độc giả trong tập thơ "Ta còn em" và người ta mới ngạc nhiên bởi Phan Vũ có nhiều câu thơ tuyệt tác cũng như hơn 30 bài thơ hay khác ông viết từ năm 1956 đến nay.

Ngày chưa cầm cọ, thơ Phan Vũ đã đậm đặc cảm thức hội họa. "Bình vỡ" - bài thơ đầu tiên ông viết- hiện lên bức tĩnh vật buồn bã: "Tôi có một chiếc bình/ vẫn để không/ trong góc phòng/ Im lìm lặng lẽ/ như một nỗi cô đơn tĩnh vật/ trinh nguyên/ Một chiếc bình xanh/ ngóng mong một bông hoa thẫm đỏ/ Rồi một hôm bình vỡ/ chỉ còn màu xanh trong từng mảnh nhỏ...".

Tranh và thơ của Phan Vũ luôn ám ảnh một màu xanh. Ông yêu màu xanh ấy với đủ mọi cấp độ, từ xanh biếc, xanh lơ, xanh thẫm, xanh ngát... Màu xanh ấy như mùa xuân bất diệt mà ngưỡng tuổi già vẫn là khu vườn cho lá hoa đua nở. Phan Vũ yêu và đắm đuối mê dại trong cơn si lãng tử của mình. Như khi ông 73 tuổi và nên duyên với một phụ nữ 37 tuổi mang tên Diễm Chi, người ta hiểu nguồn yêu có bao giờ vơi cạn ở lão nghệ sĩ như gốc si già ấy.

Ngày ra mắt tranh, vâng lời chồng, Diễm Chi ngâm bài thơ "Tôi vẽ" - tuyên ngôn hội họa của lang quân: "Tôi vẽ bình nghiêng/ Rượu đổ/ Vẽ chuyến đi xa/ Những dư thừa lẫn với màu hoa/ Tôi vẽ chân trời mù mịt/ Kẻ độc hành lạc hướng/ Bơ vơ (…)/ Tôi vẽ dọc ngang/ Chi chít những song hành/ Câu hát đen đồng nghĩa/ Với phán truyền/ Tôi vẽ một lõa lồ/ Không che đậy/ Nguyên khổ những hình hài khao khát/ Đam mê/ Tôi vẽ những tan hoang/ Rách nát/ Ê chề/ Tôi vẽ mặt hề/ Trong những cuộc tình vô vọng/ Một tôi đích thực/ Tôi vẽ người yêu/ Mãi mãi vô hình…".

Đã yêu điều gì, Phan Vũ đắm đuối với nó. Có lẽ thế, ở lĩnh vực nào ông cũng gặt hái thành công. Ông đắm đuối đúng kiểu của một gã du canh: từ một nhà viết kịch, đạo diễn sân khấu, đạo diễn điện ảnh rồi gắn bó với thơ và họa.

Nói như nhà thơ Dương Tường: "Không nhằm chủ đích thâm canh ở một miếng đất nào, nhưng nghệ thuật của Phan Vũ để lại trong lòng công chúng một ấn tượng động mà át âm (dominante), là một vị ngọt ngào thơ man mác tình. Ở tuổi ngoài 90, gã lãng du Phan Vũ, bởi không dừng lại ở một ga thời gian nào, nên mãi mãi là một trẻ thơ tung tăng và lang thang trong mê lộ miên man của miền thi - họa đầy quyến rũ...".

Mai Quỳnh Nga
.
.