Nhà thơ Bàn Tài Đoàn và cách tặng thơ lạ kỳ

Thứ Ba, 02/06/2009, 09:00
Cuối năm 2002 tôi về Hội Nhà văn nhận công việc mới, không kịp lên Nguyên Bình chào tạm biệt nhà thơ Bàn Tài Đoàn. Bây giờ ngồi trước di ảnh của ông, tôi chẳng biết nói gì. Tôi tự trách mình đểnh đoảng, vô tâm, vô tình quá. Trách kiểu gì cũng không gột sạch được cái tôi nhỏ nhen ích kỷ. Chỉ nghĩ đến mình đang được sướng trước đã, mà quên phắt những người xung quanh.

Biết vậy, nhưng vào độ tuổi "Lục thập nhi nhĩ thuận", rất khó thay đổi. Giờ tôi chỉ dám xin khấu đầu ba vái. Nếu bác Đoàn đại xá, thì cho tôi xin một tràng cười giòn. 

Nhớ ngày bác Đoàn nghỉ hưu ở Nguyên Bình, mỗi khi rảnh rỗi công việc, anh em xúi nhau lên bác Đoàn chơi. Đúng nghĩa là chơi chứ chả có việc gì. Nhớ nhau quá thì mò lên. Thế thôi.

Đoạn đường từ thị xã Cao Bằng lên phố huyện Nguyên Bình có hơn bốn chục cây số, vừa được nâng cấp. Các cung đường cua gấp đã được nắn thẳng, rút ngắn lại khá nhiều. Mặt đường mới cán lại loáng bóng, phẳng lỳ. Chỉ cần ai đó xướng một câu: "Bác Đoàn đ…ê…ê!", thế là năm sáu cái miệng ngoác lên cười tươi đến tận đỉnh thóp, làm cho những chiếc lá cây cũng nháo nhác nhộn nhạo hẳn lên. Thế là cả họ nhà "văn nghệ" khóa trái cửa. Tay đánh rạch roạt một cái. Chân trái đá chân phải hai cái. Thế là mọi người rủ nhau ù té lên chơi nhà bác Đoàn thật rồi.

Không hiểu sao, từ sâu thẳm, nhiều anh chị em làm văn nghệ ở Cao Bằng coi bác Đoàn như cha mình. Gần gũi, thân thiết với bác đến mức suồng sã. Vừa vào đến cửa, mọi người đã thấy bác ngồi đó. Bác Đoàn nheo mắt nhìn khắp lượt, rồi mỉm cười. Cái dáng ngồi như gộc củi nghiến. Mắt lim dim, ấm áp. Chỉ cần cất tiếng cười hà hà là thay cho lời chào. Ai tìm được chỗ nào ngồi thì xù xòa ngồi. Còn ai thích được gần bác, xin hãy cứ đứng phía sau lưng. Ai khát thì tự xuống bếp vục nước lã từ trong bẳng ra uống. Nước ấy lấy từ đầu nguồn, dưới chân núi đá vôi. Nên nó trong văn vắt, nhìn thấy rõ từng hòn sỏi, từng túm rong rêu, từng đàn tôm cá đang bơi lội. Uống nước ấy vào người, một lúc sau mới thấy ngọt. Ngọt đến mức cả thèm như nước mắm pha đường. Thấy nước quá ngon, có người uống nở bung miệng rốn mà không hay biết. Uống xong mới sực nhớ, vội vàng hỏi: "Bác ơi, có sợ bị Tào Tháo đuổi không hả bác?". "Tao uống cả đời có sao đâu!".

Đúng thật. Ngoài chín mươi xuân mà bác vẫn khỏe re. Bữa nào cũng chén sạch ba bát cơm trắng. Khi thì chấm muối vừng. Lúc cá kho đậu phụ. Nhưng thích nhất vẫn là cơm nhan với trám đen. Trám đen có vị mặn. Ngọt. Bùi. Chua. Chát. Ngũ vị có đủ cả. Một miếng trám nhồi thịt nạc, cõng mấy bát cơm như bay. Lại có nhiều người từ trước vẫn nghĩ bác Đoàn hay rượu. Rượu với người vùng cao như nước lavi, thứ giải khát rất đỗi bình thường. Nhưng ngược lại, bác là người ghét rượu như kẻ ăn nói phá mào (bốc phét một tấc đến trời).

Cách đấy không lâu, bác mới tục huyền. Bà vợ trước của bác mất đã được vài chục năm. Cô vợ bây giờ nhỏ hơn bác gần bốn, năm chục tuổi. Tôi nhớ có người tò mò hỏi thẳng "khoản kia" thế nào?  Khuôn mặt bác giãn nở. Cặp mắt bác hơi hiếng, miệng tủm tỉm: "Cứ ở với tao khắc biết. Người Kiềm Miền mình có thuốc cải lão hoàn đồng mà". Thế là một tràng cười xổ tung như bát đĩa.

Ngôi nhà ba gian, mái bằng mới xây. Nhìn nó khá rộng rãi và bề thế. Nhà nằm sâu bên lề đường vào phố chợ Nguyên Bình. Đây là món quà của Đảng bộ, UBND tỉnh Cao Bằng dành tặng cho đồng chí cách mạng lão thành, nhà thơ dân tộc Dao Bàn Tài Đoàn. Trước mặt ngôi nhà có cái ao. Ao vừa nhỏ vừa nông choèn. Nước trong ao hình như quanh năm ngủ gật. Chẳng kịp hỏi bác có nuôi cá mú gì không, tôi chỉ thấy mấy con nhái bén. Con bơi dưới nước. Con nằm chơi phơi nắng trên bờ. Chúng cũng lặng thinh như người. Thỉnh thoảng lại thấy có đôi trai gái người Dao Tiền vào nhà. Họ lừ lừ như xe ngựa vào cua tay áo, bước đến mép bàn. Chủ nhà hỏi: "Lấy mấy bài" khách bảo: "Hai". Thấy khách lục xục túi nải, bác Đoàn thủng thẳng: "Mái lủng xièn" (Không lấy tiền - tiếng Dao). Đôi trai gái lại rụt rè cầm túi sách, đội nón bước ra cửa. Không một lời cảm ơn.

Thấy lạ, tôi muốn hỏi, nhưng bác đã trả lời ngay: "Con cháu mình cả. Người mãi trên Xí Kèng đấy!". "Thơ à bác?"."Ờ! Thơ dùng để tán gái"."Mỗi phiên chợ bác viết mấy bài?". "Còn tùy, đám trẻ mà yêu nhiều thì mình làm không kịp". Lại một tràng cười phe phé .

Có lẽ ít người biết về chàng trai Bàn Tài Tuyên (tên thật của nhà thơ Bàn Tài Đoàn) ở bản Xí Kèng.

Xí Kèng là nơi có bốn ngọn núi nghiêng ngả, không theo một trật tự tầng tầng lớp lớp nào cả. Cá tính con người nơi đây cũng vậy. Mộc mạc. Chân chất. Mạnh mẽ. Luôn tìm tòi sáng tạo, không theo bất cứ khuôn khổ có sẵn nào.

Bàn Tài Tuyên là con trai của một gia đình người Dao, có một cuộc sống rất bần hàn: "...chạy khắp núi rừng đi kiếm ăn/chạy khắp bốn phương tuổi dần mất hết…". Thời niên thiếu, cha mẹ chỉ đủ tiền mua cho anh một trăm mẹ chữ: "…trong lòng tôi vẫn tối mịt như đêm/có được vài chữ nay lại mất…".  Không có nhiều bạc trắng, nên chàng trai họ Bàn đành ở với một người đàn bà nạ dòng "…không có bạc chẳng lấy được vợ/Tuổi lớn đi ở nhà người ta…". Nhưng ông đã sớm giác ngộ, tham gia cách mạng từ những năm đầu, thuở còn hoạt động bí mật ở quê nhà.

Người quyết định bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời Bàn Tài Tuyên, không ai khác, lại chính là đồng chí Văn, một thiên tài quân sự. Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát hiện năng khiếu bẩm sinh văn chương ở chàng trai này. Ông đã giới thiệu với cơ quan văn hóa, bồi dưỡng Bàn Tài Tuyên để trở thành cán bộ nòng cốt, thành nhà thơ Bàn Tài Đoàn sau này với nhiều tác phẩm thơ nổi tiếng, người đã nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Chuyện bác Đoàn rinh cả gia đình vào xã Yasô, huyện Eakar, tỉnh Đắk Lắk  theo người con trai cả từ năm 2005, tôi hoàn toàn không biết. Nghe nói trước lúc đi, mắt bác đã bị đục thủy tinh thể. Bác được người con trai thứ là bác sĩ Bàn Tiến Khang, đưa xuống Bệnh viện Thái Nguyên chạy chữa. Chuyện này tôi cũng hoàn toàn không biết. Nhưng tệ nhất là ngày bác mất, anh em bè bạn người Cao Bằng đang sống và làm việc ở Hà Nội, không một ai hay.

Tang lễ diễn ra ở trong Nam. Đến sáng 28/11/2007, Hội Nhà văn tổ chức lễ truy điệu tại Hà Nội. Buổi lễ diễn ra thật xúc động. Có vòng hoa và lời chia buồn sâu sắc của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Có đông đủ các con cháu, người thân bác Đoàn và cả đại diện lãnh đạo tỉnh Cao Bằng cùng xuống dự. Hội trường hôm đó chật ních người đến viếng. Tôi nghe mọi người nói về bác Đoàn trong màn nước mắt. Nhà văn lão thành Tô Hoài nhắc lại những kỷ niệm sâu sắc, gắn bó giữa hai người bạn văn. Nhà thơ Vũ Quần Phương nói về cái mộc mạc độc đáo trong thơ Bàn Tài Đoàn.

Tôi thấy làn khói hương cứ lớn mãi dần lên. Khói chạm trần nhà. Khói chui ra khe cửa. Để lại những bàn tay trăng trắng. Khói hương vẫy vẫy bạn bè ơi xin chào nhau lần cuối...

Y Phương
.
.