Nhà thơ Lê Hồng Thiện: Thơ viết cho tuổi thơ

Thứ Sáu, 21/05/2021, 12:26
Với Lê Hồng Thiện, có lẽ, đã trên ba mươi năm có lẻ, tôi còn nhớ kỷ niệm thật tươi xanh với “chàng Thi sĩ Phố Hiến” này, gần suốt một tháng mùa hè, thật đẹp.


Ngày ấy, trại viết dành cho thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam do nhà văn Tô Hoài, Phạm Hổ phụ trách. Gần hai chục cây bút từ khắp miền đất nước được “triệu” về Thủ đô Hà Nội. Nhiều cây bút chuyên viết cho thiếu nhi có tên trên báo chí. Nhiều tác giả có một đến hai tập thơ. Có người có cả truyện dài, nhiều tập được bạn đọc nhỏ tuổi yêu thích. 

Tôi được giao phụ trách Trại trưởng. Lê Hồng Thiện, Trại phó. Bởi lúc này (1990), tôi đang là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà thơ Lê Hồng Thiện cũng nổi tiếng với tập thơ viết cho các em được Hội Nhà văn trao giải cùng với những bài thơ được chọn in trong Sách giáo khoa Tiếng Việt.

Tôi biết, và quen thân Lê Hồng Thiện từ cái duyên hội ngộ có từ trại viết ấy. Rồi, cũng từ buổi ấy, nhiều năm sau này, tôi thường xuyên được gặp ông ở Hội nghị Báo chí Quân khu Ba, ở Trại viết dành cho người lớn, ở Đại hội Nhà văn Việt Nam. Ở những chuyến đi thăm thú Hạ Long, đất Tổ Hùng Vương, cố đô Hoa Lư, Ninh Bình, hay Thủ đô Hà Nội… 

Lê Hồng Thiện thật hồn nhiên, chân chất và vui. Tôi mến ông ở sự gần gũi, cởi mở, chân thành. Tôi đọc và yêu thơ Lê Hồng Thiện từ những năm 1967, khi tôi đang là phóng viên của Báo Sông Hồng, Quân khu Tả Ngạn. Còn anh là cán bộ viên chức, một cộng tác viên tích cực, đang sống và viết trên đất Hưng Yên.

Nhà thơ Lê Hồng Thiện và vợ.

Lê Hồng Thiện viết nhiều. Những sáng tác thơ cho người lớn. Những sưu tầm, nghiên cứu về những chuyện “Đời sống Nhà văn”, những bài thơ viết cho các em xuất hiện khá nhiều trên các báo, biểu hiện sự sung sức, bền bỉ và mê say của một người cầm bút. Trong những đóng góp đáng kể của nhà văn với sự nghiệp lao động và sáng tạo nghệ thuật, có lẽ, nhiều bạn đọc thích hơn, quý yêu hơn Lê Hồng Thiện ở những trang viết, mà thi sĩ dành cho lứa tuổi trẻ thơ. Đây là nét trội. Là dòng lớn trong nguồn chảy, trong dấu ấn có được của anh.

Có lẽ, từ sự ăn khớp, thống nhất giữa tâm hồn với một đại giác luôn phong lưu, sinh động, để rồi, thơ và hồn thơ Lê Hồng Thiện khi viết cho các em đã đẻ ra, đã gọi về những “thi nhãn” thật sinh động trong cái Nhìn, cái Gặp. Để rồi, những bức tranh có từ trực giác cứ hiện lên đa sắc màu, đa tầng và gợi cảm thế này:

Quả thị vội bôi nước hoa
Quả bưởi sắm lược mang ra chải đầu
Quả hồng bôi phấn đỏ au
Quả na chín mở mắt mau ra nhìn
Trăng rằm cũng vội nhô lên
Để ngắm hoa trái, để xem rước đèn …

                                            (QUẢ)

Hoặc, đây là hình ảnh “NGỦ” trong cái Nhìn, cái Nghe … thật ngộ nghĩnh,  tinh tế:

Âm thanh ngủ ở cây đàn
Ngọt ngào ngủ ở muôn ngàn trái cây
Nước mưa nằm ngủ trong mây
Hương thơm nằm ngủ cả ngày trong hoa
Bóng râm ngủ dưới gốc đa
Trẻ con ngủ dưới mái nhà ấm êm.
Chỉ riêng có một trái tim
Chẳng bao giờ ngủ cả đêm lẫn ngày.

Vâng. Trước ngưỡng của cuộc đời, trẻ em đón nhận thế giới trước mặt với bao nhiêu mới mẻ, diệu kỳ. Với rất nhiều câu hỏi muốn khám phá, muốn “Biết. Lê Hồng Thiện, nhà thơ đã luôn tự thức và ý thức rất rõ điều ấy. Và, anh đã đem đến cho các em những “giải mã” trong nét vẽ, trong tái tạo và sáng tạo một thế giới sinh động.

Ví như:

Quả cam chia múi ngọt ngào
Cây cau chia đốt lớn cao dần dần
Mía chia đốt ở quanh thân
Bông hoa cũng biết chia năm cánh xòe
Cây, hoa và quả tài ghê
Chưa từng đến lớp mà chia không nhầm
Bình yên trái đất xoay vần
Lại chia được quả tháng năm, bốn mùa.

(CHIA)

Hoặc:      

Quả khế nào cắt ra
Cũng có hình năm cánh
Bổ quả gấc chín nào
Cũng đầy mặt trời hạt …

(KHEN)  

Hoặc: 

Hoa phượng dập tắt lửa rồi
Lặng im chẳng thấy một lời ve kêu.
Chỉ còn vi vút tiếng diều
Kéo mùa thu xuống trong veo bầu trời.
Chỉ còn đàn bướm dạo chơi
Nhởn nhơ cõng nắng trên đôi cánh mềm.

(MÙA THU - CON VE - CÁNH DIỀU)

Hoặc :

Hạt mưa tinh nghịch lắm
Ào ào trên mái tôn
Thi cùng với ông sấm
Gõ thùng như trẻ con

Chớp vạch con đường đỏ
Dẫn ông sấm đi chơi
Tre rạp mình nghiêng ngả
Lá thi nhau vẫy tai...

(HẠT MƯA)

Bìa tập thơ “Cả nhà cùng vui” của nhà thơ Lê Hồng Thiện.

Viết cho các em, ngoài mô tả thiên nhiên, cảnh vật. Có một mảng đời sống sinh hoạt của tuổi nhỏ cũng vô cùng hấp dẫn, “ngộ nghĩnh” mà lý thú nữa. Thế giới của trẻ em thật tươi non, được Lê Hồng Thiện phát hiện qua cách đặt câu hỏi và lý giải thật hay. 

Đấy là, khi bắt gặp  “CON SÂU ĐO” bé bỏng:

Đo cành và đo lá
Đo hoa và đo quả
Nhưng một đời chỉ ước
Bao giờ đo được mình.

Hoặc: đứng trước một “CÂU HỎI VỀ TRĂNG”

Ông trăng to bằng cái vung
Rơi trong chén nước, bé bưng mời bà.
Ông trăng tít tận trời xa
Thấy có bóng nước trăng xà xuống ngay.
Bà ơi! chén nhỏ bé này
Ông trăng to thế vào đây được nào?

Hoặc, trước “NHỮNG CÁI RÂU LẠ”:

Bắp ngô vừa mới ra đời
Mà râu đã mọc như người già nua
Con mèo bé tí mẹ mua
Một hàng râu mọc tủa tua quanh mồm

...

Có anh pháo tép ngang tàng
Đốt râu lại nổ ầm vang đất trời.

Hoặc: “CHUYỆN TRƯỚC LÚC HOÀNG HÔN CỦA NHỮNG BÔNG HOA”:

Trời sắp chạng vạng rồi
Mà cây quả trong vườn
Cãi nhau ồn ã quá
Hoa hồng thì vỗ ngực
Mình đỏ như mặt trời.

Hoa cúc thì tự đắc
Đẹp xinh như vàng mười

Ai cũng khoe mình đẹp
Sắc màu nào cũng hay
Hoàng hôn buông đen đặc
Tất cả đều im ngay.

Riêng dạ lan vừa nở
Lặng thầm tỏa mùa hương.

Hoặc: khi đứng trước một con “SÔNG”:

Sông là hay ốm lắm
Thấy lúc nào cũng nằm
Khi uống nhiều nước đục
Đau bụng réo ầm ầm

Hoặc, trước “GIÓ VÀ GƯƠNG”:

Sáng trong, trong sáng là gương
Em đến soi mặt chải đường ngôi xinh
Chỉ riêng cô gió bực mình
Soi gương mà chẳng thấy hình trong gương.

(Vân vân … và vân vân ….)

Quả tình, những hình ảnh “cây cau chia đốt, Trái đất chia tháng, chia mùa…” “Con sâu đo, không đo được mình, Anh “Pháo tép… đốt râu lại nổ vang…” Hay, “Sông đục ngầu, đau bụng…” là những thi liệu mang những thi ảnh gợi và lạ, được người viết “cá thể hóa”, rất riêng, làm các em rất thích. Có thể trích dẫn khá nhiều những bài thơ hay, câu thơ hay của thơ Lê Hồng Thiện viết cho các em, với nghệ thuật quan sát, nghệ thuật kỳ ảo hóa qua ví von, liên tưởng, qua phát hiện và kiến giải những sự vật, hiện tượng thật quen gần, mà lung linh, đáng yêu như thế.

Và, “QUẢ GẤC CHÍN” là bài thơ tiêu biểu của khả năng hội tụ những thi pháp từ cảm nhận đến tư duy của thơ Lê Hồng Thiện trong hàng trăm bài thơ mà thi sĩ đã viết tặng các em.

Quả đỏ chen với quả vàng
Cứ như là uống rượu vang say bò.
Sần sùi như cổ gà gô
Trong quả gấc chín có kho mặt trời.
Vào bếp bạn với nồi xôi
Lên cao làm quả bóng bơi trên giàn…

Đọc thơ “viết cho các em” của  Lê Hồng Thiện, mọi nguồn chảy dài xa, mọi âm hưởng dư vang, mọi bến bờ ra đi và neo đậu đều sáng lên từ sự khai sáng “ HỒN TÔI” mà người đọc cảm nhận từ bài thơ được nhà thơ “Tự bạch” về chính mình, như thế: 

Cả đời yêu tiếng bi bô
Tóc càng bạc trắng ngây thơ càng nhiều
Hồn tôi thả một cánh diều
Căng dây đón gió chạy theo mục đồng.

…Và, Lê Hồng Thiện, thi sĩ của tình yêu trẻ thơ. Thi sĩ của những ban đọc từng tin yêu, quý mến ông qua những vần thơ ông viết… Dẫu đã sắp bước vào tuổi “Lão Lai bát thập,” nhưng ông còn rất trẻ, còn thực sự dồi dào bút lực.

Kim Chuông
.
.