Nhà nghiên cứu Trần Mạnh Thường: Con tằm rút ruột nhả tơ

Thứ Sáu, 08/03/2019, 08:22
Anh em tôi thường trêu đùa ông tên Thường nhưng chẳng thường tí nào, mà quá đặc biệt và siêu khác biệt so với chúng tôi. Ông là Trần Mạnh Thường. Cứ lâu lâu ông lại thông báo: Tớ vừa ra cuốn sách...


Vâng, với ông chuyện ra sách rất bình thường, cứ đều đều như gà đẻ trứng, mà là những quả trứng quý như vàng. Đến nay ông đã cho ra mắt bạn đọc hơn 40 đầu sách, từ các sách viết như nghiên cứu, khảo luận, lý luận phê bình nhiếp ảnh đến sách ảnh, sách biên soạn v.v... Điều đặc biệt là trong số 40 đầu sách đó có tới 6 đầu sách được lưu giữ trong Thư viện Quốc hội Mỹ ở Wahington DC.

Biết được điều đó bởi lần mấy anh em chúng tôi sang thăm nước Mỹ dịp tháng 3 năm 2008 để tham dự Lễ hội hoa Anh đào ở Thủ đô Washington, đến thăm Thư viện Quốc hội Mỹ thì tình cờ phát hiện ra. Chắc sách phải có tầm cỡ giá trị thế nào mới được lưu giữ trong Thư viện Quốc hội của một nước tư bản hùng cường như nước Mỹ.

Được đào tạo nhiếp ảnh ở CHDC Đức (cũ), nay là CHLB Đức, tốt nghiệp về nước ông hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, sau một thời gian chuyển sang lĩnh vực xuất bản và nhiếp ảnh rồi trở thành hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh trong số rất hiếm hoi các nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh có tước hiệu (hẳn hoi) do Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam chính thức phong tặng.

Buổi ra mắt sách của nhà nghiên cứu Trần Mạnh Thường.

Thông thạo tiếng Đức và tiếng Anh, ông làm công tác biên tập ở NXB Văn hóa suốt từ năm 1966 đến khi nghỉ hưu (2000) là chặng đường Mạnh Thường khẳng định danh hiệu nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh; cũng là quá trình âm thầm tích lũy, học hỏi để phát sáng một khả năng sáng tạo và làm sách phong phú, có độ chín, chiều sâu.

Hoạt động nhiếp ảnh nhưng ông yêu và say mê văn học nghệ thuật.  Chuyện làm sách văn chương, văn hóa nghệ thuật của nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường cũng có căn nguyên của nó. Trần Mạnh Thường sinh ra ở dải đất hẹp nhất Tổ quốc nhưng lại rất giàu truyền thống và có tiếng về sự học; đó là xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình (ông là họ hàng bên ngoại với Đại tướng Võ Nguyên Giáp).

Chẳng biết từ bao giờ ông âm thầm đọc, nghiên cứu, sưu tầm tra cứu, đối chiếu các tài liệu, gạn lọc biên soạn để năm 2004 ông cho ra mắt bộ sách “Từ điển tác giả văn học Việt Nam”. Sau đó, trên cơ sở cuốn sách này, ông xây dựng bộ sách đồ sộ mang tựa đề “Các tác giả văn chương Việt Nam” 2 tập, mỗi tập 1.600 trang với những phác thảo về chân dung, sự nghiệp sáng tạo của gần 2.000 nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình, nhà dịch thuật văn học, kịch tác gia… bắt đầu từ thời nhà Đinh, tiền Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn đến ngày nay.

Quan điểm làm sách của Trần Mạnh Thường rõ ràng: “Tôi không phải là một nhà nghiên cứu, phê bình văn học chuyên nghiệp. Tôi không chịu bởi một áp lực nào cả. Tôi chỉ đối mặt với tư liệu, tư liệu và tư liệu… cố gắng thực hiện cho được ý tưởng mà tôi yêu thích”.

Và bộ sách thật may mắn đã được Trần Mạnh Thường thực hiện mà “trong đó có cả người Việt xa xứ hiện đang định cư ở nước ngoài ngày nay họ đang hướng về cội nguồn dân tộc, góp một phần công sức vào kho tàng văn học Việt Nam”.

Gần 2.000 tác giả văn chương Việt Nam được lần lượt giới thiệu theo trình tự chữ cái a,b,c… Đặc biệt ở cuối mỗi tập, ngoài tổng mục lục tác giả, còn phụ lục sắp xếp khoa học theo từng lĩnh vực sáng tác như: Nhà văn, nhà thơ, dịch thuật, lý luận phê bình, kịch tác gia… phụ lục tác giả xếp theo quê quán. Sự biên soạn này thuận lợi cho việc tra cứu, nghiên cứu của sinh viên, những người nghiên cứu hay bất cứ bạn đọc yêu thích văn chương nào có nhu cầu tìm hiểu.            

Để hoàn thành bộ sách, Trần Mạnh Thường đã bỏ ra khoảng trên mười năm vừa làm công tác tư liệu, vừa đi mọi vùng miền của đất nước, gặp gỡ nhiều nhà văn, nhà thơ để trao đổi, tìm hiểu và có những tư liệu chính xác nhất về từng người. Phải nói đây là một công trình khoa học có quy mô về các tác giả văn chương Việt Nam.

Khi ra mắt cuốn sách này, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trong bài phát biểu đã phải thốt lên “Tôi rất ngạc nhiên và phải cảm ơn ông vì đã làm được cái việc mà cả Hội Nhà văn chúng tôi chưa ai làm được”. Và trong Lời tựa bộ sách, nhà thơ Hữu Thỉnh đã viết: Bộ sách “Tác giả văn chương Việt Nam” gồm hai tập, là những phác thảo đậm nét chân dung các nhà văn của anh, với những tư liệu khá đầy đủ và lý thú về cuộc đời và sự nghiệp của các nhà văn.

Công phu sưu tập, khả năng tiếp cận và xử lý thông tin của anh khá nhanh, nhuần nhuyễn và tinh tế. Những tư liệu quý báu đó giúp bạn đọc hiểu sâu thêm thế giới rộng lớn phía sau tác phẩm. Đó là chữ ở ngoài chữ, lời ở ngoài lời, giúp họ hoàn thiện bức chân dung tinh thần đối với các nhà văn mà họ yêu thích…. Đây là việc làm đầy công phu, thể hiện đầy đủ tình yêu văn chương và trách nhiệm cao trước bạn đọc của Trần Mạnh Thường” (Hà Nội ngày 2 tháng 2 năm 2015). 

Nhiều cuốn sách với nhiều thể loại ông cho ra mắt từ những năm 2000 như: “Những di sản nổi tiếng thế giới”, “Danh nhân thế giới”, sách “Những kiến thức cơ bản của nhiếp ảnh”, “Nhiếp ảnh và cuộc sống”, “Lý luận phê bình nhiếp ảnh”... trong đó có những cuốn được tái bản nhiều lần. Cứ đều đặn như vậy tựa như con gà đẻ trứng vàng... qua các năm ông đều đều cho ra mắt các tập sách mới được độc giả đón nhận.

Nhà nghiên cứu Trần Mạnh Thường ký tặng sách bạn đọc.

Để có được kết quả như vậy, ngoài việc cần mẫn viết với một trí lực dồi dào sung mãn, ông còn đi rất nhiều, đi để trải nghiệm và thu nạp vốn sống thực tế. Ông đã đi hầu khắp 63 tỉnh, thành trong nước, không vùng miền nào không có dấu chân ông trong thời bình cũng như trong các cuộc chiến tranh chống Mỹ, chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc vào những giai đoạn và thời kỳ khốc liệt nhất. Chính ông là người đã chụp bức hình quân dân ta "bắt sống" xe tăng Trung Quốc xâm lược.

Và một bức ảnh khác rất nổi tiếng, đó là bức ảnh một nữ chiến sỹ bộ đội Việt Nam trên đường hành quân lên biên giới đã cứu sống và bế trên tay một bé gái đang khát sữa gào khóc bên xác người mẹ bị quân xâm lược Trung Quốc giết trên tuyến biên giới. Bức ảnh đã làm lay động lòng người có lương tri trong nước và quốc tế, tố cáo tội ác quân xâm lược.

Nay tuổi đã cao ngoài “bát thập” ông vẫn hăng say lên đường sáng tác. Tác giả bài viết này đã nhiều lần cùng ông rong ruổi trong chuyến đi thực tế để sáng tác, những chuyến đi xuyên Việt. Tuổi cao nhưng ông vẫn khỏe, cân quắc, mắt vẫn tinh tường; đôi lúc cảm tưởng như sức vóc và tinh thần của ông so ra còn hơn cả lứa tuổi “lục tuần”, “thất thập” của anh em chúng tôi.

Trong một chuyến đi xuyên Việt cách nay vài năm, ông giành phần cầm lái suốt “chặng đi chặng về” (không cho ai thay lái) vòng qua các tỉnh miền Tây, trở lại TP Hồ Chí Minh, lên cao nguyên Lâm Viên, Tây Nguyên rồi trở ra Bắc, tính ra tất cả hơn 5.000km. Nếu không có một sự cố nho nhỏ, chắc ông sẽ là người đạt kỷ lục Việt Nam: “Người cao tuổi nhất lái xe xuyên Việt chặng đường 5.000km”.

Lần này ông ra mắt cuốn sách ảnh “Những nẻo đường tôi qua” tại Trung tâm lưu trữ ảnh nghệ thuật Việt Nam của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Cuốn sách ảnh là tập hợp các hình ảnh đất nước con người, phong cảnh đẹp nổi tiếng của trên 20 nước trong số 40 nước ông đã đi qua khắp 5 châu.

Ông tuyên bố sau lần ra mắt cuốn sách này ông sẽ “rửa tay gác kiếm” (không đi chụp ảnh, không viết lách, xuất bản... gì nữa). Nhưng với “máu nghệ sỹ” đam mê, say nghề cộng với thể lực tinh thần, trí tuệ sung mãn, tôi chắc rằng ông sẽ không giữ được “lời nguyền” ấy. Bởi vì... tôi bật mí với các bạn, mới đây ông còn rỉ tai tôi: "Tháng Ba tháng Tư này mấy anh em mình đi một chuyến Campuchia bằng đường bộ nhé. Thời tiết mùa này bên đó... Đẹp lắm!”.

Hà Nội, 2-3-2019

Cao Phong
.
.