Nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn: Ký ức không “niêm phong

Thứ Sáu, 22/11/2019, 07:49
Cố Thủ tướng - nhà văn hóa Phạm Văn Đồng từng nói: "Nghề sư phạm trước hết cần mô phạm". Nói chuyện với Nguyễn Trọng Hoàn, tôi thấy phảng phất tinh thần "mô phạm".


Văn đàn, thời nào cũng vậy, có nhiều nhà giáo làm thơ, nhà thơ trưởng thành trong môi trường giáo dục, nhà trường đóng góp cho thi đàn nhiều nhà thơ tên tuổi. Nghề dạy học tự thân đẹp đẽ, thiêng liêng, cao quý và dường như có sự tương đồng những chuẩn mực, nhân văn mà thi ca đích thực hướng tới, cho nên điều này cũng không có gì lạ.

Cố Thủ tướng - nhà văn hóa Phạm Văn Đồng từng nói: "Nghề sư phạm trước hết cần mô phạm". Nói chuyện với Nguyễn Trọng Hoàn, tôi thấy phảng phất tinh thần "mô phạm".

Nguyễn Trọng Hoàn là một thầy giáo thâm niên và là nhà thơ đa tài. Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội, anh tham gia giảng dạy, làm công tác quản lý giáo dục, đồng thời sáng tác thơ, văn xuôi, viết kịch bản phim, nghiên cứu phê bình văn học... 

Nhưng độc giả biết tới anh nhiều hơn cả với tư cách nhà thơ. Thơ Nguyễn Trọng Hoàn trữ tình, tinh tế và duy mỹ. Anh có nhiều bài thơ hay gắn với những địa danh cụ thể, chứng tỏ sức đi, sức viết với ý thức nghề nghiệp cao, "tình chung thủy" với nàng thơ; thậm chí với quá vãng, với hoài niệm.

Thuở còn chưa biết đọc
đắng ngọt cũng chưa từng
những vô tư cười khóc
giọt huyền cầm rưng rưng

(Huyền cầm)

Nguyễn Trọng Hoàn có khuôn mặt của chiêm nghiệm, suy tư. Anh ít tuổi hơn tôi nhưng tính cách trầm lắng, có lẽ bắt nguồn từ nghề nhà giáo nghiêm cẩn. Tôi đã từng đến Ân Thi - Hưng Yên quê anh, thuở còn phơi phới. Đó là vùng lúa xanh đến xốn xang của châu thổ sông Hồng. Đồng đất mỡ màu, ngọt đòng đòng sinh ra một nhà thơ đa tài. Anh đến với thơ khá sớm, ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế phổ thông ở quê nhà. Người ta biết đến Nguyễn Trọng Hoàn cũng với tư cách "đa thể loại".

Nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn.

Cho đến nay Nguyễn Trọng Hoàn đã công bố 11 tác phẩm "Sắc cỏ tình yêu" (1990), "Và em khi ấy" (1994), "Thả diều" (1997), "Huyền cầm" (1998), "Gió và nhớ" (1999), "Màu áo thuở ban đầu" (2000), "Ngẫu cảm" (2002), "Tam ca" (2007), "Cánh diều khao khát" (2012), "Bến quê" (2012), "Năng lượng của sự có mặt" (2016) và tác phẩm phê bình văn học có tên "Năng lượng của văn chương" (2018)...

Trong 11 tác phẩm thơ (có 2 tập in chung), Nguyễn Trọng Hoàn viết cho thiếu nhi là "Thả diều" và "Cánh diều khao khát". Còn tập mới nhất năm 2019 thì Nguyễn Trọng Hoàn bảo đang trong nhà in. Như vậy là "đủ con giáp" tác phẩm.

Anh cũng từng đoạt nhiều giải thưởng văn chương, dẫu khiêm tốn nhưng không ít tự hào. Đó là Giải A về thơ cuộc thi sáng tác văn học đề tài nhà trường (1989), Giải thưởng cuộc thi Thơ hay về biển (1991), Giải thưởng thơ cuộc thi sáng tác văn học cho trẻ em (1997), Giải thưởng thơ Tài hoa trẻ (1999).

Nghệ thuật thơ là nghệ thuật của ngôn từ và hình tượng, Nguyễn Trọng Hoàn rất coi trọng yếu tố này, anh trăn trở, vất vả suốt một hành trình sáng tạo, từ khi anh đến với thơ:

Những con chữ căng ta ra như sắp đứt dây đàn
lại mê hoặc lại cồn cào cơn khát
Những con chữ vô ưu chứa lửa nồng nàn
cho nghìn tuổi rồi bắt ta trẻ dạ
i.

(Phiêu cùng con chữ)

Văn chương là một thứ đạo, không hề ép uổng mà tín đồ cổ kim đông tây cứ lăn xả vào, đắc đạo chả có là bao mà thiêu thân thì chất thành gò thành đống. Vậy thì phải có yếu tố gì để người ta mê đắm chứ? Nhiều người đã lý giải điều này nhưng vẫn mơ hồ, ít thuyết phục.

May quá, mấy câu thơ trên, Nguyễn Trọng Hoàn đã góp phần lý giải, tôi cho là khá thuyết phục, "những con chữ căng ta ra", "mê hoặc", bắt ta "cồn cào cơn khát" thì cực nhọc và khổ sở thật; nhưng cuối cùng lại sáng bừng một phép thuật kỳ diệu: "cho nghìn tuổi rồi bắt ta trẻ dại". Câu thơ là một khám phá mang tên Nguyễn Trọng Hoàn.

Nếu "trẻ lại" thì là người hiểu biết bình thường, cũng quý lắm; nhưng ở đây "trẻ dại" thì đúng là nhà thơ. Nhà thơ cần có chất "dại" chứ khôn quá thì hết thơ. Ôi, được "nghìn tuổi" rồi được "trẻ dại" thì đã quá còn gì sung sướng bằng. Được như thế, dẫu có chết vì cái đạo này thì cũng đáng lắm chứ! Điều này thì người ngoại đạo khó hình dung ra.

Trong "gia tài thơ" cho đến hiện nay của Nguyễn Trọng Hoàn, ngoài mảng thơ viết cho thiếu nhi, tôi thấy anh nặng về "khối tình" - chữ của "ông hoàng thơ tình" Xuân Diệu. Đúng thôi, Nguyễn Trọng Hoàn thuộc tuyp tâm hồn lãng đãng. Trong "Ngẫu cảm", Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2002, có 3 "ngẫu cảm", trong "Gió và nhớ", Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 1999 có 3 bài "Gió và nhớ"... Nguyễn Trọng Hoàn luôn mê đắm với cái thứ huyễn hoặc.

Sáng tác của Nguyễn Trọng Hoàn có thiên hướng hoài niệm. Hoài niệm thời gian, hoài niệm quá vãng, người đọc dễ nhận ra trong tâm hồn anh những suy tư. Tôi thích những hoài niệm vì thế "Hôm qua" của Nguyễn Trọng Hoàn không chỉ là tiếng nói tâm thức:

Và chúng ta đã đi trong mây đi trong mơ đi ngây thơ trên những cội cằn đầm đìa dự cảm
Và chúng ta đi trong sương đi trong hương và dìu dặt thanh âm
Lúc ấy chúng ta không thấy nhau
Mà sau này khác rồi mới thấy

Anh đã ru, nhiều điều không chịu ngủ
Dù biết rằng kí ức đã niêm phong.

(Hôm qua)

Câu nói rất cũ "văn là người" ứng với Nguyễn Trọng Hoàn. Người đọc dễ nhận ra Nguyễn Trọng Hoàn qua thơ anh. Ít ồn ào, lắng đọng. Anh tâm niệm sống hết mình, đam mê hết mình. Nếu nói như nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đời là "quán trọ" thì tội gì không đam mê, không hết mình?

Nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn là người chịu đọc. Gặp anh bao giờ cũng thấy khệ nệ chiếc cặp to đùng. Trong đó, tất nhiên không thiếu tác phẩm. "Tôi tuần nào cũng đọc vài ba tác phẩm", Nguyễn Trọng Hoàn nói. Anh bảo gần như anh là người tiêu tốn nhiều tiền taxi trong đồng lương hạn hẹp của một công chức hành chính. Nơi anh đến để vùi đầu vào sách, các đề tài nghiên cứu lại chính là phòng làm việc của anh ở cơ quan Bộ. Hầu như thứ bảy, chủ nhật alo Nguyễn Trọng Hoàn bia bọt, đều nhận được câu trả lời anh đang ở cơ quan. "Ở đó yên tĩnh, không ai quấy rầy", Nguyễn Trọng Hoàn cười.

Tiểu luận phê bình "Năng lượng của văn chương", tác phẩm mới nhất của nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn có 2 phần. Phần một: Hình dung tác phẩm, tập hợp những phác thảo chân dung qua cảm nhận cuộc đời và sự nghiệp của các nhà văn, nhà thơ như Nguyễn Bính, Nguyễn Minh Châu, Xuân Quỳnh, Ngô Ngọc Bội, Định Hải, Hoàng Cầm, Nguyễn Khoa Điềm, Y Phương; trao đổi chuyện văn, chuyện học của nhà thơ Trần Đăng Khoa, Thanh Thảo. Phần hai: Tiếp cận tác phẩm. Tiếp cận một số tác phẩm tiêu biểu của văn học Việt Nam và nước ngoài - trong đó có những tác phẩm thuộc chương trình Ngữ văn ở nhà trường phổ thông.

Nói như thế để thấy, nhà thơ, thầy giáo Nguyễn Trọng Hoàn luôn "trằn mình" trên tác phẩm, ngụp lặn vào cuộc đời. "Thực tiễn đa dạng của đời sống cũng như sự phong phú về phương diện, nguồn tư liệu hiện nay đã giúp cho người đọc có nhiều điều kiện hơn để khai thác các giá trị văn chương từ nhiều bình diện", anh lý giải và tuyên ngôn "Đọc có phải là cái đích cuối cùng của hoạt động nhận thức? Hay đọc là động thái mở cửa, bước lên một tầm bệ phóng,... bởi đọc bao giờ cũng gắn liền với tưởng tượng", Nguyễn Trọng Hoàn luôn "lý sự" với chính mình.

Tiếp cận với chính tác giả Nguyễn Trọng Hoàn, người đọc bây giờ được truyền "cảm hứng", không lo vơi vãi văn hóa đọc nếu ngộ ra đọc và phương pháp.

Là nhà giáo nên Tiến sỹ Nguyễn Trọng Hoàn có những thành công đáng mừng về mảng thơ viết cho thiếu nhi. Có lẽ ngoài tài năng, trái tim biết yêu thương con trẻ, anh cũng có một tuổi thơ lam lũ. Không phải tự nhiên khi nhận định về tập thơ "Cánh diều khao khát", năm 2012 nhà thơ Định Hải không ngần ngại: "Đó là những vần thơ chắp cánh cho tâm hồn trẻ em bay lên". Nguyễn Trọng Hoàn từng được UNICEF tặng giải đặc biệt về chùm thơ viết cho thiếu nhi.

Dù mảng thơ nào thì Nguyễn Trọng Hoàn cũng thể hiện một con người tinh tế và nhạy cảm. Thơ và đời luôn vậy. Tôi ấn tượng mãi với Nguyễn Trọng Hoàn không chỉ ở vẻ đẹp mượt mà, vẻ đẹp của trăn trở trong thơ anh mà cả sự "mô phạm" giữa đời thường. Anh luôn tìm kiếm và biết tiếp nối.

Điều này giải thích vì sao nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn ngoài sáng tác vẫn miệt mài nghiên cứu từ những bài thơ cụ thể đến cả sự nghiệp thơ của thế hệ nhà thơ cha anh như Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Nguyễn Khoa Điềm....với tất cả sự trân trọng. Quá khứ, hiện tại, tương lai luôn có mối liên hệ không chỉ về tâm thức.

Nghiêng một đường ray khái niệm của ngôn từ
niềm tin bấp bênh nguy cơ rớt giá
nhiều điều nghe tưởng quen mà lạ
có những ngày chưa kịp cháy lên

              (Ngẫu cảm 1)

Nguyễn Trọng Hoàn là "khuôn mặt" dâng hiến và đắm say, nhưng thơ anh có nhiều góc chiếu. Ngay mấy câu thơ trong "Ngẫu cảm 1" cho thấy một Nguyễn Trọng Hoàn luôn lo lắng, thao thức. Người đọc có thể ngẫm, ngộ nhiều chiều qua thơ anh.

Ngô Đức Hành
.
.