Nhà thơ Chế Lan Viên: Dịu dàng qua những lá thư
Tôi còn giữ bức thư Chế Lan Viên gửi ba tôi - nhà văn Bùi Hiển và nhà thơ Tế Hanh khi ông đang chữa bệnh ở Trung Quốc (lưu ý: Hoan là tên thật của Chế Lan Viên):
"Đầu năm 1957
Hiển, Hanh.
Được thư Hanh Hiển từ lâu. Nhớ nhau cũng nhiều. Nhưng thư này sẽ ngắn. Tháng gặp Hanh tốt thế sau đó thì về bị sút. Khạc ra một tý máu, may thử mãi vẫn không trùng. Nhưng người mệt đi. Nay 10 hôm lại đây đã "cừ" lắm. Chỉ có béo thì "sị" ra. Nguyên nhân vì lạnh đột ngột và tập thể dục chưa hợp. Cũng có lẽ vì làm thơ chắc. Hiện đang "phanh" cái đà làm thơ.
Về nước, đi (Hanh ơi, có nhớ vịnh Hạ Long, Hiển ơi có nhớ Bình Trị Thiên "Đất nước nhiều nơi tôi không đến nữa") đi, sống, nhất định sẽ viết. Sẽ làm một bài thơ tình bạn, tả những bóng bạn sum vầy tặng Hiển, Hanh, Lan, những người đã từng nghiêng bóng xuống thơ Hoan, và sức khỏe, cuộc đời Hoan. Hiển ơi việc gia đình sinh kế ra sao? Có còn bóc lạc không? Hiển sửa truyện dài chưa? Hãy viết chuyện "Hai anh cán bộ" và chuyện "Tìm mẹ" (c.c R.Đất) mà Hiển kể đi. Không bao giờ quên được Hiển với những cái bấm đèn pin soi vào cuộc đời, vào sự đời. Hanh ơi, bài Bắc Kinh rất thích. Quý thích lắm. Cứ làm ngắn đi. Có người tưởng thơ hay là dài thì không đúng. Cả ba đoạn đều hay, hay hơn "hồi trước" của Hanh nữa, mừng đi. Sẽ chép cho Hanh một ít thơ Đường đang nghiên cứu...".
Chế Lan Viên viết bức thư này trong giai đoạn bệnh nặng, đấu tranh gay gắt về tư tưởng, đau khổ về chuyện riêng tư, đang tự vượt lên mình để sống và sáng tác. Vì vậy ông rất quý mến những bạn bè đã chia sẻ, thông cảm, động viên ông. Ai cũng biết Chế Lan Viên và Xuân Diệu từng có lúc tranh luận với nhau nảy lửa nhưng giữa họ vẫn là một tình bạn thơ thân thiết. Khi Xuân Diệu qua đời, Chế LanViên đã viết những lời thật đằm thắm: "Ở Bình Trị Thiên thăm bão lụt, hôm nay Hoan mới ra, và xuống sân bay Hà Nội thì mới hay tin Diệu mất. Anh Cơ, chủ tịch Nghĩa Bình quê Diệu, quê má Gò Bồi khóc ở sân bay. Đến 51 Trần Hưng Đạo thì quan tài sắp lên xe tang. May còn kịp! May ư? Hở Diệu? Cận đâu? Cận 23 mới về! Anh Lành đâu? Anh Lành cũng đang họp ở nước ngoài. Sao mà Hoan ngu thế. Cả nhà ôm Hoan khóc, Hoan đến thăm Diệu còn hỏi Diệu đâu. Diệu nằm kia, qua mặt kính còn thấy Diệu. Hoan cố nhìn, cố nuốt cái hình dáng Diệu, rồi đây vĩnh viễn chỉ còn thấy trên phim ảnh mà thôi".
Hoàng Trung Thông cũng là bạn thân của Chế Lan Viên. Chế Lan Viên đã từng làm bài thơ "Gửi ông Trạng họ Hoàng" nói về tình bạn của hai người. Dưới đây là bức thư của nhà thơ họ Chế gửi nhà thơ họ Hoàng:
"Thông thương yêu
Đọc thư ông, mình muốn khóc. Cả nhà cũng buồn. Không cần ông nói cũng đoán ra là sự sống ở ngoài ấy khó! Trong này dầu sao cũng dễ thở hơn.
Sáng nay dưới phố ông Giang nhắn mình viết bài về lễ truy điệu Thanh Tịnh. Cứ đà này còn "đi" nhiều nhiều. Nghe Bổng mổ mắt, Phồn yếu, Tô Hoài yếu, Đỗ Nhuận liệt, Hanh mắt mờ, Trần Huyền Trân hoại thư, Nguyễn Minh Châu sốt lại dữ.
...Đừng lo chi cho mình. Mình ở đây khí hậu tốt, trong tháng trước có khạc ra máu nhưng khỏe lại ngay. Ở đây viết bài báo, nói chuyện cũng có tiền, cho nên mặc dù cho thiên hạ "vô hiệu hóa" mình và Thường vẫn lay lắt sống được. Viết được.
20/7/88".
Qua bức thư ta thấy tình bạn trước sau như một của Chế Lan Viên. Là một nhà thơ lớn, ông càng nhạy cảm với nỗi đau khổ, bệnh tật, sự mất mát của bạn bè.
Riêng tôi, tôi đã chứng kiến mối tình bạn thắm thiết giữa ông và ba tôi - nhà văn Bùi Hiển. Khi còn nhỏ, có lần tôi đọc bản đánh máy truyện "Một câu chuyện trong chiến tranh" của ba tôi, chợt nhìn vào góc trang đầu có mấy dòng chữ "Hay và hay lắm Hiển à. Hiển đã vượt và vượt anh em khá xa". Phía dưới ký tên Hoan. Đề tặng tập thơ "Ánh sáng và Phù sa", ông viết: "Tặng Bùi Hiển thân yêu kỷ niệm một chặng đường Bình Trị Thiên - Hà Nội". Đặc biệt ở tập bút ký "Thăm Trung Quốc" ông ghi: "Tặng Bùi Hiển thương yêu, gửi bạn rất độ lượng với văn xuôi của tôi và tôi viết được là nhờ sự giúp đỡ của bạn". Lời đề tặng này có nguyên do của nó. Trong kháng chiến chống Pháp, Chế Lan Viên có viết bài tùy bút "Con kiến" nói lên những suy tưởng về cuộc đời bằng một lối văn khúc mắc bí hiểm khiến nhiều bạn đọc không hiểu, thậm chí phản ứng. Ba tôi kể lại chuyện đó với ông, ông cười xí xóa bằng một câu thơ "con cóc": "tấm lòng văn xuổi từ nay xin chừa". Có lần Chế Lan Viên tâm sự rằng ông cũng không hiểu cái hay và tác dụng của tiểu thuyết. Thế nhưng trong một bức thư gửi từ Trung Quốc năm 1957, ông viết: "Có những người bạn rất ít viết thư, nhưng vẫn nhớ đến luôn, nghĩ đến nhiều, vẫn là cái nâng đỡ về tinh thần cho lòng mình. Đối với Hoan, đó là Hiển. Hiển có nhớ rằng chính Hiển gà cho mình hiểu và yêu tiểu thuyết đầu tiên không?... Cho đến lúc đi cùng Hiển, mình xem cách Hiển lấy tài liệu, cách Hiển suy nghĩ tìm tòi, thế rồi mình mới thấy tiểu thuyết là người, những chuyện của người". Sau này Chế Lan Viên có viết được hai tập bút ký xuất sắc "Thăm Trung Quốc" và "Những ngày nổi giận". Ông viết đề tặng như một lời cảm ơn.
Nhà thơ Chế Lan Viên và ba tôi đã thân nhau từ những ngày ở chiến khu Bình Trị Thiên gian khổ và ác liệt. Cùng sống trong nhà dân, gặp gỡ dân quân du kích, đi theo bộ đội trong chiến dịch, giữa hai ông đã có rất nhiều kỷ niệm gắn bó. Sau hòa bình, nhà thơ có tặng ba tôi hai cuốn sổ tay ghi chép thời ở Bình Trị Thiên. Nhìn hai cuốn sổ tay có cảm giác như ý nghĩ, cảm xúc của ông tuôn trào nhưng viết theo không kịp, nên khó đọc. Ba tôi rất vui vì có thêm nguồn tư liệu để sáng tác. Sau khi nhà thơ qua đời, ba tôi tặng lại hai cuốn sổ tay cho cô Thường (nhà văn Vũ Thị Thường - vợ ông). Cô mừng lắm, chỉ có cô là "dịch" được chữ của Chế Lan Viên. Những năm tháng sống ở Hà Nội, ngoài việc gặp nhau ở Hội Nhà văn, ở các cuộc họp, đi thực tế trong nước, đi công tác nước, ngoài hai ông còn gặp nhau ở... chợ Kim Liên. Nhà Chế Lan Viên ở 51 Trần Hưng Đạo, cô Thường cắt các ô tem phiếu để ông đi mua thịt đậu, nước mắm. Ông đạp xe đến chợ Kim Liên (gần nhà tôi ở C4 khu tập thể Kim Liên). Một nhà thơ và một nhà văn ngồi xổm bên cạnh hai viên gạch xếp hàng, không phải bàn về giá cả đời sống mà cao đàm khoát luận về văn chương. Sau 1975, ông chuyển vào sống ở thành phố Hồ Chí Minh. "Tuổi trẻ sống ở miền Trung, lớn tuổi sống ở Hà Nội, tuổi già sống ở thành phố Hồ Chí Minh" - ông viết thư cho ba tôi như vậy. Mỗi lần vào thành phố Hồ Chí Minh ba tôi lại ghé thăm ông. Khi ra Hà Nội ông lại đến nhà ba tôi. Gặp nhau là rôm rả chuyện đời, chuyện người, chuyện văn chương, thật là tri âm tri kỷ. Thỉnh thoảng lại có tí tửu nên càng cao hứng. Tình bạn cứ thế kéo dài cho đến ngày ông mất.
Đánh giá về Chế Lan Viên, ba tôi thường nói:
- Ông ấy tuy nóng tính nhưng lúc nào cũng có ý kiến riêng.
Tôi hiểu ba tôi rất thích sự uyên bác, thông minh, sắc sảo của ông. Tuy có đôi lần va chạm nhưng tình bạn của hai ông là rất đỗi thân thiết. Tôi còn giữ một bức thư mà tôi đoán là bức thư cuối cùng khi ông mắc căn bệnh ung thư phổi đã di căn. Bức thư này do anh Phan Trường Định, con trai ông, sống và công tác ở Hà Nội chuyển đến trước ngày ông mất:
"Kính gửi các chú Tô Hoài, Hoàng Minh Châu, Nguyễn Xuân Sanh, Tế Hanh, Bùi Hiển, Hoàng Trung Thông.
Hơn hai tháng nay tôi không viết được thư nào vì đầu óc rối loạn. Trước đây có lúc tưởng sẽ mất lý trí. 10 hôm trước thì nguy hiểm. Rất biết ơn bạn bè tuổi thơ, bạn bè Hà Nội".
Lời cuối cùng trước khi từ giã cõi đời để thể xác hóa thành tro bụi nhưng linh hồn thì tồn tại mãi "như ngọn cỏ tàn đến tiết lại trồi lên" là lời cảm ơn với bạn bè Hà Nội, bạn bè tuổi thơ. Chế Lan Viên là như vậy, rất quý trọng những bạn bè đã an ủi, động viên, nâng đỡ nhau trong sáng tác. Để tạo nên một đỉnh thơ rực rỡ Chế Lan Viên là phải có những bóng bạn thân thiết, sum vầy cùng nhau. Thời tuổi trẻ là nhóm thơ Bình Định với Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Yến Lan... Lớn tuổi ở Hà Nội là Xuân Diệu, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Xuân Sanh, Hoàng Minh Châu, Tô Hoài, Bùi Hiển… Sum vầy trong sáng tác và cả sum vầy trong đấu tranh. Trước ý đồ phủ nhận nền văn học cách mạng, Chế Lan Viên đã gọi những bạn bè của mình là "những ông già đã làm nên nền văn học và bảo vệ nền văn học". Ông cùng bạn bè đã chiến đấu quyết liệt để bảo vệ nền văn học cách mạng - một nền văn học tuy còn khiếm khuyết nhưng đã góp phần to lớn trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc