Nhà thơ Phạm Đức: Một đời lận đận “Đơn phương”
1-Chuyện vợ con
Các cụ xưa đã nói: “Tậu trâu cưới vợ làm nhà/ Trong ba thứ ấy thật là khó thay”, thì cả ba thứ ấy nhà thơ đều quay cuồng lo toan mà không xong. Trước hết, nói đến chuyện lấy vợ, làm nhà của ông thật lắm nỗi truân chuyên. Đến thăm ông tại ngôi nhà xi măng cất tạm bên sông Bùi, cách Hà Nội chừng 30 cây số, tôi thấy ông còn chưa hết bàng hoàng khi kể lại chuyện cả chục lần đi mướn nhà ở thuê, từ khi về hưu đến nay.
Thực ra ông đã từng có căn hộ để ở trong thời gian còn đương chức. Đầu tiên là ở khu tập thể Bạch Mai, nơi vợ làm việc được phân đúng 9 mét vuông, khi ông chuyển ngành ra quân năm 1975. Ròng rã 14 năm chung sống với vợ con (1973-1987) đã xảy ra lắm nỗi éo le.
Rồi chia tay. Sau đó vợ ông đi xuất khẩu lao động bên Đức. Ông ngậm ngùi tự trách mình không bảo vệ được gia đình và hạnh phúc. Từ đó một chốn đôi nơi, ông cùng cậu con trai xin ở căn nhà tập thể của Trung ương Đoàn, nơi ông làm việc tại Nhà xuất bản Thanh Niên. Khi ấy nhà thơ đã bước sang tuổi 42.
Ấy thế rồi, mấy năm sau, cuộc tình mới ập đến. Đó là một nàng thơ cùng làm việc với ông. Nàng cũng đã qua một lần đò. Họ đã thêm một lần lên xe hoa năm 1990. Cả hai cùng bươn chải buôn bán thêm ở một cửa hàng sách ở phố Trần Hưng Đạo để kiếm kế mưu sinh. Một thời kỳ đổi mới về kinh tế đã mở ra, cuộc sống gia đình ngỡ như sẽ hạnh phúc lắm sau khi cả hai đã cùng một lần đổ vỡ. Vậy mà sau 6 năm chung sống, họ lại phải chia tay. Và cũng từ đó mà ông càng gặp nhiều rắc rối về nơi ở cho riêng mình.
2-Chuyện nhà cửa
Nhà thơ bặm môi nhớ lại sự kiện đã xảy ra như bị ma ám với mình về ngôi nhà được cơ quan phân, ở tầng 4 khu tập thể Vĩnh Phúc, quận Ba Đình. Vào năm 2004, ông đã bán ngôi nhà này để đến ở với một bà cô già yếu neo đơn trong họ tộc, với cam kết sau này sẽ được thừa kế tài sản, nhà cửa của họ. Nhưng với điều kiện nhà thơ nộp nửa số tiền đã bán nhà ở khu tập thể (khoảng 200 triệu đồng) thích ứng với diện tích nhỏ và giá cả vào năm đó. Số tiền còn lại nhà thơ chia đều cho các con và những người thân trong gia đình họ hàng.
Vậy mà sự đời trớ trêu, sau bốn năm, thời cuộc thay đổi, giá đất tăng vọt. Lòng người cũng đầy toan tính. Hợp đồng thỏa thuận miệng trước kia vô bằng cớ, chẳng ai biết đấy là đâu. Họ đồng ý trả lại tiền mà nhà thơ đã chuyển cho họ trước đó. Một cuộc đời lang thang cơ nhỡ bắt đầu từ đó.
Khoản tiền dành dụm được, ông mua một dúm đất ở phố Bùi Xương Trạch (Thanh Xuân - Hà Nội) lại bị vào diện quy hoạch, bị giải tỏa. Tiền mất tật mang. Phạm Đức đi thuê nhà ở lang thang đây đó từ năm 2007. Giá cả thuê nhà tăng hàng năm. Nhà thơ phải dọn nhà liên tục. Nhà thơ như bị quay cuồng với tốc độ giá cả trong muôn mặt thị trường.
Một lần, chủ nhà đòi tăng giá, nếu không chịu được thì phải dọn đi ngay tức khắc. Nhà thơ Phạm Đức bồn chồn như phải bỏng vậy. Biết dọn đi đâu và thuê nhà sao cho kịp ngày mai. Thời gian lại đúng vào dịp Tết năm 2013. Vậy là nhà thơ gọi điện thoại đi khắp nơi, hỏi xem ai biết chỉ giùm nơi có thể thuê để ở trong mấy ngày Tết, rồi tính sau.
Một cái Tết bơ vơ chộn rộn. Tâm hồn thi sĩ bị đầy đọa khốn đốn tận cùng… May sao, có một cuộc gọi điện trong đêm của một người bạn trẻ, nhà điêu khắc Hà Huy Hiệp, ở tận xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Nhà thơ được báo là đã có chỗ ở, không phải thuê nhà nữa… Phạm Đức bồi hồi nhớ lại rồi chỉ lên nóc nhà nói, đây là ngôi nhà nơi mà chúng ta đang ngồi, do một tay họa sĩ Hiệp làm trong ba tháng mới hoàn thành.
Nhà thơ Phạm Đức với ngôi nhà mới bên sông Bùi. |
Còn những ngày cuối năm đó, nhà thơ Phạm Đức đã ăn Tết nhờ tại một ngôi nhà bỏ trống của nhà văn Trịnh Văn Túc (hội viên Hội Nhà văn Hà Nội), ở bên cạnh. Lại thêm một cái Tết tha hương của nhà thơ Phạm Đức nhưng ấm áp tình người nghệ sĩ. Chính vì thế mà thơ của Phạm Đức, từ khi uống nước xóm Đồng Dâu, tắm nước sông Bùi, có phần lãng mạn và say đắm hơn thời “Đơn phương”.
Trong bài “Ru” nhà thơ viết: “Ru người bằng cả ngân hà/ Khi buồn người ngắm sao xa một dòng/ Ru người lạch suối đầu sông/ Khi sầu người ngả vào trong trẻo nguồn!...” (tập thơ “Trái tim phản biện”). Và, con sông Bùi gắn bó với nhà thơ Phạm Đức đã bốn cái Tết trôi qua. Hình ảnh con sông đã đi vào thơ ông với những nỗi niềm thân thương: “Lại thêm một dòng sông/ Đổ vào tôi muôn nỗi/ Nỗi dịu dàng, êm ả/ Nỗi cuồn cuộn biển Đông…” (Sông Bùi 2).
3-Chuyện “tậu trâu”
Ngoài chiếc xe máy còng cọc, coi như “con trâu sắt” làm công cụ cho nhà thơ đi lại, thì nhà thơ tậu được cả một “đàn trâu đất” để thưởng ngoạn. Nói một cách hài hước, việc đầu tiên trong đời một trang nam tử như ông là tậu được hơn 200 con trâu, làm từ các chất liệu khác nhau.
Có lần ông tâm sự rằng, thơ và đàn trâu đã an ủi và vỗ về tâm hồn ông trong những đêm cô đơn nhất. Ông tuổi gà (sinh năm 1945-Ất Dậu) nhưng lại có thú sưu tầm các con trâu do các nghệ nhân làm từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước. Nghĩa là đã 25 năm nay. Trong quãng đời lang thang cơ nhỡ, ông đều mang chúng theo và được chăm nom cẩn thận.
Mỗi con trâu là một câu chuyện và kỷ niệm đáng yêu trong cuộc đời. Ông đã mang cả đàn trâu về bày quanh ngôi nhà sông Bùi. Có lần bị mưa lũ, nước dâng lên tràn vào nhà, ông vội vã từ xa trở về lội bì bõm trong gió mưa và nước ngập đến ngang lưng để “cứu” lấy đàn trâu của mình. Đó chính là những đứa con tinh thần cuối cùng đã an ủi ông, mỗi khi cô quạnh.
Ông rưng rưng ngắm một con trâu đất rồi đọc: “Sau những chuyến chuyển nhà gấp gáp/ Tới nơi này, sang nơi khác/ Có mấy con trâu gãy sừng/ Trong lòng tôi một nỗi đau nhọn hoắt/ Như sừng trâu/ Không ai nhìn thấy/ Vết thương rỉ máu/ Ứa như lệ già” (Sừng trâu). Một cơn sóng chợt ập đến trên sông Bùi. Nhà thơ đứng lặng nghe âm thanh vỗ ì oạp vỗ trên bãi cỏ xanh non.
4-“Đèn đỏ”
Nhà thơ Phạm Đức từ lâu đã nổi tiếng với những bài thơ tình như “Đơn phương”, “Ví dầu”, “Thì anh lại sợ”… Những người yêu thơ đều nhớ đến những câu: “Gần nhau mà chẳng yêu cùng/ Đơn phương tôi cứ thủy chung một mình”. Vậy mà, trong tập thơ mới “Trái tim phản biện” (NXB Hội Nhà văn, 2016), tôi nghe như ông đã có những trăn trở bất ngờ, qua những tháng ngày lận đận.
Nhà thơ viết: “Ngón tay đã buông/ Gót chân đã ngoắt/ Mái đầu không ngoảnh lại/ Trái tim còn cãi/ Sao lại thành lối rẽ?/ Sao lại là cắt chia?...”. Đó chính là nỗi niềm lắng sâu khi: “Nhịp trái tim phản biện/ Cay đắng và âm thầm/ Mặc bàn tay nhạt nhẽo/ Mặc bước chân ơ thờ…” (bài “Trái tim phản biện”). Có lẽ nơi ngọn nguồn cảm xúc từ con sông Bùi đã khơi thêm cho Phạm Đức một mạch thơ mới, mạnh mẽ hơn và bật lên những cung bậc ghồ ghề hơn trước, tạo nên mỹ cảm nơi góc cạnh tâm hồn.
Tôi bỗng giở tới trang 84 của tập thơ, dừng lại với bài “Đèn đỏ” và giật mình với những câu thơ: “Trên đường lòng/ Tự tôi/ Đôi khi/ Bật/ Đèn đỏ/ Để/ Thanh thản/ Dừng”. Đã có một Phạm Đức khác trong thơ. Tôi chia tay sông Bùi với hình ảnh của một ông đồ tư lự với chiếc cần câu trên con thuyền độc mộc. Nhà thơ ngâm nga rằng: “Như là tình ái/ Như là cổ xưa/ Một chiều bất chợt/ Như vừa hôm qua” (Một chiều). Đó chính là tín hiệu đèn đỏ đã bật lên để nhà thơ dừng lại chờ rẽ sang một con đường mới.