Nhà nghiên cứu...lập dị?

Thứ Hai, 23/11/2015, 08:00
Tôi nghĩ về ông như vậy nên có lần vì tình thân quen nhiều năm mà đem thắc mắc hỏi ông. Tưởng chỉ là câu chuyện vui vẻ nhưng ông lại không bằng lòng mà lập tức thẳng thừng phản ứng: "Sao người ta cứ muốn tất cả phải giống nhau? Mỗi người rất cần có cho mình một lối sống, một cách sống hợp với sở thích, miễn sao không vi phạm đến pháp luật, đến đạo đức, đến cộng đồng". Nghe có lí nên tôi chỉ biết im lặng, dù trong lòng vẫn còn một chút gì đó băn khoăn.

Tôi muốn nói về ông Nguyễn Văn Hy, một người bạn vong niên mà tôi quen biết đến nay cũng đã gần bốn chục năm. Ngày đó ông là giảng viên, Phó Chủ nhiệm Khoa Quản lý Văn hóa - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, được lãnh đạo Bộ điều động tham gia đoàn nghiên cứu đời sống văn hoá ở cơ sở. Thành phần đoàn còn thêm một vài người ở các đơn vị khác, trong đó có tôi, từ Cục Văn hóa quần chúng.

Không như nhiều nhà giáo và nhà nghiên cứu khác, ông Hy rất ít nói lí thuyết mà thường đề cập đến những vấn đề thực tế dù ông am tường và thường trực tiếp tham khảo sách báo lí luận ở nhiều nước bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga. Chính điều này khiến tôi rất ấn tượng về ông.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hy.  

Sau đợt nghiên cứu, chừng mấy tháng sau thấy ông Hy đem đến tặng tôi tập tài liệu về "Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở" khiến tôi bất ngờ vì thấy ông hoàn thành công trình quá nhanh. Đây là những lí luận được dựa trên cơ sở thực tiễn về một phong trào văn hoá đã được Bộ Văn hóa chỉ đạo triển khai rộng khắp trong cả nước, sau đó thành giáo trình khoa học được lãnh đạo Bộ và nhà trường thông qua, đưa vào giảng dạy tại Khoa Quản lí Văn hóa - Đại học Văn hóa Hà Nội và các trường văn hóa. Tôi càng thêm ấn tượng về ông.

Nhưng chúng tôi cũng ít gặp nhau vì ông thường xuyên phải lên lớp tại trường, rồi được mời đi giảng dạy, khi thì ở Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, lúc sang Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội, rồi còn liên tục về các trường văn hóa địa phương. Ông là Chủ tịch Hội đồng khoa học của Khoa Quản lí Văn hóa, là Ủy viên Hội đồng khoa học của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Hơn nữa ông còn là Ủy viên Hội đồng Khoa học, trực tiếp làm Trưởng ban Xã hội học của Viện Văn hóa Việt Nam. Tôi thường có thông tin về ông qua các hoạt động khoa học, qua học trò, nhà trường và qua thông tin từ Văn phòng Bộ.

Sở dĩ tôi nói ông là một nhà giáo lập dị là do nếp sinh hoạt cá nhân. Vợ đã mất, con cái công tác trong Huế nên chỉ mình ông sống tại căn nhà có từ mấy mươi năm trước, trong con ngõ nhỏ liền kề với trường, nối thông đường Đê La Thành và Giảng Võ. Khi đó căn hộ của ông không khác với những căn hộ chung quanh mà nhà trường phân cho công nhân viên chức, được chia đều mỗi hộ một căn nhà cấp 4. Nhưng dần dần khu nhà được thay đổi theo thời thế. Hầu hết các ngôi nhà đều lần lượt được lên tầng, giàu thì 5, 6 tầng, "nghèo" thì cũng phải 2, 3 tầng, rồi nội thất thay đổi, khang trang, thời thượng.

Ngõ nhỏ mà giờ chợ búa sầm uất. Chỉ duy nhất căn hộ của ông Hy là vẫn y nguyên như nửa thế kỉ trước, hoàn toàn gợi nhớ lại thời bao cấp khó khăn. Ngôi nhà ông Hy như lún sâu trong dãy nhà cao tầng bủa vây chung quanh. Vẫn mái ngói, tường vôi nhưng càng xập xệ hơn bởi suốt mấy chục năm qua hầu như không một lần được sửa chữa, sơn quết nên các mảng tường mốc meo, sạt lở, bong tróc nhiều chỗ. Vào bên trong còn tệ hại hơn. Ngoài chiếc bàn làm việc và chiếc tủ đựng sách báo, tài liệu, thêm chiếc bàn nước cùng mấy cái ghế tiếp khách, mỗi chiếc một kiểu như được nhặt lại từ ai đó bỏ đi, còn thì không có bất cứ một thứ gì khác giá trị.

Không dùng máy tính nên ông viết bút bi, xong đem ra thuê đánh máy vi tính. Nhà ông cũng không tủ lạnh, càng không điều hòa. Gặp thời tiết nóng 39, 40 độ thì cũng chỉ cái quạt bàn. Bạn bè đến nhà ông muốn đi vệ sinh, người khó tính đành phải "nhịn" phần vì trống trải, chẳng có cửa, lại vẫn hố xí cũ kĩ, ai bụng to rất khó ngồi. Đánh răng, rửa mặt, tắm táp, giặt giũ thì ông mở vòi cho nước chảy đầy vào mấy cái chậu nhựa ngay trong không gian nhỏ bé chung với nhà vệ sinh.

Không phải ông không có điều kiện thay đổi nếp sống mà là ông không muốn. Miếng đất nơi ông đang ở có giá tiền tỉ, nhiều người hỏi mua nhưng ông không bán. Vợ chồng người con trai làm ăn khá giả muốn đón ông vào để tiện chăm sóc, nhưng ông nói không. Cũng không phải chỉ mình tôi nói ông lập dị mà nhiều người cũng chung ý nghĩ. Người lạ thì ông im lặng nhưng người quen biết nói, thì ông phản ứng, có khi gay gắt.

Ông bảo: "Sướng khổ là quan niệm mỗi người. Chắc gì các ông nhà cao cửa rộng đã sướng hơn?". Với ông, được thoải mái sống và làm việc trong ngôi nhà của mình là ông mãn nguyện. Không phải ông AQ như có người xa gần bóng gió. Ông vẫn sống vui, sống khoẻ và nhất là làm việc tốt. Ngay cả khi đã nghỉ hưu thì ông vẫn giữ cho mình sự hăng say làm việc. Vẫn được trường này trường khác mời về giảng dạy. Vẫn liên tục có các công trình nghiên cứu khoa học, vẫn tham gia vào các đề tài khoa học, vẫn hướng dẫn khoa học cho các sinh viên. Sinh viên của ông giờ có người cương vị lãnh đạo các cơ quan văn hóa, các sở văn hóa địa phương. Nhiều người đã là thạc sĩ, là tiến sĩ nhưng khi nói về ông, trước sau họ vẫn nể trọng sự tự học, sức nghiên cứu, viết lách và tâm huyết với những nội dung được ông đề cập.

Chính tại căn hộ mà mọi người nghĩ là tồi tàn này là nơi hình thành nên những công trình nghiên cứu hết sức nhạy bén của ông về văn hóa cơ sở. Nhiều đóng góp khoa học của ông được đánh giá cao bởi nó luôn cập nhật, thiết thực, ví như đề án "Qui hoạch phát triển mạng lưới nhà văn hóa trên địa bàn Hà Nội" (đề tài nghiên cứu khoa học của UBND TP Hà Nội); "Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long" (đề tài khoa học cấp Bộ); "Phát triển văn hóa cộng đồng trong điều kiện nước ta hiện nay"… v.v.  Thậm chí nhiều công trình nghiên cứu còn mới mẻ mà chỉ nghe tên, người ta thấy như hoàn toàn khác hẳn con người và cuộc sống thường nhật của ông, như: "Tìm hiểu thêm về công nghiệp sáng tạo và công nghiệp văn hóa","Cần tái cấu trúc đề án xây dựng và phát triển văn hóa cộng đồng ở nước ta hiện nay", "Về việc hoạch định chính sách xây dựng nguồn nhân lực văn hóa thời hội nhập quốc tế hiện nay"…v v…

Được tiếp xúc với những công trình nghiên cứu của ông, tôi không khỏi khâm phục sức suy nghĩ của một nhà giáo, một nhà nghiên cứu văn hóa có xu hướng đúc kết lí luận hoàn toàn dựa trên thực tế đời sống từng vùng miền chứ không là những đề xuất dựa trên sách vở nặng lí thuyết. Dù những ngày này ông đã cao tuổi nhưng khi nghe ông trò chuyện, tâm sự về chuyên môn, nghiệp vụ, thấy ông như vẫn còn trẻ lắm, vẫn còn nhiều ý tưởng lắm. Và khi ấy thì mọi người như thôi hết băn khoăn về lối sống có vẻ như lạc hậu của ông. 

Những giáo trình, những công trình khoa học đã công bố của ông Nguyễn Văn Hy có thể nói là khá nhiều mà ngay tại căn hộ của ông những hôm tôi đến thăm đã được ông lấy tình thân đồng nghiệp nhiệt tình đem ra giới thiệu. Những nghiên cứu, tham luận, những bài giảng mới, cũ của ông được đóng cẩn thận thành từng tập, xếp từng chồng trên chiếc ghế dài khiến tôi vô cùng ngạc nhiên.

Cũng không chỉ ở sức làm việc, nhiều người được tiếp xúc với các công trình nghiên cứu khá toàn diện, sâu sắc của ông về văn hóa thường vẫn nghĩ, hẳn ông phải có một học hàm, học vị cao tương ứng. Nhưng hóa không phải. Ông trước sau vẫn chỉ có cho mình tấm văn bằng duy nhất là cử nhân văn hóa nên khi trò chuyện trước sinh viên hay đồng nghiệp, ông thường hài hước nhưng thành thật nói trước rằng: "Xin thưa các em (hoặc thưa các vị), tôi chỉ là một giảng viên bình thường, tôi không phải là Tiến (sĩ) hay lùi, tôi cũng không là Giáo (sư) hay mác gì đâu". Vậy nhưng lại có rất nhiều sinh viên từng học ông, sau này có người đã trở thành chánh, phó các đơn vị, hay tiến sĩ, thạc sĩ ở cơ quan này cơ quan khác.

Lại có học trò của ông bây giờ đang giữ trọng trách ở những trường đại học, ở những viện nghiên cứu… hiểu ông, biết hoàn cảnh ông nên vẫn luôn khuyên thầy gắng dành chút thời gian làm luận văn tiến sĩ, dù biết rằng Tiến - lùi hay Giáo - mác không mấy quan trọng gì với thầy, và thực lực học vấn của thầy hoàn toàn xứng đáng cho những danh vị ấy. Thậm chí họ nhiều lần nói thầy chỉ cần làm một vài công đoạn cho có thủ tục thôi. Ông biết thiện ý của học trò muốn ông khỏi thiệt thòi nhưng một lần nữa tính "lập dị" trong ông lại thắng, ông nói cảm ơn mà không theo. Với ông, đâu cứ phải có học vị là cái đích phải có theo trào lưu? Quan trọng là thực lực. Không có trình độ tương ứng mà mục đích chỉ nhằm đánh bóng tên tuổi, mưu danh kiếm lợi thì trong con mắt mọi người, những danh hiệu ấy liệu có đáng được tôn trọng?

Cho dù những ngày này, thầy giáo, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Văn Hy đã vào tuổi 85 nhưng thấy ông vẫn giữ nguyên nếp sống lạc quan, giản dị mà người ta vẫn cho là lập dị có từ mấy chục năm nay, vẫn say sưa làm việc, nơi đâu cần nếu ông thấy phù hợp thường không bao giờ ông từ chối. Và ông vẫn sống trong ngôi nhà cấp bốn xập xệ, không tiện nghi, đi đâu vẫn cuốc bộ hoặc xe ôm, xe bus, vẫn lầm lũi cơm bụi, chè chén, trước sau vẫn chỉ là một ông giáo cử nhân bình thường, nhưng lại luôn nhận được sự trọng nể, yêu quí của đồng nghiệp và của học trò.

Tôi nghĩ, có lẽ những điều đó mới thật sự là phần thưởng giá trị, là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất với một người thầy, một nhà nghiên cứu.

Huy Thắng
.
.