Nhà thơ Hữu Thỉnh: Con chọn thứ vũ khí này bênh vực mẹ
- Nhà thơ Hữu Thỉnh tái đắc cử Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
- Nhà thơ Hữu Thỉnh: Biển có đảo, biển đỡ lặp lại mình...
- Tản mạn một thời cùng nhà thơ Hữu Thỉnh
Cách đây hơn ba chục năm, bài thơ "Ngôi nhà của mẹ" của nhà thơ Hữu Thỉnh đã được dư luận và độc giả đánh giá cao về sự sâu sắc và tính nhân văn. Ở bài thơ này, nhà thơ bắt đầu bằng giọng thủ thỉ, tâm tình để kể chuyện một người lính về quê thăm mẹ, thăm lại ngôi nhà cũ kỹ thân thuộc của cha mẹ với biết bao kỷ niệm êm đềm, buồn vui từ thủa thiếu thời nghèo khó lớn lên trong chiến tranh:
Chiếc vé tàu cũng hồi hộp như con
khi con về thăm mẹ
con lại ngồi vào chiếc chõng tre xưa
nơi mẹ vẫn ngồi khâu cha thường chẻ lạt
bao xa cách lấp bằng trong chốc lát
trăm cánh rừng về dưới giọt ranh thưa
xin mẹ lại cho con bắt đầu đi gánh nước
gánh bao nhiêu trong mát để dành
xin mẹ lại cho con nấu bữa cơm mà không cần giấu khói
để con được cảm ơn ngọn lửa nhà ta
ngọn lửa biết thay con tìm lời an ủi mẹ…
Không cần những gợi mở hướng đến những hình ảnh lớn lao và xa lạ, chỉ bình dị với hình ảnh chiếc chõng tre mộc mạc cũ sờn, hình ảnh mái rạ nghèo khó và ngọn lửa bếp âm thầm mỗi chiều qua, nhà thơ đã gợi lên sự gần gũi, thân thuộc của quê hương trong mỗi chúng ta để "bao xa cách lấp bằng trong chốc lát/ trăm cánh rừng về dưới giọt ranh thưa".
Những câu thơ đậm đặc chất thi sĩ dường như đã trở thành một tố chất tìm tòi của riêng phong cách thơ Hữu Thỉnh. Ông xin phép mẹ cho con đi gánh nước là để "gánh bao nhiêu trong mát để dành". Ông xin phép mẹ cho con nấu cơm là: "để con được cảm ơn ngọn lửa nhà ta/ ngọn lửa biết thay con tìm lời an ủi mẹ". Với bài thơ "Ngôi nhà của mẹ", có thể nói nhà thơ Hữu Thỉnh đã đánh thức trong ta những cung bậc cảm xúc rất thân thương, rất gần gũi với con người mà có lẽ chỉ có những người lính từng đi qua nỗi đau chiến tranh mới thấm thía được.
Những thập niên cuối thế kỷ XX, nhà thơ Hữu Thỉnh đã có nhiều thành tựu đóng góp cho thi ca chiến tranh cách mạng qua những bài thơ và các trường ca khá nổi tiếng của ông. Ở bài viết ngắn này, tôi chỉ đề cập đến những đóng góp của Hữu Thỉnh trong những phát hiện, tìm tòi, đổi mới cho thi ca Việt Nam sau chiến tranh. Theo tôi, viết về thơ Hữu Thỉnh thật dễ mà cũng thật khó.
Dễ là bởi nhiều bài thơ của ông thuộc loại thơ hay và hàm súc. Còn khó là bởi thơ Hữu Thỉnh có những đổi mới về thi pháp một cách có hệ thống từ đã lâu, nhưng các tìm tòi này thường được biểu đạt dưới dạng chuyển hóa rất nhuyễn các nhịp điệu của thi ca truyền thống để hướng tới một cách nói mới, giàu nội hàm tư tưởng hơn cách nói cũ nghiêng về phía bộc lộ cảm xúc của người viết.
Trong bài thơ "Lời mẹ" dưới đây, nhà thơ đã hai lần ở hai thời điểm khác nhau, đặt câu hỏi hồn nhiên như một đứa trẻ để được nhận lời bảo ban sâu sắc, thông tuệ mang màu sắc triết lý của người mẹ trước những nghịch lý của đời sống con người: "Tôi bước ra ngoài ngõ/ Gió thổi. Nước triều lên/ Đi hoài không gặp tiên/ Đành quay về hỏi mẹ/ - Hãy yêu lấy con người/ Dù trăm cay nghìn đắng/ Đến với ai gặp nạn/ Xong rồi, chơi với cây!/ Tôi lại bước dưới trời/ Không tiếc mòn tuổi trẻ/ Đi hoài không gặp tiên/ Lại quay về hỏi mẹ/ - Hãy yêu lấy con người/ Dù trăm cay nghìn đắng/ Đến với ai gặp nạn/ Xong rồi, chơi với cây!".
Đọc xong bài thơ, tôi chợt giật mình tự hỏi: Vì sao con người muốn yêu thương con người lại phải trải qua trăm cay nghìn đắng như vậy? Và câu trả lời minh triết mang màu sắc thiền luận của người mẹ vẫn giữ nguyên sau rất nhiều năm đã lý giải tất cả.
Qua mấy khổ thơ trên, có thể thấy, có lẽ với các thi nhân và nhiều người nữa, không ai khác ngoài người mẹ của họ đã nuôi dưỡng cả "phần xác và phần hồn" cho những đứa con bằng dòng- sữa- tinh - thần- nhân-văn ngàn đời còn thấm đẫm trong tục ngữ, ca dao và còn mãi trong hơi thở máu thịt của mỗi cuộc đời trên mảnh đất nghèo khó và nhiều cay đắng này.
Ở nhiều bài thơ khác, các hình ảnh liên tưởng khá độc đáo và những suy tư giàu chất nhân văn trong thơ Hữu Thỉnh thường mang lại các phát hiện rất bất ngờ, khiến cho những câu thơ tài hoa của ông phát sáng kỳ ảo ở các chiều kích khác nhau. Và cái nét mới nổi trội trong thơ Hữu Thỉnh chính là những cuộc đối thoại rất sinh động và mang màu sắc triết lý của nhà thơ với thiên nhiên, với cuộc sống, với con người… để bồi đắp cho vẻ đẹp chân-thiện-mỹ mà thi ca ngàn đời vẫn hướng tới. Đấy là khi nhà thơ xin phép mẹ:
Mẹ ơi mây héo con xin mẹ
Cho con lên an ủi mặt trăng buồn
Chợ tan đường cũng tan như chợ
Bán được buồn hay mua được buồn hơn
Ta vay bóng mát mà không trả
Trời hiểu vì sao lại mất mùa
Ta đã qua những mặt bàn nguy hiểm
Những người hiền vương vít giữa rơm khô
(Đất ngày thường)
Có một điều dễ nhận thấy, trong thơ Hữu Thỉnh, âm hưởng của thi ca dân gian truyền thống đã được chắt lọc và làm mới một cách rất tài hoa và có tính nâng cao. Ở các bài thơ 5 chữ, 7 chữ và lục bát mang âm điệu truyền thống của ông, cảm tính và lý tính đã hòa quyện trong mạch liên tưởng của những tứ thơ được tạo dựng khá công phu và chặt chẽ.
Thật ra, để đạt được sự hài hòa giữa cảm xúc và tư tưởng trong sáng tạo thi ca, người viết phải có tài năng thật sự và phải có sự trải nghiệm cả về mặt kinh nghiệm đời sống và văn chương. Hữu Thỉnh là một nhà thơ có được những phẩm chất vượt trội đó.
Người làm thơ hiện nay quá nhiều, nhưng có lẽ chỉ những người có phẩm chất thi sĩ - phẩm chất của tài năng mới làm nên những gương mặt thơ đặc sắc, độc đáo để tạo nên sự khác biệt giữa nền và đỉnh. Hữu Thỉnh là một trong số ít nhà thơ giàu chất thi sĩ mà bài thơ "Chạm cốc với Xa-in" là một ví dụ:
Dãy núi A-la-tau có vẻ mặt đáng kính của một nỗi buồn
Nho lại bắt đầu, không có gì mới
Xin nâng chén vì anh! Ta chúc những gì đây
Tuyết quê anh nhiều, xin cho tôi như tuyết.
Những đôi trai gái ôm hoa vào phòng cưới
Họ yêu nhau không có kinh nghiệm gì
Họ nhảy và hát không có kinh nghiệm gì
Họ chia tay nhau không có kinh nghiệm gì
Tôi và anh không có kinh nghiệm gì
Càng viết càng thấy mình yếu đuối
Đường nhân nghĩa chừng nào còn lắm bụi
Anh hiểu vì sao tôi ít lời
|Anh hiểu vì sao tôi hay nhắc mẹ tôi
Nỗi ám ảnh suốt đời day dứt
Đối với mẹ sẽ là đòn đau nhất
Có kẻ nào rình ném bẩn lên tôi
Giữa tiệc rượu và hoa, tưởng chừng không đúng lúc
Nhắc đến nỗi đau những uất ức ở đời
Làm sao được, rượu hoa thường ít
So với chia ly, gian dối, dập vùi
Miếng cơm manh áo che khuất mẹ tôi
Sự vô tình che khuất mẹ
Người thường vắng mặt trong các cuộc vui
Tóc bay trắng trong buổi chiều gió bạc
Thơ mỗi ngày người càng ít đọc hơn
Nhưng con chọn thứ vũ khí này bênh vực mẹ
Con đi trong mưa, mài trên đá
Gặp niềm vui càng thương mẹ nhiều hơn
Xa-in ơi, anh không có vỏ bọc nào đáng ngại
Sống mỗi ngày nguyên chất cho thơ
Xin nâng chén mừng anh
Hoa táo nở.
Trong bài thơ trên, khi nhà thơ phải chọn thơ làm thứ vũ khí để bênh vực người mẹ của mình đã có lúc bị sự vô tình của miếng cơm manh áo che khuất trong cuộc đời, thì đấy có lẽ là nỗi đau lớn nhất của người con, nhất là khi người mẹ đang bị ám ảnh trước việc người con của mình đang phải nếm trải nỗi đau đớn khi bị kẻ khác "rình ném bẩn".
Bài thơ đã làm người đọc xúc động khi nhà thơ ngậm ngùi nhận ra hình bóng của người mẹ thân yêu: "Sự vô tình che khuất mẹ/ Người thường vắng mặt trong các cuộc vui/ Tóc bay trắng trong buổi chiều gió bạc". Và nhà thơ tự nhủ: "Thơ mỗi ngày người càng ít đọc hơn/ Nhưng con chọn thứ vũ khí này bênh vực mẹ".
Trong những tìm tòi đổi mới thi ca rất đáng ghi nhận của nhà thơ Hữu Thỉnh trong nhiều thập niên qua, vẻ đẹp minh triết của tư duy thơ hiện đại đã hiện dần ra trên cái nền nhịp điệu cảm xúc tinh tế của thi ca truyền thống và theo tôi, đấy chính là phong cách thơ Hữu Thỉnh, đậm đặc phẩm chất thi sĩ và hàm súc về mặt tư tưởng. Bài thơ "Chạm cốc với Xa-in" nói trên, một lần nữa cho chúng ta thấy xu hướng tìm tòi, đổi mới luôn là những trăn trở trong thơ của Hữu Thỉnh sau chiến tranh.
Điểm qua một số bài thơ viết về mẹ của nhà thơ Hữu Thỉnh, tôi không có tham vọng khắc họa chân-dung- thơ một nhà thơ đương đại xuất sắc mà chắc chắn rồi đây, các nhà phê bình, lý luận sẽ còn tốn nhiều thời gian và giấy bút. Tôi chỉ điểm và bình theo cách cảm nhận của một người làm thơ khi đứng trước một áng thơ hay, một bài thơ hay, một câu thơ hay viết về người mẹ đã làm xúc động nhiều độc giả thơ trong những năm qua. Thiết nghĩ, vậy cũng là đủ!