Nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Ngọc Ký: Những trang đời cũ và cuốn tự truyện mới
Năm 1968, khi Nguyễn Ngọc Ký vừa bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội thì cuốn sách tự truyện "Những năm tháng không thể nào quên" của ông viết về những năm tháng tuổi thơ ông sống ở quê hương Hải Hậu, Nam Định được xuất bản. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, cuốn sách đã vinh hạnh được đưa một trích đoạn vào chương trình văn tiểu học. Và ông, tác giả của cuốn sách, một người bị liệt hai tay từ nhỏ, mọi hoạt động đều phải sử dụng đôi chân đã trở thành một cái tên rất đáng yêu đối với đông đảo người yêu văn học, nhất là những độc giả độc giả tuổi học trò.
Từ bấy đến nay, cuốn sách đã được tái bản nhiều lần, dưới tiêu đề "Tôi đi học". Kể từ đây, Nguyễn Ngọc Ký chuyên tâm sáng tác thơ cho thiếu nhi và trở thành một trong những nhà thơ được bạn đọc nhỏ tuổi yêu quý. Cứ tưởng ông đã "yên bề" với lĩnh vực đã thành phong cách riêng đó, dè đâu, năm 2013 này ông lại quay trở về với thể loại tự truyện. Cách đây ít hôm, từ Tp HCM, ông điện thoại cho tôi, "bật mí" rằng ông vừa viết xong bản thảo cuốn tự truyện thứ hai, tên là "Tôi học đại học". Ông viết nó trong thời kỳ rất khó khăn về sức khỏe: Đã hai năm nay, cứ một tuần ba lần Nguyễn Ngọc Ký lại phải vào Bệnh viện 175 để chạy thận. Mỗi lần từ bệnh viện trở về nhà, ông lại ngồi ngay vào bàn viết, ngõ hầu tranh thủ lúc thân thể vừa được thanh lọc máu xong, còn đang có chút sung mãn để viết. Ông nói, trước khi đưa bản thảo đến nhà xuất bản, ông muốn một số người thân thiết, trong đó có tôi, đọc và cho biết đôi điều cảm nhận.
- Rất có khả năng thời gian tới mình phải ra Hà Nội thay thận, việc này không thể nói là không đáng ngại, cho nên mình muốn hoàn thành bản thảo đưa in càng sớm càng hay!
Ông đã nói đến thế, dù đang rất bận việc gia đình, tôi đâu nỡ bỏ qua lời đề nghị của ông! Vậy là ngay tối hôm ấy, Nguyễn Ngọc Ký đã chuyển bản thảo qua đường internet đến hộp thư điện tử của tôi. Và suốt ba ngày qua, tôi ngồi lỳ bên máy tính đọc tập bản thảo 230 trang A4 ấy.
Không mang ý đồ dựa vào tư liệu có thật rồi sáng tạo thành một tiểu thuyết, đặt ra một vấn đề gì đó to tát, Nguyễn Ngọc Ký viết "Tôi học đại học" bằng thể tự truyện, hầu như ông trung thành tuyệt đối với hiện thực mà ông trải nghiệm. Nói cách khác, ông ghi lại trung thực những gì đáng nhớ diễn ra xung quanh cuộc sống của ông trong 4 năm học đại học. Viết thể loại này, cuốn sách hay dở thế nào, ngoài khả năng của ngòi bút thì còn phụ thuộc rất nhiều vào chất liệu đời sống nữa. Chất liệu đời sống tẻ nhạt thì văn cũng khó hay. Mà chất liệu đời sống những năm tháng Nguyễn Ngọc Ký học đại học thì còn gì ngoài chuyện trường lớp, thầy trò, bạn bè ? Vâng, đúng là chỉ xoay quanh ngần ấy chuyện thôi mà dưới góc nhìn của Nguyễn Ngọc Ký đã có bao nhiêu điều để kể. Chuyện thời chiến, trường đi sơ tán nơi miền núi, thầy trò cũng trải qua những gian khổ không khác gì những người lính trên thao trường. Chính nơi này đã thử thách tôi luyện cho những phẩm chất người tỏa sáng. Suốt bốn năm học, Nguyễn Ngọc Ký đã được đùm bọc, tắm táp trong cái tập thể đậm đặc tính nhân văn ấy. Những trang văn trang trọng thành kính nhất, ông viết về những người thầy. Thầy Hiệu trưởng Ngụy Như Kon Tum uy nghiêm mà dễ gần. Thầy Hiệu phó Diệp Tư vẫn giữ tác phong như một vị sĩ quan quân đội ngày nào. Rồi các thầy Hoàng Như Mai, Hoàng Xuân Nhị, Bùi Ngọc Trác, Nguyễn Sơn…mỗi thầy một vẻ, nhưng đều giống nhau ở một phẩm chất yêu nghề, thương yêu học trò, nhất là với một sinh viên tật nguyền mà học giỏi toàn diện như Nguyễn Ngọc Ký thì các thầy chăm chút coi như con vậy. Kể cả những thầy cô thời cấp ba Hải Hậu, Nguyễn Ngọc Ký cũng không quên một ai. Những người bạn mới nơi giảng đường đại học thì ai cũng để lại trong lòng Ký những kỷ niệm không thể quên.
Nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Ngọc Ký viết tự truyện "Tôi học đại học". |
Trong tự truyện Nguyễn Ngọc Ký có nhắc đến một số người dân đã góp phần giúp ông vượt qua những khó khăn, bước trên đường đời hanh thông hơn như bác Tài Chúc ở phố Quán Sứ - Hà Nội, bác Dần ở ngôi làng nơi sơ tán có tên Tràng Dương, cô Thu Hằng ở Bối Khê - Hà Đông…vv…
Vừa vui vừa xúc động, ấy là chuyện sinh viên ở nơi sơ tán bị ghẻ đầy người. Nguyễn Ngọc Ký bị liệt đôi tay, ông đã phải ứng xử với những con ghẻ khó khăn như thế nào. Chuyện sinh viên xa nhà ăn tết tại trường, chuyện chia tay cuối năm học…thật cảm động. Và nổi bật trên hết, xuyên suốt cuốn sách ấy là chuyện họ học hành như thế nào. Ngôi trường của họ chỉ là những nếp nhà mái tranh nứa, tường đất, nhưng với họ nó tôn nghiêm như một thánh đường. Họ coi Lép Tônxtôi, Mácxim Gorky, Sêkhốp… là những vị thần có phép nhiệm màu. Trong một khóa học mà bốn lần Nguyễn Ngọc Ký phải đi bệnh viện. Nhưng trên giường bệnh, Ký vẫn nằm nghiêng úp mặt vào tường mà đọc sách. Nhờ thế, lực học của ông không hề bị sút kém.
Nguyễn Ngọc Ký cũng không quên kể về những kỷ niệm với một số nhà văn, nhà thơ có quan hệ đến những trang viết đầu đời của ông như Nguyên Hồng, Phạm Hổ, Võ Quảng, Định Hải, Vân Thanh, Phan Xê, Thi Ngọc…
"Tôi học đại học" thực sự là những trang văn nặng nghĩa, nặng tình.
Khi đọc bản thảo cuốn sách, tôi có chút băn khoăn rằng, những chuyện ở trong đó xảy ra cách nay đã hơn 45 năm, vậy mà sao Nguyễn Ngọc Ký lại nhớ đến từng chi tiết nhỏ như vậy? Tôi gửi thư qua email thì được ông gửi email trả lời: "Cuốn tự truyện này mình đã khởi viết từ ngày vừa về quê dạy học 1970 theo yêu cầu gợi ý của NXB Thanh niên. Nhưng rồi việc dạy học cuốn hút nên chỉ viết nhảy cóc sơ sơ mấy đoạn rồi dừng. Lúc nào có thời gian đem ra đọc lại rồi viết tiếp. Vì chưa có vi tính nên việc viết những năm tháng ấy thật vất vả, công phu lắm. Rất nhiều chỗ viết rồi bỏ, viết rồi xé, rồi viết lại. Khi vào Sài Gòn, mình mang theo 10 cuốn nhật ký cùng tập bản thảo nhàu nhĩ chừng dăm bảy chục trang.. Một ngày kia bà giúp việc tưởng mớ giấy lộn liền đem bán hết cho ve chai. Mình bàng hoàng đứt ruột. Nhưng biết sao được. Đành cắn răng kiên trì ngồi viết lại. May mà có vi tính hỗ trợ nên việc viết phần nào đỡ cực hơn. Nhìn chung Ký viết rất chậm. Có dịp cả tuần mới viết được vài trang. Rồi bệnh suy thận phải lọc máu khiến sức khỏe suy giảm nghiêm trọng, đôi lúc tưởng phải dừng ngang. Rồi được bạn bè động viên, thầy Hoàng Như Mai góp ý, an ủi lại được Công ty sách SÁNG TẠO TRÍ VIÊåT hối thúc viết cho chủ đề HẠT GIỐNG TÂM HỒN mình mới gắng hoàn thành. Quay nhìn cuộc hành trình 43 năm giờ mới thở phào: nhọc nhằn vô chừng mà vui mừng cũng hết nói".
Những chuyện về cuộc đời, gia đình, học hành của Nguyễn Ngọc Ký thì nhiều báo đã viết. Tôi chỉ muốn nhân đây kể một vài kỷ niệm nhỏ giữa tôi và ông.
Tôi gặp ông vào năm 1987, khi tôi vừa chuyển ngành từ Bộ Tư lệnh Hải Quân về Hội Văn học nghệ thuật Hà Nam Ninh, giữ một cương vị quản lý Hội. Tôi gặp ông đúng vào cái lúc ông đang gặp một chuyện rất buồn. Trong một cuộc hội ngộ, theo lời đề nghị của bạn bè, Nguyễn Ngọc Ký có đọc một bài thơ mang tính thù tạc, tao ngộ, giao lưu. Vậy rồi chẳng hiểu có kẻ nào chép được bài thơ ấy đưa đi trình cấp trên, nói rằng bài thơ "có vấn đề". Cũng có những người muốn làm to chuyện. Nhưng thật may, ngày ấy bạn tốt của Nguyễn Ngọc Ký còn nhiều, họ lên tiếng bảo vệ nên "vụ án văn chương" đã không xảy ra.
Đấy cũng là những ngày tháng mà cuộc sống của Nguyễn Ngọc Ký gặp rất nhiều gian nan. Nhưng vì nhiều lẽ mà Nguyễn Ngọc Ký vẫn phải bỏ tiền túi in tập thơ "Chú nhện chơi đu". Sách in xong mới biết, ngoài thị trường bây giờ người ta đã bắt đầu lạnh nhạt với thơ. Thế là tôi và Nguyễn Ngọc Ký, mỗi người đeo một túi "Chú nhện chơi đu" bước sấp bước ngửa đi đến các trường học. Tôi sắm vai MC quảng bá, tiếp thị giúp ông, cuối cùng cũng bán được kha khá, thu hồi được vốn, lãi tí chút đủ làm bữa liên hoan nhẹ. Kể những kỷ niệm này tôi không ngoài mục đích muốn nói rằng cái việc cơm áo, cái nghiệp chướng văn chương nó không chừa ai, kể cả người tật nguyền hiền lành, nhân hậu như Nguyễn Ngọc Ký.
Cái hôm tiễn chân ông vào Nam, tôi không yên tâm lắm. Đường xa, dặm thẳm. Ông đã yếu ớt lại phải kéo theo bầu đoàn thê tử đông đúc. Vào cái thành phố tiêu tiền ngồn ngộn ấy rồi sẽ sống thế nào? Nhưng bây giờ, sau hơn hai mươi năm, tôi thấy sự lựa chọn một cuộc thiên di muộn mằn tuy có vất vả nhưng không thể nói là sai lầm. Ông đã được nhiều thế hệ giáo giới và học sinh trong ấy dang rộng vòng tay đón tiếp và che chở. Ông cũng đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, trở thành nhà giáo ưu tú. Các con ông đều trưởng thành. Cuộc đời ông, đúng là một cuộc đời đẹp.
Hà Nội, tháng7/2013