Nhà thơ Hoàng Trần Cương: Vừa đi vừa ngoái nhìn quá khứ

Thứ Ba, 02/10/2007, 07:42
Đọc thơ Hoàng Trần Cương đã nhiều, nhưng lần đầu tiên được “mục sở thị” thi sĩ, tôi rất ấn tượng về cách đọc thơ của anh. Trong quán bia hơi tuềnh toàng, giọng sang sảng của anh làm “giật mình” nhiều thực khách.

Lúc cao hứng, anh dằn mạnh cuốn sổ trên tay xuống bàn, cuốn sổ mà anh luôn mang theo người để có thể làm thơ, ghi chép bất cứ lúc nào. Và khi cuốn sổ rơi xuống, tôi thấy hàng trăm con chữ bay vút lên, lao vào thăm thẳm trời…

- Có nhiều nhận xét về Hoàng Trần Cương mà tôi đã từng đọc. Song phần lớn những từ người ta dành cho anh đều có thể làm trẻ con và người yếu bóng vía... sợ hãi, ví dụ như: thô nhám, xù xì, quyết liệt, cực đoan, “tận bờ sát góc”...Thêm một tướng mạo Hoàng Trần Cương cũng không kém phần làm cho người mới gặp lần đầu cảm thấy đôi chút... chờn chợn. Và một giọng nói có lúc như âm thanh của một chiếc rìu va vào vách đá. Thật khó để nhìn ra bóng dáng nhà thơ trong hình hài Hoàng Trần Cương ở ngoài đời...

 + Nhận xét về tôi là quyền của mỗi người. Tôi là người không định giấu giếm mình, và cũng không giấu được ai cả.

- Anh sinh ra và lớn lên ở mảnh đất miền Trung nhiều bão gió, lại trải qua một tuổi thơ sớm phải chịu đựng nhiều nỗi buồn. Có thể hiểu đây là hai yếu tố căn bản nhất làm nên tính cách thơ Hoàng Trần Cương, số phận thơ Hoàng Trần Cương chăng?

+ Tôi cho rằng nhận xét này đúng ở phần căn bản nhất. Bạn biết đấy, không ai chọn được nơi sinh ra và không ai được quyền từ chối mẹ của mình. Tôi luôn thấy mình may mắn vì được sinh ra ở một vùng đất khốc liệt và trong một gia đình có nhiều biến cố, từ khi tôi còn rất nhỏ tuổi.

Miền Trung của tôi là vùng đất “phên dậu” của Tổ quốc và hiển nhiên nó phải ẩn chứa những tố chất quan trọng nào đó thì mới có thể đảm nhiệm được vai trò ấy. Trong cái nắng gió, đói nghèo của miền Trung chỉ có hai chữ đói nghèo là có thể thay đổi, và hiện tại đang dần thay đổi. Nhưng yếu tố phong thổ thì mãi mãi không thay đổi. Cũng chính yếu tố này ám vào hồn cốt các cư dân miền Trung.

Dẫn giải điều này để nói rằng, cho dù tôi là một người theo học ngành tài chính, có tới trên 20 năm làm kế toán trưởng, trải qua các thời kỳ chiến tranh, bao cấp và chập chững kinh tế thị trường, đó là những hoàn cảnh có phần nào ảnh hưởng đến những câu thơ của tôi. Nhưng ngẫm thật kỹ ra thì những ảnh hưởng ấy hình như không phải.

Mà thực ra cái hồn thơ của tôi là sự tiếp nhận vô thức của đời sống, cảm xúc, thi ảnh của những năm tháng thơ trẻ. Đối với tôi, những dấu ấn tuổi thơ là thứ được lưu giữ vĩnh viễn trong tâm hồn mình. Còn những năm tháng sau này chỉ là sự bồi đắp. Những người làm thơ thì không bao giờ thoát ra khỏi những ám ảnh quá khứ và tôi cũng vậy. Tôi đã từng bị cuộc đời quăng quật xuống tận đáy theo đúng nghĩa đen của từ này. Chính điều đó đã tạo nên tính cách thơ của tôi.

- Nhà thơ Vũ quần Phương từng nói: “Văn chương thời nào cũng có mốt của nó”. Nhìn vào đời sống văn học hôm nay, quả tình cũng có rất nhiều thứ mốt khác nhau. Nhưng tôi thấy là anh không đuổi theo mốt. Thơ của anh, với cái vẻ mộc mạc của mình, với cảm thức về đất đai, đồng ruộng, quê hương, quá khứ, lại còn có vẻ gì hơi... lỗi mốt nữa. Bởi vậy mà mới có người nhận xét, Hoàng Trần Cương là nhà thơ có thứ hạng trong văn học Việt Nam đương đại, nhưng lại không được dư luận chú ý. Vậy, anh có thể nói gì về cái gọi là thời trang trong văn học?

+ Theo tôi nghĩ văn chương nói riêng và nghệ thuật nói chung không bao giờ là thời trang cả. Tôi không dám coi thơ là thời trang. Vì thế nên chả dại gì mà tôi lại mất thời gian sắm sanh, soạn sửa. Không mấy khi tôi quan tâm đến việc người ta ngó ngàng mình ra sao. Tôi chỉ ngó ngàng chính tôi, xem có khi nào mình trở nên phô diễn không.

Với tôi, những người coi văn chương là thời trang, đến với văn chương như đến với một thứ thời trang là những người thiếu bản lĩnh. Vì thời trang là thứ để người ta nhìn vào anh, chứ không phải những thứ tự anh. Nhà thơ có nhiều người yêu quý mình dĩ nhiên là tốt rồi. Nhưng với tôi, có khi chỉ có một người đọc mình cũng đã là rất mừng.

- Anh từng tham gia quân đội nhiều năm, là một người lính pháo binh vào sinh ra tử, chiến đấu cùng những đồng đội nổi tiếng trong làng văn chương cùng thời như Nguyễn Trí Huân, Đỗ Chu, Thao Trường, Duy Khán. Nhưng tôi nhận thấy anh không viết nhiều về chiến tranh. Có lẽ nào chiến tranh đã không trở thành nỗi ám ảnh đủ thôi thúc để anh cầm bút?

+ Thơ tôi không phải không từng viết về chiến tranh nhưng nếu lượng hóa thì quả tình cũng không nhiều. Nói về quá khứ chiến tranh, thực lòng là tôi muốn Quên, vì khi đương đầu với nó, chúng ta đã thể hiện kiệt cùng sự Nhớ.

Chúng ta đã không ngần ngại tổn máu, hao xương và tận hiến tuổi trẻ để chiến thắng. Và bây giờ là lúc có thể được tạm Quên đi để có thời gian làm nhiều việc khác. Nhưng hiềm nỗi, chiến tranh là không thể Quên và không được phép Quên.

Trong trường ca “Trầm tích” của tôi, nếu để ý, mặc dù không nói trực diện, nhưng xuyên suốt tác phẩm là bóng dáng của chiến tranh. Nó được lấp sau những nỗi đau khác...--PageBreak--

- Nhìn lại nền thơ ca chống Mỹ mà rất nhiều người từng là đồng đội của anh đã sáng tạo nên, anh nhận thấy nó có vị trí như thế nào trong văn học Việt Nam?

+ Tôi cho rằng, đội ngũ nhà thơ chống Mỹ của chúng ta có một số gương mặt tiêu biểu rất xứng đáng được nhận giải thưởng cao quý nhất về văn học. Nhưng tiếc thay những đánh giá của chúng ta chưa xác đáng.

Điều này xuất phát từ tâm lý tự ti của một đất nước chưa có một nền kinh tế phát triển, là rất khó chấp nhận những gì thuộc về đương đại. Chúng ta vin vào “ông thầy thời gian” để đánh giá các giá trị, mà nói như Bác Hồ là thích phê bình mà không thích tự phê.

Đằng sau sự tự ti, tính nhược tiểu cũng lộ rõ. Người ta thường nói “có bột mới gột nên hồ”. Tôi cho rằng, chúng ta có “hồ” đấy nhưng vấn đề là ai sẽ “gột”, và quan trọng hơn nữa là có ai “gột” hay không? Mong rằng, với thế hệ trẻ sau chúng tôi, tâm lý tự ti này sẽ không còn nữa.

- “Vũ khí lợi hại” nhất của anh là trường ca, điều này ai cũng nhìn thấy.  Phải chăng chỉ trường ca mới đủ sức dung chứa con người ào ạt Hoàng Trần Cương?

+ Tôi vẫn làm thơ ngắn. Nhưng thực ra tạng của tôi là ở thể loại viết dài. Ở trường ca tôi có thể ngụp lặn thỏa thích trong con sông xúc cảm, tư duy của chính mình. Tôi đang hoàn thành hai trường ca có tên là “Đỉnh vua” và “Long mạch”.

- Đọc thơ anh có thể nhận thấy rằng, anh bám rất chặt vào quê hương và những ẩn ức của con người trong quá khứ đến mức có cảm giác như nếu không bám vào những điều ấy có thể anh sẽ trở thành một cái cây bị bật gốc. Đời sống hiện tại đang cuồn cuộn nhịp chảy, và anh đang từng giờ từng phút ở trong dòng chảy ấy. Nhưng tất cả lại dường như không chạm tới thơ anh. Vì sao vậy?

+ Theo tôi nghĩ, một nhà thơ, để có được những câu thơ tâm đắc, phải là sản phẩm của tư duy và đời sống sau những va đập đã được lắng lại qua thời gian. Tôi chỉ có thể đặt bút làm thơ khi nhịp tim đã trở lại bình thường, sau khi những choáng ngợp, hồi hộp qua đi.

Thơ, với tôi, không bao giờ là thời sự. Cuộc sống chảy qua tôi và thơ giống như phù sa, qua năm tháng mà đọng lại. Tôi là người vừa đi vừa ngoái lại nhìn quá khứ. Nói như nhà thơ Trịnh Thanh Sơn, thì tôi là người luôn “đấu thầu” quá khứ.

- Nghe kể rằng anh rất hay khóc khi đọc thơ. Chỉ với thơ anh mới chịu “phô” con người rất yếu đuối của mình ra sao?

+ Nói chính xác ra thì tôi hay nghẹn ngào lúc làm thơ, khi những thi ảnh vụt đến. Điều này cũng có thể xem như cái “gót chân Asin” của người làm thơ. Bạn bè hay thấy tôi nghẹn ngào là vì tôi có thể làm thơ ở bất cứ chỗ nào.

Trong chiến tranh, vừa đánh trận xong, chôn cất tử sĩ xong, tôi kê lại pháo và ngồi làm thơ, mặc cho máy bay địch gầm rít trên bầu trời. Đọc lại những câu thơ ấy tôi không kìm được xúc động.

Có lần đọc thơ trên truyền hình, tôi cũng nghẹn ngào đến nỗi ống kính phải lia đi chỗ khác. Sự vỡ òa ấy không phải chỉ tự thân những câu thơ, mà nó là sự trở về của hàng chuỗi những thi ảnh trong quá khứ.

- Không chỉ làm thơ, anh còn là người đứng đầu tờ báo của ngành tài chính, một tờ báo không liên quan nhiều đến văn học nghệ thuật. Xin hỏi, đối với anh, làm Tổng biên tập một tờ báo và làm một nhà thơ, điều gì khó hơn?

+ Theo tôi nghĩ, có hai điều quan trọng nhất đối với bất kỳ một ông Tổng biên tập nào, trong thời buổi cơ chế thị trường hiện nay, là “cái mặt” ông ta phải có chữ và ông ta phải biết làm tài chính (chứ không phải làm tiền). Việc xử lý thông tin, xử lý công việc cũng cần đến trái tim của nhà thơ, là tâm huyết và trách nhiệm với tờ báo, với anh em đồng nghiệp.

Lành mạnh về tài chính cũng là một yêu cầu quan trọng với một người “cầm cân nảy mực”. Tôi nhận thấy rằng, việc lo đời sống cho anh em trong đơn vị chiếm nhiều phần thời gian, thậm chí có những thời gian nó còn nặng nề hơn công việc sáng tác rất nhiều.

Tôi làm thơ vào những lúc mình được rảnh rang đôi chút. Tập “Trầm tích” tôi viết trong 10 năm, làm “khổ” NXB Hội Nhà văn vì họ phải đổi giấy phép tập sách của tôi tới 6 lần. Tôi không có nổi thời gian để chỉnh trang bản thảo. Chỉ đến khi có 15 ngày nghỉ phép tôi mới hoàn thiện tập sách để mang in.

Làm báo là một nghề nhọc nhằn. Có nhiều lúc con người nhà báo lấn át con người nhà thơ trong tôi. Nhưng biết làm sao được...

- Xin cảm ơn nhà thơ Hoàng Trần Cương

Bình Nguyên Trang (thực hiện)
.
.