Nhà thơ Dương Kỳ Anh thời... "Thong thả"

Thứ Hai, 03/10/2016, 08:04
Từng làm quản lý một tờ báo lớn trên 20 năm, làm Trưởng ban tổ chức, Trưởng ban giám khảo các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam và Hoa hậu Thế giới người Việt cũng trên 20 năm. Ông cũng là người khai sinh ra việc thi Hoa hậu ở nước Việt Nam thống nhất, hẳn nhà thơ Dương Kỳ Anh thật sự cảm thấy "nhẹ người" như ông đã nhiều lần trả lời báo chí khi được nghỉ chế độ, được THONG THẢ trong ngôi nhà vườn ở ngoại thành Hà Nội để viết và viết...


Tôi thích nhiều bài thơ trong tập thơ "THONG THẢ" của ông mới xuất bản, nhất là bài thơ "Thong thả" in đầu tập thơ: "Thong thả, ta thong thả/Nghe chiều buông hoàng hôn/Tiếng chim như rót mật/Cánh hoa rơi cuối vườn/Thong thả, ngày thong thả/Cây trong vườn lặng im/Thong thả đêm thong thả/Mơn man da thịt mình/Đã nghe đời chầm chậm/Trôi đến miền hư vô/Đã qua thời vội vã/Bụi phù vân tỏ mờ...".

Có bài viết về tập thơ của ông đăng trên báo nói ông đi ở ẩn. Nhà thơ đi ở ẩn xưa nay không có gì lạ, nhất là với người Việt Nam, người phương Đông. Nhưng, tôi thấy cái cách ở ẩn của nhà thơ Dương Kỳ Anh có vẻ khác người.

Ẩn mà lại không ẩn, bởi khá nhiều bài thơ trong tập thơ "Thong thả" ngồn ngộn cảm xúc thế sự nhân tình, ngồn ngộn chất đời sống và nhiều cảm xúc nóng hổi tính thời sự. Bài thơ "Đất nước không thể lùi" là một ví dụ.

Tôi vừa đọc bài thơ này đăng trên Báo Nhân Dân số ra hằng ngày, xin trích mấy câu: "Đất nước không thể lùi/Ta phải lùi một bước/Như người vợ chờ chồng/Trăng treo đầu giấc ngủ/Như người con ngóng bố/Võng mắc vào biển xanh...". Rõ là hình ảnh những người lính xa nhà, xa vợ con giữa thời bình, những người đang ngày đêm canh giữ biển đảo của Tổ quốc yêu thương.

Có lẽ cái thong thả trong thơ ông bây giờ là thong thả trong cách cảm, cách nghĩ, cách sống, cách tiếp cận chân lý... Như người ta ăn chậm, nhai kỹ mới thấy hết cái vị ngon của thức ăn. Hẳn bạn đọc sẽ chê tôi so sánh thế là quá khập khiễng, là dung tục với thơ ca. Nhưng,  quả thực tôi thấy nhà thơ Dương Kỳ Anh như đang thong thả "nhấm nháp" hương vị cuộc đời trong thơ...

 Trong mọi cảm xúc của mình thực sự đang như một cuốn phim quay chậm để có thể nhìn nhận chính xác hơn cái hay, cái dở, cái khôn, cái dại, cái có, cái không... Tôi rất thích bài thơ "Hoa dại" trong tập thơ: "Ta về, hoa dại nở đầy lối đi/Người khôn ở chốn kinh kỳ /Biết đâu hoa dại nở vì người khôn /  Sáng nay một trận mưa nguồn/Dại khôn như nước chảy tuôn ngang trời.../Người khôn ở chốn xa xôi/Có bông hoa dại vì người mà khôn...".

Đọc đôi dòng tiểu sử của ông ở trang hai phần gấp của bìa tập thơ "Thong thả", thấy ông đã từng là người lính tên lửa trong chiến tranh, đã từng làm nhiều công việc không phải là thi ca, đã từng trải nghiệm nhiều điều, những điều ưng ý và cả không ưng ý trong những năm tháng truân chuyên của cuộc đời, ấy vậy mà trong thơ Dương Kỳ Anh  thật trong trẻo, hồn nhiên, có lẽ ông đã hiểu được cái lẽ đời, hiểu được rằng: "Tạo hóa như trò đùa/Quay những vòng nhân thế" . Đó là bài thơ "Trò đùa nhân thế" in trong tập.

Nhà thơ Phan Cung Việt đã bình bài thơ này đăng trên tờ Nhà văn và tác phẩm của Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng đó là một bài thơ hay và hiếm "... Hay và hiếm, bởi đến lúc tác giả nói hết lòng mình. Không nổi đóa, không giấu giếm, nhưng mỗi chữ, mỗi dòng được viết trong cảm xúc chân, thiện, hỉ xả.

"Nắng được thì cứ nắng/Mưa được thì cứ mưa/Tối được thì cứ tối/ Trưa được thì cứ trưa... Ô hay đó là việc của trời, là vòng quay con tạo, nhưng cái giống thi nhân lạ vậy, gàn vậy, nhắc lại như vô thức nhưng thực ra là đầy ý thức lòng mình... Đó là hồn thi nhân, đó là thơ... Có lẽ thơ hiện đại cũng từ đây, từ chính đáy lòng thơ chứ không phải đua nhau chơi trò ngôn từ tạp kỹ".

Những câu thơ, những bài thơ nói lên cái thong thả của nhà thơ trong tập như " Ta nằm khảnh ngoài hiên/Gió mát chờ trăng lên/Trăng lên kìa lạ thế/Trăng ngẩn ngơ trước đèn" (Nhàn); "Lộc biếc mùa xuân bung nở rào rào ngoài cửa sổ/Trời đất non tơ cười cợt ta hoài / Ta thấy ta bây giờ cũng như lộc biếc/Có sợ gì gió cuốn, mây bay..." (Tĩnh lặng); "Bao nhiêu năm học nói cười/Bây giờ ta học cuộc đời lặng im..." (Lặng im )...

"Kim cổ soi chung một chữ nhàn/có đấy là không, không là có/Có không, không có cõi nhân gian..." (Như người xưa ấy)... Đọc những bài thơ, những câu thơ như vậy ta thấy cái thong thả của nhà thơ Dương Kỳ Anh thực ra là cái thanh thản, cái bình tâm  của một người từng trải, của một thi nhân khi đã hiểu được cái lẽ đời,  hiểu được mệnh trời, hiểu được cái tận cùng sâu xa của cuộc sống ấy là: sự bình yên, thanh thản. Đó cũng chính là hạnh phúc đích thực của con người.

Cũng phải nói thêm rằng, trong 25 tập sách mà nhà thơ Dương Kỳ Anh đã xuất bản thì có đến 20 cuốn là văn xuôi: 3 tiểu thuyết, 7 tập truyện ngắn và nhiều tập phóng sự, ghi chép, chỉ có 5 tập thơ (như đã in ở phần gấp bìa 4 cuốn sách), và có đến 8 tập sách ông xuất bản trong thời gian gần 8 năm kể từ khi ông được nghỉ công tác quản lý một tờ báo lớn, trong thời gian mà ông cho là thong thả.  Xem ra cái THONG THẢ của Dương Kỳ Anh cũng chẳng nhàn nhã gì.

Là người yêu thơ, yêu cái đẹp như ông đã nhiều lần thú nhận trên báo chí, trong tập thơ "Thong thả", hình bóng cái đẹp, người đẹp luôn xuất hiện với cảm xúc chân thực, cảm xúc của một thi nhân, của một người mà người ta thường gọi là "Cha đẻ" Hoa hậu Việt. Từ cái đẹp của cỏ cây hoa lá, đến cái đẹp của hồn người, của đất trời, của tạo hóa...

Nhà thơ Dương Kỳ Anh đã thốt lên trong bài thơ "Em, thời gian và tôi":

Em trẻ trung xinh đẹp
Anh biết làm sao đây
Thời gian làn gió thoảng
Thời gian như bóng mây
Thời gian chìm trong tháng
Thời gian đi trong ngày...
Em trẻ trung xinh đẹp/ Anh biết làm sao đây...

Ta như bắt gặp cái thảng thốt của thi sỹ Xuân Diệu ngày xưa... Xem ra cái thong thả của thi sỹ Dương Kỳ Anh bây giờ cũng thảng thốt, vội vàng trước thời gian như mây trôi, nước chảy...

Bảo Ngọc
.
.