Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Người Việt có ai không yêu thơ?
- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Có một đứa trẻ vừa gọi mẹ vừa lớn
- Con cá thiêng trong thơ Nguyễn Quang Thiều
- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Mẹ bước tới giữa hai triền cỏ biếc
- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Kẻ rời bỏ thành phố
Những ngày đầu tháng 9 này nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đang có mặt tại Seoul, Hàn Quốc để tham dự lễ trao giải và nhận phần thưởng trị giá 5.000 USD (khoảng 114,678 triệu đồng). Văn nghệ Công an đã có cuộc trò chuyện với ông.
- Thưa nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, ông có thể chia sẻ một chút về giải thưởng thơ quốc tế mang tên Changwon KC International Literary? Giải thưởng này ra đời từ bao giờ, nó bắt nguồn từ đâu?
+ Tôi là nhà thơ thứ 9 trên thế giới nhận giải thưởng này, nghĩa là giải thưởng đã có từ cách đây 9 năm. Trước tôi là những nhà thơ danh tiếng của Hoa Kỳ, Pháp, Đài Loan.... Chanwon là tên địa danh của Hàn Quốc - nơi nhà thơ danh tiếng Kim Daljin của Hàn Quốc sinh ra và lớn lên. Để tưởng nhớ những đóng góp của ông cho thơ ca và văn hóa Hàn Quốc, người ta đã lập ra giải thưởng văn học quốc tế mang tên Changwon. Và tôi là nhà thơ Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng này.
Tên - hình ảnh và những tác phẩm thơ của tác giả đoạt giải thưởng Changwon KC International Literary được trưng bày trang trọng bên ngoài khuôn viên hội trường. |
- Thưa ông, giải thưởng Changwon KC International Literary trao cho các nhà thơ có nhiều cống hiến trên thế giới, là những người đã có bề dày sự nghiệp và đang tiếp tục sáng tạo. Người đọat giải phải đang trong độ tuổi từ 50 tới 65 tuổi. Vậy những người trước tuổi 50 dẫu có nhiều thành tích trong sự nghiệp văn học nghệ thuật thì vẫn không thể có cơ hội?
+ Mỗi giải thưởng có tiêu chí riêng của họ. Giải thưởng Changwon cũng vậy. Trên thế giới có rất nhiều các giải thưởng và các nhà thơ Việt Nam cũng như các nhà thơ ở các quốc gia khác có rất nhiều cơ hội. Tôi cũng không nghĩ có ngày một giải thưởng quốc tế nào đó lại trao cho mình. Điều quan trọng là mình coi sáng tác như một phần sống của mình. Đó mới là cái cần ngày ngày cho mỗi nhà thơ.
- Chia sẻ mới nhất trên báo chí của ông rằng bản thân ông từng ba lần được mời tới Hàn Quốc tham dự các chương trình về thơ ca, hội thảo thi ca, song ông không hề biết có giải thưởng này cho tới khi Ban tổ chức thông báo ông vào vòng chung khảo? Vậy ra ở giải thưởng này, tác giả không tự ý gửi tác phẩm và lí lịch sáng tác để dự thi mà do Ban tổ chức tự tìm hiểu và có cách đánh giá xét tuyển qua quá trình cống hiến của nhà thơ đó?
+ Khi một nhà thơ được gợi ý cho giải thưởng thì Ban tổ chức cũng yêu cầu nhà thơ đó gửi một hồ sơ đến cho họ như tiểu sử về quá trình sáng tác và bổ sung thêm một số tác phẩm của nhà thơ đã dịch sang tiếng Anh hoặc tiếng Hàn. Trên tất cả những thông tin và hồ sơ đó, Hội đồng giám khảo đọc và bàn luận rồi bỏ phiếu.
- Nếu có môt sự so sánh về quy mô, tính chất và độ rộng, cũng như độ lan toả thương hiệu của giải thưởng Changwon KC International Literary so với giải thưởng quốc tế khác mà ông từng được nhận thì ông có thể chia sẻ cùng độc giả những đánh giá của mình?
+ Mỗi giải thưởng có những ảnh hưởng nhất định của nó. Giải thưởng Finalist cho tập thơ “Những người đàn bà gánh nước sông” của tôi do Hội Những nhà dịch giả văn học Mỹ hay là Báo Văn học Nga chọn bài thơ “Bài hát về cố hương” của tôi là bài thơ dịch hay nhất năm 2011... đều mang những ý nghĩa khác nhau. Nhưng giải Changwon là một giải thưởng làm tôi xúc động rất nhiều vì sự trang trọng của người Hàn Quốc dành cho thi ca.
Tôi chưa nhận một giải thưởng nào trong một nghi lễ như thế. Và tôi hiểu giá trị của thơ ca nói riêng và văn học nói chung trong đời sống con người, đặc biệt trong những nước có nền công nghiệp rất phát triển như Hàn Quốc. Nó làm tôi tin hơn về sứ mệnh của thi ca đối với con người và tự hào hơn khi mình làm thơ và được giải.
- Và trong nghi lễ thiêng liêng ấy, với một niềm xúc động đặc biệt, ông đã mang những thông điệp của xứ sở mình, đặc biệt là nơi mảnh đất ông sinh ra và lớn lên, nuôi dưỡng tâm hồn thi ca của ông, và cũng là nơi chiếm trọn tình yêu vĩnh cửu trong trái tim ông. Đó là thông điệp về làng Chùa, và những người dân làng Chùa?
+ Trong bài phát biểu lúc nhận giải, tôi đã dành để nói về ngôi làng và những người dân làng Chùa quê tôi. Tôi sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng có tên là làng Chùa. Đấy là ngôi làng mà hầu hết những người nông dân đều làm thơ như công việc cày cấy và gieo trồng của họ kể từ khi làng được thành lập hơn 700 trăm năm nay.
Trên những bức tường cổ kính của những ngôi nhà dọc đường làng, những người nông dân làng tôi đã viết những lời nói của họ về thơ ca và về đạo làm người. Lớn lên, tôi đã đọc những dòng chữ ấy. Và những dòng chữ ấy đã dẫn tôi đi trên con đường để làm người và để sáng tạo thi ca cho đến tận bây giờ.
Những người nông dân làng tôi nói: “Thơ ca không làm ra lúa vàng, gạo trắng, nhưng làm ra giấc mơ cho người gieo trồng”. Đấy chính là con đường của thơ ca, là sứ mệnh của thơ ca và là bến bờ mà thơ ca hướng đến…
Đó là những điều giản dị mà tôi muốn nói trong giờ phút trọng đại này của thơ ca ở chính nơi chốn tôi đang hiện diện. Thơ ca là một điều gì đó thật giản dị, đôi khi thật mong manh nhưng thật kỳ vĩ, nhưng đời sống và những suy tưởng của chính những người nông dân ở một làng quê nhỏ bé trên một xứ sở nhiều buồn bã, nhiều khổ đau và nhiều máu chảy cũng có thể minh chứng một phần về quyền lực và sứ mệnh thơ ca nhân loại.
- Với tư cách là một nhà thơ, giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn, ông có thể có những nhận xét đánh giá về diện mạo thơ ca của Việt Nam hậu hiện đại hôm nay? Và những cách tân của thơ trẻ?
+ Mỗi thời đại hay mỗi thế hệ đều mang đến một giọng nói đặc trưng của thời đại mình. Thơ trẻ Việt Nam cũng vậy. Họ mang đến một tinh thần sáng tác tràn ngập tự do, tràn ngập những giày vò về biết bao thách thức của đời sống Thiện - Ác. Họ mang đến một thi pháp mới thực sự. Và quả thực, một số những người trẻ làm tôi bất ngờ và quý trọng những gì họ đã viết.
Thị trưởng Thành phố Changwon trao giải cho nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. |
- Trong một thế giới mở, văn học nghệ thuật Việt Nam nói chung và thơ ca nói riêng ngày càng rộng đường bước ra thế giới. Ông có nhận xét gì về vị thế của Văn chương Việt mà cụ thể là thơ trong mặt bằng chung của khu vực các nước Đông Nam Á và rộng hơn là châu Á? Và thế giới?
+ Văn học Việt Nam là một nền văn học đang ngày càng được thế giới chú ý, bằng chứng là nhiều hơn các tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra thế giới và nhiều hơn các nhà văn nhận các giải thưởng quốc tế danh giá như Bảo Ninh, Mai Văn Phấn, Lê Minh Khuê, Nguyễn Ngọc Tư và có những nhà văn người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài nhận được những giải thưởng uy danh trên thế giới mà hầu hết các nhà văn đều mong muốn như giải Pulitzer của Mỹ.
Mới đây tôi có nghe một nhà văn nữ gốc Việt là ứng cử viên giải Nobel nữa. Điều đó cho thấy chất lượng của văn học Việt Nam so với thế giới ngày càng có vị thế hơn. Có điều việc dịch thuật của chúng ta phải có một chiến lược để truyền bá những tác phẩm văn học xuất sắc của Việt Nam ra quốc tế.
- Một câu hỏi cuối, thưa ông: Con người hôm nay có quá nhiều thứ để nghe, đọc, xem, vậy thơ có còn giữ một vị trí thiêng liêng trong lòng những người Việt vốn từng rất yêu thơ và xem thơ là món ăn đặc sắc không thể thiếu trong đời sống tinh thần?
+ Qua những gì mà thế giới đối với thơ ca như tôi đã và đang biết thì thơ ca vẫn là một điều gì đó hết sức thiêng liêng trong đời sống tinh thần của nhân loại. Bởi sự thật thơ ca là gốc của nhiều thể loại nghệ thuật khác. Có thể có lúc chúng ta lãng quên thơ ca, lãng quên văn học nghệ thuật, nhưng rồi cuối cùng chúng ta phải tìm đến. Bởi miếng cơm manh áo làm cho chúng ta tồn tại nhưng để tìm thấy ý nghĩa đích thực của đời sống thì chỉ có cái đẹp mới mang đến cho họ mà thơ ca là một trong những con đường dẫn con người đến với những vẻ đẹp của đời sống.
Một số giải thưởng thơ chính của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. * Giải thưởng thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội 1989. * Giải thưởng thơ hay 1991 của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh. * Giải thưởng Hội Nhà văn 1993 cho tập thơ “Sự mất ngủ của lửa”. * Giải thưởng Nhà nước 2017 cho các tập thơ “Sự mất ngủ của lửa”, “Những người đàn bà gánh nước sông” và “Nhịp điệu châu thổ mới”. * Giải thưởng Finalist cho tập thơ “Những người đàn bà gánh nước sông”. * Giải thưởng Changwon KC International Literary. |