Nhà thơ Nông Quốc Chấn: Nhẹ nhàng đến lúc ra đi

Thứ Hai, 26/04/2010, 08:45

Nhà thơ Nông Quốc Chấn (1923-2002), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật (2001) đã để lại nhiều niềm yêu thương, quý trọng với những người quen biết, bạn bè, gia đình... không chỉ về tài năng mà còn về đức độ, tác phong... Là người có một thời gian dài được làm việc dưới quyền ông, tôi xin ghi lại một số câu chuyện về ông. 

Không biết thì phải hỏi

Trong một thời gian dài, nhà thơ Nông Quốc Chấn giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Văn hóa, đặc trách mảng miền núi, dân tộc. Một trong những công việc ông quan tâm là chăm chú theo dõi các ấn phẩm văn học được xuất bản từ các Hội Văn học - nghệ thuật địa phương. Đây không chỉ là cách giúp ông nắm bắt tình hình sáng tác, đời sống văn hóa, văn nghệ mà còn giúp phát hiện ra các tên tuổi có triển vọng từ cơ sở. Các nhà văn, nhà thơ người dân tộc như Y Phương, Lò Ngân Sủn, Cao Duy Sơn… được ông biết đến, ban đầu cũng từ các ấn phẩm địa phương.

Một lần đọc trên Văn nghệ Lào Cai thấy có bài thơ của Lò Ngân Sủn đề là "Hoa Má Po":

Em sẽ là rừng xanh mong đợi
Làm má po nở giữa đồi nương

Mặc dù là người miền núi nhưng nhà thơ Nông Quốc Chấn cũng không biết má po là thứ hoa gì, liền điện lên Lào Cai hỏi. Nhà thơ Thèn Sèn ở Hội Văn nghệ cũng không biết. Ông này liền đi tìm nhà thơ Lò Ngân Sủn: "Bác Nông Quốc Chấn hỏi hoa má po là hoa gì?".

Lập tức Lò Ngân Sủn điện về giải thích: "Đó là  thứ hoa mà người già trong bản gọi là "đọc má po - tiếng Việt là "hoa ngựa núi", một thứ hoa nở trên núi rừng Tây Bắc"… Nghe giải thích cặn kẽ, nhà thơ Nông Quốc Chấn mới vỡ lẽ.

Thế đấy, dù chỉ là chi tiết rất nhỏ, nhưng khi không biết thì phải hỏi.

Tác phong giản dị, gương mẫu

Bữa cơm tối hôm ấy ông ăn ít, nói trong người khang khác. Ông đi tắm, và vẫn như mọi khi, sau đó ông tự giặt lấy quần áo của mình. Nhưng chưa kịp vắt đem phơi thì ông thấy mệt nên phải vào ngay giường nằm. Đêm đó ông ra đi, nhẹ nhàng như một giấc ngủ.

Bà quả phụ Nông Quốc Chấn kể: "Tính ông thế. Những việc có thể tự làm, không bao giờ ông phiền đến ai. Hơn 50 năm chung sống, tôi chưa hề thấy ông to tiếng, kể với vợ con, cộng sự. Có điều gì không vừa ý ông chỉ nhẹ nhàng khẽ nhắc". Một lần, con cái có điều gì đó làm bà bực, không kìm được, bà quát. Ông thấy, nhưng im lặng. Để đến tối lúc đi ngủ ông mới bảo: "Bà không nói nhỏ được sao?". Ông chỉ nói thế nhưng từ đó, mỗi khi nhớ lại, bà đã tự kiềm chế.

Ông là người luôn biết tôn trọng những người chung quanh. Ở cơ quan, từ anh lái xe, chị tạp vụ, cô văn thư… ai cũng quý mến ông. Khách đến nhà, dù là ai, ông cũng phải vào phòng trong thay quần áo thật chỉnh tề.

Tình bạn chân thành và thủy chung

Đó là tình cảm giữa nhà thơ người Tày Nông Quốc Chấn và nhà thơ người Dao Tiền  Bàn Tài Đoàn. Mặc dù giữa hai nhà thơ có những điểm rất khác nhau, tuổi tác cách nhau nhưng không vì thế mà ảnh hưởng tới tình cảm của họ. Hai nhà thơ quen biết nhau từ năm 1943 khi cùng tham gia lễ kỷ niệm 26 năm Cách mạng Tháng Mười Nga tổ chức ở Pù Mần, chiến khu Việt Bắc.

Trong suốt hơn năm mươi năm, kể từ lần đầu gặp gỡ đến ngày nhà thơ Nông Quốc Chấn mất, hai nhà thơ nổi tiếng người dân tộc thiểu số đã luôn gần gũi, chia sẻ không chỉ công việc, thơ ca mà còn cả những vui buồn, riêng tư. Ban đầu họ ở cùng khu tuyên truyền văn nghệ liên khu Việt Bắc, sau người làm Giám đốc, người Phó giám đốc Sở Văn hóa Khu, rồi cùng trong lãnh đạo Hội Văn nghệ Việt Bắc, người Chủ tịch, người Phó chủ tịch.

Năm 1964, khi nhà thơ Nông Quốc Chấn được trung ương điều động về Hà Nội thì nhà thơ Bàn Tài Đoàn giữ cương vị Chủ tịch thay, cho đến khi nghỉ hưu. Tất cả các tập thơ xuất bản của mình, trước đó Bàn Tài Đoàn đều gửi cho Nông Quốc Chấn đọc, góp ý. Nhà thơ Nông Quốc Chấn đã có ý kiến để người đọc hiểu rõ hơn về giá trị thơ ca của Bàn Tài Đoàn: "Đọc Bàn Tài Đoàn ta có thể không thấy những từ sắc sảo, tinh vi, những hình tượng lộng lẫy, những câu bay bướm, những đoạn triết lý sâu xa… nhưng đó là những tiếng nói bình dị, từ ngữ dân gian, so sánh, miêu tả bằng những hình ảnh quen thuộc của núi rừng. Thơ anh viết theo tấm lòng chân thành của mình.

Năm 1967, tại nơi sơ tán Võ nhai - Thái Nguyên, nhà thơ Bàn Tài Đoàn không may bị rắn độc cắn. Nghe tin dữ, nhà thơ Nông Quốc Chấn đã từ Hà Nội lên ngay để bàn với cơ quan tìm mọi cách chữa trị cho nhà thơ. Thời gian Bàn Tài Đoàn nằm điều trị tại Bệnh viện Việt - Xô, gần như không ngày nào Nông Quốc Chấn không tranh thủ vào thăm hỏi. Khi nhà thơ Bàn Tài Đoàn nghỉ hưu về quê, có dịp lên công tác Cao Bằng, nhà thơ Nông Quốc Chấn không quên lên Nguyên Bình thăm người bạn già.

Bàn Tài Đoàn cũng luôn nhớ đến bạn. Trong "Tuyển tập Bàn Tài Đoàn", xuất bản năm 1992 tại Nhà xuất bản Văn học, ngay trang đầu có bài thơ:

Đoàn với Chấn và Chấn với Đoàn
Hai người tình bạn nghĩa ngàn cân
Người ở xa nhau cách sông núi
Tấm lòng thì ở cạnh bên nhau

Đầu tháng 2/2002, đọc báo Nhân dân, được tin nhà thơ Nông Quốc Chấn mất, nhà thơ Bàn Tài Đoàn khi đó đã gần 90 tuổi, đi lại khó khăn, không thể về dự lễ tang bạn được, đành viết một lá thư gửi về, trong đó có đoạn: "Thương tiếc vô cùng là thương tiếc, một người bạn thân thiết nhất, như anh em ruột thịt với nhau. Anh đang giúp tôi làm một tập thơ cuối cùng, thế mà đột ngột như sét đánh ngang tai - thương tiếc vô cùng"

Huy Thắng
.
.