Nhà thơ Hoàng Quý: Những câu thơ vút lên bên bờ sóng

Thứ Tư, 01/06/2016, 07:52
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 7 năm 2009, tại sân Thái Học ở Văn Miếu, nhà thơ Hoàng Quý đọc trích đoạn trường ca "Đối thoại trắng". Đấy là khúc ông viết về Nhân dân: "Ôi! Nhân dân kiêu dũng của tôi/ Nhân ái và thật thà/ Cởi mở và bồng bột/ Người nâng thuyền mà nổi trôi như lá/ Người bộc trực, tuềnh toàng/ Cả nghe và hiếu thiện/ Tin đạo mà chở đạo/ Đạo rối/ Thuyền chao/ Qua mỗi cửa bão giông lại đắm đuối nâng thuyền/ Néo chèo theo lái/ Bến yên bình một giấc tít xa/ Mà người có bao giờ không nhẹ dạ". 


Cả sân thơ chính lắng lại, như bay theo giọng đọc hào hùng trầm bổng của ông. Để rồi vỡ òa khi ông kết thúc: "Nhưng giấc mơ/ Giấc mơ lúa thiêng/ Trôi vừa chớm ban mai là hoá thạch!/ Một giấc hiền thục đất/ Trải bốn ngàn năm sinh!". Rồi hoa. Rồi những vòng người, vây quanh ông. Cảnh ấy tôi không được chứng kiến. Nhưng hơn một lần nghe các bạn Khoa Viết văn - Báo chí trường Đại học Văn hóa kể lại. Tôi nghe. Và tôi tin. Bởi với Hoàng Quý, chỉ cần cho ông micro và sân khấu, ông có cách để mọi người đắm đuối theo mình.

Với lẽ đó, nên ngồi với nhà thơ Hoàng Quý chẳng bao giờ sợ hết chuyện hay chìm vào khoảng lặng thinh không. Vốn liếng văn chương của ông dày, sâu, như cái giếng không đáy. Ngồi ở chiếu văn nào đó, có thể chỉ hai người hoặc hơn, nhận thấy có thể tương tác là ông thả gầu xuống giếng múc lên tưới cho cuộc chuyện. Say. Lôi cuốn. Như nhập đồng. Có người không thích những lúc ông "nhập đồng" như vậy. Bởi cách ông "nhập đồng" dễ làm người muốn thể hiện khác bị lu mờ. Nhưng tôi thì thích. Với tôi, được nghe, chứ không phải được nói, là niềm vinh hạnh. Vì vốn dĩ ở tôi, tai tốt hơn miệng.

Xuất phát điểm của nhà thơ Hoàng Quý là làm công tác văn nghệ dân gian. Trước đó ông là lính, tham gia kháng chiến chống Mỹ, 6 năm xuôi ngược khắp các chiến trường cho đến ngày đất nước thống nhất. Xa hơn nữa thì bố mẹ ông người Hà Nội. Trước năm 1945, thân mẫu Hoàng Quý là chủ hãng sơn Sinh Tài Đông Dương ở phố Hàng Rươi. Toàn quốc kháng chiến, gia đình tản cư lên miền trung du rừng cọ đồi chè. Ông được sinh ra tại đây, làng Bủng Thượng, huyện Thanh Ba, và là con út trong 13 anh chị em. Sau gia đình ông về ngụ cư ở huyện Tam Thanh, Phú Thọ. 

Hoàng Quý là người chịu đi. Tám năm làm văn nghệ dân gian ở Ty Văn hóa rồi Hội Văn nghệ Vĩnh Phú (cũ), ông lăn lộn, ăn dầm nằm dề khắp các thôn bản vùng cao. Lâu thật lâu mới mang quả đầu đầy chí rận về xuôi cho vợ… tẩy trần. Đến mức các bạn ông, như nhà văn Sao Mai, nhà thơ Hoàng Hữu, nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn gọi ông là "Vua Mèo".

Khoảng thời gian này Hoàng Quý để lại hai dấu ấn quan trọng. Thứ nhất là ông sưu tầm và phục dựng thành công các bài đánh trống đồng cổ. Lễ hội Đền Hùng năm 1979, lần đầu tiên tại Đền Thượng, trống đồng và dàn cồng đồng được trình tấu trong sự phấn khích của du khách thập phương. Sau đấy nhạc sĩ Trịnh Lại được Viện nghiên cứu Âm nhạc cử lên phối hợp cùng ông để minh xác và hoàn thiện hơn công trình này.

Thứ hai là Hoàng Quý xuất bản cuốn sách "Truyện cổ Mường Châu Phong". Các truyện cổ được ông sưu tầm rồi viết lại bằng giọng văn rất "bay". Bài thơ dài "Ngẫu hứng qua Mường" được ông ngắt ra từng đoạt đưa vào "miệng" các nhân vật thật "ngọt". "Ngọt" đến mức nhiều bậc đàn anh trong làng văn đọc "Truyện cổ Mường Châu Phong" đã nhìn ra ở tập truyện thứ lấp lánh của thơ. Và mường tượng Hoàng Quý phải là người của thơ chứ không đơn thuần là người làm công tác văn nghệ dân gian.

Năm 1985, Hoàng Quý đưa gia đình vào Vũng Tàu. Thêm cuộc hành quân dài, là bước ngoặt của cuộc đời ông. Và tại đây, thơ Hoàng Quý bắt đầu vút lên bên bờ sóng. "Giấc phì nhiêu", tập thơ đầu tay của ông được đích thân nhà thơ Vân Long, sau lần gặp đầu tiên, cầm bản thảo từ Vũng Tàu ra Hà Nội xin giấy phép xuất bản.

Cũng chính nhà thơ Vân Long rất mực trân trọng viết lời giới thiệu "tại trận" cho tập thơ. Sau này, hơn một lần nhà thơ Vân Long bình thơ Hoàng Quý, trong đó có đoạn: "Hoàng Quý ít có những câu thơ có độ tu từ quánh, chặt, mà đôi lúc anh lại làm lỏng ra để thổi hồn mình vào: 'Ừ! Mùa thu nào có nhiều nhặn gì/ Em cứ đẹp nhiều vào cho đường phố trẻ". Hoặc: “Trời chưa làm thu đãi đằng thiên hạ/ Cây giương con mắt lá như người”. Đó là những dòng thơ mang phẩm cấp thi sĩ".

Sinh năm 1952, đến năm 1996, nghĩa là ở tuổi 44, Hoàng Quý mới ra mắt tập thơ đầu tiên. Kể ra là hơi muộn với người làm nghề. Nhưng trong văn chương không có sớm và muộn, không có mới và cũ, chỉ có hay và chưa hay. Hoàng Quý xuất hiện, ngay từ đầu đã chững chạc một giọng thơ tân cổ điển.

Sau "Giấc phì nhiêu" là "Đi bên mùa lá rụng", "Ngang qua cánh đồng" và "Giả trang". Thơ Hoàng Quý giàu thi ảnh và ăm ắp nhạc tính. Nhiều bài có thể vừa đọc vừa… hát lên. Thêm nữa, biên độ thơ của ông rộng. Đang nghe gió: "Đêm nghe gió qua vườn/ Tiếng cây thở nói rằng thu chắc đã/ Thổi tê hơi cho hạc trắng bay về/ Đêm nhoi nhói/ Nghe đời thay máu/ Có bao người nghe gió trong khuya?", thoắt cái lại nghe mưa: "Buổi sáng ra vườn nghe mưa kí ức/ Mưa kí ức rơi như một bài hát buồn/ Mưa kí ức rơi vào bông cúc cũ/ Mỗi cánh hoa như một linh hồn", thoắt cái lại mơ: "Mơ lên mỏi cõi nhân sinh rúm ró/ Giấc mơ vàng trong mắt lá mồ côi!" hay "Tôi gom nhặt những hạt vàng sót lại/ Hoang đường gieo lên cánh đồng buồn/ Cây không mọc!/ Tôi đợi chờ hoang hủy/ Cánh đồng buồn nứt nẻ cơn mơ".

Và rồi lại yêu: "Lỗi của ta là rất nhiều yêu/ Lỗi của ta là quá nhiều say đắm/ Quá nhiều cả tin/ Quá nhiều hi vọng/ Trước trùng vây phờ phỉnh hư danh". Và rồi lại bần thần tự trách: "Lấy cả trời xanh gương lược cho mình/ Em - Cội rễ của Thu Vàng thì ta quên hết!". Quả thật, phải là người sống trải, sống đẫm với đời lắm mới cảm và thấu và chạm tới mênh mông cõi người đến vậy.

Bìa một số tập thơ của Hoàng Quý.

Nhà thơ Trinh Đường từng nhận xét: "Hoàng Quý có một giọng thơ riêng, rất riêng. Hình ảnh trong thơ lạ, do cảm xúc lạ của nhà thơ. Cùng một cảnh vật ấy, trong mắt Hoàng Quý đã biến ảo như trong một thế giới khác, gây buồn sâu hơn và gợi nghĩ nhiều hơn (…) Hoàng Quý có những bài thơ rất 'lắng', lại cũng có những bài thơ rất 'lẳng', như những sắc độ khác nhau của tâm hồn và khoảng khắc người mà để ghi lại được phải có đủ sự tinh tế cùng với hồn nhiên".

Hoàng Quý sống tròn và sống đầy cùng thơ. Vóc người nhỏ nhắn, khuôn mặt nhiều nhất là… trán, vầng trán cao với những nếp nhăn co lại giãn ra đều đặn phập phồng theo lời chủ nhân. Anh lính trinh sát Hoàng Quý năm xưa như trinh sát trong vườn thơ. Giọng ông dày, nhưng nói thì nghe… thường thôi. Trừ khi nhập vào thơ, đầy lôi cuốn, như có ma lực.

Hoàng Quý sở hữu một trí nhớ đến kinh ngạc. Trường hợp ra đời tập thơ "Ngang qua cánh đồng" là ví dụ điển hình. Lần ấy Hoàng Quý ngược Bắc, trong bữa ngồi cùng với bạn bè văn nghệ Hà thành, nhà văn Nguyễn Phan Hách, khi ấy là Giám đốc NXB Hội Nhà văn hỏi Hoàng Quý bản thảo để NXB in. Cuộc chuyện buổi sáng kéo dài đến trưa, đầu giờ chiều Hoàng Quý ngồi ngay tại phòng làm việc của nhà văn Nguyễn Phan Hách, lục trong đầu và chép lại một mạch những bài thơ của mình thành tập bản thảo gửi nhà văn Nguyễn Phan Hách.

Không lâu sau đó, "Ngang qua cánh đồng" được trao giải A của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2003.

Nói về nghề văn, nhà thơ Hoàng Quý tâm niệm: "Văn học chia sẻ và cho tôi quyền chia sẻ. Văn học cho tôi phiêu linh miền tự thoại và đôi khi đối thoại với miền người". Phải, 4 tập thơ đã in là những cuộc tự thoại và đối thoại, hào sảng và đẹp, của Hoàng Quý, với mình và với người.

"Tôi đã đến, đã gieo trồng và vun quén/ Trên thửa ruộng tôi, trên thửa ruộng đời/ Tôi đã nhìn đau đáu/ Thấy thửa ruộng kia tơi tả vết chân người…". Hoàng Quý từng viết vậy. Giờ đây, "Đối thoại trắng" được ông gieo trồng trên thửa ruộng trường ca đang là điều được bạn bè văn nghệ trông ngóng nhất. Bởi ở đấy chứa đựng những: "Câu thơ chảy trôi từ trái tim rung, máu và nước mắt/ Chắt hằng đêm sau rất nhiều lực hút/ Mảnh mai trăng và ướt mưa bay/ Níu hy vọng sau mùa màng thất bát/ Gìn giữ khuôn mặt ta yêu mờ tỏ trước đèn…". Đấy là những câu thơ vút lên bên bờ sóng!

Văn Thành Lê
.
.