Nhà thơ Hải Đường: Cây hạnh phúc nắng chưa tròn bóng

Thứ Năm, 30/04/2020, 09:46
Nhà thơ Hải Đường luôn trăn trở về sự đổi mới thơ ca. Anh đã từng hoang mang trước những trào lưu thơ hậu hiện đại và sự rối rắm của các trường phái; nào tượng trưng hay trừu tượng, siêu thực hay sắp đặt... Nhưng rồi mọi sự đâu vào đấy. Tất cả đều thuộc về bản ngã cùng quá trình sáng tạo, nhà thơ Hải Đường nhận ra: “Nghệ thuật siêu đẳng phải là sự bình dị, tự nhiên nhất, được đốt nóng từ trái tim đầy cảm xúc”.


Một đời làm báo

Rất yêu thơ và sáng tác từ khi còn là học sinh trường làng Vụ Bản (Bình Lục-Hà Nam). Mười bảy tuổi khoác ba lô lên đường chiến đấu nhưng Hải Đường khởi nghiệp báo chí. Là một chiến sĩ công binh thời chiến (nhập ngũ năm 1972), Hải Đường bắt đầu viết tin bài cho báo Công Binh và Quân đội nhân dân.

Gặp tôi có lần anh kể hồi được giải Nhì cuộc thi “Kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội” năm 1978 là một cây đèn bão. Anh gửi về quê cho bố mẹ dùng. Cây đèn là kỷ niệm quý dù nhỏ bé nhưng nó chính là nguồn ánh sáng cho anh bước vững vàng trên con đường cầm bút. Mấy năm sau anh được điều động lên làm phóng viên chính thức của báo Công Binh (1980). 

Gặp tôi Hải Đường bồi hồi kể lại bước ngoặt đến khá sớm với anh, sau khi tốt nghiệp đại học báo chí (1983-1988), anh được cử về Tổng cục Chính trị. Ở đây Hải Đường chuyên viết bài cho các cán bộ lãnh đạo để trình bày trong các hội nghị.

Nói đây là bước ngoặt bởi lẽ anh phải luyện bút viết những bài chính luận có tính định hướng cho những hoạt động ở các đơn vị quân đội. Chính vì thế hai năm sau, khi Hải Đường chuyển sang báo Nhân dân (Ban Xây dựng Đảng- năm 1989), anh phát huy tối đa sở trường của mình.

Mặc dù là những vấn đề ngỡ như khô khan nhưng dưới sự rung động của tâm hồn thi sĩ văn phong chính luận của Hải Đường có sức truyền cảm tới bạn đọc.  Ta có thể tạm gọi đây là loại “Tùy bút chính trị” được mềm hóa bởi yếu tố văn học. Đó là sự liên tưởng hình ảnh hoặc văn học dân gian để soi tỏ những câu chuyện đã diễn ra. Tính định hướng vấn đề trở nên rõ ràng hơn, thấu đáo về tình cảm và ý thức của người đọc.

Con đường làm “quan báo” của Hải Đường cũng dần hé lộ từ đây. Sau khi được cử đi học lớp Chính trị cao cấp (1992-1994), Hải Đường trở về báo sau đó được cử làm Phó trưởng ban báo “Nhân dân cuối tuần” (1997).  Đây cũng là cái mốc quan trọng mà Hải Đường trở lại với ước mơ thi ca của mình. Hải Đường tập trung và đầy phấn khích trên con đường sáng tạo văn chương.

Liên tiếp chừng gần mươi năm Hải Đường cho ra đời ba tập thơ: “Miền phù sa” (NXB VH- 2002); “Mưa cỏ” (NXB HNV-2005) và “Mùa đi” (NXB HNV-2008). Đến năm 2009 Hải Đường được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. 

Tuy vậy, đường quan lộ của anh vẫn tiếp tục, khi được đề bạt làm Trưởng ban Nhân dân cuối tuần, rồi vào ban Biên ủy phụ trách nội dung 6 ban của báo Nhân dân. Công việc ngập đầu nhưng Hải Đường vẫn đau đáu với những nỗi niềm thi ca. Anh sáng tác đều đặn và luôn có hướng tìm tòi đổi mới khuynh hướng sáng tác. Đặc biệt tài năng của anh phát lộ rõ rệt qua những tập thơ sau đó. Tâm tư Hải Đường vẫn còn vương vấn nỗi ám ảnh: “Câu thơ chỉ một dòng/ Sống lâu hơn nhiều trang tiểu sử”.

Đời thơ muôn dặm sóng

Đến nay, nhà thơ Hải Đường đã in 6 tập thơ. Có thể nói chừng bốn năm anh in một tập. Mới nhất là tập thơ “Lãng mạn 4.0” (NXB HNV-2019). Thi pháp trong thơ Hải Đường đã được định hình. Anh không chạy theo sự cầu kỳ trong tiến trình đổi mới mà hướng nội với độ hàm súc dồn nén.

Từ đây, những triết lý nhân sinh được hình thành. Ta có thể bắt gặp những ý tưởng bất ngờ trong các tập sách của Hải Đường. Hồn thơ lay động tự nhiên với những hình ảnh chân thực, không sáo ngữ, gợi cảm chắt lọc. Tứ thơ được xây dựng với nhịp điệu chậm chắc mang hơi thở thiền ngộ.

Đọc “Lãng mạn 4.0” chúng ta dễ hòa nhập vào không gian thiền định ấm áp qua những câu thơ hay như: “Cây hạnh phúc nắng trưa tròn bóng/ Lần tràng hạt nam mô vẫn một dáng ngồi” (Mười năm). Thơ thiền luôn dùng cho những dạng câu nghi vấn và phủ định. Đó là những khổ thơ kết dồn cho người đọc cùng suy ngẫm và khai thông tuệ giác tiềm ẩn trong mỗi con người. Nhà thơ luôn tự nhìn lại mình sau những bộn bề lo toan. Hải Đường viết: “Em nhắc ta/ Lúc chạy thi với bạn/ Cán đích không phải điều quan trọng/ Hãy tự hỏi ta có cần thắng bạn không?” (Đừng dẫm lên kiến).

Thơ của Hải Đường luôn xuất hiện với những câu thơ tìm được bạn đồng hành. Anh đã viết “Vạn hữu phù du-hạn hữu kiếp người” (Mười năm), và anh còn tự sự: “Ngược Tây Hồ tìm bạn/ Hoa đào nở sớm bung biêng/ Chuông chùa loang dài mây trắng/ Lời nguyền neo đậu cửa thiền” (Hà Nội sáng mùng một Tết). Hay trong bài “Đầu năm đi lễ chùa” người đọc cũng dễ tìm ra những điều phủ định thầm kín và ngộ được sự cảm thông hồn hậu: “Chen lấn là điều không thể/ Thôi về ngõ nhỏ nhà ta/ Phật ở trong lòng mình đấy/ -Nam mô a di đà…!”.

Những tác phẩm đã xuất bản của nhà thơ Hải Đường.

Thi pháp trong thơ Hải Đường ẩn chứa chất ngôn ngữ khơi gợi để người đọc đồng hành khi nhận thức đối tượng. Bài thơ trở nên sinh động và đọng lại những thi ảnh khó quên. Thơ như con người anh vậy, ung dung trầm tĩnh đôi khi còn tiêu diêu thanh thoát, hòa mình với vạn vật. “Bóng chim tăm cá” của Hải Đường mang tính đặc trưng cho nét tự tại mênh mang: “Bằn bặt bóng chim tăm cá/ Thềm trăng hun hút sương mờ/ Thôi đã cạn ngày băng giá/ Cánh chim chưa hẹn cành tơ”. Bài thơ đã đọng lại ở nét khắc họa đến ngẩn ngơ: “Ao thu như tấm kính/ Lặng nghe đáy nước sủi tăm/ Lão ngồi tóc râu im phắc/ Câu cá hay câu nỗi mình?”.

Tình cảm sâu đậm trong thơ của Hải Đường còn được bạn đọc cảm nhận sâu sắc ở đề tài người chiến sĩ quân đội mà anh đã từng trải nghiệm gần hai mươi năm. Đó là “Nhớ và quên”, “Người lính già bên quầy báo”, “Đối diện”, hay “Trong bóng tối”, “Giấc mơ chủ vườn”. “Ngoài vùng phủ sóng”… Hình ảnh chồng mờ tô đậm những ký ức sâu nặng trong đạn bom khói lửa.

Anh viết: “Giấc mơ bồng bềnh…/ Trời sắp bão/ Lão đầm đìa nhớ trận đánh vùng ven/ Đồng đội hy sinh máu nhuộm đất phèn/ Những ngôi mộ lá rào rào mưa đêm” (Giấc mơ chủ vườn). Hoặc có khi nhà thơ đã phải đối diện với ký ức của chính mình: “Người lính già bên quầy báo/ Ngày ngày dõi tìm thông tin mộ liệt sĩ/ Khát đám mây lành mong làm dịu đi/ Cuộc chiến phía sau cuộc chiến” (Người lính già bên quầy báo).

 Nhà thơ đã có những câu thơ thật ám ảnh khi tô đậm hình ảnh về chiến tranh: “Đêm thằng Hoạt hy sinh/ Ánh trăng như máu chảy” (Nhớ và quên). Đó cũng là sự cô đọng của thiền tự ẩn dụ. Do vậy thơ Hải Đường luôn hướng tới sự hàm súc và thể hiện một nhịp điệu trầm tĩnh.

Ngụ ngôn 

Hành trình làm báo của Hải Đường khá hanh thông thăng tiến với hàng chục giải báo chí cho đến khi về hưu (2016). Ngược lại cuộc sống gia đình riêng lại vất vả không ít trầm luân. Anh đã dành phần lớn cuộc đời mình để chăm sóc người vợ ốm đau bệnh tật. Vậy mà lúc nào anh cũng thể hiện một tâm thế ung dung tự tại, tính cách từ tốn và ấm áp. Những dằn vặt suy tư anh dồn cả vào thơ. Đó là những bài thơ đầy ắp ưu tư nhưng không hề phiền muộn. Đúng là tư chất thiền tự vô thường. Anh viết: “Đời thơ muôn dặm sóng/ Lòng thuyền rỗng không”.

Thiền đã đem lại sự dung dị phiêu diêu trong thơ Hải Đường. Tôi không khỏi bâng khuâng với những thi ảnh lạ lẫm khi anh thử hoán đổi và so sánh vạn vật. Hẳn đó là những lúc nhà thơ khám phá những hỗn mang trong cuộc sống: “Một chiều buồn/ Gốc và ngọn xin đổi chỗ cho nhau/ Sớm ngủ dậy cả thành phố bang hoàng/ Bình minh trên những ngọn cây không lá” (Ngụ ngôn).

Rồi lại khi ngụ ngôn hoang tưởng dồn tụ về những nét thanh tao nhất khi nhà thơ viết tặng vợ qua những vần thơ phật pháp vô vi: “Bây giờ chiều đã ngả. Mây tím thôi ồn ào. Thong thả ta thong thả/ Thuyền xưa trăng đậu vào/ Trăng vẫn xanh rười rượi/ Lời yêu thương năm nào” (Chiều tím). Hải Đường đã phần nào tiếp cận tới ngôn ngữ thiền “Vô ngôn” mở ra một không gian cảm xúc vô hạn. Đó cũng chính là cầu trường đồng nhập vô biên giữa tác giả và người đọc.

Vương Tâm
.
.