Nhà thơ Phạm Đình Ân: Chẳng có ai tẻ nhạt mãi trên đời

Thứ Ba, 06/04/2010, 10:30
Xin được mượn và cải biên một chút câu thơ của nhà thơ Nga Éptusenkô để làm tựa đề cho bài viết này. Quả tình, nhà thơ Phạm Đình Ân không có vóc dáng cao to để dễ gây ấn tượng ngay đối với người mới gặp. Ăn mặc cũng giản dị, không cầu kỳ, làm đỏm. Người mới tiếp xúc, cảm giác anh là người khô khan, ít cởi mở.

Chả thế, có người sống cạnh nhà anh suốt mấy năm trời, lên thang, xuống gác gặp mặt thường ngày mà cả hai chưa một lần trò chuyện. Phạm Đình Ân ít có cử chỉ chủ động cười nói làm quen. Anh cũng rất ngần ngại khi ai đó mời vào các quán nhậu nhẹt vì không bia, rượu, không cà phê, thuốc lá. Ngay cả trà Thái Nguyên anh cũng ít uống. Ai mời uống giải khát thì anh chỉ nhỏ nhẹ: "Cho mình xin cốc trà Líptông".

Trong đám đông, khi các nhà văn, nhà thơ thích ăn to nói lớn, ồn ào thơ phú, bàn luận đủ chuyện trên trời dưới biển, chứng tỏ sự hiện diện thì Phạm Đình Ân lại như muốn ẩn giấu. Có ai hỏi, anh mới từ tốn trả lời. Còn thì chỉ nghe, nhìn. Bởi vậy có người nghĩ anh... bằng phẳng. Phạm Đình Ân biết nhưng anh không hề có thái độ… Kệ, ai nghĩ gì là quyền nơi họ. Tranh cãi hay dở, hơn thua ở những chỗ không đâu mà làm gì.

Phạm Đình Ân có thơ đăng báo từ rất sớm. Năm 1972, khi mới là sinh viên  ra trường, đi thực tế ở các tỉnh miền Trung, anh đã có một chùm thơ in trên tạp chí Tác phẩm mới của Hội Nhà văn Việt Nam. Và một trong số đó là bài "Đi dọc miền Trung".   

Ngay khi ra đời, bài thơ đã gây ấn tượng mạnh trong văn giới. Sau này, vào năm 2006, nhà thơ Vân Long đã viết: "Tuy chưa có dịp tham dự cuộc thi thơ nào, nhưng trong khi nhiều bài thơ được giải đã bị lãng quên thì " Đi dọc miền Trung" còn lại".

Bận mải công việc biên tập ở các tờ báo lớn như Nhân Dân hay Văn Nghệ, Phạm Đình Ân vẫn dành thời gian làm thơ… Nhưng anh viết ít, viết chậm và càng thận trọng khi công bố. Sau nhiều năm, đến nay Phạm Đình Ân mới chỉ xuất bản 4 tập thơ cho người lớn và 2 tập thơ cho thiếu nhi. Số lượng như vậy chưa thể nói là nhiều, nhưng đáng nói, anh đã có một số bài được dư luận quan tâm, chú ý.

Nói đến những bài thơ hay của Phạm Đình Ân, người ta hay nhắc tới "Đi dọc miền Trung" , "Đầu năm mua muối", "Những cái giật mình", "Nắng xối đỉnh đầu", "Những hoàng hôn ngẫu nhiên", "Lá trầu cay", "Lạc nhà”v.v… Đặc biệt, bài "Sợi tóc" đã có trên hai mươi người phẩm bình. Sau một phần tư thế kỷ, kể từ ngày bài thơ ra đời, qua biết bao ý kiến nhận xét, đánh giá, tưởng đã không còn gì để nói thêm, vậy mà gần đây tiếp tục vẫn có người tìm thấy những vẻ đẹp khác của bài thơ:

Em tặng tôi sợi tóc của em.
Rồi tháng ngày vèo trôi em không nhớ nữa.
Năm  mươi năm sau
Khi tìm được về chốn cũ
Tôi gặp một bà già tóc bạc
Bà chẳng biết tôi
Tôi tặng bà sợi tóc
Bà khóc
Sợi tóc vẫn còn đen.

Bài thơ ngắn, chỉ vỏn vẹn 9 dòng, 49 âm tiết, mà nội dung, đọc cảm giác dài như một cuốn tiểu thuyết. Cái giỏi, cái tình của người viết là vậy.

Còn một chi tiết khá thú vị quanh bài thơ. Nhiều người đọc, yêu thích nhưng không có văn bản, mà chỉ chép lại từ sổ tay người này, người khác nên không rõ tên tác giả. Trước yêu cầu của bạn đọc, tạp chí "Thế giới trong ta" đã có sáng kiến mở chuyên mục "Đi tìm tác giả bài thơ Sợi tóc". Tuy là chuyên mục đột xuất nhưng đã phải kéo dài nhiều số báo do có đông người hưởng ứng.

Nhà thơ Phạm Đình Ân.

Nhiều nhà thơ từng quan niệm, cả đời thơ có được một bài thơ, thậm chí một vài câu thơ người đời nhớ, đã là hạnh phúc. Trường hợp Phạm Đình Ân lại không ít lần như thế. Mới đây, chùm thơ 7 bài của anh đăng trên Báo Văn Nghệ số 52- 2009 được dư luận đánh giá là có tứ lạ, ngôn từ súc tích, ẩn giấu nhiều tầng nghĩa…

Có những sự cố liên quan đến thơ Phạm Đình Ân. Một lần, bài “Một cô gái khác" của anh đã bị một chị "biên soạn" gần như... nguyên văn, chỉ đổi vài chữ. Chẳng hạn, Phạm Đình Ân viết là "Em" thì chị ta đổi thành "Anh". Bài thơ được đăng trên tờ tạp chí mà người biên tập viết bài khen rất có cánh dành cho nữ tác giả lại chính là bạn của Phạm Đình Ân, đã được Ân gửi tặng tập thơ, trong đó có cả bài thơ ấy.

Lại có trường hợp, một bạn thơ khi trả lời phỏng vấn của báo, đã lấy gần như toàn bộ bài viết của Phạm Đình Ân đã in trước đó gần một tháng. Đáng trách hơn, cả hai bài đều được in trên cùng một tờ báo. Chỉ khác, bài của Ân in trên báo chính, còn bài trả lời thì trên tờ phụ san. Trong các trường hợp ấy, Phạm Đình Ân thường xử sự hết sức tế nhị, để không một ai cảm thấy bị thương tổn.

Tôi quen biết Phạm Đình Ân muộn, dù từ rất lâu rồi tôi đã được đọc và nhớ đến thơ anh. Thú thật, lần đầu gặp anh tôi có cảm giác băn khoăn. Liệu có phải con người nhỏ thó, có phần thô ráp này là tác giả những bài thơ, những câu thơ tài hoa từng mê hoặc không chỉ riêng tôi? Và khi đã gần gũi, thân thiết anh, mới hay, trong con người anh có những ẩn giấu đáng quý. Bình thường anh lặng lẽ, nhu mì, nhưng khi cần anh tranh luận, phản biện thẳng thắn, không ngại va chạm, không sợ bị nhận xét, đánh giá thế này thế nọ. Những lúc ấy, phần bị khuất lấp của anh được bộc lộ nhiều hơn.

Thơ Phạm Đình Ân khá đa dạng. Thơ thế sự có bài đầy trăn trở, ưu tư. Thơ tình yêu có bài lắng đọng, tinh tế. Thơ viết cho thiếu nhi của Phạm Đình Ân cũng có nhiều tìm tòi độc đáo, ý tứ bất ngờ, dí dỏm, nhân hậu…  Phạm Đình Ân như đã phân thân trong từng mảng đề tài. Nhưng cho dù ở thể loại nào chúng vẫn có vẻ đẹp riêng và là nơi để anh bộc bạch nỗi niềm, bày tỏ thái độ.

Như ở đầu bài đã nói, thoạt tiếp xúc với Phạm Đình Ân, ta thấy anh không gây ấn tượng gì nhiều. Chỉ thấy ở đó một con người đứng đắn, lành hiền, không tào lao qua chuyện. Hứa hẹn với ai điều gì khó mấy anh cũng bằng mọi cách thực hiện. Trò chuyện riêng tư, có thể yên tâm, không nghi ngại, đề phòng. Khen ai, không giả dối lấy lòng. Cần góp ý với ai cũng thẳng thắn. Sự thành thật ở anh khiến người được góp ý không thể giận.

Càng gần gũi, mới rõ ra anh là người sâu sắc. Bên cạnh những đóng góp thi ca, tôi còn nhận thêm nhiều tốt đẹp trong con người Phạm Đình Ân, nhất là trong ứng xử với bạn bè văn chương.

Đây là chuyện do chính vợ chồng nhà thơ Hoàng Cát kể lại. Hồi gia đình Cát lâm cảnh khốn đốn, nhà ba miệng ăn chỉ trông vào quán nước chè chén vỉa hè. Phạm Đình Ân đang làm việc ở báo Nhân Dân, thấy tình cảnh bạn bèn gợi ý Cát viết bài, rồi đem về tìm cách đăng thường xuyên trên chuyên mục "Chuyện lớn, chuyện nhỏ". Vì báo ra hàng ngày, số lượng phát hành lớn nên bài được dùng nhiều và nhuận bút cao. Bài đăng Ân ký lĩnh thay rồi lóc cóc đạp xe xuống đưa tiền tận tay cho vợ chồng bạn.

Việc quan hệ với Hoàng Cát (hồi ấy đang gặp sự cố), rồi dùng bài, lại in ngay trên tờ báo - cơ quan ngôn luận quan trọng bậc nhất đã khiến có người lo lắng cho Phạm Đình Ân?

Sau này hỏi lại, có người nghĩ Ân sẽ rất đa ngôn. Nhưng tuyệt nhiên không. Anh chỉ giải thích: "Thấy Hoàng Cát gia cảnh khốn khó, đã là bạn bè thì phải tìm cách giúp. Mình có đỡ được phần nào cũng chính từ sự nỗ lực của Cát, Cát không viết được, không viết hay thì mình giúp sao được". Nếu Phạm Đình Ân nhân việc đó mà bây giờ quá lời đi một chút, thì sự kính nể, tôn trọng của bạn bè dành cho anh hẳn sẽ giảm đi.

Tính Phạm Đình Ân nghiêm túc, cẩn thận. Nhưng cũng có trường hợp lại hơi thái quá, đến máy móc. Khi nhà thơ Phạm Tiến Duật lâm trọng bệnh, một người quen biết nhưng giấu tên nhờ Ân chuyển giúp một số tiền biếu Phạm Tiến Duật. Nhà thơ đang rất yếu, nhưng khi giao tiền, Ân vẫn cố nói để Duật ghi lại mấy chữ. Rồi Ân đem phôtô, giữ một bản, còn bản gốc anh chuyển lại người biếu tiền, dù họ không yêu cầu. Biết là không thật tế nhị nhưng Ân muốn rành rẽ, nhất là trong chuyện tiền bạc nhạy cảm.

Năm 2008, Phạm Đình Ân quen một sĩ quan quân đội. Lúc đó cụ đã 82 tuổi. Biết Ân làm thơ, tính tình thật thà, cụ nói mình từng làm thơ từ đầu những năm 40 của thế kỷ trước, với quan niệm: "Cái gì làm vui buồn hoặc bận tâm thì biến nó thành thơ để nhận thức đúng đắn sự vật bên ngoài và được yên ổn trong thâm tâm".

Trước đống bản thảo có tới cả ngàn bài, Ân nhận thấy nhiều bài tốt, có bài hay nên đề xuất in thành tập. Thấy hợp lòng mình, vị cựu sĩ quan yêu thơ đã giao hết bản thảo để Ân chọn. Phạm Đình Ân đã dành gần như toàn bộ thời gian rỗi để đọc, chọn bài, biên tập, sửa chữa kỹ rồi đem bản thảo tới nhà xuất bản. Có giấy phép, tự tay Ân vẽ bìa, trình bày, đem nhà in. Rồi  chính anh sửa bản in. Phạm Đình Ân lo  còn hơn sách của mình. Đó là cuốn "Đồng hành" của tác giả Nguyễn Quốc Hùng, Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2008.

Đáng nói, dù mất rất nhiều công sức để làm cuốn sách nhưng Ân hoàn toàn không nhận bất cứ sự đãi ngộ nào về vật chất từ tác giả mà chỉ xin nhận vài cuốn thơ làm kỷ niệm. Để có được những hành xử tốt đẹp như vậy trong thời buổi hiện nay, thật không hề dễ dàng

Huy Thắng
.
.