Nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên: Vẫn tin vào tình yêu
1.Nhắc đến Phạm Thị Ngọc Liên, hẳn nhiều độc giả sẽ nhớ đến thơ, đặc biệt là thơ tình. Nhưng tôi lại biết đến chị nhờ… truyện ngắn. Hồi ấy tôi mới bập vào văn chương Trương Hiền Lượng với trào lưu "văn học vết thương" qua tiểu thuyết "Cây hợp hoan" và "Một nửa đàn ông là đàn bà".
Rồi bắt gặp tập truyện "Có một nửa mặt trăng trong mặt trời" của Phạm Thị Ngọc Liên, bị hút luôn bởi cái tên "một nửa" kiểu nhà văn họ Trương. Nhưng đọc vào thì vỡ ra một thế giới khác. Thế giới những người nữ với đủ mọi cung bậc xúc cảm: yêu say đắm, si mê, miên man, mơ mộng, rồi dỗi hờn, trách móc, ghen tuông,…Và trên hết là đắm đuối với cuộc đời này. Tập truyện được lấy tên theo tên… bài thơ của chính chị. Bài thơ như lời đề từ, với những câu mở đầu đầy năng lượng: "Đỏ như thế/ nồng nàn như thế/ một ngày mặt trời rụng xuống tim tôi".
Sau cú va quệt đó, tôi "rụng" vào từ - trường - chữ Phạm Thị Ngọc Liên. Tôi lội ngược lại thuở cuối thập niên 1980, đầu những năm 1990, hóa ra chị, ngay từ đầu đã cùng lúc bắt cá hai tay, với cả thơ và truyện ngắn. Như người ta thì, bắt cá hai tay rất dễ mà xôi hỏng bỏng không, thành… trắng tay. Đằng này, chị bắt đâu trúng đấy, thơ ra thơ, truyện ra truyện. Trong cuộc thi thơ và truyện ngắn năm 1989 - 1990 của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Phạm Thị Ngọc Liên cùng lúc dự thi cả hai thể loại.
Cuối năm 1989, sơ kết nửa chặng đường cuộc thi, truyện "Chuỗi hạt của con cáo" của chị được nhận tặng thưởng. Sang năm 1990, bài thơ "Em sẽ yêu anh như tháng Giêng" đưa chị lên bậc cao nhất, giải A cuộc thi thơ. Có lẽ cú đúp thơ - truyện của Phạm Thị Ngọc Liên là điều hi hữu trong lịch sử hơn 60 năm của tạp chí văn chương uy tín này.
Nhà văn Hồ Anh Thái nhận định: "Chị không vô tình hoặc cố tình để lại dấu vết thơ trong văn xuôi như nhiều người đã làm. Văn là văn. Không cần nấp vào bóng thơ ca hoặc một thể loại nào khác. Thao tác vừa nữ tính, trẻ trung vừa am hiểu tâm lý người đọc khiến tác giả có thể cuốn được người ta đi theo".
Với mạch ấy, từ "Có một nửa mặt trăng trong mặt trời" đến "Người đàn bà bí ẩn", "Đồi hoang", rồi "Nụ hôn buốt giá" và "Và tháng ngày trôi đi", Phạm Thị Ngọc Liên xác quyết nhất quán giọng văn nữ trữ tình nhưng dữ dội, kiểu "sóng ở đáy sông". Văn xuôi của chị không nệ vào bất cứ điều gì, kể cả cấu trúc hay ràng buộc dung lượng chữ, điều mà các truyện ngắn hay bị gò bó. Các câu chuyện tự trôi. Nhân vật tự trôi. Nhưng lại rất chặt và chắc. Nhờ cái đinh vít, là khả năng dắt mũi tâm lí nhân vật của tác giả.
Nói về điều này, chị cho rằng: "Viết truyện, tôi tỉnh táo và khá khắc nghiệt khi nhìn nhận sự việc. Nếu thơ tôi tràn ngập cảm xúc thì truyện của tôi cũng tràn ngập cảm xúc như thế. Có điều câu chữ rạch ròi hơn. Khuynh hướng viết của tôi, cho đến nay nặng tính phân tích tâm lí. Đã phân tích thì không bay bổng được và tôi cũng không có ý định bay bổng trong lúc viết truyện."
2. Ban đầu, Phạm Thị Ngọc Liên gây chú ý với cha anh đi trước lẫn bạn viết cùng thế hệ bằng chùm thơ 7 bài dự thi và đoạt giải A trên Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh năm 1987 - thời tờ báo này còn "linh thiêng và hào hoa", do nhà thơ Chim Trắng làm Tổng biên tập, các cây viết xếp hàng dài để được lên, bởi lên một lần là cả miền Nam nhớ tên.
"Những câu thơ vươn ra như mạch nước ngầm/ Đánh thức tâm hồn tôi…". Thơ Phạm Thị Ngọc Liên đấy. Và cứ thế, từ giải thưởng thơ của Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh đến giải thưởng thơ trên Văn nghệ Quân đội rồi tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2004, song song đó là các tập thơ: "Những vầng trăng chỉ mọc một mình", "Biển đã mất", "Em muốn giang tay giữa trời mà hét" và "Thức đến sáng và mơ" lần lượt ra đời, làng văn dáo dác, không ít người ngơ ngác đặt câu hỏi với nhau và với Phạm Thị Ngọc Liên, đại ý: Sao có người đẹp thế mà còn lao đầu vào thơ văn, lại còn viết hay nữa mới… vô lí chứ. Với các người đẹp, thời gian để phòng bị các thế lực vo ve đã đủ mệt, hoặc phủ phê đủ đầy với tình yêu rồi, ai lại dành thời gian làm thơ bao giờ, lại toàn thơ chất chứa những ẩn tình. Hay thơ ai đó đội lốt tên Phạm Thị Ngọc Liên?
Xin thưa, thơ chính chủ Phạm Thị Ngọc Liên. Chị em phụ nữ không ngần ngại gọi chị là người phát ngôn cho phe nước mắt của mình, bằng thơ. Một giọng phát - ngôn - thơ mạnh mẽ, quyết liệt, không bao giờ có kiểu "quan ngại sâu sắc" nước đôi, nửa chừng.
Đặc biệt, thơ chị không chỉ "đóng cửa bảo nhau" với các chị em. Khá nhiều phái mạnh bị thơ chị đốn tim, khuất phục. Trong số này, không thể không kể đến những nhạc sĩ tài hoa. Hàng loạt nhạc sĩ tên tuổi đã phổ nhạc thơ Phạm Thị Ngọc Liên, từ các ông trùm phổ thơ là Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Hiệp, Phú Quang, đến các bậc tài danh khác như Y Vân, Trịnh Công Sơn, Phạm Trọng Cầu, Bảo Phúc. Không dưới 30 bài thơ của chị được những nốt nhạc chắp thêm cánh để bay lên, cao hơn và xa hơn.
Trong đó, không thể không nhắc đến "Im lặng đêm Hà Nội". Những người trẻ chuẩn bị lấy đà để bước vào yêu, hay đang yêu, hoặc đã bầm dập vì yêu, ít ai lại chưa một lần nghe: "Chỉ còn mênh mông gương hồ/ Hiu hắt soi những cây bàng lá đỏ/ Chỉ còn mênh mông gương hồ/ Từng hàng cây góc phố - ngây ngô nhìn nhau/ Chỉ còn hơi ấm mối tình đầu/ Anh đi có đôi lần nhìn lại/ Chỉ còn em, còn em im lặng đến tê người".
Một số tác phẩm của nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên. |
Phạm Thị Ngọc Liên bảo: Những bài thơ tình hay nhất được viết ra khi chị đã "đi qua" hạnh phúc lẫn khổ đau, chìm lỉm trong cảm xúc yêu. Dù hạnh phúc hay đau khổ, chỉ sau phút giây chìm lỉm đó, chị mới "hét" lên được. Tiếng hét đó là thơ. Và có một nguyên - tắc - mềm, là nỗi buồn có lớn đến cỡ nào thì những câu thơ viết ra cũng phải đẹp.
3. Có điều ít người biết, Phạm Thị Ngọc Liên bước vào con đường nghệ thuật đầu tiên không phải ở tư thế sáng tác, mà là… tham gia nghệ thuật biểu diễn. Chị mưu sinh bằng việc dạy piano, làm tour guide, từng làm MC, ca sĩ, làm diễn viên kịch nói, đóng phim… Chữ, lúc ấy chỉ là phương tiện để chị nói lên tâm tư tình cảm của mình trong cuộc mưu sinh gắt gao thời bấy giờ. Nói theo kiểu hôm nay, là chị dùng chữ để xả stress.
"Đó là khoảng thời gian tôi thu nhặt kiến thức, thử thách chính mình, cố tìm kiếm cho mình một lối đi đúng nhất. Năm 1991, trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tôi vẫn chưa xác định được liệu mình có theo nghề viết hay không. Cho đến khi được nhà văn Tô Hoài tìm đến bắt tay trong Đại hội Hội Nhà văn năm 1995 và bảo: 'Cô sinh ra để viết đấy. Dù có làm gì cũng không được bỏ nghề viết nhé', thì tôi mới xác quyết rằng nghề viết đúng là nghề của mình". Chị bảo vậy.
Điều ít người biết nữa, là giữa lúc đang cầm chịch cùng lúc 4 tạp chí/đặc san đình đám, gồm: Bazaar, Her World, Cosmopolitan và Esquire của một công ty truyền thông, chị xin nghỉ, nhẹ nhàng như không. "Đến lúc thấy cần phải sống cho mình nhiều hơn, thì nghỉ thôi". Chị bảo thế. Và thế là chị đi. Xuyên Việt. Xuyên lục địa. Với vốn ngoại ngữ có sẵn, chị "rong chơi cuối trời quên lãng" một cách thoải mái, tự tin, không phải kiểu "Du lịch của người câm" như tên một tác phẩm của nhà thơ Lê Minh Quốc.
Cứ nhìn cách Phạm Thị Ngọc Liên trải nghiệm với các chuyến đi, không tin được chỉ gần chục năm nữa là chị chạm ngưỡng thất thập cổ lai hy. Khi cần lịch lãm tinh tế, có tinh tế lịch lãm. Khi cần bụi bặm nếm mật nằm gai, có bụi bặm nằm gai nếm mật. Trên tất cả, là tinh thần hòa vào thiên nhiên, khám phá lịch sử - văn hóa của những vùng đất. Tôi cảm giác chị thuộc về thế hệ trẻ thời đại 4.0 hiện nay, chứ không phải thế hệ 5x của mình. Có khi, thế hệ 8x, 9x xách dép chạy theo chị chưa chắc đã kịp.
4. Trên đường ngược Sài Gòn sau khi đã no nê hoàng đầu ấn và cảnh sắc rừng tràm, chúng tôi lại lạc vào những đầm sen. Sen Đồng Tháp thì vô địch không đối thủ. Và tôi nhận ra Phạm Thị Ngọc Liên yêu sen cũng vô địch không đối thủ. Chị lại hồn nhiên giang tay giữa trời mà hét.
Tất nhiên không hét như thuở đôi mươi nữa. Mà hét lớn hơn, cái lớn lặn vào mắt, vào trong.
Tôi kịp nhận ra, rất tự nhiên, Phạm Thị Ngọc Liên đã sống như chính thơ chị: "Hối hả như chưa từng được thở/ tôi vồ vập cuộc sống một cách tham lam". Chắc chắn không phải ai cũng đủ tự tin và tỉnh táo để chọn cho mình cách "về hưu" như chị. Và, với Phạm Thị Ngọc Liên, nếu không có tình yêu, thế gian này sẽ lạnh lẽo và vô cùng nghiệt ngã. Bởi vậy, câu nói của Tagore vẫn như ngọn hải đăng soi đường chị vượt sóng, từ thời tuổi trẻ đến giờ: "Hãy tin vào tình yêu, dù tình yêu có đem lại khổ đau".