Nhà thơ Hồ Dzếnh: Vì tình thương, không cần… “kiêng kị”

Thứ Bảy, 19/05/2007, 16:00

Không chỉ với những bài thơ viết tặng người thân trong gia đình, Hồ Dzếnh mới nhắc nhiều đến giây phút “về cõi”, mà trong một số bài thơ viết tặng bạn bè, ông cũng không quên nhắc về cái điều rất đỗi ám ảnh ấy.

Lẽ thường ở đời, ai cũng ngại khi đang sống trờ trờ mà cứ nhắc tới “cái chết” của mình, nhất là lại còn…làm thơ về “nó”, hình dung mọi cảnh huống khi  “nó” đến. Thậm chí, có người còn xem việc nhắc tới như thế là “gở miệng”.

Trong trường hợp này, nhà thơ Hồ Dzếnh (1916- 1991), người vừa được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đáng được xem là “của độc”- khi trong đời thơ của mình, đã không ít lần ông làm thơ mường tượng về ngày mình… tạ thế.

Khi mới ngoài hai mươi tuổi, Hồ Dzếnh viết bài thơ “Tưởng chuyện ngàn sau”, hình dung cảnh huống khi mình được đặt vào “chiếc giường sáu tấm”: Nằm đây tưởng chuyện ngàn sau/ Lung linh nến cháy hai đầu áo quan. Từ đó, ông “nghĩ” về tình cảm luyến nhớ của người đời và “tủi thân vì thấy người hoa vẫn cười”. Nghĩa là ông hình dung tới tình huống xấu chỉ bởi ông quý ông yêu cõi người và mong được đền đáp lại.

Vào tuổi 70, trong bài thơ “Gửi cháu”, Hồ Dzếnh lại thêm một lần mường tượng ngày mình giã từ dương thế. Và ông nhắn gửi với cậu cháu yêu: Khi sống, ông nghèo nhất thế gian/ Ra đi của cải bỗng vô vàn/ Trời- Mây- Trăng- Nước- Chim- Hoa- Gió/ Tất cả dành riêng tặng cháu ngoan.

Đặc biệt, trong “Bài thơ tặng vợ” được xem là thi phẩm cuối cùng của Hồ Dzếnh, ông đặt giả thiết khi xảy ra tình huống vợ chồng ông phải chia biệt nhau về với suối vàng: Mai này tới phút chia đôi/ Hai ta ai sẽ là người tiễn nhau. Và ông có một ước mong bình thường có vẻ… trái tình song ngẫm ra lại rất có tình: Xót mình đã lắm thương đau/ Tôi xin làm kẻ đi sau đỡ mình. Đây là bài thơ được nhắc tới nhiều vì nó sâu đậm ân nghĩa vợ chồng.

Không chỉ với những bài thơ viết tặng người thân trong gia đình, Hồ Dzếnh mới nhắc nhiều đến giây phút “về cõi”, mà trong một số bài thơ viết tặng bạn bè, ông cũng không quên nhắc về cái điều rất đỗi ám ảnh ấy.

Như trong bài “Nhớ tiếc Thanh Tịnh” in trên báo Văn Nghệ sau ngày nhà thơ Thanh Tịnh tạ thế, Hồ Dzếnh đã nhắn gửi người bạn quá cố: Thôi nhé. Anh về vui bạn cũ/ Tôi chờ đến hẹn lại thăm anh.

Điều đặc biệt rất ít người biết, là khi Hồ Dzếnh viết bài thơ đẫm niềm tiếc thương này, nhà thơ Thanh Tịnh vẫn còn đang chấp chới trên giường bệnh. Vì có chuyến vô Nam đã được sắp đặt trước, ông sợ nếu không viết bài “viếng trước” như thế thì không kịp có bài cho số báo Văn Nghệ tưởng nhớ Thanh Tịnh (khi ấy các biên tập viên của báo đã phải chuẩn bị trước, vì bệnh tình của Thanh Tịnh được xác định là vô phương cứu chữa, thời gian sống chỉ còn tính bằng giờ bằng phút), và nếu thế thì ông thật có lỗi với bạn - người vốn dĩ cùng ông và Thạch Lam được các nhà nghiên cứu văn học xếp “ngồi chung một chiếu hội văn đàn”.

Như vậy, ta có thể thấy, để thể hiện tình thương yêu gia đình, bạn bè, người thân, Hồ Dzếnh đã đặt bút viết mà không cần “kiêng kị” gì hết! Trái tim đã định hướng cho việc làm của ông!

Kể cũng là một trường hợp hiếm gặp

Hà Khải Hưng
.
.